Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG AN -
BỘ QUỐC PHÒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/2016/TTLT-BCA-BQP

Hà Nội, ngày 24 tháng 6 năm 2016

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN VIỆC NHẬP CẢNH, XUẤT CẢNH, CƯ TRÚ CỦA NGƯỜI NƯỚC NGOÀI VÀ KIỂM TRA, KIỂM SOÁT, GIÁM SÁT PHƯƠNG TIỆN VẬN TẢI HÀNG HÓA NƯỚC NGOÀI VÀO, RA KHU KINH TẾ CỬA KHẨU VÀ CẢNG BIỂN THUỘC KHU KINH TẾ

Căn cứ Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế và Nghị định số 164/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế;

Căn cứ Nghị định số 106/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Căn cứ Nghị định số 35/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng,

Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn việc nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài và kiểm tra, kiểm soát, giám sát phương tiện vận tải hàng hóa nước ngoài vào, ra khu kinh tế cửa khẩu và cảng biển thuộc khu kinh tế như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn việc kiểm tra, kiểm soát nhập cảnh, xuất cảnh, quản lý cư trú của người nước ngoài, cấp thị thực, cấp giấy phép tham quan cho người nước ngoài tại khu kinh tế cửa khẩu; kiểm tra, kiểm soát, giám sát phương tiện vận tải hàng hóa nước ngoài vào, ra khu kinh tế cửa khẩu và cảng biển thuộc khu kinh tế.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Thông tư này áp dụng đối với người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại khu kinh tế cửa khẩu; phương tiện vận tải hàng hóa nước ngoài vào, ra khu kinh tế cửa khẩu và cảng biển thuộc khu kinh tế; cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.

2. Thông tư này không áp dụng đối với người nước ngoài nhập cảnh vào khu kinh tế cửa khẩu có thị thực do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc nhập cảnh theo diện miễn thị thực đơn phương của Việt Nam; người nước ngoài nhập cảnh được miễn thị thực theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Điều 3. Điều kiện nhập cảnh, xuất cảnh tại khu kinh tế cửa khẩu

1. Người nước ngoài nhập cảnh vào khu kinh tế cửa khẩu phải có một trong các giấy tờ sau:

a) Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế hợp lệ còn thời hạn ít nhất 06 tháng;

b) Giấy thông hành biên giới hợp lệ và các giấy tờ hợp lệ khác theo quy định của pháp luật phù hợp với điều ước quốc tế giữa Việt Nam với các nước láng giềng còn thời hạn ít nhất 45 ngày.

2. Người nước ngoài không thuộc trường hợp “chưa cho nhập cảnh”, “tạm hoãn xuất cảnh” quy định tại các Điều 21, 28 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 4. Nguyên tắc nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại khu kinh tế cửa khẩu

1. Người nước ngoài nhập cảnh vào khu kinh tế cửa khẩu được tạm trú không quá 15 ngày.

2. Người nước ngoài được tạm trú ở cơ sở lưu trú tại khu kinh tế cửa khẩu trừ khu vực cấm, khu vực tạm dừng các hoạt động trong khu vực biên giới đất liền hoặc vùng cấm, khu vực hạn chế hoạt động trong khu vực biên giới biển.

3. Đối với công dân Trung Quốc sử dụng hộ chiếu phổ thông điện tử thực hiện theo hướng dẫn riêng của Bộ Công an.

4. Người nước ngoài nhập cảnh khu kinh tế cửa khẩu nào được đóng dấu khu kinh tế cửa khẩu đó (thực hiện theo mẫu số 01/KC ban hành kèm theo Thông tư này).

5. Người nước ngoài sử dụng hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế thuộc diện đối tượng nêu tại Thông tư này, đang tạm trú tại khu kinh tế cửa khẩu nếu có nhu cầu đi du lịch ra khu vực khác của Việt Nam phải được doanh nghiệp lữ hành quốc tế của Việt Nam bảo lãnh làm thủ tục với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an xét cấp thị thực.

6. Người nước ngoài sử dụng giấy thông hành biên giới hoặc giấy tờ khác nêu tại Khoản 1 Điều 3 nhập cảnh nếu có nhu cầu đi đến các địa điểm khác trong tỉnh có khu kinh tế cửa khẩu phải được doanh nghiệp lữ hành quốc tế của Việt Nam bảo lãnh làm thủ tục với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an xét cấp giấy phép tham quan (thực hiện theo mẫu số 03/GP ban hành kèm theo Thông tư này). Không giải quyết cho tham quan du lịch các địa phương khác trong nội địa Việt Nam.

Chương II

KIỂM TRA, KIỂM SOÁT NGƯỜI NƯỚC NGOÀI NHẬP CẢNH, XUẤT CẢNH VÀ QUẢN LÝ CƯ TRÚ TẠI KHU KINH TẾ CỬA KHẨU

Điều 5. Kiểm tra, kiểm soát người nước ngoài nhập cảnh tại khu kinh tế cửa khẩu

1. Đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu thực hiện việc kiểm tra

tính hợp lệ, hợp pháp của hộ chiếu, giấy tờ quy định tại Khoản 1 Điều 3 Thông tư này; đối chiếu ảnh và không thuộc trường hợp “chưa cho nhập cảnh” quy định tại Khoản 2 Điều 3 Thông tư này thì giải quyết nhập cảnh.

Trường hợp không đủ điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 3 Thông tư này thì lập biên bản, không giải quyết nhập cảnh và thực hiện những yêu cầu trong văn bản đăng ký “chưa cho nhập cảnh” (nếu có).

2. Đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh, cấp chứng nhận tạm trú 15 ngày và đóng dấu “KKT cửa khẩu…” vào hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế hoặc giấy thông hành biên giới; đối với công dân Trung Quốc sử dụng hộ chiếu phổ thông điện tử thực hiện theo hướng dẫn riêng của Bộ Công an.

Điều 6. Kiểm tra, kiểm soát người nước ngoài xuất cảnh tại khu kinh tế cửa khẩu

1. Đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu thực hiện việc kiểm tra tính hợp lệ, hợp pháp của hộ chiếu, giấy tờ quy định tại Khoản 1 Điều 3 Thông tư này; đối chiếu ảnh và không thuộc trường hợp “tạm hoãn xuất cảnh” quy định tại Khoản 2 Điều 3 Thông tư này thì giải quyết xuất cảnh.

Trường hợp không đủ điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 3 Thông tư này thì lập biên bản, không giải quyết xuất cảnh và thực hiện những yêu cầu trong văn bản đăng ký “tạm hoãn xuất cảnh” (nếu có). Trường hợp người nước ngoài quá thời hạn tạm trú thì lập biên bản, xử lý vi phạm hành chính và giải quyết xuất cảnh.

2. Đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu đóng dấu kiểm chứng xuất cảnh vào hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế hoặc giấy thông hành biên giới; đối với công dân Trung Quốc sử dụng hộ chiếu phổ thông điện tử thực hiện theo hướng dẫn riêng của Bộ Công an.

Điều 7. Việc khai báo tạm trú của người nước ngoài tại khu kinh tế cửa khẩu

1. Cơ sở lưu trú tại khu kinh tế cửa khẩu có trách nhiệm khai báo tạm trú cho người nước ngoài tạm trú trong thời hạn 12 giờ kể từ khi người nước ngoài đến cơ sở lưu trú.

2. Công an xã, phường, thị trấn tại khu kinh tế cửa khẩu, Đồn Công an khu kinh tế cửa khẩu tiếp nhận thông tin khai báo tạm trú của người nước ngoài từ cơ sở lưu trú và chuyển cho Trạm Quản lý xuất nhập cảnh tại khu kinh tế cửa khẩu trong ngày. Trạm Quản lý xuất nhập cảnh nhập dữ liệu người nước ngoài tạm trú tại khu kinh tế cửa khẩu chuyển ngay về Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh và thông báo cho Đồn Biên phòng nơi có cơ sở lưu trú. Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh thực hiện truyền thông tin tạm trú về cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh.

Điều 8. Nhập và chuyển thông tin nhập, xuất cảnh của người nước ngoài tại khu kinh tế cửa khẩu

1. Đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu nhập thông tin nhập

cảnh, xuất cảnh của người nước ngoài và chuyển về Cục Cửa khẩu, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng.

2. Sau khi nhận thông tin nhập cảnh, xuất cảnh từ đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh, Cục Cửa khẩu (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) chuyển cho Cục An ninh cửa khẩu (Tổng cục An ninh) phục vụ yêu cầu quản lý và thống kê nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh.

Chương III

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CẤP THỊ THỰC, CẤP GIẤY PHÉP THAM QUAN CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI TẠI KHU KINH TẾ CỬA KHẨU

Điều 9. Thủ tục cấp thị thực cho người nước ngoài đi du lịch đến địa điểm khác của Việt Nam

Người nước ngoài nhập cảnh vào khu kinh tế cửa khẩu, nếu có nhu cầu đi du lịch ra khu vực khác của Việt Nam, phải thông qua doanh nghiệp lữ hành quốc tế của Việt Nam làm thủ tục xin cấp thị thực tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh nơi có khu kinh tế cửa khẩu.

1. Hồ sơ đề nghị cấp thị thực gồm:

a) 01 Tờ khai đề nghị theo mẫu NA5 ban hành kèm theo Thông tư số 04/2015/TT-BCA ngày 05/01/2015 của Bộ Công an quy định mẫu giấy tờ liên quan đến việc nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

b) Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế.

2. Việc giải quyết cấp thị thực:

a) Sau khi nhận được hồ sơ đề nghị cấp thị thực, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh báo cáo ngay về Cục Quản lý xuất nhập cảnh (qua Fax hoặc qua đường truyền) để xét cấp thị thực.

b) Trong thời gian 01 ngày làm việc, Cục Quản lý xuất nhập cảnh xem xét, trả lời Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (qua Fax hoặc qua đường truyền) để cấp thị thực. Đối với công dân Trung Quốc sử dụng hộ chiếu phổ thông điện tử thực hiện theo hướng dẫn riêng của Bộ Công an.

Điều 10. Thủ tục cấp giấy phép tham quan cho người nước ngoài nhập cảnh bằng giấy thông hành biên giới và các giấy tờ khác nêu tại Khoản 1 Điều 3 của Thông tư này đi đến các địa điểm khác trong tỉnh có khu kinh tế cửa khẩu

1. Công dân Trung Quốc và công dân Cămpuchia nhập cảnh bằng giấy thông hành biên giới hoặc các giấy tờ quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 3 Thông tư này muốn đến các địa điểm khác của tỉnh có khu kinh tế cửa khẩu phải thông qua doanh nghiệp lữ hành quốc tế của Việt Nam làm thủ tục xin cấp giấy phép tham quan tại Trạm Quản lý xuất nhập cảnh tại khu kinh tế cửa khẩu. Thời hạn của giấy phép tham quan đến các địa điểm khác của tỉnh phù hợp với chương trình du lịch do doanh nghiệp lữ hành quốc tế tổ chức nhưng không quá 15 ngày và không được gia hạn.

a) Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tham quan gồm:

- Công văn đề nghị cấp giấy phép tham quan thực hiện theo theo mẫu số 02/CV ban hành kèm theo Thông tư này.

- Giấy thông hành biên giới và giấy tờ quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 3 Thông tư này.

b) Việc giải quyết cấp phép như sau:

- Sau khi nhận được văn bản đề nghị, Trạm Quản lý xuất nhập cảnh báo cáo ngay về Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (qua Fax hoặc qua đường truyền) để xét cấp giấy phép.

- Trong thời gian 01 (một) ngày làm việc, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh xem xét, trả lời để Trạm Quản lý xuất nhập cảnh cấp giấy phép tham quan. Lệ phí cấp giấy phép tham quan đến các địa điểm khác của tỉnh thu theo quy định pháp luật về phí và lệ phí.

2. Công dân Lào sử dụng giấy thông hành biên giới nhập cảnh Việt Nam thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 41/2011/TT-BCA ngày 29/6/2011 của Bộ Công an Hướng dẫn cấp giấy thông hành biên giới cho công dân Việt Nam sang Lào và giấy phép đến các tỉnh, thành phố của Việt Nam cho công dân Lào.

Chương IV

VIỆC KIỂM TRA, KIỂM SOÁT, GIÁM SÁT NGƯỜI ĐIỀU KHIỂN PHƯƠNG TIỆN, PHƯƠNG TIỆN VẬN TẢI HÀNG HÓA NƯỚC NGOÀI VÀO, RA KHU KINH TẾ CỬA KHẨU VÀ CẢNG BIỂN THUỘC KHU KINH TẾ

Điều 11. Việc kiểm tra, kiểm soát, giám sát người điều khiển phương tiện, phương tiện vận tải hàng hóa nước ngoài tại khu kinh tế cửa khẩu

1. Phương tiện, người điều khiển phương tiện vận tải hàng hóa nước ngoài qua cửa khẩu đường bộ, khi nhập cảnh, xuất cảnh phải có các loại giấy tờ sau:

a) Đối với phương tiện:

- Giấy đăng ký phương tiện;

- Giấy tờ về thủ tục hàng hóa (đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa);

- Giấy bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với chủ phương tiện;

- Giấy phép liên vận;

- Giấy phép vận chuyển hành khách, hàng hóa (nếu có);

- Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

- Giấy tờ khác theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

b) Đối với người điều khiển phương tiện:

- Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế hoặc giấy thông hành biên giới.

- Giấy phép điều khiển phương tiện.

c) Người điều khiển phương tiện tại nội dung Điểm b Khoản 1 Điều này được miễn thị thực nhập cảnh. Đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu kiểm tra, đối chiếu nếu đủ điều kiện tại nội dung Điều 3 Thông tư này thì giải quyết cho nhập cảnh, cấp chứng nhận tạm trú phù hợp với mục đích nhập cảnh. Việc giải quyết nhập cảnh thực hiện theo Điều 5, xuất cảnh thực hiện theo Điều 6 Thông tư này.

2. Phương tiện, người điều khiển phương tiện vận tải hàng hóa đường thủy của nước có chung đường biên giới với Việt Nam vào giao, nhận hàng hóa tại cảng biển, cảng sông thuộc khu kinh tế cửa khẩu được thực hiện theo thủ tục nhập, xuất cảnh vùng biên giới. Khi làm thủ tục phải nộp và xuất trình các loại giấy tờ sau:

a) Giấy tờ phải nộp (01 bản chính):

- Bản khai chung;

- Danh sách thuyền viên;

- Danh sách hành khách (nếu có);

- Bản khai hàng hóa nguy hiểm, vũ khí, vật liệu nổ (nếu có);

- Bản khai người trốn trên tàu (nếu có).

b) Giấy tờ phải xuất trình (01 bản chính):

- Giấy chứng nhận đăng ký tàu thuyền hoặc sổ đăng ký tàu;

- Giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện;

- Giấy chứng nhận về an toàn kỹ thuật;

- Giấy tờ liên quan đến hàng hóa vận chuyển trên phương tiện;

- Hộ chiếu hoặc hộ chiếu thuyền viên hoặc sổ thuyền viên hoặc giấy thông hành biên giới do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia mà người đó là công dân cấp.

3. Trường hợp phương tiện quy định tại các Khoản 1, 2 Điều này có nhu cầu vận chuyển hoặc giao nhận hàng hóa tại các địa điểm khác ngoài địa phận khu kinh tế cửa khẩu thực hiện theo quy định hiện hành.

4. Việc kiểm tra, kiểm soát, giám sát người, phương tiện vận tải hàng hóa nước ngoài từ nội địa vào, ra khu kinh tế cửa khẩu thực hiện theo Nghị định 34/2014/NĐ-CP ngày 29/4/2014 của Chính phủ về Quy chế khu vực biên giới đất liền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Nghị định số 50/2008/NĐ-CP ngày 21/4/2008 của Chính phủ về quản lý, bảo vệ an ninh trật tự tại cửa khẩu cảng biển.

Chương V

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN CHỨC NĂNG TRONG VIỆC KIỂM TRA, KIỂM SOÁT, GIÁM SÁT NGƯỜI, PHƯƠNG TIỆN VẬN TẢI HÀNG HÓA NƯỚC NGOÀI VÀO, RA KHU KINH TẾ CỬA KHẨU VÀ CẢNG BIỂN THUỘC KHU KINH TẾ

Điều 12. Trách nhiệm của các cơ quan chức năng thuộc Bộ Công an

1. Tổng cục An ninh (Cục An ninh cửa khẩu)

a) Phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (Cục Cửa khẩu) hướng dẫn Bộ đội Biên phòng các tỉnh có khu kinh tế cửa khẩu thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát nhập cảnh, xuất cảnh đối với người, phương tiện và xử lý người nước ngoài vi phạm về xuất nhập cảnh tại cửa khẩu;

b) Hướng dẫn Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ đội Biên phòng các tỉnh có khu kinh tế cửa khẩu xử lý người nước ngoài vi phạm pháp luật xuất nhập cảnh khi vượt quá thẩm quyền xử lý của Bộ đội Biên phòng.

2. Tổng cục An ninh (Cục Quản lý xuất nhập cảnh)

a) Thông báo mẫu hộ chiếu, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; giấy thông hành biên giới và các giấy tờ hợp lệ khác theo quy định của pháp luật phù hợp với điều ước quốc tế giữa Việt Nam với các nước láng giềng.

b) Xét cấp thị thực để trả lời Công an tỉnh có khu kinh tế cửa khẩu cấp thị thực cho người nước ngoài theo đề nghị của doanh nghiệp lữ hành quốc tế;

c) Hướng dẫn lực lượng Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp thị thực, cấp giấy phép tham quan đến các địa điểm khác của tỉnh, xử lý người nước ngoài vi phạm pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại khu kinh tế cửa khẩu.

3. Công an tỉnh nơi có khu kinh tế cửa khẩu:

a) Cấp thị thực cho người nước ngoài có nhu cầu đi du lịch đến khu vực khác của Việt Nam; cấp giấy phép tham quan cho người nước ngoài có nhu cầu đến các địa điểm khác thuộc tỉnh có khu kinh tế cửa khẩu;

b) Tổ chức quản lý tạm trú, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về xuất nhập cảnh của người nước ngoài tại khu kinh tế cửa khẩu;

c) Tham mưu, đề xuất việc thành lập Trạm Quản lý xuất nhập cảnh tại khu kinh tế cửa khẩu.

4. Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm quản lý cư trú, kiểm tra, xử lý người nước ngoài vi phạm pháp luật về xuất nhập cảnh.

Điều 13. Trách nhiệm của các cơ quan chức năng thuộc Bộ Quốc phòng

1. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (Cục Cửa khẩu)

a) Chỉ đạo, hướng dẫn Bộ đội Biên phòng các tỉnh có khu kinh tế cửa khẩu tổ chức, bố trí, sử dụng lực lượng, phương tiện thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát nhập cảnh, xuất cảnh, giám sát đối với người nước ngoài, phương tiện vận tải nước ngoài ra, vào hoạt động tại khu kinh tế cửa khẩu và cửa khẩu cảng biển thuộc khu kinh tế. Chủ trì, phối hợp với Tổng cục An ninh (Cục An ninh cửa khẩu và Cục Quản lý xuất nhập cảnh) hướng dẫn thực hiện kiểm tra, kiểm soát nhập cảnh, xuất cảnh, giám sát, phương tiện, hàng hóa của nước ngoài ra, vào khu kinh tế cửa khẩu và cảng biển thuộc khu kinh tế; xử lý người nước ngoài vi phạm pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại cửa khẩu;

b) Chỉ đạo các đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh hàng ngày chuyển dữ liệu người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh và dữ liệu xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về xuất nhập cảnh của người nước ngoài tại cửa khẩu về Cục Cửa khẩu, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng để chuyển cho Cục An ninh cửa khẩu, Tổng cục An ninh.

2. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh có khu kinh tế cửa khẩu có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh:

a) Thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát người nước ngoài, phương tiện vận tải hàng hóa của nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh tại cửa khẩu;

b) Quản lý, giám sát tàu, thuyền, thuyền viên nước ngoài hoạt động trong thời gian neo đậu tại cảng biển thuộc khu kinh tế theo quy định pháp luật;

c) Xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về xuất nhập cảnh của người nước ngoài tại cửa khẩu.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 14. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.

Điều 15. Tổ chức thực hiện

1. Tổng cục An ninh (Bộ Công an) và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (Bộ Quốc phòng) có trách nhiệm chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện Thông tư này theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

2. Cục An ninh cửa khẩu và Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Tổng cục An ninh), Cục Cửa khẩu (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng), Giám đốc Công an, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, Công an và Bộ đội Biên phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phản ảnh về Tổng cục An ninh (Cục An ninh cửa khẩu) hoặc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (Cục Cửa khẩu) để có hướng dẫn kịp thời./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG
THỨ TRƯỞNG




Trung tướng Phan Văn Giang

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN
THỨ TRƯỞNG




Thượng tướng Bùi Văn Nam

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp;
- Cổng thông tin điện tử của Chính phủ;
- Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an, Bộ Quốc phòng;
- Công báo;
- Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Lưu: VT, BCA, BQP.

 

Mẫu số 01/KC

Ban hành kèm theo thông tư liên tịch số 03/2016/TTLT-BCA-BQP ngày 24 tháng 6 năm 2016

Mẫu dấu khu kinh tế cửa khẩu: Kích thước: 6 x 1,2cm;

Ghi chú: (1) Tên khu kinh tế cửa khẩu.

 

Mẫu số 02/CV

Ban hành kèm theo thông tư liên tịch số 03/2016/TTLT-BCA-BQP ngày 24 tháng 6 năm 2016

………….…………(1)

Trụ sở tại:

Điện thoại:

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ................

       .................., ngày ........ tháng ........ năm ..........

 

Kính gửi : Trạm Quản lý xuất nhập cảnh khu kinh tế cửa khẩu…………...  (2)

…………….(1) đề nghị Trạm Quản lý xuất nhập cảnh xem xét cấp Giấy phép tham quan cho…….(3) có tên dưới đây:

Số TT

Họ tên (chữ in hoa)

Giới tính

Ngày tháng năm sinh

Giấy thông hành biên giới số…, giá trị đến ngày…

Địa chỉ đang tạm trú ở khu kinh tế cửa khẩu

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Thời gian từ ngày…...../…..../……. đến ngày……../….…/……..

- Chương trình tham quan:…………………..…………………………….…………………

……………………………………………………………………………………….………

- Dự kiến địa chỉ tạm trú:.................................................................................................

........................................................................................................................................

- Hướng dẫn viên:

Họ tên:.............................................................................................................................

Số thẻ hướng dẫn viên:……………………………………………………………………

Điện thoại liên hệ:…………………………………………………………………………

 

 

Thủ trưởng doanh nghiệp

(Ký, ghi rõ họ tên, chức vụ, đóng dấu)

 

Ghi chú: Mẫu này dùng để doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế của Việt Nam bảo lãnh cho công dân Trung Quốc, Cămpuchia nhập cảnh bằng giấy thông hành biên giới muốn đến các địa điểm khác trong tỉnh có khu kinh tế cửa khẩu.

(1) Tên doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế của Việt Nam;

(2) Tên Trạm Quản lý xuất nhập cảnh khu kinh tế cửa khẩu.

(3) Số khách Trung Quốc hoặc Cămpuchia.

 

Mẫu số 03/GP

Ban hành kèm theo thông tư liên tịch số 03/2016/TTLT-BCA-BQP ngày 24 tháng 6 năm 2016

CÔNG AN TỈNH…….…..(1)
TRẠM QUẢN LÝ
XUẤT NHẬP CẢNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:               /GP

 

 

GIẤY PHÉP THAM QUAN

(Cấp cho công dân Trung Quốc, Cămpuchia nhập cảnh bằng giấy thông hành biên giới đến các địa điểm khác trong tỉnh có khu kinh tế cửa khẩu)

Những khách….…….…….(2) có tên dưới đây được phép tham quan theo chương trình do công ty………(3)………………….….tổ chức:

Số TT

Họ tên (chữ in hoa)

Giới tính

Ngày tháng năm sinh

Giấy thông hành biên giới số

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Thời gian từ ngày….…/……/……đến ngày……/….../……

- Địa điểm tham quan:……………………….…(4)……………………….

……………………………………………………………………………

- Họ tên hướng dẫn viên:………………………..Điện thoại:…………

- Công ty……………..……..(3) có trách nhiệm quản lý và đưa các khách trên trở lại khu kinh tế cửa khẩu và nộp giấy phép này cho Trạm Quản lý xuất nhập cảnh khu kinh tế cửa khẩu…………...(5) trước ngày …..…/…..…/……..

 

 

Cán bộ Công ty nhận
giấy phép và quản lý khách

(ký, ghi rõ họ tên)

.......... ngày .....tháng ......năm ......

TRƯỞNG TRẠM

(ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

 

Ghi chú:

(1) Tên Công an tỉnh.

(2) Ghi rõ Trung Quốc hoặc Cămpuchia.

(3) Tên doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế của Việt Nam.

(4) Ghi rõ địa điểm tham quan.

(5) Tên khu kinh tế cửa khẩu.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 03/2016/TTLT-BCA-BQP hướng dẫn việc nhập, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài và kiểm tra, kiểm soát, giám sát phương tiện vận tải hàng hóa nước ngoài vào, ra khu kinh tế cửa khẩu và cảng biển thuộc khu kinh tế do Bộ trưởng Bộ Công an - Bộ Quốc phòng ban hành

  • Số hiệu: 03/2016/TTLT-BCA-BQP
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 24/06/2016
  • Nơi ban hành: Bộ Công An
  • Người ký: Bùi Văn Nam, Phan Văn Giang
  • Ngày công báo: 15/07/2016
  • Số công báo: Từ số 555 đến số 556
  • Ngày hiệu lực: 08/08/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản