Hệ thống pháp luật

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO - TÒA ÁN DÂN DÂN TỐI CAO - BỘ CÔNG AN – BỘ QUỐC PHÒNG - BỘ TƯ PHÁP – BỘ TÀI CHÍNH - BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/2018/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTP-BTC-BNN&PTNT

Hà Nội, ngày 05 tháng 4 năm 2018

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

QUY ĐỊNH PHỐI HỢP TRONG VIỆC BÁO CÁO, THÔNG BÁO VỀ CÔNG TÁC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO TRONG HOẠT ĐỘNG TƯ PHÁP

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2016;

Căn cứ Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân ngày 24/11/2014;

Căn cứ Luật tổ chức Tòa án nhân dân ngày 24/11/2014;

Căn cứ Nghị định số 106/2014/NĐ-CP ngày 17/11/2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Căn cứ Nghị định số 164/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;

Căn cứ Nghị định số 96/2017/NĐ-CP ngày 16/ 8/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26/7/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số số 15/2017/NĐ-CP ngày 17/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ các quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp;

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư liên tịch quy định phối hợp trong việc báo cáo, thông báo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư liên tịch này quy định việc phối hợp của các cơ quan, người có thẩm quyền trong việc báo cáo, thông báo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư liên tịch này áp dụng đối với các cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư liên tịch này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Hoạt động tư pháp: Bao gồm hoạt động trong các lĩnh vực tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thủ tục phá sản, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, thi hành tạm giữ, tạm giam, xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án và việc khác mà pháp luật quy định là hoạt động tư pháp.

2. Khiếu nại trong hoạt động tư pháp: Là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức, theo thủ tục do pháp luật quy định, đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền xem xét lại quyết định, hành vi của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp, khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

3. Tố cáo trong hoạt động tư pháp: Là việc cá nhân, theo thủ tục do pháp luật quy định, báo cho cơ quan, người có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

4. Báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp là văn bản của cơ quan cấp dưới gửi cơ quan cấp trên trong cùng một bộ, ngành để báo cáo.

5. Thông báo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp là văn bản do các cơ quan cấp trung ương của mỗi bộ, ngành gửi cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Điều 4. Nguyên tắc thực hiện việc xây dựng và gửi báo cáo, thông báo

1. Việc xây dựng báo cáo, thông báo phải chính xác, bảo đảm đúng, đầy đủ các yêu cầu về nội dung, thời hạn đã được quy định trong Thông tư liên tịch này và yêu cầu của Quốc hội, các cơ quan có thẩm quyền của Quốc hội.

2. Bảo đảm việc chỉ đạo tập trung, thống nhất, kịp thời của cơ quan cấp trung ương đối với các cơ quan cấp dưới ở mỗi bộ, ngành.

3. Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan ở mỗi cấp, trong đó Viện kiểm sát giữ vai trò chủ trì.

Chương II

XÂY DỰNG VÀ GỬI VĂN BẢN BÁO CÁO, THÔNG BÁO

Điều 5. Thời điểm, nội dung báo cáo, thông báo

1. Thời điểm lấy số liệu báo cáo, thông báo như sau:

a) Báo cáo, thông báo định kỳ 06 tháng lấy số liệu từ ngày 01 tháng 10 của năm trước liền kề đến ngày 31 tháng 3 của kỳ báo cáo, thông báo.

b) Báo cáo, thông báo để xây dựng báo cáo trình Uỷ ban tư pháp thẩm tra, Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến lấy số liệu từ ngày 01 tháng 10 của năm trước liền kề đến ngày 31 tháng 7 của năm báo cáo, thông báo.

c) Báo cáo, thông báo bổ sung để hoàn thiện báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp trình Quốc hội lấy số liệu bổ sung từ ngày 01 tháng 8 đến ngày 30 tháng 9 của năm báo cáo, thông báo.

2. Nội dung báo cáo, thông báo gồm:

a) Nội dung báo cáo, thông báo định kỳ 06 tháng về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này.

b) Nội dung báo cáo, thông báo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp để xây dựng báo cáo trình Uỷ ban tư pháp thẩm tra, Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này.

c) Nội dung báo cáo, thông báo bổ sung để hoàn thiện báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp trình Quốc hội theo mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này.

3. Báo cáo, thông báo phải kèm theo các phụ lục thống kê số liệu. Việc xây dựng báo cáo, thông báo và phụ lục thống kê số liệu thực hiện theo các mẫu, phụ lục ban hành kèm Thông tư liên tịch này.

Quá trình thực hiện phải phối hợp với Viện kiểm sát cùng cấp để kiểm tra, rà soát, đảm bảo tính thống nhất, chính xác.

Điều 6. Thời hạn gửi báo cáo, thông báo

1. Thời hạn gửi báo cáo, thông báo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp định kỳ 06 tháng như sau:

a) Báo cáo của cơ quan, đơn vị cấp huyện, cấp khu vực gửi lên cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp quân khu của mỗi ngành, đồng gửi Viện kiểm sát cùng cấp trước ngày 03 tháng 4 của kỳ báo cáo.

b) Báo cáo của cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp quân khu và Tòa án nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao gửi lên cơ quan, đơn vị cấp trung ương của mỗi bộ, ngành, đồng gửi Viện kiểm sát cùng cấp trước ngày 08 tháng 4 của kỳ báo cáo.

c) Báo cáo của Cục điều tra hình sự Bộ Quốc phòng, Cục Bảo vệ an ninh quân đội, Tòa án quân sự trung ương, Cục thi hành án Bộ Quốc phòng gửi Bộ Quốc phòng, đồng thời gửi Viện kiểm sát quân sự trung ương trước ngày 12 tháng 4 của kỳ báo cáo.

d) Thông báo của các cơ quan cấp trung ương gửi Viện kiểm sát nhân dân tối cao trước ngày 08 tháng 5 của kỳ thông báo.

2. Thời hạn gửi báo cáo, thông báo để xây dựng báo cáo năm về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp trình Uỷ ban tư pháp thẩm tra, Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến như sau:

a) Báo cáo của cơ quan, đơn vị cấp huyện, cấp khu vực gửi lên cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp quân khu của mỗi ngành, đồng gửi Viện kiểm sát cùng cấp trước ngày 03 tháng 8 của năm báo cáo.

b) Báo cáo của cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp quân khu và Tòa án nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao gửi lên cơ quan, đơn vị cấp trung ương của mỗi bộ, ngành, đồng gửi Viện kiểm sát cùng cấp trước ngày 08 tháng 8 của năm báo cáo.

c) Báo cáo của Cục điều tra hình sự Bộ Quốc phòng, Cục Bảo vệ an ninh quân đội, Tòa án quân sự trung ương, Cục thi hành án Bộ Quốc phòng gửi Bộ Quốc phòng, đồng thời gửi Viện kiểm sát quân sự trung ương trước ngày 12 tháng 8 của năm báo cáo.

d) Thông báo của các cơ quan cấp trung ương gửi Viện kiểm sát nhân dân tối cao trước ngày 18 tháng 8 của năm thông báo.

3. Thời hạn gửi báo cáo, thông báo bổ sung để hoàn thiện báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp trình Quốc hội như sau:

a) Báo cáo của cơ quan, đơn vị cấp huyện, cấp khu vực gửi lên cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp quân khu của mỗi ngành, đồng gửi Viện kiểm sát cùng cấp trước ngày 03 tháng 10 của năm báo cáo.

b) Báo cáo của cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp quân khu và Tòa án nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao gửi lên cơ quan, đơn vị cấp trung ương của mỗi bộ, ngành, đồng gửi Viện kiểm sát cùng cấp trước ngày 08 tháng 10 của năm báo cáo.

c) Báo cáo của Cục điều tra hình sự Bộ Quốc phòng, Cục Bảo vệ an ninh quân đội, Tòa án quân sự trung ương, Cục thi hành án Bộ Quốc phòng gửi Bộ Quốc phòng, đồng thời gửi Viện kiểm sát quân sự trung ương trước ngày 12 tháng 10 của năm báo cáo.

d) Thông báo của các cơ quan cấp trung ương gửi Viện kiểm sát nhân dân tối cao trước ngày 18 tháng 10 của năm thông báo.

Điều 7. Thẩm quyền ký văn bản báo cáo, thông báo

Báo cáo, thông báo do người đứng đầu cơ quan, đơn vị ký. Trường hợp người đứng đầu cơ quan, đơn vị vắng mặt thì có thể ủy quyền lại cho cấp phó của mình ký thay (KT).

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 8. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc cần phản ánh kịp thời về Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn để giải quyết theo thẩm quyền.

Điều 9. Trách nhiệm thực hiện

Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có trách nhiệm triển khai, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Thông tư liên tịch này trong bộ, ngành mình.

Trường hợp bộ, ngành nào có nhiều cơ quan, đơn vị cùng có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp ở mỗi cấp, phải giao một cơ quan, đơn vị chủ trì làm đầu mối chung và thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết.

 

KT. CHÁNH ÁN
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
PHÓ CHÁNH ÁN




Nguyễn Trí Tuệ

KT. VIỆN TRƯỞNG
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
PHÓ VIỆN TRƯỞNG




Nguyễn Thị Thủy Khiêm

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ CÔNG AN
THỨ TRƯỞNG




Thượng Tướng Lê Quý Vương

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ TƯ PHÁP
THỨ TRƯỞNG




Phan Chí Hiếu

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG




Vũ Thị Mai

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ QUỐC PHÒNG
THỨ TRƯỞNG




Thượng tướng Lê chiêm

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
THỨ TRƯỞNG THƯỜNG TRỰC




Hà Công Tuấn

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Quốc hội;
- Ủy ban Tư pháp của Quốc hội;
- Ban Nội chính Trưng ương;
- Văn phòng chính phủ;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Bộ Công an
- Bộ Tư pháp;
- Bộ Quốc phòng
- Bộ Tài Chính
- Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn
- Công báo;
- Lưu: VT VKSNDTC, TANDTC,BCA, BTP, BQP, BTC, BNN&PTNT.(Hùng 30b)

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 01/2018/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTP-BTC-BNN&PTNT quy định về phối hợp trong việc báo cáo, thông báo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp do Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao - Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Bộ Tư pháp - Bộ Tài chính - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 01/2018/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTP-BTC-BNN&PTNT
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 05/04/2018
  • Nơi ban hành: Bộ Công An, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao
  • Người ký: Hà Công Tuấn, Vũ Thị Mai, Lê Quý Vương, Nguyễn Thị Thủy Khiêm, Phan Chí Hiếu, Lê Chiêm, Nguyễn Trí Tuệ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 535 đến số 536
  • Ngày hiệu lực: 20/05/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản