Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ TÀI CHÍNH
******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 22/LB-TT

Hà Nội, ngày 21 tháng 07 năm 1994

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN VỀ QUYẾT ĐỊNH 167/TTg NGÀY 08-04-1994 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP ĐỐI VỚI ĐỐI TƯỢNG CỨU TRỢ XÃ HỘI

Thi hành Điều 4 Quyết định 167/TTg ngày 08-04-1994 của Thủ tướng Chính phủ “về việc sửa đổi bổ sung một số chế độ trợ cấp đối với đối tượng cứu trợ xã hội”. Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG VÀ ĐIỀU KIỆN ĐƯỢC HƯỞNG TRỢ CẤP

1. Trẻ em mồ côi: Là trẻ em dưới 16 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, mất nguồn nuôi dưỡng, không còn người thân thích nương tựa.

Trường hợp được coi là trẻ em mồ côi: chỉ mồ côi cha hoặc mẹ, người còn lại bỏ đi mất tích, lấy vợ hoặc chồng khác bỏ con bơ vơ, và những đứa trẻ hoang thai, bị bỏ rơi không còn người thân thích nương tựa, mất nguồn nuôi dưỡng.

2. Người già yếu cô đơn không nơi nương tựa: Là những người nam từ 60 tuổi, nữ từ 55 tuổi trở lên sống độc thân hoặc còn vợ hoặc chồng nhưng không có con, cháu người thân thích để trông nom, không có nguồn thu nhập nào để sinh sống.

3. Người tàn tật: Là người bị khuyết tật các chức năng hoạt động cá nhân, mất khả năng lao động từ 81% trở lên, không tự lo được cuộc sống, không còn người thân thích để nương tựa.

Trường hợp còn người thân thích nhưng già yếu, gia đình nghèo không đủ khả năng kinh tế để chăm sóc.

4. Người tâm thần: Là người mắc bệnh thần kinh mãn tính thuộc các thể loại: tâm thần phân liệt, rối loạn tâm thần đã được cơ quan y tế (từ cấp huyện thị trở lên) xác nhận.

5. Người lang thang xin ăn: Là những người bỏ nhà cửa, quê hương ra đi, không ở một nơi cố định, không sống bằng sức lao động và nghề nghiệp của mình, xin ăn để sống.

6. Người mại dâm: Là người đem thân thể của mình làm thỏa mãn tình dục của người khác để kiếm tiền.

7. Người nghiện ma túy: Là người thường xuyên sử dụng đến mức lệ thuộc vào các chất gây nghiện được gọi chung là ma túy: (như hêrôin, cocain, moócphin, thuốc phiện, cần sa…) có sự thèm muốn mãnh liệt khó cưỡng lại được khi không dùng ma túy sẽ xuất hiện hội chứng cai.

II. MỨC TRỢ CẤP

1. Trợ cấp thường xuyên:

Mức trợ cấp thường xuyên đối với đối tượng xã hội do xã, phường quản lý tại điểm 1, 2, 3 phần I trên đây là 24.000 đ/người/tháng tương đương 12 kg gạo được tính theo thời giá và được áp dụng theo từng vùng, địa phương. Nếu mức trợ cấp 24.000 đ không mua dù 12 kg gạo thì Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố điều chỉnh để mua đủ 12 kg gạo.

2. Trợ cấp sinh hoạt phí:

- Đối với người tâm thần tập trung trong trung tâm xã hội là 96.000 đ/người/tháng.

- Đối với người lang thang xin ăn trong thời gian thu gom phân loại là 2.800 đ/người.ngày không quá 7 ngày.

- Đối với đối tượng mại dâm, nghiện hút ma túy đang tập trung giáo dục, chữa bệnh, cai nghiện tại các trung tâm xã hội được hưởng trợ cấp sinh hoạt phí 3 tháng đầu mức 84.000 đồng/người/tháng. Từ tháng thứ 4 đến tháng thứ 6 đối tượng lao động sản xuất để tự túc, nếu quá khó khăn thì được xem xét hỗ trợ 50% sinh hoạt phí. Từ tháng 7 trở đi đối tượng sản xuất tự túc hoàn toàn. Trợ cấp sinh hoạt phí này chỉ áp dụng đối với những đối tượng mà bản thân gia đình không có khả năng tự giải quyết sinh hoạt phí.

3. Trợ cấp thuốc chữa bệnh, cai nghiện:

Đối tượng mại dâm, nghiện hút ma túy chữa bệnh trong các trung tâm xã hội được hỗ trợ tiền thuốc ở các mức sau:

- Đối tượng mại dâm: 80.000 đ/người cho cả đợt điều trị.

- Đối tượng nghiện ma túy: 250.000 đồng/người cho cả đợt điều trị.

Nếu chữa bệnh, cai nghiện tại cơ sở y tế xã, phường hoặc tại nhà thì được xét cấp từ 50% đến 100% tiền thuốc, mức xét do Ủy ban Nhân dân xã, phường đề nghị, Ủy ban Nhân dân quận, huyện quyết định, nhưng tổng số tiền hỗ trợ cả đợt điều trị không quá 80.000 đ đối với đối tượng mại dâm và 250.000 đ đối với đối tượng nghiện ma túy.

4. Trợ cấp học nghề:

Đối tượng mại dâm, nghiện ma túy đang tập trung giáo dục, chữa bệnh, cai nghiện tại các cơ sở xã hội, nếu chưa có nghề, bản thân có nhu cầu học nghề để giải quyết việc làm, song bản thân hoặc gia đình quá khó khăn không tự giải quyết được chi phí học nghề thì được giới thiệu đến các trung tâm dạy nghề hoặc trung tâm xúc tiến việc làm để học nghề và được hỗ trợ kinh phí học nghề nhưng tối đa không quá 240.000 đ một người một khóa học.

III. CẤP PHÁT VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ

a) Nguồn kinh phí:

Nguồn kinh phí cho các đối tượng nêu ở Điều 1, 2, 3, 4, 5 phần I Thông tư này thuộc kinh phí xã hội do Ngân sách địa phương đài thọ. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội căn cứ vào số lượng các loại đối tượng, mức trợ cấp cho từng loại để lập kế hoạch kinh phí gửi Sở Tài chính vật giá trình Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt. Năm 1994 đối với những tỉnh có khó khăn về Ngân sách (phải nhận bổ sung từ Ngân sách Trung ương theo kế hoạch) được Trung ương hỗ trợ thêm kinh phí để thực hiện mức hỗ trợ không quá phần chênh lệch giữa mức trợ cấp đã quy định tại Quyết định 167/TTg với mức trợ cấp quy định trước đó.

Riêng các đối tượng mại dâm, cai nghiện ma túy do kinh phí chương trình 05/CP, 06/CP đài thọ theo quy định tại Thông tư số 58/TT-LB ngày 04-07-1994 của Liên Bộ Tài chính - Lao động - Thương binh và Xã hội và Thông tư số 78/TT-LB ngày 11-9-1993 của Liên Bộ Tài chính - Ủy ban Dân tộc và miền núi.

b) Quyết toán kinh phí:

- Các đơn vị được cấp kinh phí này phải quyết toán hàng quý, năm theo quy định hiện hành.

Phần kinh phí do Ngân sách địa phương cấp thì báo cáo quyết toán với Sở Tài chính vật giá địa phương. Cuối mỗi năm Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính tổng hợp phần kinh phí này báo cáo về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính để biết.

Phần kinh phí do Ngân sách Trung ương cấp thì quyết toán với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định tại Thông tư số 58/TT-LB và Thông tư số 78/TT-LB nói trên.

IV. TỔ CHỨC, THỰC HIỆN

1. Việc xác định các đối tượng xã hội nêu ở mục 1, 2, 3, 4, phần I trên do Ủy ban Nhân dân xã, phường xem xét lập danh sách và báo cáo Ủy ban Nhân dân quận, huyện quyết định. Việc xét duyệt trợ cấp đối với những đối tượng xã hội mỗi năm một lần, trường hợp đặc biệt có thể bổ sung.

2. Đối với đối tượng mại dâm, nghiện ma túy

Các đối tượng mại dâm, nghiện ma túy do Ủy ban Nhân dân xã, phường (kết hợp cùng công an, y tế, phụ nữ xã, phường) xem xét, xác định, lập danh sách.

Việc xác định đối tượng được hưởng trợ cấp sinh hoạt phí, trợ cấp thuốc chữa bệnh, trợ cấp học nghề trong các trung tâm, xã hội do Giám đốc Trung tâm đề nghị, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định.

Việc trợ cấp sinh hoạt phí, thuốc chữa bệnh, cai nghiện, học nghề cho đối tượng mại dâm, nghiện ma túy chỉ được một lần cho mỗi đối tượng. Nhưng trường hợp đặc biệt buộc chữa bệnh, cai nghiện lần thứ hai trở đi, song bản thân, gia đình quá khó khăn không tự giải quyết được sinh hoạt phí, thuốc chữa bệnh, cai nghiện thì Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét quyết định nhưng không cấp quá ba lần.

V. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01-05-1994, các quy định trước đây trái với thông tư này đều bãi bỏ, trong quá trình thực hiện có điều gì vướng mắc, các tỉnh phản ảnh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết.

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG





Tào Hữu Phùng

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Hằng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên bộ 22/LB-TT năm 1994 hướng dẫn Quyết định 167/TTg về việc sửa đổi chế độ trợ cấp đối với đối tượng cứu trợ xã hội do Bộ Lao động - Thương binh Xã hội và Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 22/LB-TT
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 21/07/1994
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động, Bộ Tài chính
  • Người ký: Nguyễn Thị Hằng, Tào Hữu Phùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/05/1994
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản