Hệ thống pháp luật

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO-VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO-BỘ TƯ PHÁP
*******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 09/TTLN

Hà Nội, ngày 01 tháng 10 năm 1990

 

THÔNG TƯ LIÊN NGÀNH

HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LỆNH THỦ TỤC GIẢI QUYẾT CÁC VỤ ÁN DÂN SỰ

Để thi hành Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự; Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn các Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp áp dụng thống nhất một số quy định sau đây:

1. Khi Viện kiểm sát khởi tố vụ án thì Viện kiểm sát có trách nhiệm cung cấp các tài liệu cần thiết đối với việc giải quyết vụ án cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án. Viện kiểm sát khởi tố vụ án không phải nộp tiền tạm ứng án phí và không phải chịu án phí, nhưng các đương sự khác vẫn phải chịu án phí theo quy định chung.

2. Trong trường hợp Viện kiểm sát khởi tố vụ án, nếu thấy cần thiết thì Tòa án có thể tiến hành điều tra để thu nhập thêm chứng cứ. Tòa án có thể trao đổi với Viện kiểm sát để Viện kiểm sát cung cấp thêm tài liệu hoặc rút quyết định khởi tố. Nếu Viện kiểm sát không nhất trí với ý kiến của Tòa án thì tùy trường hợp Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án, đình chỉ việc giải quyết vụ án hoặc đưa vụ án ra xét xử.

3. Đối với những vụ án do Viện kiểm sát khởi tố, nếu sau khi Tòa án đã thụ lý mà thấy vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình theo lãnh thổ, thì Tòa án trả hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát đã khởi tố vụ án để Viện kiểm sát quyết định khởi tố lại theo đúng thẩm quyền của Tòa án.

4. Đối với các vụ án theo quy định tại khoản 2 Điều 28 và các vụ án mà Viện kiểm sát có yêu cầu tham gia phiên tòa sơ thẩm, thì ngay sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án gửi cho Viện kiểm sát quyết định đưa vụ án ra xét xử và hồ sơ vụ án để Viện kiểm sát nghiên cứu trong thời hạn mười lăm ngày để chuẩn bị cho việc tham gia phiên tòa. Hồ sơ vụ án cũng có thể được chuyển cho Viện kiểm sát để nghiên cứu trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.

5. Trong những trường hợp bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà Viện kiểm sát cùng cấp thấy cần nghiên cứu hồ sơ vụ án để đề nghị Viện kiểm sát cấp trên kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm hoặc Viện kiểm sát cấp trên thấy cần xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, thì Viện kiểm sát có công văn yêu cầu Tòa án chuyển cho Viện kiểm sát mượn hồ sơ vụ án. Tòa án chuyển cho Viện kiểm sát mượn hồ sơ vụ án chậm nhất là hai mươi ngày kể từ ngày nhận được công văn yêu cầu.

Nếu Viện kiểm sát cấp trên mượn hồ sơ vụ án thì Tòa án chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cùng cấp để Viện kiểm sát cùng cấp chuyển cho Viện kiểm sát cấp trên.

Trong thời hạn ba tháng kể từ ngày Viện kiểm sát nhận được hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát chuyển trả lại hồ sơ vụ án cho Tòa án, nếu không có kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

6. Mọi tài liệu có trong hồ sơ vụ án được đánh số thứ tự và có bản kê danh mục các tài liệu. Trước khi chuyển hồ sơ vụ án từ Tòa án sang Viện kiểm sát hoặc ngược lại, cần kiểm tra đầy đủ tài liệu trong hồ sơ vụ án. Người nhận hồ sơ vụ án phải đối chiếu bản kê danh mục tài liệu với tài liệu đã được đánh số thứ tự trong hồ sơ vụ án.

7. Viện kiểm sát nghiên cứu hồ sơ vụ án đang được giải quyết theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm trong thời hạn mười lăm ngày kể từ ngày Viện kiểm sát nhận được hồ sơ vụ án và chuyển trả hồ sơ vụ án cho Tòa án chậm nhất là mười lăm ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án.

Đối với hồ sơ vụ án có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương và cấp tương đương, thì thời hạn Viện kiểm sát nghiên cứu hồ sơ vụ án là ba tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án. Viện kiểm sát chuyển trả hồ sơ vụ án cho Tòa án chậm nhất là ba tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án. Đối với những vụ án có tính chất phức tạp, nếu Viện kiểm sát cần điều tra bổ sung, thì thời hạn Viện kiểm sát nghiên cứu hồ sơ vụ án đang được giải quyết theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm là một tháng, theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm là bốn tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án.

8. Việc kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự có thể bắt đầu từ khi Tòa án thụ lý đơn khởi kiện của đương sự, tổ chức xã hội hoặc quyết định khởi tố vụ án của Viện kiểm sát.

Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án nếu thấy cần phải điều tra bổ sung thì Viện kiểm sát có thể tự mình tiến hành điều tra bổ sung hoặc ủy thác cho Viện kiểm sát khác điều tra bổ sung, yêu cầu Tòa án điều tra bổ sung. Viện kiểm sát có thể trao đổi trực tiếp hoặc bằng văn bản với Tòa án về những vấn đề cần điều tra bổ sung. Tòa án có trách nhiệm kịp thời đáp ứng yêu cầu của Viện kiểm sát về điều tra bổ sung. Trong trường hợp thấy có thể điều tra bổ sung được tại phiên tòa thì Tòa án thông báo cho Viện kiểm sát biết.

Nếu Tòa án cần hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung thì Viện kiểm sát chuyển trả lại Tòa án. Việc giao nhận hồ sơ vụ án cũng được thực hiện theo điểm 6 của Thông tư này.

9. Trong trường hợp giữa Tòa án và Viện kiểm sát có ý kiến khác nhau về đánh giá chứng cứ, về hướng giải quyết vụ án, thì trước khi đưa vụ án ra xét xử cần có sự trao đổi trước giữa kiểm sát viên tham gia phiên tòa và thẩm phán được phân công xét xử vụ án và khi cần thiết thì có thể báo cáo với lãnh đạo hai ngành để giải quyết. Nếu sau khi trao đổi ý kiến mà vẫn chưa có sự nhất trí thì từng ngành vẫn tiến hành công việc theo thẩm quyền của mình.

10. Viện kiểm sát phải cử kiểm sát viên tham gia phiên tòa đối với những vụ án quy định tại khoản 2 Điều 28, khoản 1 Điều 67 Pháp lệnh hoặc những việc khác mà Viện kiểm sát thấy cần tham gia phiên tòa. Viện kiểm sát cần thông báo họ, tên kiểm sát viên sẽ tham gia phiên tòa để Tòa án thông báo cho những người tham gia tố tụng khác biết. Nếu sau đó Viện kiểm sát thay đổi kiểm sát viên thì cần thông báo việc thay đổi này cho Tòa án biết.

Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa nếu vắng mặt kiểm sát viên trong các trường hợp Viện kiểm sát khởi tố vụ án, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm hoặc kiểm sát viên bị thay đổi mà không có kiểm sát viên thay thế ngay.

11. Trong quá trình điều tra, chuẩn bị xét xử, nếu Tòa án hoặc Viện kiểm sát thấy cần thiết phải thay đổi hoặc nhận được đơn yêu cầu thay đổi thẩm phán, hội thẩm nhân dân, thư ký Tòa án, kiểm sát viên, người giám định, người phiên dịch thì tùy trường hợp cụ thể Tòa án và Viện kiểm sát trao đổi với nhau để xem xét việc thay đổi trước khi mở phiên tòa.

12. Theo quy định tại Điều 87 thì Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-1990. Do đó, kể từ ngày 1-1-1990 trong việc giải quyết  và việc kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự thụ lý trước ngày 1-1-1990 nhưng chưa được giải quyết xong đều phải áp dụng các quy định của Pháp lệnh này.

13. Việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật trước ngày 1-1-1990 chỉ được tiến hành trước ngày 1-1-1993, trừ trường hợp kháng nghị theo hướng không gây thiệt hại cho bất cứ đương sự nào.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên ngành 09/TTLN năm 1990 hướng dẫn Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự do Tòa án nhân dân tối cao - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp ban hành

  • Số hiệu: 09/TTLN
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 01/10/1990
  • Nơi ban hành: Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao
  • Người ký: ***
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản