Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG-BỘ TÀI CHÍNH-BỘ Y TẾ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 31-TT/LB

Hà Nội , ngày 15 tháng 9 năm 1981

 

 THÔNG TƯ LIÊN BỘ

CỦA BỘ Y TẾ - LAO ĐỘNG - TÀI CHÍNH SỐ 31-TT/LB NGÀY 15-9-1981 QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP ĐỐI VỚI CÁN BỘ, NHÂN VIÊN CHUYÊN MÔN Y TẾ LÀM CÔNG TÁC THƯỜNG TRỰC Ở CÁC CƠ SỞ ĐIỀU TRỊ, ĐIỀU DƯỠNG

Để phù hợp với tình hình hiện nay, liên Bộ Y tế - Lao động - Tài chính quy định chế độ phụ cấp đối với cán bộ, nhân viên chuyên môn y tế làm công tác thường trực về chuyên môn ở các cơ sở điều trị, điều dưỡng... như sau.

I. TỔ CHỨC CÔNG TÁC THƯỜNG TRỰC

Để bảo đảm việc khám, chữa bệnh, săn sóc bệnh nhân và sản phụ được liên tục suốt ngày đêm, các cơ sở điều trị có từ 10 (mười) giường bệnh trở lên như các viện nghiên cứu có giường bệnh; viện điều dưỡng; phòng khám bệnh đa khoa khu vực; các nhà hộ sinh thị xã, quận, thành phố trực thuộc tỉnh, các trạm cấp cứu đều phải tổ chức thường trực về chuyên môn ở các cơ sở nói trên.

Việc bố trí số lượng người thường trực về chuyên môn ở từng loại cơ sở điều trị điều dưỡng... sẽ do một văn bản riêng của Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể.

Mỗi phiên trực tính từ đầu giờ làm việc sáng hôm trước liên tục đến sau khi giao ban sáng hôm sau. Trong phiên trực, người thường trực về chuyện môn phải thường xuyên có mặt tại nơi làm việc để điều trị săn sóc bệnh nhân và sản phủ theo đúng chế độ, chức trách chuyên môn như đã quy định cụ thể trong bản quy chế tổ chức, chuyên trách chế độ công tác trong bệnh viện của Bộ Y tế ban hành kèm theo công văn số 1876-BYT/CB ngày 12/6/1972.

II. CHẾ ĐỘ NGHỈ BÙ VÀ PHỤ CẤP

Cán bộ, nhân viên chuyên môn y tế (hộ lý, y tá, dược tá, xét nghiêm viên, y sĩ, dược sĩ, nữ hộ sinh, bác sĩ...) sau mỗi phiên trực về chuyên môn được nghỉ bù và phụ cấp như sau:

1. Thường trực tại các cơ sở điều trị có từ 20 giường trở lên như các nhà hội sinh thị xã, thị trấn, quận, các phòng cấp cứu của các thành phố lớn.

a. Nghỉ bù:

- Phiên trực ngày thường được nghỉ bù một ngày đối với các khoa lâm sàng, phòng khám bệnh, nhà hộ sinh, trạm cấp cứu; được nghỉ bù nửa (1/2) ngày đối với các khoa cận lâm sàng, khoa dược, viện điều dưỡng, trại phong.

- Phiên trực ngày chủ nhật (hoặc ngày nghỉ hàng tuần), ngày lễ chính, được nghỉ bù như phiên trực ngày thường, ngoài ra còn được nghỉ bù thêm một ngày nữa.

b. Phụ cấp: Mỗi người, mỗi phiên trực còn được phụ cấp bằng tiền như sau:

- Lương chính từ 115đ/tháng trở lên phụ cấp 6đ (sáu đồng).

- Lương chính từ 45đ/tháng đến 114đ/tháng phụ cấp 5đ (năm đồng).

- Lương chính dưới 45đ/tháng phụ cấp 4đ (bốn đồng).

2. Thường trực tại các cơ sở điều trị có từ 10 giường đến dưới 20 giường, các phòng cấp cứu của thị trấn, quận, thị xã.

a. Nghỉ bù:

- Phiên trực ngày thường đối với những người thường trực ở những cơ sở trên, nói chung không đặt vấn đề nghỉ bù. Trường hợp, trong phiên trực làm việc về đêm nhiều (làm việc từ 2 giờ trở lên trong thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ sáng) thì được nghỉ bù nửa ngày, do thủ trưởng đơn vị quyết định.

- Phiên trực ngày chủ nhật (hoặc ngày nghỉ hàng tuần), ngày lễ chính được nghỉ bù một ngày.

b. Phụ cấp:

Mỗi người, mỗi phiên trực được phụ cấp bằng tiền 3đ (ba đồng).

III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

Đào Thiện Thi

(Đã ký)

 

Vũ Văn Cẩn

(Đã ký)

Võ Trí Cao

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên bộ 31-TT/LB năm 1981 quy định chế độ phụ cấp đối với cán bộ, nhân viên chuyên môn y tế làm công tác thường trực ở các cơ sở điều trị, điều dưỡng do Bộ Y tế - Bộ Tài chính - Bộ Lao động ban hành

  • Số hiệu: 31-TT/LB
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 15/09/1981
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động, Bộ Tài chính, Bộ Y tế
  • Người ký: Đào Thiện Thi, Võ Trí Cao, Vũ Văn Cẩn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 23
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản