Hệ thống pháp luật

ỦY BAN VẬT GIÁ NHÀ NƯỚC - HỘI ĐỒNG TRỌNG TÀI KINH TẾ NHÀ NƯỚC


******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 409-TT/LB

Hà Nội, ngày 11 tháng 06 năm 1976 

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

VỀ VIỆC ÁP DỤNG GIÁ CẢ TRONG KÝ KẾT VÀ THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG KINH TẾ.

Thi hành Nghị định số 54-CP ngày 10-03-1975 của Hội đồng chính phủ ban hành Điều lệ chế độ hợp đồng kinh tế , ủy ban vật giá Nhà nước và Hội  đồng trọng tài kinh tế Nhà nước ra Thông tư hướng dẫn áp dụng giá cả trong ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế như sau : Mỗi hợp đồng kinh tế đều phải có giá cả; giá  đó phải là giá chỉ đạo của Nhà nước do cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc giá thoả thuận như quy định trong Điều lệ hợp đồng kinh tế và trong Thông tư này. Nếu hợp đồng kinh tế không có giá theo quy định trong Thông tư này đều không có giá trị pháp lý để thanh toán.

CHẤP HÀNH NGHIÊM CHỈNH GIÁ CHỈ ĐẠO CỦA NHÀ NƯỚC TRONG VIỆC KÝ KẾT VÀ THỰCHIỆN HỢP ĐỒNG KINH TẾ

Nghị định số 214-CP ngày 09-09-1974 của Hội đồng chính phủ chỉ rõ: Giá cả phải được quản lý theo nguyên tắc tập trung, thống nhất và bằng các chính sách, chế độ . . .  các ngành, các cấp cần phải kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chính sách giá và các giá chỉ đạo. Nghiêm cấm các ngành các cấp tùy tiện định giá, thay đổi giá chỉ đạo của nhà nước.

Căn cứ vào nguyên tắc chính sách giá, các chế độ quản lý giá chung của Nhà nước, các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành các hệ thông giá chỉ đạo của nhà nước áp dụng trong các lĩnh vực kinh tế và đời sống. Bởi vậy, trong việc ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế, hai bên đều phải chấp hành nghiêm chỉnh giá chỉ đạo của Nhà nước.

Căn cứ vào tính chất hoạt động và phạm vi giao dịch, mỗi loại hợp đồng kinh tế phải áp dụng đúng giá chỉ đạo của hệ thống ấy như :

- Hợp đồng thu mua, bán vật tư áp dụng giá bán buôn vật tư :

- Hợp đồng mua bán giữa xí nghiệp sản xuất và xí nghiệp thương nghiệp phải áp dụng giá bán buôn công nghiệp.

- Hợp đồng vận chuyển, xếp dỡ phải áp dụng giá cước;

- Hợp đồng bán hàng nhập khẩu của ngoại thương cho các xí nghiệp, cơ quan trong nước phải áp dụng giá bán buôn hàng nhập;

- Hợp đồng kinh tế giữa bên A và B trong xây dựng cơ bản phải áp dụng đơn giá xây dựng.

- Giá xí nghiệp là giá để xí nghiệp thanh toán với Nhà nước, không phải giá để ký kết hợp đồng kinh tế, nhất thiết không được dùng loại giá náy ghi vào hợp đồng kinh tế khác hoặc những giá đã hết hiệu lực để ký hợp đồng kinh tế.

II. KHI CHƯA CÓ GIÁ CHÍNH THỨC, CÁC BÊN KÝ KẾT HỢP ĐỒNG KINH TẾ ĐƯỢC PHÉP KÝ THEO GIÁ THOẢ THUẬN .

Điều 13 Điều lệ về chế độ hợp đồng kinh tế có ghi : Nếu chưa có giá quy định thì các bên ký kết hợp đồng kinh tế được phép tính theo giá thoả thuận, đồng thời báo chco cơ quan có thẩm quyền xin duyệt giá . . .

1. Giá thoả thuận nói ở đây  là giá thoả thuận trong nền kinh tế có kế hoạch dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, khác hẵn với giá thoả thuận của thị trường tự do mang tính tự phát tư bản chủ nghĩa. Cho nên, trong ký kết hợp đồng kinh tế không thể căn cứ vào giá thị trường tự do để xác định giá thoả thuận.

Thông báo số 14-TB/TW ngày 15-08-1974 về ý kiến của Bộ chính trị đối với công tác giá cả đã ghi rõ : Không thể lấy giá cả thị trường tự do làm căn cứ để tính giá chỉ đạo của Nhà nước.

2. Giá thoả thuận giữa các xí nghiệp xã hội chủ nghĩa có sự giám sát của Nhà nước. Cho nên, trong trường hợp hàng chưa có giá và khi các bên tiến hành ký kết hợp đồng kinh tế  theo giá thoả thuận như điều 13 bản Điều lệ về chế độ hợp đồng kinh tế đã quy định thì bên sản xuất hoặc bên bán sản phẩm phải lập phương án giá. Trường hợp mua nông sản, lâm sản, hải sản của khu vực kinh tế tập thể thì cơ quan thu một mua lập phương an giá.

Phương án giá là căn cứ để các bên căn cứ ký kết hợp đồng kinh tế bàn bạc và xác định giá thoả thuận ghi trong hợp đồng. Nếu  có sự thống nhất ký kiến  giữa các bên hữu quan  thì sau khi hợp đồng được ký kết thì phải báo cáo  ngay phương án giá , kèm theo đầy đủ các tài  liệu quy định cho cơ quan có thầm quyền định gía theo thủ tục, chế độ phân công, phân cấp quản lý giá hiện hành  của Nhà nước.

3. Phải tuân thủ chế độ giá cả hiện hành của Nhà nước thì giá thoả thuận nói trên mới có hiệu lực pháp lý cụ thể :

a) Phải tuân thủ chế độ phân công, phân cấp quản lý giá của Nhà nước.

b) Đối với sản phẩm mới, phải tuân thủ chế độ xét duyệt giá của Nhà nước ban hành.

c) Giá thoả thuận mặc dầu mang tính chất  nhất thời như Nghị định số 54-CP quy định vẫn là giá cả có tính chất xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, nó phải được xây dựng:

- Trên cơ sở các định mức kinh tế kỹ thuật hợp lý theo tinh thần tiết kiệm vật tư, tăng năng suất lao động, bảo đảm chất lượng hàng hoá .

- Theo những quy định về chế độ tính giá  thành và chế độ lập phương án giá của Nhà nước.

- Các đối chiếu phẩm chất, tính năng, tác dụng, giá cả các mặt hàng đã có giá chỉ đạo chính thức của Nhà nước.

4. Nếu các bên ký kết hợp đồng kinh tế không thống nhất được với nhau về một giá thoả thuận thì phải báo cáo ngay cho Hội động trọng tài kinh tế có thẩm quyền. Hội đồng trọng tài kinh tế sau khi trao đổi với cơ quan vật giá, xác định một giá tạm thời để các bên  tiến hành ký kết các hợp đồng trong khi chờ đợi xét duyệt giá chính thức. Giá tạm thời này được coi như là giá thoả thuận giữa các bên ký kết.

5. Giá thoả thuận có hiệu lực pháp lý như Nghị định số 54-CP đã quy định: Nếu hợp đồng kinh tế hết hiệu lực  mà vẫn chưa có giá chính thức thì các bên ký kết được phép thanh toán theo giá thoả thuận và kết hợp đồng kinh tế nếu không có quy định nào khác.

III. PHẢI THỰC HIỆN TỐT ĐIỀU LỆ VỀ CHẾ ĐỘ HỢP ĐỒNG KINH TẾ VÀ THÔNG TƯ NÀY.

1. Các bên ký kết hợp đồng kinh tế : Có trách nhiệm chấp hành nghiêm chỉnh các điều lệ về chế độ hợp đồng kinh tế  và Thông tư hướng dẫn này.

Nếu  do khuyết điểm không cung cấp đầy đủ các tài liệu cần thiết  hoặc tự tiện kéo dài thời gian xin  duyệt giá  và không chấp hành nghiêm chỉnh những quy định trong Thông tư này, sẽ bị phạt theo điều 17 của bản Điều lệ về chế độ hợp đồng kinh tế  ban hành theo Nghị định số  54-CP ngày 10-03-1974 của Hội đồng Chính phủ.

Trong khi thực hiện chế độ hợp đồng kinh tế nếu có tranh chấp về giá hoặc về vấn đề có liên quan đến giá cả thì các bên ký hợp đồng kinh tế cần báo cáo kịp thời cho cơ quan vật gia và Hội đồng trọng tài kinh tế cùng cấp hoặc cơ quan quản lý cấp trên để giải quyết, tuyệt đối không được đơn phương tự tiện thay đổi giá đã ký trong hợp đồng kinh tế.

2. Cơ quan vật giá : Cộng tác chặt chẽ với Hội đồng trọng tài kinh tế cùng cấp hướng dẫn kiểm tra, đôn đốc, kịp thời giải quyết các vấn đề về giá cả phát sinh trong quá trình thực hiện Thông tư này, khẩn trương nghiên cứu, xét duyệt các phương án giá theo nội  dung và thời gian Nhà nước đã quy định.

3. Hội đồng trọng tài kinh tế có trách nhiệm :

- Phối hợp với ủy ban vật giá cùng cấp hướng dẫn thực hiện và kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.

- Phản ánh cho cơ quan vật giá cùng cấp để phối hợp giải quyết khi xét xử các vụ vi phạm hợp đồng kinh tế có liên quan đến giá cả.

- Xét xử nghiêm minh các vụ vi phạm hợp đồng kinh tế kể cả vi phạm chế độ giá cả.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày ban hành và cần được phổ biến rộng rãi đến cán bộ các ngành, các cấp trong đơn vị cơ sở.

Trong khi thi hành Thông tư này, nếu có những khó khăn trở ngại gì đề nghị các ngành, các cấp phản ánh kịp thời để liên Bộ nghiên cứu giải quyết.

CHỦ NHIỆM UỶ BAN VẬT GIÁ NHÀ NƯỚC

 

 

 

 

Tô Duy

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG TRỌNG TÀI KINH TẾ NHÀ NƯỚC

 

 

 

 

Nguyễn Quang Xá

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông Tư Liên Bộ 409-TT/LB năm 1976 Về áp dụng giá cả trong ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế do Uỷ Ban Vật Gía Nhà Nước và Hội Đồng Trọng Tài Kinh Tế Nhà Nước ban hành

  • Số hiệu: 409-TT/LB
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 11/06/1976
  • Nơi ban hành: Hội đồng Trọng tài kinh tế Nhà nước, Uỷ ban Vật giá Nhà nước
  • Người ký: Nguyễn Quang Xá, Tô Duy
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 12
  • Ngày hiệu lực: 11/06/1976
  • Ngày hết hiệu lực: 15/08/1986
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản