BỘ NỘI VỤ-VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO-TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/TTLN | Hà Nội , ngày 07 tháng 1 năm 1995 |
Để áp dụng đúng đắn và thống nhất các quy định của Điều 95 Bộ luật Hình sự về tội "chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự" và Điều 96 Bộ luật Hình sự về tội "chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ", sau khi đã trao đổi ý kiến với Bộ Quốc phòng, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ thống nhất hướng dẫn một số điểm như sau:
A - VỀ ĐIỀU 95 BỘ LUẬT HÌNH SỰ
Đối tượng của tội phạm được quy định tại Điều 95 Bộ luật hình sự là vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự.
1. Vũ khí quân dụng bao gồm các loại súng ngắn, súng trường, súng liên thanh các cỡ, các loại súng lớn, các loại vũ khí tự động, các loại đạn dùng cho các loại vũ khí trên và các thứ bom, mìn, lựu đạn, kíp mìn, thuốc nổ được quy định tại điểm a Điều 1 Nghị định số 175/CP ngày 11-12-1964 của Hội đồng Chính phủ về quản lý vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao quốc phòng và các loại vũ khí khác mà theo quy định của Nhà nước là vũ khí quân dụng.
Các loại đạn được coi là vũ khí quân dụng ở dạng nguyên viên và cả ở dạng rời từng bộ phận mà khi sử dụng mới lắp chúng như vỏ đạn còn hạt nổ, đầu đạn còn ngòi nổ.
Theo quy định tại điểm b Điều 1 Nghị định số 175/CP nói trên, thì vũ khí thể thao quốc phòng, và các loại vũ khí khác như: súng săn, súng kíp, súng hoả mai, dao găm, mã tấu, giáo mác, thuốc nổ và kíp mìn dùng trong sản xuất đều không coi là vũ khí quân dụng. Do đó, cần lưu ý chỉ có kíp mìn, thuốc nổ, dây nổ dùng vào mục đích quốc phòng mới được coi là vũ khí quân dụng, còn nếu được dùng trong sản xuất (kể cả trang bị cho lực lượng vũ trang để làm kinh tế) thì được coi là chất nổ - đối tượng của tội phạm quy định tại Điều 96 Bộ luật Hình sự.
2. Phương tiện kỹ thuật quân sự là các loại xe, khí tài, phương tiện khác được thiết kế, chế tạo và trang bị cho lực lượng vũ trang để huấn luyện, chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
3. Vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự đã được thanh lý theo đúng quy định của cơ quan Nhà nước về việc thanh lý vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự hoặc thực tế hoàn toàn không còn giá trị sử dụng theo chức năng của chúng thì không phải là đối tượng của tội phạm quy định tại Điều 95 Bộ luật Hình sự.
Đối với vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự đã có quyết định thanh lý, nhưng không được tiến hành thanh lý hoặc việc thanh lý không được thực hiện đúng quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mà vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự vẫn còn giá trị sử dụng theo chức năng của chúng thì vẫn được coi là đối tượng của tội phạm quy định tại Điều 95 Bộ luật Hình sự.
II. VỀ HÀNH VI PHẠM TỘI VÀ HƯỚNG XỬ LÝ
Các hành vi phạm tội quy định tại Điều 95 Bộ luật Hình sự bao gồm: Chế tạo trái phép, tàng trữ trái phép, sử dụng trái phép, mua bán trái phép và chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự. Các hành vi phạm tội này được hiểu như sau:
1. Hành vi chế tạo vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, là làm mới hoàn toàn hoặc lắp ráp từ những bộ phận của vũ khí, phương tiện và có giá trị sử dụng theo tính năng tác dụng của chúng. Đối với hành vi làm mới hoàn toàn súng được coi là chế tạo vũ khí quân dụng nếu đạn sử dụng cho súng được làm mới đó là đạn dùng cho các loại vũ khí quân dụng.
Chỉ những cơ sở sản xuất vũ khí của lực lượng vũ trang và những cơ sở khác có giấy phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp mới được sản xuất, lắp ráp vũ khí quân dụng; do đó, mọi trường hợp không được phép sản xuất, lắp ráp vũ khí quân dụng mà sản xuất, lắp ráp hoặc được phép sản xuất, lắp ráp vũ khí quân dụng loại này lại sản xuất lắp ráp loại khác đều được coi là chế tạo vũ khí trái phép. Hành vi sản xuất, lắp ráp phương tiện kỹ thuật thuộc các trường hợp tương tự cũng được coi là chế tạo trái phép phương tiện kỹ thuật quân sự.
2. Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự là cất giữ chúng mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép. Nơi tàng trữ có thể là nơi ở, nơi làm việc, mang theo trong người, trong hành lý hoặc cất giấu bất kỳ ở một vị trí nào khác mà người phạm tội đã chọn. Thời gian tàng trữ dài hay ngắn không có ý nghĩa đối với việc định tội.
Ngoài ra bất cứ ai có được vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự không kể do nguồn gốc nào mà có (như được tặng, cho, đào bới được, nhặt được...) mà không khai và nộp cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì hành vi cất giữ các đối tượng đó của họ cũng được coi là tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng phương tiện kỹ thuật quân sự.
Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng mà gây hậu quả làm chết người, gây tổn hại sức khoẻ cho người khác, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản (như cất giấu lựu đạn để người khác đào bới gây nổ chết người...); hoặc trường hợp đưa vũ khí tàng trữ trái phép ra lau chùi, tháo lắp gây chết người, gây tổn hại cho sức khoẻ người khác, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản thì chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm c khoản 2 Điều 95 (hoặc Điều 96) Bộ luật Hình sự về tội tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng với tình tiết định khung tăng nặng là gây hậu quả nghiêm trọng mà không truy cứu trách nhiệm hình sự thêm về tội vô ý làm chết người, vô ý gây thương tích hoặc vô ý gây thiệt hại đến tài sản.
3. Sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự là sử dụng không có giấy phép hoặc không được phép của người hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Hành vi sử dụng là lên đạn, bóp cò; hành vi sử dụng lựu đạn là rút chốt, giật nụ xuỳ...
Đối với trường hợp sử dụng vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự có giấy phép hoặc được phép của người hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nếu chủ thể là những người được quy định tại Điều 249 Bộ luật Hình sự có hành vi vi phạm các quy định về sử dụng vũ khí gây hậu quả nghiêm trọng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "vi phạm các quy định về sử dụng vũ khí" theo Điều 268 Bộ luật Hình sự; nếu chủ thể không phải là những người được quy định tại Điều 249 Bộ luật Hình sự thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "vô ý làm chết người" mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 95 Bộ luật Hình sự.
Đối với người được trang bị vũ khí quân dụng đã sử dụng trái phép vũ khí quân dụng được trang bị thực hiện tội phạm hoặc người tuy không được trang bị nhưng đã dùng vũ khí quân dụng thực hiện tội phạm thì đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội: "tội sử dụng trái phép vũ khí quân dụng" theo Điều 95 Bộ luật Hình sự và tội phạm đã thực hiện theo điều luật tương ứng của Bộ luật Hình sự. Nếu tội phạm đã thực hiện mà điều luật có quy định "sử dụng vũ khí" là tình tiết định khung hình phạt, thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự về khoản tương ứng của điều luật.
4. Theo tinh thần quy định tại Điều 3 Nghị định số 175/CP ngày 11-12-1984 của Hội đồng Chính phủ thì chỉ những cơ quan được Chính phủ cho phép mới được mua, bán vũ khí quân dụng, chất nổ; do đó, được coi là mua, bán vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự trái phép, các hành vi mua bán không có giấy phép hoặc không được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, không đòi hỏi phải có đầy đủ cả hai hành vi mua và bán mà chỉ cần có một trong hai hành vi đó người phạm tội cũng phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 95 Bộ luật Hình sự.
5. Chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự bao gồm các hành vi cướp, cưỡng đoạt, cướp giật, công nhiên chiếm đoạt, tham ô, trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt.
Cũng được coi là chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự các hành vi của quân nhân, nhân viên, công nhân quốc phòng và những người khác được trang bị vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự để huấn luyện chiến đấu, để thực hiện nhiệm vụ trong thời gian công tác, khi xuất ngũ, phục viên, nghỉ việc về hưu hoặc chuyển sang công tác khác mà không còn được phép sử dụng vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, nhưng đã không giao nộp lại theo quy định của Nhà nước.
6. Hành vi phá vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự để lấy một số bộ phận thì tuỳ từng đối tượng mà xử lý như sau:
- Trong trường hợp đối tượng là những phương tiện quan trọng về an ninh quốc phòng như máy bay, tàu chiến, ra đa, xe tăng, xe bọc thép, tên lửa..., mà người có hành vi phạm tội có mục đích nhằm chống chính quyền nhân dân thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội" theo Điều 79 Bộ luật Hình sự; nếu không có mục đích nhằm chống chính quyền nhân dân thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "phá huỷ phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia" theo Điều 94 Bộ luật Hình sự.
- Trong trường hợp đối tượng là vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự khác nếu chủ thể là những người được quy định tại Điều 249 Bộ luật Hình sự, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "huỷ hoại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự" (theo điều 269 Bộ luật Hình sự); nếu chủ thể là những người khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội huỷ hoại tài sản xã hội chủ nghĩa (theo Điều 138 Bộ luật Hình sự).
7. Trong trường hợp người có hành vi chế tạo, tàng trữ, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, với mục đích là chuẩn bị công cụ, phương tiện để thực hiện một tội phạm khác và tội phạm khác đã được thực hiện thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội "chế tạo, tàng trữ, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự" gây hậu quả nghiêm trọng theo điểm c, khoản 2 Điều 95 Bộ luật Hình sự và tội phạm tương ứng dã được thực hiện. Trong trường hợp tội phạm khác chưa được thực hiện là một tội nghiêm trọng thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội.
8. Điều 95 Bộ luật Hình sự quy định nhiều hành vi phạm tội khác nhau đối với nhiều loại đối tượng khác nhau. Vì vậy trong trường hợp bị can, bị cáo thực hiện nhiều hành vi phạm tội khác nhau, thì tuỳ từng trường hợp cụ thể mà kẻ phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội với tên tội danh đầy đủ các hành vi đã được thực hiện hay về nhiều tội độc lập đối với từng hành vi đã thực hiện và khi xét xử sẽ áp dụng Điều 41 Bộ luật Hình sự để quyết định hình phạt chung, cụ thể như sau:
- Nếu kẻ phạm tội thực hiện nhiều hành vi phạm tội mà những hành vi phạm tội này liên quan chặt chẽ với nhau (hành vi phạm tội này là điều kiện để thực hiện, là hậu quả tất yếu của hành vi phạm tội kia) đối với cùng nhiều đối tượng hay một đối tượng, thì chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội với tên tội danh đầy đủ các hành vi đã được thực hiện. Thí dụ: Một người chế tạo vũ khí rồi tàng trữ và đưa ra sử dụng, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "chế tạo, tàng trữ và sử dụng trái phép vũ khí quân dụng".
- Nếu kẻ phạm tội thực hiện nhiều hành vi độc lập đối với các đối tượng độc lập khác nhau thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về nhiều tội độc lập với từng hành vi độc lập đã được thực hiện và khi xét xử sẽ áp dụng Điều 41 Bộ luật Hình sự để quyết định hình phạt chung. Thí dụ: Một người tàng trữ hai khẩu súng quân dụng và mua 5 quả lựu đạn, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội "tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng" và tội "mua trái phép vũ khí quân dụng".
Việc xác định số lượng vật phạm pháp để truy cứu trách nhiệm hình sự theo các khoản của Điều 95 Bộ luật Hình sự phải căn cứ vào tính năng, tác dụng và giá trị sử dụng của từng loại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự cụ thể.
Đối với một số đối tượng phổ biến việc xác định số lượng vật phạm pháp để truy cứu trách nhiệm hình sự theo các khoản của điều luật như sau:
1. Người nào chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng với số lượng sau đây thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 95 Bộ luật Hình sự:
a) Súng bộ binh bắn phát một: từ 1 đến 5 khẩu.
b) Súng liên thanh cá nhân như trung liên, tiểu liên các loại: 1 khẩu hoặc 2 khẩu.
c) Súng bộ binh khác như thượng liên, đại liên, B40, B41, 12 ly 7, 14 ly 5: 1 khẩu.
d) Lựu đạn, đạn cối, đạn pháo đến 100 ly: từ 1 đến 10 quả.
đ) Đạn cối, đạn pháo trên 100 ly: từ 1 đến 5 quả.
e) Từ 50 viên đến 300 viên đạn súng bộ binh (từ đại liên trở xuống).
g) Từ 30 viên đến 200 viên đối với các loại đạn 12 ly 7, 14 ly 5, 23 ly, 24 ly (không phải là đạn pháo).
h) Thuốc nổ các loại từ 1kg đến 15kg.
i) Từ 200 cái đến 1000 cái đối với kíp mìn, nụ xuỳ.
k) Từ 500m đến 3000m dây cháy chậm, dây nổ.
l) Đối với người có hành vi chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng với số lượng dưới mức hướng dẫn tại các điểm e, g, h, i, k trên đây, nhưng đã bị xử phạt hành chính về một trong các hành vi này hoặc đã bị kết án nhưng chưa được xoá án về tội cố ý hoặc trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 95 Bộ luật Hình sự.
2. Người nào chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng với số lượng sau đây thì được coi là vật phạm pháp có số lượng lớn và phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 95 Bộ luật Hình sự:
a) Súng bộ binh bắn phát một: từ 6 khẩu đến 25 khẩu.
b) Súng liên thanh cá nhân như trung liên, tiểu liên các loại: từ 3 khẩu đến 15 khẩu.
c) Súng bộ binh khác như thượng liên, đại liên, B40, B41, 12 ly 7, 14 ly 5: từ 2 khẩu đến 10 khẩu.
d) Lựu đạn, đạn cối, đạn pháo đến 100 ly: từ 11 quả đến 50 quả.
đ) Đạn cối, đạn pháo trên 100 ly: từ 6 đến 15 quả.
e) Đạn bộ binh (từ đại liên trở xuống): từ trên 300 viên đến 1.500 viên.
g) Đạn 12 ly 7, 14 ly 5, 23 ly, 24 ly (không phải là đạn pháo): từ trên 200 viên đến 1000 viên.
h) Thuốc nổ các loại từ trên 15kg đến 75kg.
i) Kíp mìn, nụ xuỳ: từ trên 1000 cái đến 5000 cái.
k) Dây cháy chậm, dây nổ: từ trên 3000m đến 15.000m.
3. Người nào chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng với số lượng trên mức tối đa được hướng dẫn tại điểm 2 mục này là phạm tội thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng và phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 95 Bộ luật Hình sự.
4. Người nào chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng đối với nhiều loại vũ khí quân dụng khác nhau, mà số lượng đối với mỗi loại chưa đến mức được hướng dẫn tại điểm 1 mục này, thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 95 Bộ luật Hình sự. Nếu số lượng đối với mỗi loại vũ khí đến mức được hướng dẫn tại điểm 1 mục này thì phải bi truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 95 Bộ luật Hình sự. Nếu số lượng đối với mỗi loại vũ khí đến mức được hướng dẫn tại điểm 2 mục này thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 95 Bộ luật hình sự.
B - VỀ ĐIỀU 96 BỘ LUẬT HÌNH SỰ.
Đối tượng của tội phạm được quy định tại Điều 96 Bộ luật hình sự là chất nổ, chất cháy, chất độc hoặc chất phóng xạ.
1. Chất nổ là chất có khả năng gây nên một phản ứng hoá học nhanh, mạnh, toả nhiều nhiệt và ánh sáng, đồng thời sinh khí và tạo ra tiếng nổ như kíp mìn, các loại thuốc nổ, dây nổ, dây cháy chậm, thuốc phóng v.v...
Cần lưu ý rằng chỉ có kíp mìn, thuốc nổ, dây nổ, dây cháy chậm (kể cả trang bị cho lực lượng vũ trang) dùng trong sản xuất, xây dựng dân dụng và các mục đích kinh tế khác ngoài huấn luyện, chiến đấu và phục vụ chiến đấu mới được coi là chất nổ.
2. Chất cháy là chất có đặc tính tự bốc cháy khi tiếp xúc với ôxy trong không khí, nước hoặc khi có tác động của các yếu tố khác và những chất dễ tự bốc cháy ở nhiệt độ không cao, như: diêm tiêu (ka-li-ni trat), phốt pho, thuốc đạn...
3. Chất độc là những chất có độc tính rất cao và rất có hại đối với sức khoẻ và tính mạng của con người, nếu bị nhiễm phải một liều lượng nhất định nào đó (có thể là rất ít). Những loại thuốc độc quy định tại bảng A như: A-cô-ni-tin và các muối của nó, kẽm Phốt-pho, Ni-cô-tin và các muối của nó, các loại muối thuỷ ngân... đều là đối tượng của tội phạm quy định tại Điều 96 Bộ luật Hình sự.
4. Chất phóng xạ là nhân tố sát thương của vũ khí hạt nhân, gồm những đồng vị không bền của các nguyên tố hoá học có khả năng phát ra các chùm tia An-pha, Bê-ta, Gam-ma... Tác hại đặc trưng của chất phóng xạ là gây bệnh, phóng xạ đối với người và động vật.
5. Trong trường hợp cần xác định có phải là chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ hay không cũng như trong trường hợp cần xác định tính năng, tác dụng, giá trị sử dụng, tính nguy hiểm của từng loại chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ thì cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án cần hỏi ý kiến của các cơ quan chức năng có thẩm quyền hoặc cần phải trưng cầu giám định.
II. VỀ CÁC HÀNH VI PHẠM TỘI VÀ HƯỚNG XỬ LÝ
Các hành vi phạm tội quy định tại Điều 96 Bộ luật Hình sự bao gồm: chế tạo trái phép, tàng trữ trái phép, sử dụng trái phép, mua bán trái phép và chiếm đoạt chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ. Các hành vi phạm tội chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán như thế nào được coi là trái phép cũng như hành vi nào là chiếm đoạt và hướng xử lý được thực hiện tương tự theo hướng dẫn tại mục II phần A của Thông tư này.
Việc xác định số lượng vật phạm pháp để truy cứu trách nhiệm hình sự theo các khoản của Điều 96 Bộ luật Hình sự phải căn cứ vào tính năng, tác dụng, giá trị sử dụng, tính nguy hiểm của từng loại chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ.
Đối với một số loại chất nổ phổ biến việc xác định số lượng vật phạm pháp để truy cứu trách nhiệm hình sự theo các khoản của điều luật như sau:
1. Người nào chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất nổ với số lượng sau đây, thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 96 Bộ luật Hình sự:
a) Thuốc nổ các loại từ 1kg đến 15kg.
b) Thuốc pháo: từ 3kg đến 30kg.
c) Thuốc phóng: từ 1kg đến 10kg.
d) Dây cháy chậm, dây nổ: Từ 500m đến 3000m.
đ) Kíp mìn, nụ xuỳ: từ 200 cái đến 1000 cái.
Đối với người có hành vi chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất nổ với số lượng dưới các mức hướng dẫn trên đây nhưng đã bị xử phạt hành chính về một trong các hành vi này hoặc đã bị kết án nhưng chưa được xoá án về tội cố ý, có tính chất chuyên nghiệp hoặc trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 96 Bộ luật Hình sự.
2. Người nào chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất nổ với số lượng sau đây, thì được coi là vật phạm pháp có số lượng lớn và phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 96 Bộ luật Hình sự:
a) Thuốc nổ các loại từ trên 15kg đến 75kg.
b) Thuốc pháo: Từ trên 30kg đến 150kg.
c) Thuốc phóng: Từ trên 10kg đến 50kg.
d) Dây cháy chậm, dây nổ: Từ trên 3.000m đến 15.000m.
đ) Kíp mìn, nụ xuỳ: Từ trên 1.000 cái đến 10.000 cái.
3. Người nào chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất nổ với số lượng trên mức tối đa được hướng dẫn tại điểm 2 mục này là phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng và phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 96 Bộ luật Hình sự.
4. Người nào chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất nổ đối với nhiều loại khác nhau mà số lượng đối với mỗi loại chưa đến mức được hướng dẫn tại điểm 1 mục này, thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 96 Bộ luật Hình sự. Nếu số lượng đối với mỗi loại đến mức được hướng dẫn tại điểm 1 mục này thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 96 Bộ luật Hình sự. Nếu số lượng đối với mỗi loại đến mức được hướng dẫn tại điểm 2 mục này thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 96 Bộ luật hình sự.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ban hành và thay thế các văn bản của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ được ban hành trước đây trái với Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có gì vướng mắc, các cơ quan hữu quan cần phải phản ánh cho Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ để có hướng dẫn kịp thời.
Thông tư liên ngành 01/TTLN năm 1995 hướng dẫn áp dụng Điều 95, Điều 96 Bộ luật hình sự do Tòa Án Nhân Dân Tối Cao - Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao ban hành
- Số hiệu: 01/TTLN
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Ngày ban hành: 07/01/1995
- Nơi ban hành: Bộ Nội vụ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao
- Người ký: ***
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 07/01/1995
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực