Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN-BỘ LAO ĐỘNG- BỘ TÀI CHÍNH-BỘ THUỶ LỢI VÀ KIẾN TRÚC | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 34-TT/LB | Hà Nội, ngày 25 tháng 09 năm 1957 |
HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 674-NĐ/LB
Công nhân thợ lặn làm việc nặng nhọc và vất vả, phải vận dụng nhiều sức lực khi làm việc dưới nước, hại đến sức khỏe rất nhiều, lắm khi vì trở ngại khó khăn có thể nguy hiểm đến tính mệnh.
Thông tư số 18-TT/LB của Liên bộ Giao thông và Bưu điện, Lao động, Tài chính ra ngày 30-11-1955, có quy định một khoản phụ cấp hao mòn sức khỏe cho công nhân thợ lặn. Nay xét lại có mấy điểm chưa thật hợp lý:
Làm việc từ 2 giờ đến 4 giờ, người thợ lặn có áo chỉ được hưởng 1 cân 500, tính thành tiền là 600đồng. Thực tế chưa bồi dưỡng đúng mức cho anh em.
Lặn càng sâu càng mệt nhọc hơn, ảnh hưởng sức khỏe nhiều hơn, nhưng phụ cấp bồi dưỡng cũng chỉ được hưởng một mức như nhau
Không quy định cụ thể thì giờ làm việc và chế độ nghỉ ngơi, do đó nhiều khi sử dụng anh em làm việc quá sức có hại đến sức khỏe và nguy hiểm đến tính mệnh
Nghị định số 674-NĐ/LB của Liên bộ Thủy lợi và Kiến trúc, Giao thông và Bưu điện, Lao động, Tài chính ngày 24-9-1957 quy định chế độ làm việc và phụ cấp bồi dưỡng sức khỏe cho thợ lặn dựa theo sự nặng nhọc trong lúc làm việc ở từng mực nước khác nhau lặn xuống càng sâu, thì giờ làm việc càng giảm và phụ cấp nhiều hơn.
1. Chế độ làm việc. - Chế độ làm việc ở từng mực nước và chế độ nghỉ ngơi trong lúc lặn sau mỗi lần lặn ở từng mực nước. Nghị định số 674-NĐ/LB đã quy định:
a) Đối với thợ lặn áo
ĐỘ SÂU | Thời gian tối đa làm việc dưới nước trong mỗi ngày | Thời gian nghỉ dưới nước lúc lên theo mức độ quy định | Tổng số giờ ở dưới nước trong mỗi ngày kể cả giờ nghỉ và làm việc | Thời gian tối thiểu phải nghỉ sau mỗi lần lặn | |||
| th |
| th |
|
|
|
|
Lặn từ | 1,00 | đến | 12,80 | 3 giờ 45 | 15 phút | 4 giờ | 2 giờ 30 |
- | 12,80 |
| 22,00 | 3 giờ | 30 phút | 3 giờ 30 | 3 giờ |
- | 22,00 |
| 29,50 | 1 giờ 45 | 45 phút | 2 giờ 30 | 4 giờ |
- | 29,50 |
| 35,00 | 1 giờ | 55 phút | 1 giờ 55 | 4 giờ 35 |
- | 35,00 |
| 39,00 | 0 giờ 45 | 60 phút | 1 giờ 45 | 4 giờ 45 |
Lặn sâu 40 thước | 0 giờ 30 | 60 phút | 1 giờ 30 | 5 giờ |
Để đảm bảo tính mệnh và sức khỏe cho công nhân trong khi các phương tiện và dụng cụ lặn chưa được đầy đủ (áo lặn phần lớn là của đối phương dùng đã lâu ngày để lại và một số mới của các nước bạn giúp) việc sử dụng các phương tiện và dụng cụ ấy cũng chưa thành thạo cho nên Nghị định số 674-NĐ/LB đã quy định thợ lặn áo không được lặn sâu quá 40 thước và trường hợp tối cần thiết do yêu cầu công tác phải làm việc ở mực nước trên 40 thước thì phải được bộ sở quan đồng ý và quyết định. Nhưng trường hợp đặc biệt nói trên phải chọn những thợ lặn lành nghề, có đủ sức khỏe và phải được người thợ lặn thỏa thuận. Trước khi lặn cần phải khám sức khỏe. Nếu thấy mệt nhọc, uể oải thì không nên lặn.
Thời gian tối đa làm việc dưới nước trong mỗi ngày quy định theo độ sâu (ví dụ: từ 1 thước đến 12 thước 80 thì thời gian tối đa làm việc dưới nước trong mỗi ngày là 3giờ 45 phút v.v… ) không có nghĩa là mỗi lần lặn phải đảm bảo làm việc dưới nước đủ số giờ đã quy định, mà tùy theo yêu cầu của công việc cũng trong số giờ có thể lặn một lần hoặc nhiều lần. Nhưng tổng số giờ ở dưới nước trong mỗi ngày (kể cả thời gian làm việc nhiều lần và thời gian nghỉ dưới nước khi lên từng đoạn của mỗi lần lặn cộng lại) không được quá số giờ đã quy định (cột 4). Thời gian nghỉ dưới nước khi lên theo mức độ quy định (cột 3) là thì giờ tính chung các lần nghỉ trong khi lên. Lặn càng sâu thì lên càng chậm để giảm áp lực nước. Theo quy định thì tùy theo độ sâu khi lên, cứ 3 thước nghỉ một lần và mỗi lần nghỉ là 5 phút. Sau mỗi buổi lặn, nhất thiết phải để anh em nghỉ ngơi theo số giờ đã quy định (cột 5) không nên sử dụng anh em thợ lặn làm bất cứ một việc gì nặng nhọc sau giờ nghỉ.
b) Đối với thợ lặn vo và lặn mặt nạ
Lặn vo và lặn mặt nạ đơn giản hơn nhưng không bảo đảm sức khỏe và tính mệnh. Lặn áo bảo đảm hơn nhưng cũng có nhiều khó khăn hơn. Cần khuyến khích công nhân học lặn bằng áo. Trừ trường hợp làm việc ở mức nước từ 3 thước trở lại không cần phải lặn áo trường hợp đặc biệt phải làm việc ở những nơi chật chội lặn áo không thể xoay trở được mới phải lặn mặt nạ hoặc lặn vo, còn nói chung không được sử dụng thợ lặn, lặn sâu không áo kéo dài 3 tháng. Trong thời gian ấy chế độ làm việc của thợ lặn vo và lần mặt nạ, Nghị định số 674-NĐ/LB đã quy định là:
Không được lặn sâu quá 12 thước 80
Thời gian lặn mỗi lần tùy theo điều kiện sức khỏe của người thợ
Sau mỗi lần lặn có thể nghỉ tiếp sức từ 30 đến 40 phút
Thì giờ làm việc, kể cả số giờ lặn xuống được và giờ nghỉ tiếp sức trên bờ, mỗi ngày không được quá 6 giờ.
Trong lúc nghỉ tiếp sức sau mỗi khi lặn, nhất thiết không để anh em phải làm bất cứ một việc gì khác dù nhẹ (như theo dõi điện thoại v.v… ) Trường hợp khi lên bị ngất hoặc ra máu, dù công việc cấp bách đến đâu cũng phải để anh em nghỉ hẳn, không được tiếp tục làm việc.
2. Chế độ bảo vệ
a) Tuyển dụng
Khi tuyển dụng công nhân thợ lặn, các cơ quan cần chú trọng sức khỏe của anh em. Phải tổ chức khám bệnh hoặc phải có giấy chứng nhận sức khỏe của cơ quan y tế có trách nhiệm trước khi tuyển dụng
Những người dưới 18 tuổi và trên 45 tuổi không được tuyển dụng làm thợ lặn.
b) Phương pháp bảo vệ
Không được lặn ngay sau khi ăn cơm
Để đề phòng hại màng tai, trước khi lặn phải áp dụng phương pháp “vasalva” (tức là bịt mũi, ngậm miệng thở ra thật mạnh nhưng không để hơi ra ngoài)
Thợ mới học lặn không lặn sâu quá 3 thước 60. Hiện nay nếu có thợ già trên 45 tuổi thì không nên để lặn sâu quá 30 thước.
Trước khi lặn phải xem xét lại giấy báo, điện thoại, máy thông hơi và đề phòng những vật chung quanh không để cho giây điện thoại, giây báo, ống thông hơi bị cản trở.
Máy thông hơi phải đảm bảo cung cấp trong 1 phút từ 40 lít đến 60 lít không khí cho thợ lặn và không khí cung cấp cho thợ lặn cần sạch sẽ và thay đổi mới luôn. Người phụ trách máy bơm hơi phải chuyên môn. Thường trực điều khiển máy bơm hơi ít nhất cũng phải có 2 người chuyên môn.
Khi xuống nước phải dựa theo ống thông gió và khi lên phải dựa theo thang hoặc giây, không được tự tiện lên.
Khi lên, thợ lặn cần lên chậm theo mực độ quy định để giảm áp lực của nước và không khí. Cứ lên 3 thước phải nghỉ một lần và mỗi lần nghỉ 5 phút.
Khi công tác, thợ lặn phải dùng giây báo hoặc điện thoại liên lạc tình hình thường xuyên để giúp đỡ khi cần và phải chú ý đến thông hơi, khi thấy quần áo bị phình to hoặc ép lại cần liên lạc ngay với trên.
Điện thoại viên và y tá phải có mặt thường trực tại chỗ lặn và phải chịu trách nhiệm trước người lặn
Khi có người bị tai nạn ngất , ra máu v.v… phải kịp thời cấp cứu và đưa đến một bệnh viện hay bệnh xá gần nhất. Tủ thuốc cấp cứu của ý tá thường xuyên phải có các thứ thuốc trợ tim như: caféine, coramine, (corvitol v.v… ) và thuốc giúp thở như: solucamphre, lobétine v.v… Ngoài ra phải có bông băng và thuốc cầm máu cam như eau oxygénéc. Do đó mỗi năm một người thợ lặn được dự trù một khoản tiền thuốc là 20.000đồng và cứ 3 tháng phải đi khám sức khỏe một lần
Khi có người lặn nơi nào, tất cả tàu, thuyền bè không được đi lại trong vòng nước cấm (đối với tàu, canô phải đi xa cách 100 thước và đối với thuyền bè phải đi cách xa 20 thước). Trường hợp này sẽ do Ủy ban Hành chính thành phố hoặc tỉnh chỉ thị và thông tri cho các cơ quan và nhân dân cùng các vùng lân cận biết. Bộ Thủy lợi và Kiến trúc sẽ cùng Bộ Giao thông Bưu điện nghiên cứu và công bố tín hiệu thống nhất.
Các phương tiện và dụng cụ cho thợ lặn cần thiết phải có quần áo lặn: mặt nạ, phao an toàn, găng tay cao su, giây không thấm nước, máy điện thoại tốt, máy thông hơi. Các cơ quan sử dụng cần mua sắm dần dần cho các đội thợ lặn.
II. PHỤ CẤP BỒI DƯỠNG SỨC KHỎE
Thì giờ làm việc và chế độ nghỉ ngơi quy định như trên nhằm mục đích giữ gìn sức khỏe và bảo vệ an toàn cho anh em công nhân. Tuy nhiên nghề lặn vất vả và nguy hiểm, trong từng lúc làm việc người thợ lặn bị áp lực không khí và sức ép của nước, mất nhiều sức khỏe, cần phải được bồi dưỡng.
Điều 2 Nghị định số 647-NĐ/LB đã quy định:
1) Đối với thợ lặn áo
Lặn các mực nước từ 3 thước đến 22 thước mỗi ngày phụ cấp 1.600đồng
Lặn các mực nước từ 22 thước đến 35 thước mỗi ngày phụ cấp 2.000đồng
Lặn các mực nước từ trên 35 thước đến 40 thước mỗi ngày phụ cấp 2.500đồng
Trường hợp thật đặc biệt phải lặn mức nước trên 40 thước sẽ được phụ cấp mỗi ngày 3.000 đồng. Trường hợp này phải được bộ sở quan đồng ý cho lặn mới được lặn.
Phụ cấp bồi dưỡng sức khỏe cho thợ lặn áo tính theo ngày làm việc. Có lặn thì mới hưởng không lặn thì không hưởng. Làm việc được phân nửa số giờ đã quy định cho từng mực nước (cột 4) sẽ được hưởng phần nửa định xuất. Ví dụ:
Lặng trong vòng 12 thước 80, nếu lặn được 2 giờ trở lên thì được hưởng cả định xuất là 1.600 đồng mỗi ngày, nếu lặn dưới 2 giờ thì được hưởng phân nửa định xuất là 800đồng mỗi ngày.
Lặn mực nước trên 12 thước 80 đến 22 thước, nếu lặn được 1 giờ 45 phút trở lên thì được hưởng cả định xuất là 1.600 đồng mỗi ngày; nếu lặn dưới 1giờ 45 phút thì chỉ được hưởng phân nửa định xuất là 800 đồng mỗi ngày.
Lặn mực nước trên 22 thước đến 29 thước 50, nếu lặn được 1 giờ 15 phút trở lên thì được hưởng cả định xuất là 2.000 đồng mỗi ngày; nếu lặn dưới 1giờ 15 phút thì chỉ được hưởng phân nửa định xuất là 1.000 đồng mỗi ngày.
Lặn ở các mức nước trên 29 thước 50 đến 35 thước hoặc trên 35 thước đến 39 thước v.v… thì được hưởng nguyên định xuất vì chỉ tính số thì giờ phải nghỉ từng đoạn khi lên cũng đã quá phân nửa tổng số giờ đã quy định.
2) Đối với thợ lặn vo và lặn mặt nạ
Phụ cấp bồi dưỡng sức khỏe cho thợ lặn vo và thợ lặn mặt nạ tính theo giờ làm việc. Giờ làm việc của thợ lặn vo và lặn mặt nạ là thì giờ lặn xuống nước và thì giờ lên bờ nghỉ tiếp sức để lặn tiếp đợt khác cùng trong một buổi làm việc. Mỗi giờ làm việc như trên sẽ được phụ cấp 200 đồng, làm việc chưa đủ 1 giờ vẫn được hưởng phụ cấp 1 giờ.
Để khuyến khích học tập lặn áo, những lúc anh em học lặn bằng áo cũng được hưởng phụ cấp bồi dưỡng sức khỏe. Theo quy định thì anh em mới học lặn chỉ được lặn trong vòng 3 thước 60. Phụ cấp cho anh em học lặn áo tính theo giờ. Mỗi giờ học lặn áo được hưởng 200đồng. Khi nào anh em đã thành thạo, thực sự làm việc, thì lặn ở mực nước nào được hưởng phụ cấp quy định cho mực nước ấy.
Trường hợp bất thường, có công việc cần thiết phải lặn những nơi sâu quá 12 thước 80 nhưng chật chội, lặn có áo không thể xoay trở được, trở ngại trong lúc làm việc, cơ quan sử dụng yêu cầu lặn mặt nạ hoặc lặn vo thì những người chuyên lặn áo vẫn được hưởng nguyên tiêu chuẩn phụ cấp cho thợ lặn áo. Nếu mực nước dưới 12 thước 80, thì trong trường hợp ấy cũng chỉ hưởng phụ cấp như thợ lặn vo và lặn mặt nạ (200đồng 1 giờ).
3) Cách thức sử dụng tiền bồi dưỡng
Tiền bồi dưỡng không phát thẳng cho từng người. Mỗi người có làm việc, phải trích 40% số tiền bồi dưỡng của anh em thêm vào thức ăn hai bữa cơm chính. Số tiền còn lại phải mua các thức ăn uống có nhiều chất bổ như trứng đường, đậu v.v… để anh em, uống trong ngày. Buổi sáng trước khi làm việc nên anh em ăn các thức ăn nhẹ và uống trứng đường, hoặc sữa. Buổi chiều hoặc buổi tối sau ngày làm việc, ngoài hai bữa cơm chính, nên cho anh em ăn các thức ăn nhẹ như đậu, đường, hoặc các thứ hoa quả khác. Ngày nào có lặn phải bồi dưỡng kịp thời, không nên để dồn nhiều ngày bồi dưỡng một lúc hoặc để tiền chi tiêu vào các việc khác.
III. PHẠM VI ÁP DỤNG VÀ HIỆU LỰC THI HÀNH
Chế độ làm việc quy định trong Nghị định số 674-NĐ/LB ngày 24 -9-1957 và trong thông tư này sẽ áp dụng cho tất cả thợ lặn kể cả lặn sông và lặn biển, không phân biệt trong hay ngoài biên chế.
Riêng khoản phụ cấp bồi dưỡng sức khỏe chỉ thi hành cho những người hưởng lương tháng, lương sắp xếp và những công nhân nguyên lương lặn sông hoặc lặn biển. Những thợ lặn thuê mượn tạm thời hưởng lương ngày, những người làm khoán, không áp dụng khoản phụ cấp này (khi thuê mượn hay giao khoán thì tính cả phụ cấp vào tiền lương).
Thông tư này thay thế cho thông tư số 18-TT/LB ngày 30-11-1955 của Liên bộ Giao thông Bưu điện – Lao động – Tài chính và có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Nếu nơi nào nhận được sau ngày ấy thì bắt đầu thi hành kể từ ngày nhận được.
KT. BỘ TRƯỞNG | BỘ TRƯỞNG |
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG | BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH |
- 1Thông tư liên bộ 18-LB-TT năm 1955 về đặt một khoản phụ cấp nguy hiểm và bảo tồn sức khỏe cho công nhân thợ lặn do liên bộ Bộ Giao Thông và Bưu Điện- Bộ Lao Động- Bộ Tài Chính ban hành.
- 2Nghị định 674-NĐ/LB năm 1957 quy định chế độ làm việc của công nhân thợ lặn do Bộ trưởng Bộ Thủy lợi và Kiến trúc-Bộ trưởng Bộ Giao thông và Bưu điện-Bộ trưởng Bộ Lao động-Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
Thông tư liên bộ 34-TT/LB năm 1957 hướng dẫn Nghị định 674-NĐ/LB về chế độ làm việc và phụ cấp bồi dưỡng sức khỏe cho thợ lặn do Bộ Lao Động- Bộ Giao Thông và Bưu Điện- Bộ Thuỷ Lợi và Kiến Trúc- Bộ Tài Chính ban hành
- Số hiệu: 34-TT/LB
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Ngày ban hành: 25/09/1957
- Nơi ban hành: Bộ Giao thông và Bưu điện, Bộ Lao động, Bộ Tài chính, Bộ Thuỷ lợi và Kiến trúc
- Người ký: Nguyễn Hữu Mai, Nguyễn Văn Tạo, Trần Đăng Khoa, Trịnh Văn Bính
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra