Hệ thống pháp luật

BỘ TƯ PHÁP-VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO-TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 04/TTLN

Hà Nội , ngày 02 tháng 11 năm 1985

 

THÔNG TƯ LIÊN NGÀNH

CỦA TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO, VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO, BỘ TƯ PHÁP SỐ 04/TTLN NGÀY 2 THÁNG 11 NĂM 1985 HƯỚNG DẪN THI HÀNH BỘ LUẬT HÌNH SỰ

Bộ luật hình sự đầu tiên của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được thông qua ngày 27-6-1985 và có hiệu lực kể từ ngày 1-1-1986.

Theo Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật Hình sự, theo tinh thần Điều 7, hiệu lực của Bộ luật Hình sự về thời gian và xem xét tình hình thực tế của ta, việc thi hành các điều khoản của Bộ luật này trong thời gian từ nay đến 31-12-1985, từ 1-1-1986 trở đi và đối với những việc chuyển tiếp được thực hiện như sau:

A. VỀ VIỆC VẬN DỤNG CÁC ĐIỀU KHOẢN

Cần phân biệt tính chất các Điều khoản và thời gian thực hiện hành vi phạm tội:

1. Kể từ ngày 1-1-1986, tất cả các điều của Bộ luật Hình sự đều được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện từ ngày đó trở đi, để truy cứu trách nhiệm hình sự và xét xử. Các điều khoản được áp dụng phải được viện dẫn làm căn cứ pháp lý.

2. Kể từ ngày 1-1-1986, các điều luật quy định hình phạt nhẹ hơn được chính thức áp dụng cả đối với các hành vi phạm tôi thực hiện trước ngày đó, mà sau ngày đó, vụ án chưa kết thúc, bản án xét xử tội này vẫn chưa thành nhất định (như hành vi phạm tội thực hiện trước ngày 1-1-1986, nhưng sau ngày 1-1-1986 mới phát hiện, hoặc còn đang điều tra, chờ xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm).

Các điều luật thuộc loại này:

- Các điều luật của Phần chung quy định những điểm mới về tội phạm, về hình phạt, về quyết định hình phạt... có tác dụng hạn chế hoặc miễn, giảm trách nhiệm hình sự như các điều luật về chuẩn bị phạm tội (Điều 15); về tái phạm (Điều 40); về các hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù (các Điều 22, 23, 24); về một số chế định như: Điều 45 (thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự); Điều 46 (thời hiệu thi hành bản án); về xoá án (các Điều 52, 53, 54), v.v...

- Các điều luật của Phần các tội phạm xoá bỏ một phần tội phạm (thí dụ: Điều 166 tội buôn bán hoặc tàng trữ hàng cấm không còn "vật tư kỹ thuật"); xoá bỏ toàn bộ tội phạm (như không còn các tội thông gian, dâm ô, phá thai trái phép); hoặc quy định hình phạt nhẹ so với trước (thí dụ: Điều 136 tội chiếm giữ trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa).

Việc áp dụng trở về trước này (hồi tố) được thực hiện ở mọi giai đoạn tố tụng khi bản án chưa thành nhất định:

Thí dụ 1: Một người chưa thành niên (17 tuổi rưỡi) phạm tội giết người đặc biệt nghiêm trọng trong tháng 6-1985, tháng 11-1985 bị xử sơ thẩm tù chung thân; bị cáo kháng cáo, tháng 2-1986 bị xử phúc thẩm. Toà án cấp phúc thẩm phải vận dụng Điều 64 để hạ từ tù chung thân xuống 20 năm tù.

Thí dụ 2: Một người bị bắt về tội tàng trữ vàng trái phép tháng 11-1985, tháng 1-1986 bị xét xử sơ thẩm nếu không có chứng cứ là người đó tàng trữ để buôn bán, thì Toà án phải vận dụng Điều 166 để đình chỉ vụ án và chuyển giao cơ quan hành chính xử lý.

Thí dụ 3: Một người phạm tội đầu cơ xăng dầu thời kỳ cuối năm 1985, sang 1986 mới bị phát hiện, Toà án vận dụng Điều 165 để xử lý, vì tội này mới được giảm từ tử hình xuống tù chung thân.

Thí dụ 4: Một người bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội thông gian trước ngày 1-1-1986, nếu đến sau ngày 1-1-1986 mà còn đang ở giai đoạn điều tra, thì cơ quan Kiểm sát phải ra quyết định đình chỉ vụ án. Nếu vụ án đang ở giai đoạn sơ thẩm hay phúc thẩm, thì Toà án cấp đó cũng phải làm như thế.

Trong giai đoạn từ nay đến 31-12-1985, cũng cần vận dụng ngay tinh thần miễn, giảm của các điều luật đó vào trong công tác truy tố, xét xử, mặc dù về hình thức vẫn phải viện dẫn các quy định còn có hiệu lực trong giai đoạn này. Như thế là hợp lý và tránh cho vụ án khỏi có thể bị sửa đổi sau này.

Cần đặc biệt quan tâm đến những điều luật quan trọng có thể gây những hậu quả lớn, như ngay từ nay không áp dụng tù chung thân, tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội; không áp dụng tử hình đối với phụ nữ có thai khi phạm tội, hoặc khi bị xét xử; không xử tử hình đối với các tội phạm mà hình phạt này đã bị xoá bỏ; không xử quá mức tối đa đã được điều chỉnh của các tội mà mức này đã được giảm một cách cơ bản; không truy tố, xét xử các tội thông gian, dâm ô, phá thai trái phép (trừ trường hợp đồng thời còn phạm vào một tội khác thì xử về tội khác này); không truy tố xét xử các hành vi phạm tội về kinh tế hoặc về một tội khác đã được loại khỏi phạm vi xử lý về hình sự để áp dụng các biện pháp xử lý khác (như các hành vi tàng trữ kim khí quý, đá quý trong "tội buôn lậu, tàng trữ hàng cấm" nếu không có chứng cứ là để buôn bán; các hành vi kinh doanh trái phép nếu chưa bị xử lý về hành chính; các hành vi cố ý làm trái những nguyên tắc, chính sách, chế độ quản lý kinh tế... hoặc vi phạm những nguyên tắc, chính sách, chế độ về phân phối, nếu không có dấu hiệu về vụ lợi và gây hậu quả nghiêm trọng, v.v.), không bắt buột phạt tiền gấp ba lần trong các tội đầu cơ, buôn lậu, v.v...

Tuy nhiên, trong thời gian từ nay đến 31-12-1985 thì chưa áp dụng các chế định mới như: thời hiệu, giảm thời gian chấp hành các hình phạt bổ sung, xoá án, v.v...

Đối với một số hình phạt mới và biện pháp tư pháp mới thì phải đợi việc ban hành các quy chế hướng dẫn mà các cơ quan có trách nhiệm đang xây dựng.

3. Kể từ 1-1-1986, các điều luật không thay đổi nội dung các vấn đề hiện đang được áp dụng trong thực tiễn xét xử, thì cũng được áp dụng đối với các hành vi phạm tội thực hiện trước ngày đó, mà sau ngày đó, vụ án chưa kết thúc, cũng giống như đối với các điều khoản nói ở mục 2 trên đây.

Các điều luật này gồm:

- Các điều luật của phần chung ghi nhận chính thức các vấn đề về tội phạm, về quyết định hình phạt... như đang được áp dụng hiện nay, (thí dụ: các dấu hiệu của tội phạm; trường hợp phòng vệ chính đáng; đồng phạm; các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự...);

- Các điều luật của Phần các tội phạm giữ nguyên hiện trạng các tội phạm (thí dụ: một số tội đặc biệt nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia thuộc Chương I, Mục A, v.v.);

- Các điều luật của Phần các tội phạm ghi nhận chính thức các tội phạm đã được xét xử dựa vào đường lối, chính sách chung (thí dụ: các tội xâm phạm chế độ hôn nhân gia đình Chương V, v.v.).

Lẽ ra đối với các trường hợp trên đây, theo khoản 1 Điều 7, thì từ ngày 1-1-1986, vẫn có thể áp dụng các văn bản hướng dẫn trước đây để xử lý các hành vi phạm tôi xảy ra trước ngày đó), mà vụ án chưa kết thúc. Nhưng việc vận dụng như vậy sẽ có nhược điểm là trong một số trường hợp lại phải vận dụng cả đường lối, chính sách chung trong khi đã có Bộ luật Hình sự. Mặc khác, việc áp dụng các điều luật đã được quy định chính thức này không trái với tinh thần khoản 1 Điều 7, vì điều luật này không thay đổi về cơ bản văn bản hướng dẫn trước đây.

Vậy trong thời gian từ nay đến 31-12-1985, trong khi áp dụng các quy định hiện hành hoặc đường lối, chính sách chung để xử lý các trường hợp trên đây, thì cần vận dụng các quy định của Bộ luật về các trường hợp đó. Mặt khác, đối với các hành vi phạm tội mà hiện nay vẫn dựa vào đường lối, chính sách chung để xử phạt (như các tội xâm phạm chế độ hôn nhân gia đình), thì trừ trường hợp thật nghiêm trọng, còn thì không nên truy tố, xét xử. Với những trường hợp đó có thể áp dụng các biện pháp xử lý khác nhẹ hơn.

4. Các điều luật mà Bộ luật Hình sự làm tăng thêm trách nhiệm hình sự so với quy định cũ, thì từ ngày 1-1-1986, theo khoản 3, Điều 7, không thể áp dụng trở về trước đối với các hành vi phạm tội thực hiện trước ngày đó mà sau ngày đó vụ án chưa kết thúc.

Các điều luật thuộc loại này gồm:

- Các điều luật của Phần các tội phạm mở rộng phạm vi trách nhiệm hình sự (thí dụ: Điều 120 tội xâm phạm chỗ ở của công dân so với trước thêm hành vi "đuổi trái pháp luật và hành vi trái pháp luật khác", v.v.) hoặc quy định hình phạt nặng hơn so với trước (thí dụ: Điều 82 tội tuyên truyền chống chế độ xã hội chủ nghĩa);

- Các điều luật của Phần các tội phạm quy định các tội mới (thí dụ: Điều 90 tội vi phạm các quy định về hàng không...).

Về các trường hợp trên đây, từ ngày 1-1-1986, vẫn phải áp dụng các quy định cũ đối với các hành vi phạm tội xảy ra trước đó.

Thí dụ 1: Tháng 10-1985, một cán bộ nhận hối lộ một máy thu hình màu, đem bán cho một người bạn, người này biết nhưng vẫn mua. Tháng 2-1986, vụ hối lộ bị phát hiện. Người mua của hối lộ kia không thể bị truy tố theo Điều 201 về tội "tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có", bởi vì, theo các Pháp lệnh ngày 21-10-1970 trừng trị các tội xâm phạm tài sản đang có hiệu lực lúc xảy ra sự việc này thì chỉ có tội "chứa chấp, tiêu thụ tài sản xã hội chủ nghĩa hoặc tài sản riêng của công dân bị chiếm đoạt"; phạm vi hẹp hơn quy định ở Điều 204. Nếu sự việc trên lại xảy ra năm 1986 thì là có tội.

Thí dụ 2: Đối với tội tuyên truyền chống chế độ xã hội chủ nghĩa xảy ra trước mà sau ngày 1-1-1986 mới xét xử, thì không thể áp dụng Điều 82 để xử phạt vì điều này đã nâng mức hình phạt tối đa từ 12 năm tù lên 20 năm, mà vẫn phải áp dụng Điều 15 Pháp lệnh ngày 20-10-1967 để xử phạt tội tuyên truyền phản cách mạng từ 2 năm đến 12 năm tù.

Thí dụ 3: Không thể áp dụng Điều 177 để truy tố và xét xử các trường hợp lưu hành sản phẩm kém phẩm chất xảy ra trước ngày 1-1-1986.

Điều đáng chú ý là đối với một số ít điều luật vừa làm giảm nhẹ vừa làm tăng nặng trách nhiệm hình sự, thì tuỳ trường hợp cụ thể mà vận dụng hoặc không vận dụng trở về trước.

Thí dụ: Đối với tội cưỡng đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa khoản 1, Điều 130 được giảm từ 7 năm tù xuống 5 năm (tức là từ nghiêm trọng xuống ít nghiêm trọng); vậy, đối với các trường hợp phạm tội cụ thể thuộc phạm vi của khoản này, thì sau ngày 1-1-1986, phải áp dụng để xử cả các việc xảy ra trước ngày đó.

Nhưng nếu là các hành vi cưỡng đoạt đặc biệt nghiêm trọng mà Điều 130 đã nâng mức tối đa từ 15 năm tù lên 20 năm, thì đối với các hành vi thực hiện trước ngày 1-1-1986, không thể áp dụng Điều này mà vẫn phải áp dụng Điều 2 Pháp lệnh ngày 21-10-1970 để xử phạt với mức tối đa như cũ là 15 năm tù.

B. MỘT SỐ VIỆC CẦN TIẾN HÀNH

Trên cơ sở thấu suốt Chỉ thị số 70 ngày 23-7-1985 của Ban Bí thư và Chỉ thị số 254 ngày 13-8-1985 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, bốn ngành đã tổ chức chung việc bồi dưỡng nội dung cơ bản Bộ luật Hình sự cho cán bộ chủ chốt thuộc bốn ngành và cán bộ pháp luật thuộc các Bộ, các ngành ở Trung ương. Nay ra Thông tư liên ngành hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự về những vấn đề cấp bách nhất, sau này sẽ lần lượt có những văn bản về những vấn đề cụ thể.

Trước mắt ở địa phương cần khẩn trương tiến hành những việc sau đây:

1. Phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật hình sự:

- Tổ chức, bồi dưỡng nội dung cơ bản Bộ luật Hình sự cho cán bộ các ngành từ cấp tỉnh, thành đến huyện, quận (sử dụng tài liệu đã được cung cấp ở hội nghị bồi dưỡng ở Trung ương kết hợp với Thông tư này);

- Tham gia chiến dịch tuyên truyền, phổ biến Bộ luật Hình sự trong cán bộ và nhân dân (theo kế hoạch và tài liệu của Bộ Tư pháp) đồng thời trong phạm vi cần thiết và có thể giúp các ngành tổ chức phổ biến, tuyên truyền trong nội bộ ngành đó.

2. Đẩy mạnh công tác làm án hình sự:

- Soát xét lại những vụ án đang tồn đọng ở các khâu điều tra, truy tố hoặc xét xử, có kế hoạch đẩy mạnh việc giải quyết, xử lý theo tinh thần hướng dẫn tại Thông tư này;

- Có kế hoạch phối hợp cụ thể, chặt chẽ giữa các ngành bảo đảm cho việc đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm bước đầu có sự chuyển biến rõ nét.

Những công việc trên cần tiến hành dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ và Uỷ ban nhân dân địa phương. Còn các việc khác cơ quan ở Trung ương sẽ có kế hoạch thống nhất hướng dẫn từng bước.

Nguyễn Lư

(Đã ký)

Nguyễn Thị Ngọc Khanh

(Đã ký)

Phùng Văn Tửu

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên ngành 04/TTLN năm 1985 hướng dẫn thi hành Bộ luật hình sự do Toà án nhân dân tối cao - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Bộ Tư pháp ban hành

  • Số hiệu: 04/TTLN
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 02/11/1985
  • Nơi ban hành: Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao
  • Người ký: Nguyễn Thị Ngọc Khanh, Phùng Văn Tửu, Trần Lê
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản