Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG AN-BỘ NỘI VỤ-TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO-BỘ TƯ PHÁP-BỘ TÀI CHÍNH-VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO-BỘ QUỐC PHÒNG
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01/2007/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BNV-BTC-BCA-BQP-BTP

Hà Nội, ngày 31 tháng 01 năm 2007 

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 241/2006/QĐ-TTG NGÀY 25/10/2006 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ CHẾ ĐỘ BỒI DƯỠNG PHIÊN TÒA

Căn cứ Quyết định số 241/2006/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ bồi dưỡng phiên tòa; Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

Chế độ bồi dưỡng phiên tòa được áp dụng đối với Thẩm phán Tòa án nhân dân và Thẩm phán Tòa án quân sự các cấp (sau đây gọi tắt là Thẩm phán), Hội thẩm nhân dân và Hội thẩm quân nhân (sau đây gọi tắt là Hội thẩm), Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân và Kiểm sát viên Viện kiểm sát quân sự các cấp (sau đây gọi tắt là Kiểm sát viên), Thư ký Tòa án tiến hành tố tụng tại phiên tòa; giám định viên, phiên dịch, nhân chứng được Tòa án trưng cầu hoặc triệu tập với tư cách là người tham gia tố tụng tại phiên tòa, cảnh sát (kể cả cảnh vệ trong quân đội) bảo vệ phiên tòa, dẫn giải bị can, bị cáo đến phiên tòa.

II. MỨC BỒI DƯỠNG PHIÊN TÒA

1. Mức bồi dưỡng phiên tòa đối với người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng tại phiên tòa trong một ngày xét xử được quy định như sau:

a) Mức bồi dưỡng 50.000 đồng (năm mươi nghìn đồng) áp dụng đối với Thẩm phán chủ tọa phiên tòa;

b) Mức bồi dưỡng 30.000 đồng (ba mươi nghìn đồng) áp dụng đối với Thẩm phán, Kiểm sát viên tiến hành tố tụng tại phiên tòa;

Trường hợp trong một ngày Thẩm phán xét xử nhiều vụ án, trong đó vừa là Thẩm phán chủ tọa phiên tòa vừa là Thẩm phán tham gia phiên tòa thì được hưởng một lần mức bồi dưỡng quy định đối với Thẩm phán chủ tọa phiên tòa là 50.000 đồng (năm mươi nghìn đồng).

c) Mức bồi dưỡng 20.000 đồng (hai mưoi nghìn đồng) áp dụng đối với Thư ký Tòa án, cảnh sát (kể cả cảnh vệ trong quân đội) bảo vệ phiên tòa, dẫn giải bị can, bị cáo;

d) Mức bồi dưỡng 50.000 đồng (năm mươi nghìn đồng) áp dụng đối với Hội thẩm, kể cả ngày làm việc nghiên cứu hồ sơ tại Tòa án các cấp;

đ) Mức bồi dưỡng 40.000 đồng (bốn mươi nghìn đồng) áp dụng đối với Giám định viên được Tòa án trưng cầu tham gia phiên tòa;

e) Mức bồi dưỡng từ 50.000 đồng (năm mươi nghìn đồng) đến 500.000 đồng (năm trăm nghìn đồng) được áp dụng đối với Phiên dịch được Tòa án yêu cầu đến phiên dịch tại phiên tòa, cụ thể:

e.1) Mức bồi dưỡng từ 50.000 đồng (năm mươi nghìn đồng) đến 100.000 đồng (một trăm nghìn đồng) áp dụng đối với những vụ việc có khối lượng công việc phiên dịch không lớn, thời gian phiên dịch không nhiều, tính chất vụ việc cần phiên dịch đơn giản;

e.2) Mức bồi dưỡng từ trên 100.000 đồng (một trăm nghìn đồng) đến 250.000 đồng (hai trăm năm mươi nghìn đồng) được áp dụng đối với những vụ việc không thuộc trường hợp quy định tại điểm e.1 và e.3, khoản 1, mục II của Thông tư này;

e.3) Mức bồi dưỡng từ trên 250.000 đồng (hai trăm năm mươi nghìn đồng) đến 500.000 đồng (năm trăm nghìn đồng) áp dụng đối với những vụ việc có khối lượng công việc lớn, thời gian phiên dịch nhiều, tính chất vụ việc cần phiên dịch phức tạp.

g) Mức bồi dưỡng 30.000 đồng (ba mươi nghìn đồng) áp dụng đối với Nhân chứng được Tòa án triệu tập đến phiên tòa.

2. Ngày xét xử quy định tại Thông tư này được chia làm 2 buổi. Trường hợp xét xử một buổi thì mức hưởng bằng một nửa (1/2) mức bồi dưỡng quy định cho 1 ngày.

3. Hội thẩm, Giám định viên, Phiên dịch và Nhân chứng được thanh toán chi phí đi lại theo quy định như đối với cán bộ, công chức đi công tác.

III. NGUỒN KINH PHÍ VÀ CÁCH CHI TRẢ

1. Nguồn kinh phí

Kinh phí thực hiện chế độ bồi dưỡng phiên tòa được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của các cơ quan tư pháp theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Kinh phí thực hiện chế độ bồi dưỡng phiên tòa của Tòa án quân sự các cấp và Viện kiểm sát quân sự các cấp được bố trí trong kế hoạch ngân sách của Tòa án quân sự và Viện kiểm sát quân sự đã giao cho Bộ Quốc phòng hàng năm.

2. Cách chi trả

Năm 2006 và năm 2007, việc chi trả chế độ bồi dưỡng phiên tòa đối với Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án, Giám định viên, Phiên dịch, Nhân chứng, Cảnh sát (kể cả Cảnh vệ trong quân đội) bảo vệ phiên tòa, dẫn giải bị can, bị cáo do Tòa án ra Quyết định đưa vụ án ra xét xử thực hiện; Kiểm sát viên do Viện kiểm sát nào cử tiến hành tố tụng tại phiên tòa thì Viện kiểm sát đó thực hiện.

Từ năm 2008 trở đi, việc chi trả chế độ bồi dưỡng phiên tòa được thực hiện như sau:

a) Tòa án Quyết định đưa vụ án ra xét xử chi trả bồi dưỡng đối với Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án, Giám định viên, Phiên dịch và Nhân chứng. Tòa án quân sự ra Quyết định đưa vụ án ra xét xử chi trả cho cán bộ, chiến sỹ cảnh vệ bảo vệ phiên tòa, dẫn giải bị can, bị cáo đến phiên tòa;

b) Viện kiểm sát chi trả đối với Kiểm sát viên tiến hành tố tụng tại phiên tòa;

c) Cơ quan Công an chi trả đối với cảnh sát bảo vệ phiên tòa, cảnh sát dẫn giải bị can, bị cáo.

3. Quản lý, quyết toán kinh phí

Việc lập dự toán, quản lý và quyết toán kinh phí thực hiện chế độ bồi dưỡng phiên tòa theo quy định của luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.

IV. HIỆU LỰC THI HÀNH

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

2. Thông tư này thay thế các quy định về việc thực hiện chế độ phụ cấp phiên tòa và chế độ bồi dưỡng phiên tòa tại Thông tư liên tịch số 614/TT-LN ngày 21/7/1995 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ phụ cấp phiên tòa và Thông tư liên tịch số 418/TT-LB ngày 09/4/1996 của Bộ Tư pháp, Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) và Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ bồi dưỡng phiên tòa.

3. Chế độ bồi dưỡng phiên tòa theo hướng dẫn tại Thông tư này được tính hưởng từ ngày Quyết định số 241/2006/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ bồi dưỡng phiên tòa có hiệu lực.

 Trong quá trình thực hiện nếu có gì vướng mắc, đề nghị phản ánh về Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp để nghiên cứu, phối hợp giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ CÔNG AN
THỨ TRƯỞNG





Lê Thế Tiệm

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ QUỐC PHÒNG
THỨ TRƯỞNG





Nguyễn Văn Được

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG





Trần Văn Tuấn

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG





Trần Văn Tá

 

KT. CHÁNH ÁN
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

PHÓ CHÁNH ÁN




Trần Văn Tú

KT. VIỆN TRƯỞNG
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
PHÓ VIỆN TRƯỞNG




Dương Thanh Biểu

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ TƯ PHÁP
THỨ TRƯỞNG




Hoàng Thế Liên

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 01/2007/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BNV-BTC-BCA-BQP-BTPHướng dẫn Quyết định 241/2006/QĐ-TTg về chế độ bồi dưỡng phiên tòa do Toà án Nhân dân Tối cao - Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao-Bộ Nội Vụ- Bộ tài Chính- Bộ Công An- Bộ Quốc Phòng- Bộ Tư pháp ban hành

  • Số hiệu: 01/2007/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BNV-BTC-BCA-BQP-BTP
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 31/01/2007
  • Nơi ban hành: Bộ Công An, Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao
  • Người ký: Hoàng Thế Liên, Lê Thế Tiệm, Nguyễn Văn Được, Trần Văn Tá, Trần Văn Tú, Trần Văn Tuấn, Dương Thanh Biểu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 254 đến số 255
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản