Hệ thống pháp luật

BAN TỔ CHỨC-CÁN BỘ CHÍNH PHỦ-BỘ XÂY DỰNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01-TT/LB

Hà Nội , ngày 02 tháng 1 năm 1993

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

CỦA BAN VẬT GIÁ CHÍNH PHỦ - BỘ XÂY DỰNG SỐ 01-TT/LB NGÀY 2 -1 -1993 HƯỚNG DẪN CƠ CHẾ QUẢN LÝ GIÁ XI MĂNG

Căn cứ Điều 2, Điều 4 Quyết định 137-HĐBT ngày 27-4-1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về quản lý giá, để bình ổn được giá xi măng đồng thời chống tiêu cực do những sơ hở trong việc quản lý giá bán xi măng, Liên bộ Bộ Xây dựng - Ban Vật giá Chính phủ hướng dẫn cơ chế quản lý giá xi măng như sau:

I. VỀ CƠ CHẾ QUẢN LÝ VÀ THẨM QUYỀN QUY ĐỊNH GIÁ XI MĂNG

1. Thống nhất một giá bán xi măng tại các nhà máy.

a) Để tránh những tiêu cực do có nhiều phương thức bán khác nhau tại nhà máy cho các đối tượng từ nay Liên Bộ thống nhất quy định:

Tại một nhà máy đối với mỗi loại xi măng chỉ bán một giá thống nhất cho tất cả các đối tượng làm nhiệm vụ lưu thông (kể các Công ty kinh doanh xi măng của Liên hiệp các xí nghiệp xi măng) và các đối tượng tiêu dùng khác.

b) Giá bán xi măng thống nhất tại nhà máy do Bộ Xây dựng quy định, sau khi thống nhất với Ban Vật giá Chính phủ, theo nguyên tắc, lấy giá bán lẻ tối đa xi măng tại thị trường chính của mỗi nhà máy (quy định ở điểm 2 dưới đây) trừ (-) chiết khấu lưu thông từ nhà máy sản xuất đến thị trường chính và chiết khấu bán lẻ. Chiết khấu lưu thông và chiết khấu bán lẻ phải đảm bảo cho tổ chức kinh doanh bù đắp chi phí và có lãi hợp lý.

Đối với mùa mưa nếu thị trường tiêu thụ giảm cần khuyến khích tiêu thụ, dự trữ trong khâu lưu thông và ở người tiêu dùng. Bộ Xây dựng trao đổi thống nhất với Ban Vật giá Chính phủ quyết định điều chỉnh giá bán ở nhà máy thấp hơn mùa khô (mùa xây dựng).

2. Giá bán lẻ tối đa xi măng tại các thị trường chính

a) Giá bán lẻ tối đa xi măng tại thị trường chính được xác định theo nguyên tắc:

+ Chủ yếu phải phù hợp với giá thị trường tại thời điểm định giá có tính đến tương quan mặt bằng giá các loại hàng hoá khác và giá xi măng nhập khẩu.

+ Đồng thời phải bù đắp chi phí sản xuất lưu thông, có lãi để mở rộng sản xuất và nộp Ngân sách Nhà nước theo chế độ hiện hành.

b) Giá bán lẻ tối đa được áp dụng cho tất cả các tổ chức lưu thông bán lẻ cho người tiêu dùng.

c) Thị trường chính là thị trường có lượng tiêu thụ lớn, gần nơi sản xuất, có thể được thay đổi phù hợp với yêu cầu quản lý từng thời kỳ. Trước mắt trong năm 1993, thị trường chính được xác định như sau:

- Hà Nội đối với xi măng Bỉm Sơn và Hoàng Thạch.

- Thành phố Hồ Chí Minh đối với xi măng Hà Tiên.

- Hải Phòng đối với xi măng Hải Phòng.

d) Ban Vật giá Chính phủ sau khi trao đổi thống nhất với Bộ Xây dựng quy định một mức giá bán lẻ tối đa loại xi măng chuẩn của mỗi nhà máy tại các thị trường chính.

Giá bán lẻ tối đa các loại xi măng khác do xí nghiệp Trung ương sản xuất có bán ở thị trường chính này do Bộ Xây dựng quy định theo tương quan phẩm chất với giá bán lẻ xi măng chuẩn.

3. Giá bán lẻ tối đa tại các thị trường khác (ngoài các thị trường chính)

Giá bán lẻ tối đa các loại xi măng tại các thị trường tiêu thụ khác là giá bán tại nhà máy (điểm 1) cộng (+) chiết khấu lưu thông từ nhà máy sản xuất đến các thị trường tiêu thụ (các tỉnh) và cộng (+) chiết khấu bán lẻ tại địa phương.

Giá bán lẻ tối đa tại các tỉnh do Bộ Xây dựng quy định (đối với các tỉnh có mạng lưới kinh doanh xi măng của Trung ương) hoặc do Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định (đối với các tỉnh không có mạng lưới kinh doanh xi măng Trung ương).

4. Giá bán lẻ xi măng của các công ty kinh doanh (cả Trung ương và địa phương)

Căn cứ vào mức giá bán lẻ tối đa của loại xi măng tại các thị trường chính và các thị trường khác (ngoài thị trường chính) do Ban Vật giá Chính phủ, Bộ Xây dựng hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định (điểm 1 và 3).

Liên hiệp các xí nghiệp xi măng hướng dẫn các Công ty kinh doanh ngành hàng xi măng quy định giá bán lẻ cụ thể các loại xi măng và áp dụng thống nhất cho tất cả các đối tượng tiêu thụ theo nguyên tắc: giá bán lẻ cụ thể không vượt quá mức giá bán lẻ tối đa do các cơ quan có thẩm quyền quy định ở từng thị trường, giá bán phải phù hợp với chất lượng từng chủng loại xi măng.

Xi măng do địa phương sản xuất hoặc nhập khẩu thì giá bán phải tương quan với chất lượng xi măng do các nhà máy xi măng Trung ương sản xuất cùng bán trên địa bàn và phù hợp với giá cả thị trường tại thời điểm quy định, được xã hội chấp nhận.

5. Giá bán buôn xi măng tại các khu vực

Giá bán buôn xi măng tại các khu vực là giá bán tại nhà máy + chiết khấu lưu thông đến các thị trường tiêu thụ do Tổng Giám đốc Liên hiệp các xí nghiệp xi măng quy định theo nguyên tắc: mức giá bán buôn xi măng tại các khu vực (+) chiết khấu bán lẻ của từng khu vực không vượt giá bán lẻ xi măng của các công ty kinh doanh.

6. Giá bán cho các đại lý bán lẻ

Các tổ chức kinh doanh xi măng Trung ương hoặc địa phương bán cho đại lý bán lẻ xi măng theo giá bán lẻ do Liên hiệp xi măng quy định (điểm 4) trừ (-) hoa hồng do các bên thoả thuận, nhằm đảm bảo cho các đại lý có đủ phí, lãi hợp lý và thực hiện đúng giá bán lẻ này.

7. Giá bán xi măng cho các tỉnh miền núi

Giá bán xi măng cho các tỉnh miền núi cùng thực hiện theo cơ chế giá bán trên đây. Để thực hiện Quyết định 72/HĐBT trong đó có giá bán xi măng cho các tỉnh miền núi. Ban Vật giá Chính phủ sau khi trao đổi thống nhất với Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính quy định mức trợ cước vận chuyển xi măng từ các điểm chuẩn ở các tỉnh đồng bằng hoặc trung du đến các tỉnh miền núi. Về phương thức trợ cước do Bộ Tài chính thống nhất với Ban Vật giá Chính phủ và có hướng dẫn riêng (số lượng phải được Bộ Xây dựng thông báo sau khi đã thống nhất với Uỷ ban kế hoạch Nhà nước, Ban Dân tộc TW).

II. NHIỆM VỤ VÀ BIỆN PHÁP BÌNH ỔN GIÁ XI MĂNG

1. Nhiệm vụ điều hoà cung cầu

Liên hiệp các xí nghiệp xi măng có trách nhiệm xử lý cung cầu ở từng địa phương, từng thời vụ theo sự chỉ đạo của Bộ Xây dựng, thông qua việc thực hiện kế hoạch điều động lực lượng sản xuất và điều phối xi măng trong cả nước nhằm đáp ứng đủ nhu cầu cho mỗi địa phương, đặc biệt là phải đảm bảo cho công trình trọng điểm của Nhà nước cho an ninh quốc phòng trên cơ sở hợp đồng kinh tế, cho các nhu cầu đột xuất cấp bách và phải có kế hoạch điều động xi măng từ miền Bắc vào miền Nam để ổn định giá xi măng trong cả nước. Cần phải có tính toán cân đối cung cầu chính xác và theo dõi chặt chẽ tình hình giá cả xi măng trên thị trường để có thể chủ động trong việc điều hoà cung cầu theo thời vụ.

Trong trường hợp không đáp ứng đủ nhu cầu xi măng sử dụng trong nước, nếu các ngành và các địa phương muốn nhập thêm xi măng hoặc clanhker, thì Liên hiệp các xí nghiệp xi măng tổng hợp nhu cầu chủ động kiến nghị với Nhà nước để kịp thời nhập clanhker hoặc xi măng bổ sung lượng xi măng cân đối thiếu.

- Mùa mưa nhu cầu ít, xi măng sản xuất không tiêu thụ được hết thì kiến nghị Nhà nước cho xuất khẩu, có thể tổ chức dự trữ một phần cho mùa khô.

2. Cải tiến khâu cung ứng xi măng

Liên hiệp các xí nghiệp xi măng nghiên cứu các đề án mở rộng màng lưới lưu thông cung ứng xi măng đến người sử dụng, tránh qua trung gian làm tăng chi phí lưu thông, tăng giá bán dễ đưa đến đột biến giá trên thị trường. Đối với một số khách hàng có khối lượng tiêu thụ lớn và ổn định có thể đến mua xi măng ở nhà máy thông qua hợp đồng cụ thể với nhà máy.

Tùy điều kiện từng nơi có thể thực hiện mô hình các nhà máy vừa sản xuất xi măng và cung ứng cho khách hàng.

3. Kiến nghị điều chỉnh giá bán xi măng.

Khi giá cả xi măng ở thị trường biến động mạnh vượt khả năng điều hoà cung cầu để bình ổn giá, hoặc giá cả vật tư đầu vào và cước phí vận tải tăng cao làm ảnh hưởng đến giá thành sản xuất và phí lưu thông dẫn đến giá bán xi măng tại nhà máy hoặc giá bán lẻ tối đa do các cơ quan có thẩm quyền quy định tại các thị trường không còn phù hợp nữa (sản xuất và kinh doanh phát sinh lỗ hoặc phát sinh tiêu cực) thì Liên hiệp các xí nghiệp xi măng có trách nhiệm xây dựng phương án trình Bộ Xây dựng và Ban Vật giá Chính phủ giải quyết .

Hồ sơ và thủ tục trình duyệt phương án thực hiện theo quy định hiện hành. Sau 10 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ các hồ sơ mà các cơ quan có thẩm quyền quyết định giá không có hồi âm thì Liên hiệp xi măng được quyền thực hiện theo mức giá đề nghị.

III. TỔ CHỨC, KIỂM TRA, THỰC HIỆN

1. Liên hiệp các xí nghiệp xi măng thường xuyên tổ chức kiểm tra việc thực hiện giá bán xi măng của các đơn vị trực thuộc các khu vực (kể cả Trung ương và địa phương) phát hiện kịp thời những sai phạm để uốn nắn hoặc báo cáo Liên bộ xử lý.

2. Liên bộ Bộ Xây dựng - Ban Vật giá Chính phủ tổ chức, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất tình hình chấp hành kỷ luật Nhà nước về giá xi măng theo nội dung hướng dẫn của Thông tư này.

3. Các đơn vị sản xuất và kinh doanh xi măng có trách nhiệm cung cấp đầy đủ số liệu tài liệu cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm tra, kiểm soát về giá xi măng được tiến hành tốt.

4. Tất cả các quyết định về giá bán xi măng thuộc thẩm quyền các cơ quan trên đây quy định ở các thị trường có trách nhiệm gửi về Bộ Xây dựng và Ban Vật giá Chính phủ để theo dõi kiểm tra việc thực hiện.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày ký, các văn bản trái với quy định này đều được bãi bỏ. Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc, yêu cầu các ngành, các đơn vị phản ánh về Liên bộ để nghiên cứu bổ sung hoàn chỉnh cho phù hợp với cơ chế kinh tế mới hiện nay.

Ngô Xuân Lộc

(Đã ký)

Phan Ngọc Tường

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 01-TT/LB năm 1993 hướng dẫn cơ chế quản lý giá xi măng do Ban vật giá Chính phủ - Bộ Xây dựng ban hành

  • Số hiệu: 01-TT/LB
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 02/01/1993
  • Nơi ban hành: Ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ, Bộ Xây dựng
  • Người ký: Ngô Xuân Lộc, Phan Ngọc Tường
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 02/01/1993
  • Ngày hết hiệu lực: 09/11/2000
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản