Hệ thống pháp luật

BỘ THƯƠNG MẠI-TỔNG CỤC HẢI QUAN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 77-TM/TCHQ

Hà Nội , ngày 29 tháng 7 năm 1996

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

CỦA BỘ THƯƠNG MẠI - TỔNG CỤC HẢI QUAN SỐ 77 TM/TCHQ NGÀY 29 THÁNG 7 NĂM 1996 HƯỚNG DẪN ĐIỀU CHỈNH VÀ BỔ SUNG CÁC QUY ĐỊNH CỦA LIÊN BỘ THƯƠNG MẠI - TỔNG CỤC HẢI QUAN VỀ VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH 89/CP NGÀY 15-12-1995 CỦA CHÍNH PHỦ

Qua 5 tháng thực hiện Nghị định 89/CP ngày 15-12-1995 của Chính phủ về bãi bỏ thủ tục cấp giấy phép xuất nhập khẩu hàng hoá từng chuyến, việc làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hoá từng chuyến của các doanh nghiệp đã ổn định dần. Hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu của doanh nghiệp đã được thuận lợi hơn. Tuy nhiên vẫn còn một số vướng mắc cần được tiếp tục xử lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp - Bộ Thương mại - Tổng cục Hải quan thống nhất điều chỉnh và bổ sung như sau:

1. Về gia công cho nước ngoài:

1.1. Tất cả các hợp đồng gia công hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam cho nước ngoài đều do Bộ Thương mại phê duyệt.

Riêng đối với các phụ kiện bổ sung của các hợp đồng gia công đã được Bộ Thương mại phê duyệt không có nội dung về máy móc thiết bị và không sửa đổi nội dung của các điều khoản thương mại, doanh nghiệp trực tiếp đến cơ quan Hải quan để làm thủ tục xuất nhập khẩu.

Đối với các phụ kiện bổ sung hợp đồng gia công có nội dung về máy móc thiết bị và thay đổi nội dung, điều khoản thương mại của hợp đồng do Bộ Thương mại phê duyệt.

1.2. Việc gia công hàng xuất khẩu của các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài do Bộ Thương mại phê duyệt hợp đồng và phụ kiện của hợp đồng.

2. Về ngành hàng kinh doanh xuất nhập khẩu:

2.1. Nhằm khuyến khích mạnh xuất khẩu, các doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu chính thức (loại 7 số) loại hình sản xuất được xuất khẩu theo nhu cầu trừ những mặt hàng xuất khẩu phải qua đầu mối hoặc phải có văn bản cho phép của Bộ Thương mại hoặc các Bộ khác. Một số mặt hàng: cao su, chè, thuỷ hải sản, hạt tiêu, hạt điều, lạc chỉ được xuất khẩu theo phạm vi ngành hàng ghi trong giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu.

2.2. Bổ sung thêm nhóm hàng vật liệu xây dựng vào ngành hàng tư liệu sản xuất, vật tư, nguyên phụ liệu tại mục 1, phần II phụ lục số 1 kèm theo Thông tư 07 TM/TCHQ ngày 13-4-1996.

2.3 Trong danh mục và mã số hàng hoá tiêu dùng của phụ lục số 2 kèm theo Thông tư Liên Bộ Thương mại - Tổng cục Hải quan số 07 TM/TCHQ ngày 13-4-1996 có một số điều chỉnh sau đây:

a. Loại bỏ các nhóm hàng: Đồ chơi trẻ em, nhạc cụ, dụng cụ thể thao, các mặt hàng quang học và các mặt hàng: quạt dùng trong công nghiệp, đèn cao áp và các loại đèn chuyên dùng khác, sữa bột nguyên liệu ra ngoài danh mục hàng hoá tiêu dùng.

b. Bỏ các (...) ghi tại cuối các nhóm hàng điện (điểm 1), hàng điện tử (điểm 2) thuộc các phần III của bản danh mục hàng tiêu dùng.

3. Điều chỉnh điểm 4 của Thông tư Liên Bộ Thương mại - Tổng cục Hải quan số 01 TM/TCHQ ngày 20-1-1996 như sau:

Những doanh nghiệp có chi nhánh hoặc các đơn vị trực thuộc (gọi tắt là chi nhánh) trước nay đã được làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hàng theo uỷ quyền của Giám đốc, nếu muốn xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá thuộc chỉ tiêu của Bộ Thương mại cấp cho doanh nghiệp thì Giám đốc hoặc Phó giám đốc doanh nghiệp ra văn bản phân chia chỉ tiêu cho chi nhánh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc phân chia này, đồng thời gửi Bộ Thương mại và Tổng cục Hải quan mỗi nơi 1 bản để đối chiếu và theo dõi. Tổng lượng hoặc giá trị hàng phân chia không được vượt quá chỉ tiêu cho phép của Bộ Thương mại.

Khi đến làm thủ tục Hải quan doanh nghiệp chỉ cần xuất trình văn bản phân chia chỉ tiêu của Giám đốc và bản photocopy văn bản cho phép của Bộ Thương mại có xác nhận của Giám đốc hoặc Phó Giám đốc doanh nghiệp ký tên và đóng dấu.

4. Về dung sai hàng hoá khi xuất nhập khẩu:

Đối với những mặt hàng xuất nhập khẩu không thuộc diện cho phép của Bộ Thương mại doanh nghiệp được xuất nhập khẩu theo lượng hàng thực xuất, thực nhập.

Đối với những mặt hàng xuất nhập khẩu có dung sai theo tập quán thương mại quốc tế thuộc diện Bộ Thương mại cấp giấy phép gồm thép, xi măng, clinke, đường, phân bón, gạo khi xuất nhập khẩu lô hàng cuối cùng được phép dung sai + - 5% (về lượng của lô hàng cuối cùng đó). Những mặt hàng khác thuộc diện cấp giấy phép doanh nghiệp xuất nhập khẩu theo trị giá, lượng hàng ghi trên giấy phép.

5. Bộ Thương mại sẽ tiếp tục làm việc với các Bộ chuyên ngành để cụ thể hoá thêm danh mục hàng chuyên ngành và cơ chế quản lý các mặt hàng này.

6. Tổng cục Hải quan tiếp tục rà soát lại các văn bản hướng dẫn chỉ đạo, chấn chỉnh việc thực hiện của các cơ quan hải quan trực thuộc về thủ tục Hải quan, về thuế xuất nhập khẩu, về lệ phí, về xử phạt vi phạm hành chính, giám định hàng hoá... tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu.

Thông tư này có hiệu lực thực hiện kể từ ngày 15 tháng 8 năm 1996 và thay thế các quy định tương ứng trong các Thông tư liên Bộ Thương mại - Hải quan số 01 TM/TCHQ ngày 20-01-1996, số 07 TM/TCHQ ngày 13-4-1996 (kể cả phụ lục kèm theo 2 Thông tư này) và các văn bản hướng dẫn khác của hai Bộ Thương mại, Tổng cục Hải quan.

Bùi Duy Bảo

(Đã ký)

Mai Văn Dâu

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên bộ 77-TM/TCHQ năm 1996 điều chỉnh và bổ sung Nghị định 89/CP về bãi bỏ thủ tục cấp giấy phép xuất nhập khẩu hàng hoá từng chuyến do Bộ Thương Mại - Tổng Cục Hải Quan ban hành

  • Số hiệu: 77-TM/TCHQ
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 29/07/1996
  • Nơi ban hành: Bộ Thương mại, Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Bùi Duy Bảo, Mai Văn Dâu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản