BỘ CÔNG AN-BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/2003/TTLT-BCA-BGTVT | Hà Nội , ngày 27 tháng 1 năm 2003 |
Thực hiện Nghị quyết số 13/2002/NQ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế gia tăng và tiến tới giảm dần tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, liên Bộ Công an - Giao thông vận tải hướng dẫn việc đánh dấu số lần vi phạm pháp luật giao thông đường bộ trên giấy phép lái xe, để quản lý người điểu khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ như sau:
1. Phạm vi, đối tượng áp dụng:
Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên lãnh thổ Việt Nam, thực hiện hành vi vi phạm pháp luật giao thông đường bộ mà theo quy định của pháp luật, hành vi đó có mức cao nhất của khung tiền phạt từ 200.000 đồng (hai trăm ngàn đồng) trở lên thì ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính còn bị đánh dấu vi phạm trên giấy phép lái xe.
Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập có quy định khác thì thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế đó.
2. Đánh dấu vi phạm trên giấy phép lái xe:
Việc đánh dấu vi phạm trên giấy phép lái xe được thực hiện bằng cách bấm lỗ (có hình tròn, đường kính 4,5 mm) vào vị trí quy định trên giấy phép lái xe.
3. Nguyên tắc đánh dấu vi phạm trên giấy phép lái xe:
a. Mỗi hành vi vi phạm pháp luật giao thông đường bộ tại điểm 1 nêu trên bị bấm một lỗ trên giấy phép lái xe; trường hợp cùng một lúc vi phạm từ hai hành vi vi phạm trở lên và theo quy định của pháp luật, các hành vi đó đều bị bấm lỗ thì cũng chỉ bấm một lỗ trên giấy phép lái xe;
b. Giấy phép lái xe bị bấm đến lỗ thứ ba thì hết giá trị sử dụng và bị thu hồi;
c. Đối với hành vi vi phạm pháp luật giao thông đường bộ, bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe không thời hạn thì không cần phải bấm lỗ.
1. Vị trí bấm lỗ trên giấy phép lái xe:
a. Vị trí bấm lỗ trên giấy phép lái xe nằm trên đường kẻ viền ngoài, phía bên phải mặt sau giấy phép lái xe và bấm theo thứ tự từ trên xuống dưới như sau:
- Lỗ thứ nhất ở giao điểm giữa đường kẻ viền ngoài với đường kẻ phân chia hạng A2 và A3;
- Lỗ thứ hai ở giao điểm giữa đường kẻ viền ngoài với đường kẻ phân chia hạng B1 và B2;
- Lỗ thứ ba ở giao điểm giữa đường kẻ viền ngoài với đường kẻ phân chia hạng D và E;
b. Giấy phép lái xe có quy định vị trí đánh dấu, thì bấm lỗ vào đúng vị trí đó.
2. Thẩm quyền đánh dấu vi phạm trên giấy phép lái xe:
Người có thẩm quyền xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật giao thông đường bộ nêu tại điểm 1 phần I Thông tư này thuộc lực lượng cảnh sát giao thông quyết định việc đánh dấu vi phạm trên giấy phép lái xe.
3. Xử lý giấy phép lái xe bị đánh dấu:
a. Khi người vi phạm thi hành xong quyết định xử phạt, thì tiến hành bấm lỗ, ghi rõ ngày tháng năm bấm lỗ vào quyết định xử phạt. Trường hợp giấy phép lái xe bị bấm lỗ lần thứ ba, cơ quan cảnh sát giao thông (nơi bấm lỗ lần thứ ba) tạm giữ giấy phép lái xe và thông báo bằng văn bản cho Cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở giao thông vận tải (giao thông công chính) nơi quản lý biết để phối hợp và báo cáo Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt.
b. Sau 12 tháng kể từ ngày bấm lỗ lần thứ ba, người vi phạm mới được sát hạch để cấp lại giấy phép lái xe theo quy định.
1. Cục cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Bộ Công an hướng dẫn, chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông thực hiện việc đánh dấu vi phạm pháp luật giao thông đường bộ theo quy định của Thông tư liên tịch này; hàng tháng thông báo các trường hợp bấm lỗ lần thứ ba cho cơ quan chức năng của ngành Giao thông vận tải biết để phối hợp.
2. Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện theo đúng các quy định của Thông tư liên tịch này; tiếp nhận, theo dõi các trường hợp bị bấm lỗ lần thứ ba do Cảnh sát giao thông thông báo để quản lý. Đồng thời, hàng tháng thông báo cho Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt về các trường hợp bấm lỗ lần thứ ba đã được giải quyết sát hạch cấp lại giấy phép lái xe.
3. Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt chủ trì, phối hợp với Cục Đường bộ Việt Nam hướng dẫn thống nhất mẫu thông báo để áp dụng cho các trường hợp quy định tại điểm 2, điểm 3 nêu trên.
4. Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, cần phản ảnh kịp thời về liên Bộ Công an - Giao thông vận tải (qua Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Cục Đường bộ Việt Nam) để có hướng dẫn kịp thời.
Lê Thế Tiệm (Đã ký) | Phạm Thế Minh (Đã ký) |
- 1Nghị định 14/2003/NĐ-CP Hướng dẫn Luật giao thông đường bộ
- 2Quyết định 2925/QĐ-BCA năm 2014 bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành
- 3Quyết định 4582/QĐ-BCA năm 2014 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công an trong kỳ hệ thống hóa đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2013
Thông tư liên tịch 03/2003/TTLT-BCA-BGTVT hướng dẫn đánh dấu số lần vi phạm pháp luật giao thông đường bộ trên giấy phép lái xe do Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải ban hành
- Số hiệu: 03/2003/TTLT-BCA-BGTVT
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Ngày ban hành: 27/01/2003
- Nơi ban hành: Bộ Công An, Bộ Giao thông vận tải
- Người ký: Lê Thế Tiệm, Phạm Thế Minh
- Ngày công báo: 15/03/2003
- Số công báo: Số 15
- Ngày hiệu lực: 27/01/2003
- Ngày hết hiệu lực: 01/08/2007
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực