Hệ thống pháp luật

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 442/KHXX

Hà Nội, ngày 18 tháng 7 năm 1994

 

CÔNG VĂN

CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO SỐ 442/KHXX NGÀY 18-7-1994 VỀ VIỆC ÁP DỤNG MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LỆNH THỦ TỤC GIẢI QUYẾT CÁC VỤ ÁN KINH TẾ.

 

Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 16-3-1994 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-1994. Về cơ bản, nhiều quy định trong Pháp lệnh này tương tự như các quy định tương ứng trong Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự; do đó, khi thi hành các quy định của Pháp lệnh này, các Toà án nhân dân địa phương cần nắm chắc các hướng dẫn trong Nghị quyết số 03/HĐTP ngày 19-10-1990 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thông tư liên ngành số 09/TTLN ngày 1-10-1990 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, các công văn của Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự. Tuy nhiên cũng có một số quy định của Pháp lệnh này mang tính chất đặc thù của việc giải quyết tranh chấp kinh tế nên có sự khác nhau với một số quy định tương ứng của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự. Để việc thi hành các quy định của Pháp lệnh này được đúng đắn và thống nhất, Toà án nhân dân tối cao lưu ý các Toà án nhân dân các cấp một số điểm sau đây:

I - VỀ CÁC VỤ ÁN KINH TẾ THUỘC THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT CỦA TOÀ ÁN:

Theo quy định tại Điều 12 của Pháp lệnh thì Toà án có thẩm quyền giải quyết các vụ án kinh tế sau đây:

1. "Các tranh chấp về hợp đồng kinh tế giữa pháp nhân với pháp nhân; giữa pháp nhân với cá nhân có đăng ký kinh doanh".

Khi thi hành quy định này cần chú ý:

a) Pháp nhân là tổ chức có đủ các điều kiện được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, như: Pháp lệnh Hợp đồng dân sự, Nghị định số 17/HĐBT ngày 16-1-1990 của Hội đồng Bộ trưởng quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế v.v... Pháp nhân trong các tranh chấp về hợp đồng kinh tế thường hay gặp là: Doanh nghiệp Nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, xí nghiệp liên doanh, xí nghiệp có 100% vốn nước ngoài, doanh nghiệp của các tổ chức, đoàn thể xã hội...

b) Cá nhân có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật là người đã được cấp giấy phép kinh doanh và đã đăng ký kinh doanh tại cơ quan Trọng tài kinh tế từ trước ngày 1-7-1994 hoặc Uỷ ban kế hoạch từ ngày 1-7-1994, (thường được gọi là doanh nghiệp tư nhân).

2. "Các tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể công ty".

a) Các tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty: Đây là các tranh chấp về phần vốn góp của mỗi thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn (thông thường phần vốn góp đó được tính bằng tiền, nhưng cũng có thể bằng hiện vật hoặc bằng bản quyền sở hữu công nghiệp); về mệnh giá cổ phiếu và số cổ phiếu phát hành đối với mỗi công ty cổ phần; về quyền sở hữu một phần tài sản của công ty tương ứng với phần vốn góp vào công ty; về yêu cầu công ty đổi các khoản nợ hoặc thanh toán các khoản nợ của công ty, thanh lý tài sản và thanh lý các hợp đồng mà công ty đã ký kết khi giải thể công ty; về các vấn đề khác liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể công ty.

b) Các tranh chấp giữa các thành viên của công ty với nhau: Đây là các tranh chấp giữa các thành viên của công ty về việc trị giá phần vốn góp vào công ty giữa các thành viên của công ty; về việc chuyển nhượng phần vốn góp vào công ty giữa các thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc về việc chuyển nhượng phần vốn góp vào công ty của thành viên công ty đó cho người khác không phải là thành viên của công ty; về việc chuyển nhượng cổ phiếu không ghi tên cổ phiếu có ghi tên; về mệnh giá cổ phiếu, số cổ phiếu phát hành và trái phiếu của công ty cổ phần hoặc về quyền sở hữu tài sản tương ứng với số cổ phiếu của thành viên công ty; về quyền được chia lợi nhuận hoặc về nghĩa vụ chịu lỗ, thanh toán nợ của công ty; về việc thanh lý tài sản, phân chia nợ giữa các thành viên của công ty trong trường hợp công ty bị giải thể, về các vấn đề khác giữa các thành viên của công ty liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể công ty.

3. "Các tranh chấp liên quan đến việc mua bán cổ phiếu, trái phiếu"...

Các tranh chấp liên quan đến việc mua bán cổ phiếu, trái phiếu... là các tranh chấp về mua, bán cổ phiếu, trái phiếu đã phát hành và cổ phiếu mới, trái phiếu mới sắp phát hành của công ty cổ phần.

4. "Các tranh chấp kinh tế khác theo quy định của pháp luật".

Các tranh chấp kinh tế khác theo quy định của pháp luật cần được hiểu là các tranh chấp mà trong tương lai khi ban hành văn bản pháp luật trong đó có quy định đó là các tranh chấp kinh tế và thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân.

II - VỀ THẨM QUYỀN CỦA CÁC TOÀ ÁN:

1. Theo quy định tại khoản 1 Điều 13 của Pháp lệnh thì Toà án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp hợp đồng kinh tế mà giá trị tranh chấp dưới 50 triệu đồng, trừ trường hợp có nhân tố nước ngoài; do đó, khi thi hành quy định này cần chú ý là Toà án nhân dân cấp huyện chỉ có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp kinh tế có đầy đủ cả ba điều kiện sau đây:

a) Phải là tranh chấp về hợp đồng kinh tế;

b) Giá trị tranh chấp dưới 50 triệu đồng;

c) Không có nhân tố nước ngoài.

2. Theo quy định tại khoản 2 Điều 13 của Pháp lệnh thì Toà án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm tất cả những vụ án kinh tế quy định tại Điều 12 của Pháp lệnh, trừ những vụ án thuộc thẩm quyền của Toà án cấp huyện tức là những vụ án kinh tế có đầy đủ cả ba điều kiện theo hướng dẫn tại điểm 1 mục này.

Tuy nhiên, Pháp lệnh cũng quy định trong trường hợp cần thiết Toà án cấp tỉnh có thể lấy lên để giải quyết theo thủ tục sơ thẩm vụ án kinh tế thuộc thẩm quyền của Toà án cấp huyện.

Trường hợp cần thiết thường là: Khi vụ án có nhiều tình tiết phức tạp; khi vụ án có nhiều đương sự ở trên địa bàn thuộc các huyện khác nhau và xa nhau; Toà án cấp huyện chưa có Thẩm phán để có thể phân công giải quyết vụ án kinh tế, hoặc tuy có Thẩm phán để có thể phân công giải quyết vụ án kinh tế, nhưng thuộc một trong các trường hợp phải thay đổi Thẩm phán mà không có Thẩm phán khác để thay thế.

3. Theo quy định tại Điều 15 của Pháp lệnh thì trong một số trường hợp nhất định, có nhiều Toà án có thẩm quyền giải quyết một vụ án kinh tế cụ thể và nguyên đơn có quyền lựa chọn một trong các Toà án đó. Để tránh việc có tranh chấp về thẩm quyền, thì Toà án nào thuộc một trong các Toà án có thẩm quyền mà nhận được đơn khởi kiện trước tiên của nguyên đơn, đã dự tính tiền tạm ứng án phí cho nguyên đơn và nguyên đơn xuất trình chứng từ về việc nộp tiền tạm ứng án phí, có thẩm quyền thụ lý vụ án theo đúng quy định tại Điều 33 của Pháp lệnh.

4. Sau khi thụ lý vụ án kinh tế, nếu phát hiện việc giải quyết vụ án không thuộc thẩm quyền của mình, thì Toà án đã thụ lý vụ án phải ra quyết định chuyển ngay hồ sơ vụ án cho Toà án có thẩm quyền giải quyết, trong đó cần nêu rõ lý do chuyển hồ sơ vụ án, đồng thời phải thông báo ngay cho nguyên đơn biết.

Trong trường hợp có tranh chấp về thẩm quyền, thì những Toà án có tranh chấp đó phải báo cáo ngay lên Toà án cấp trên trực tiếp để Toà án đó quyết định việc giao cho Toà án nào giải quyết vụ án, cụ thể như sau:

a) Nếu tranh chấp về thẩm quyền giữa hai Toà án cấp huyện trong một tỉnh, thì Toà án cấp tỉnh trực tiếp giải quyết.

b) Nếu tranh chấp về thẩm quyền giữa hai Toà án cấp huyện thuộc hai địa phương cấp tỉnh hoặc giữa Toà án cấp tỉnh này với Toà án cấp huyện thuộc tỉnh khác, thì Toà án cấp tỉnh của hai địa phương cấp tỉnh phối hợp giải quyết tranh chấp bằng việc giao cho một toà án cấp huyện thụ lý giải quyết vụ án hoặc một Toà án cấp tỉnh lấy hồ sơ vụ án lên để giải quyết. Nếu hai Toà án cấp tỉnh không thống nhất được với nhau về việc giải quyết tranh chấp về thẩm quyền trong trường hợp này thì hai Toà án cấp tỉnh đó báo cáo và chuyển hồ sơ vụ án lên Toà án nhân dân tối cao để xem xét, quyết định.

c) Nếu tranh chấp về thẩm quyền giữa hai Toà án cấp tỉnh, thì toà án nhân dân tối cao giải quyết.

Thời hạn để Toà án cấp trên xem xét, giải quyết tranh chấp về thẩm quyền là 7 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu.

III - VỀ VIỆC UỶ QUYỀN, VIỆC BẢO VỆ QUYỀN LỢI CỦA ĐƯƠNG SỰ

1. Khi thực hiện các quy định của Pháp lệnh về việc uỷ quyền cần chú ý là việc uỷ quyền tham gia tố tụng phải được làm thành văn bản, trong đó cần xác định rõ phạm vi uỷ quyền mà người được uỷ quyền được thực hiện. Nếu đương sự uỷ quyền là cá nhân thì văn bản uỷ quyền phải được cơ quan công chứng Nhà nước hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn chứng thực. Nếu đương sự uỷ quyền là pháp nhân thì văn bản uỷ quyền phải được người đại diện theo pháp luật của pháp nhân chứng nhận và có đóng dấu của pháp nhân. Trong trường hợp người uỷ quyền có thay đổi yêu cầu về phạm vi uỷ quyền cho người được uỷ quyền, thì cũng phải làm thành văn bản và có chứng thực hoặc chứng nhận như khi uỷ quyền.

2. Quy định cụ thể về người đại diện do uỷ quyền, người bảo vệ quyền lợi của đương sự được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 03/HĐTP ngày 19-10-1990 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về người đại diện, người bảo vệ quyền lợi của đương sự, cụ thể là Toà án không chấp nhận những người thuộc một trong những trường hợp sau đây tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện do đương sự uỷ quyền, người bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự:

a) Không có quốc tịch Việt Nam, không cư trú ở Việt Nam, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác đối với đương sự là người có quốc tịch nước ngoài, người không có quốc tịch hoặc là người Việt Nam ở nước ngoài;

b) Chưa đủ 18 tuổi;

c) Bị bệnh tâm thần;

d) Đã bị khởi tố về hình sự hoặc bị kết án, nhưng chưa được xoá án;

đ) Là cán bộ ngành Toà án, ngành Kiểm sát;

e) Là người giám định, người phiên dịch, người làm chứng trong vụ án;

g) Là người thân thích với Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Toà án, Kiểm sát viên đang tham gia giải quyết vụ án;

h) Chuyên viên tư vấn pháp luật của Văn phòng dịch vụ pháp lý (theo hướng dẫn tại Thông tư số 1119 - QLTPK ngày 24-12-1987 và Công văn số 870/CV/QVLL ngày 26-10-1989 của Bộ tư pháp).

Một người chỉ có thể tham gia tố tụng với một tư cách hoặc là người đại diện do đương sự uỷ quyền hoặc là người bảo vệ quyền lợi cho đương sự, chứ không được tham gia tố tụng cùng một lúc với hai cách vừa là người đại diện do đương sự uỷ quyền vừa là người bảo vệ quyền lợi cho đương sự.

IV - VỀ VIỆC XÁC MINH, THU THẬP CHỨNG CỨ VÀ HOÀ GIẢI:

1. Theo quy định tại Điều 3 của Pháp lệnh thì đương sự có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh để bảo vệ quyền lợi của mình. Tuy nhiên, theo các điều 4, 35, 65 của Pháp lệnh thì khi cần thiết Toà án có thể tiến hành hoặc uỷ thác cho Toà án khác xác minh, thu thập chứng cứ để làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ án được chính xác. Việc xác minh, thu thập chứng cứ bao gồm những việc đã được quy định cụ thể tại Điều 35 của Pháp lệnh.

2. Khi uỷ thác cho các Toà án khác xác minh, thu thập thêm chứng cứ, thì phải xác định rõ nội dung và thời hạn thực hiện uỷ thác. Toà án được uỷ thác thực hiện ngay sự uỷ thác và thông báo kết quả cho Toà án đã uỷ thác trong thời hạn do Toà án đã uỷ thác yêu cầu. Nếu thấy rằng việc xác minh, thu thập chứng cứ cần được uỷ thác tiếp cho Toà án khác thì Toà án được uỷ thác có thể uỷ thác tiếp cho Toà án khác đó và thông báo cho Toà án uỷ thác biết về việc đó.

3. Trong trường hợp cần phải định giá tài sản có liên quan đến việc giải quyết tranh chấp thì Toà án cần có công văn yêu cầu cơ quan chuyên môn định giá hoặc thành lập Hội đồng định giá. Hội đồng định giá do Thẩm phán được phân công sẽ làm chủ toạ Hội đồng xét xử sơ thẩm làm Chủ tịch, có đại diện của cơ quan tài chính - vật giá, đại diện của cơ quan chuyên môn có liên quan làm thành viên. Các đương sự được tham gia ý kiến vào việc định giá, nhưng quyền quyết định về giá thuộc Hội đồng định giá.

Chi phí cho việc định giá được xác định trên cơ sở chi phí thực tế cần thiết, phù hợp với các quy định của Nhà nước và do người thua kiện phải chịu.

4. Theo quy định tại khoản 2 Điều 36 của Pháp lệnh, thì nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải có mặt khi hoà giải. Tuy nhiên, nếu trong cùng một vụ án có nhiều đương sự, nhưng khi tiến hành hoà giải có đương sự vắng mặt, thì Toà án vẫn có quyền tiến hành hoà giải giữa các đương sự có mặt nếu xét thấy việc hoà giải đó không có liên quan hoặc không có ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của đương sự vắng mặt.

Khi các đương sự thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án, thì toà án lập biên bản hoà giải thành và ra Quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự. Toà án cần giải thích cho các đương sự biết là quyết định này có hiệu lực pháp luật, các đương sự không có quyền kháng cáo và Viện Kiểm sát cũng không có quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Mẫu Quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự tương tự mẫu loại Quyết định này trong việc giải quyết các vụ án dân sự.

Trong trường hợp các đương sự không thể thoả thuận với nhau được, thì Toà án lập biên bản hoà giải không thành và ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Cần chú ý là biên bản hoà giải thành, biên bản hoà giải không thành phải được Thẩm phán tiến hành hoà giải, Thư ký Toà án ghi biên bản và các đương sự ký tên.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 50 của Pháp lệnh, nếu tại phiên toà các đương sự thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì Hội đồng xét xử cũng ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự và quyết định này có hiệu lực pháp luật, nghĩa là không thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

V - VỀ VIỆC ÁP DỤNG CÁC BIỆN PHÁP KHẨN CẤP TẠM THỜI

1. Trong trường hợp Toà án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo đơn yêu cầu của đương sự, nếu đương sự có lỗi trong việc gây thiệt hại thì phải bồi thường. Mức bồi thường do các đương sự tự thoả thuận với nhau; nếu các đương sự không thoả thuận được và có yêu cầu Toà án giải quyết thì Toà án đang giải quyết vụ án kinh tế đó quyết định căn cứ vào mức độ lỗi và thiệt hại thực tế xảy ra. Trong trường hợp này các đương sự phải chịu án phí cả đối với việc giải quyết phần bồi thường thiệt hại có tranh chấp theo quy định chung về án phí kinh tế.

Trong trường hợp Toà án tự mình hoặc theo yêu cầu bằng văn bản của Viện kiểm sát ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trái pháp luật mà gây thiệt hại cho đương sự, thì Toà án hoặc Viện kiểm sát có lỗi trong việc gây thiệt hại, phải bồi thường. Trong trường hợp này Toà án cần phải làm rõ trách nhiệm kỷ luật, trách nhiệm vật chất đối với những người có lỗi trong việc gây thiệt hại mà cơ quan đã phải bồi thường cho đương sự, để có hình thức kỷ luật thoả đáng và buộc bồi hoàn khoản tiền mà cơ quan đã phải bồi thường cho đương sự.

2. Nếu trước khi mở phiên toà, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án và nếu tại phiên toà Hội đồng xét xử ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là phong toả tài khoản của đương sự, thì bản sao quyết định đó phải được gửi cho Ngân hàng, kho bạc Nhà nước nơi đương sự mở tài khoản.

3. Trong trường hợp ra quyết định cấm hoặc buộc đương sự, tổ chức, cá nhân khác thực hiện một số hành vi nhất định, thì trong quyết định cần ghi cụ thể những hành vi cấm thực hiện, những hành vi buộc phải thực hiện, thời hạn phải chấm dứt hoặc phải thực hiện xong, thời hạn có hiệu lực của quyết định và trách nhiệm đối với việc không thi hành quyết định đó.

VI - VỀ KHÁNG CÁO, KHÁNG NGHỊ QUÁ HẠN

Theo quy định tại khoản 3 Điều 61 của Pháp lệnh, nếu kháng cáo, kháng nghị quá hạn vì trở ngại khách quan, thì thời hạn kháng cáo, kháng nghị là mười ngày, kể từ ngày trợ ngại đó không còn nữa. Được coi là có trở ngại khách quan trong các trường hợp sau đây:

a) Người có quyền kháng cáo hoặc kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng chưa nhận được bản sao bản án, quyết định của Toà án mà không phải do lỗi của họ;

b) Đương sự vắng mặt trong một thời gian dài do yêu cầu công tác, chữa bệnh hoặc vì lý do chính đáng khác;

c) Đương sự là cá nhân có đăng ký kinh doanh bị chết mà chưa xác định được người thừa kế; đương sự là pháp nhân bị giải thể hoặc phá sản mà chưa xác định được cá nhân, pháp nhân kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của pháp nhân đó.

d) Do thiên tai, hoả hoạn làm cho việc kháng cáo không thể thực hiện được đúng hạn.

VII - VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐÁNG CHÚ Ý

1. Việc giải quyết các vụ án kinh tế có ảnh hưởng trực tiếp và rất quan trọng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, do đó, đòi hỏi Toà án phải giải quyết thật khẩn trương. Thời hạn giải quyết vụ án kinh tế quy định trong Pháp lệnh ngắn hơn nhiều so với các thời hạn giải quyết các vụ án dân sự. Do đó, các Toà án cần chú ý thi hành đúng các quy định sau đây của Pháp lệnh về vấn đề thời hạn: các điều 31, 33 về thời hạn khởi kiện và thụ lý vụ án; Điều 34 về thời hạn chuẩn bị xét xử; Điều 44 về thời hạn giải quyết khiếu nại quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; các điều 56, 57 về biên bản phiên toà, cấp trích lục, bản sao bản án hoặc quyết định; các điều 61, 66, 72, 73 về thủ tục phúc thẩm; Điều 77 về thời hạn kháng nghị và thời hạn xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm; các điều 83, 84 về thời hạn kháng nghị và thời hạn xét xử theo thủ tục tái thẩm.

2. Sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, nếu nhận được thông báo của Viện kiểm sát về việc tham gia phiên toà sơ thẩm thì Toà án chuyển ngay hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nghiên cứu trong thời hạn năm ngày. Hết thời hạn đó Viện kiểm sát phải trả ngay hồ sơ vụ án cho Toà án để mở phiên toà (Điều 34 của Pháp lệnh).

3. Các điều 24, 25, 26 của Pháp lệnh đã quy định cụ thể về người phải chịu chi phí giám định, người phải chịu chi phí cho người làm chứng, người phải chịu chi phí phiên dịch, nhưng không quy định về mức của các khoản chi phí này. Mức chi phí giám định, chi phí cho người làm chứng, chi phí phiên dịch do người phải chịu chi phí giám định, người phải chịu chi phí phiên dịch thoả thuận với người giám định, người làm chứng, người phiên dịch. Nếu các bên không thoả thuận được với nhau thì Toà án quyết định trên cơ sở chi phí thực tế cần thiết, phù hợp với các quy định của Nhà nước.

4. Việc nhận tiền, tài sản, tiền tạm ứng án phí và các khoản tiền tạm ứng khác do người có nghĩa vụ phải nộp theo các quy định của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế trước khi Toà án thụ lý, xét xử vụ án kinh tế tạm thời được thực hiện theo hướng dẫn tại mục III Thông tư liên ngành số 981/TTLN ngày 21-9-1993 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao "hướng dẫn về việc thực hiện một số suy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự".

5. Các Toà án cần thực hiện đúng các quy định của Pháp lệnh về việc cấp bản sao bản án, bản sao các quyết định của Toà án cho các đương sự, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp và những người khác có liên quan, cơ quan hữu quan khác.

Đối với những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật hoặc tuy chưa có hiệu lực pháp luật, nhưng được thi hành ngay thuộc trường hợp thủ trưởng cơ quan thi hành án chủ động ra quyết định thi hành án (Điều 20 Pháp lệnh Thi hành án dân sự) thì Toà án cần gửi cho cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp bản sao bản án, quyết định đó.

6. Về án phí kinh tế và lệ phí tại Toà án trong việc giải quyết các tranh chấp kinh tế sẽ được Chính phủ quy định cụ thể trong một Nghị định riêng. Sau khi có Nghị định của Chính phủ về vấn đề này Toà án nhân dân tối cao sẽ phối hợp với các ngành có liên quan như Bộ Tài chính, Bô Tư pháp ban hành Thông tư liên ngành hướng dẫn thực hiện các quy định của Pháp lệnh và của Nghị định về án phí, lệ phí.

Ngoài ra còn có một số vấn đề khác như mối quan hệ giữa Toà án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân trong quá trình giải quyết vụ án kinh tế, mối quan hệ giữa Toà án nhân dân với các cơ quan thi hành án trong việc thi hành các bản án, quyết định kinh tế v.v... Tòa án nhân dân tối cao sẽ phối hợp với các ngành có liên quan ban hành Thông tư liên ngành hướng dẫn cụ thể.

7. Việc giải quyết các tranh chấp kinh tế với Toà án nhân dân là một vấn đề mới, các đồng chí Chánh án các Toà án nhân dân các cấp cần có tổ chức cho các Thẩm phán và các bộ nghiên cứu của Toà án, đặc biệt là các thẩm phán và cán bộ nghiên cứu của Toà án được phân công làm nhiệm vụ giải quyết các tranh chấp kinh tế nghiên cứu kỹ các quy định của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế và các điểm được lưu ý trong công văn này.

Trong quá trình thực hành các quy định của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế nếu thấy có điểm gì vướng mắc các Toà án nhân dân các cấp cần phản ánh ngay cho Toà án nhân dân tối cao để Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao có hướng dẫn kịp thời.

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn về việc áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế

  • Số hiệu: 442/KHXX
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 18/07/1994
  • Nơi ban hành: Tòa án nhân dân tối cao
  • Người ký:
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/07/1994
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản