- 1Thông tư 13-NV-1965 về việc áp dụng chế độ hưu trí và chế độ trợ cấp thôi việc vì mất sức lao động đối với công nhân, viên chức Nhà nước cho phù hợp với tình hình mới do Bộ Nội vụ ban hành
- 2Thông tư 84-TTg năm 1963 áp dụng chế độ trợ cấp hưu trí và chế độ trợ cấp thôi việc vì mất sức lao động đối với công nhân, viên chức Nhà nước do Hội đồng Chính phủ ban hành
BỘ LAO ĐỘNG-BỘ NỘI VỤ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ |
Số: 20-TT/LB | Hà Nội, ngày 04 tháng 08 năm 1969 |
Ngày 24-01-1969, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Thông tư số 15-CP quy định chính sách đối với công nhân, viên chức thôi việc vì mất sức lao động nay sức khỏe đã phục hồi.
Chính sách này thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với công nhân, viên chức, không những làm cho những người thôi việc vì mất sức lao động phấn khởi được trở lại sản xuất và công tác, đời sống được bảo đảm lâu dài, mà còn làm cho mọi công nhân, viên chức được yên tâm trong lúc lao động sản xuất cũng như trong lúc ốm đau. Chính sách này còn nhằm sử dụng hợp lý sức lao động và tăng cường việc quản lý lao động của Nhà nước.
Sau khi đã trao đổi ý kiến với Bộ Y tế và Tổng công đoàn Việt-nam, Bộ Nội vụ và Bộ Lao động ra thông tư này để hướng dẫn việc thi hành Thông tư số 15-CP như sau:
1. Việc tuyên truyền, phổ biến chính sách.
Để mọi người quán triệt ý nghĩa của chính sách và chấp hành chu đáo, đề nghị của các Bộ; các ngành ở trung ương và các Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phổ biến rộng rãi Thông tư số 15-CP của Hội đồng Chính phủ cũng như thông tư hướng dẫn này cho mọi công nhân, viên chức ở tất cả các cơ quan, xí nghiệp trực thuộc, và có kế hoạch chỉ đạo thực hiện cho tốt. Đặc biệt, ở các cơ quan, xí nghiệp có nhiều công nhân,viên chức mất sức lao động cần được tuyển dụng lại thì cần cho toàn thể công nhân, viên chức được học tập kỹ hơn. Đối với công nhân, viên chức đã thôi việc vì mất sức lao động ở địa phương thì Ủy ban hành chính tổ chức phổ biến chính sách trong các buổi sinh hoạt của các tổ chức hưu trí, mất sức lao động hoặc trong dịp anh em tập trung để lĩnh trợ cấp.
Theo quy định của Thông tư số 15-CP thì những công nhân, viên chức mất sức lao động đã thôi việc được trên 2 năm, nam từ 50 tuổi trở xuống, nữ từ 45 tuổi trở xuống, và những người trên mức tuổi đó là cán bộ chính trị, khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ và công nhân lành nghề phải đào tạo lâu năm mà các ngành đương cần, sẽ được Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi cư trú cho đi khám lại sức khỏe của Hội đồng giám định y khoa. Những người được xác định là sức khỏe đã phục hồi và có đủ điều kiện tuyển dụng sẽ được tuyển lại làm việc. Ngoài ra, lại cần chiếu cố đối với một số công nhân, viên chức đã làm việc lâu năm, có nhiều cống hiến cũng được khám lại sức khỏe để tuyển dụng lại làm việc cho đến khi họ có đủ điều kiện về hưu trí.
Để thực hiện quy định trên đây, Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố trực thuợc trung ương cần tổ chức việc phân loại những công nhân, viên chức đã thôi việc vì mất sức lao động hiện cư trú ở địa phương, nắm tình hình sức khỏe, trình độ nghề nghiệp, đời sống nguyện vọng của anh chị em, lập danh sách những người thuộc diện được xét cho trở lại làm việc để giới thiệu dần dần cho đi khám sức khỏe của Hội đồng giám định y khoa của tỉnh, thành phố.
Những người còn trẻ tuổi đã thôi việc quá 2 năm từ lâu, những cán bộ chính trị, khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ, công nhân lành nghề và những công nhân, viên chức đã làm việc lâu năm có nhiều cống hiến sẽ được khám lại sức khỏe trước để sớm được trở lại làm việc. Những công nhân, viên chức đã làm việc lâu năm có nhiều cống hiến là những người đã có từ 10 năm công tác liên tục trở lên, những cán bộ kháng chiến đã được tặng thưởng huân chương hoặc huy chương kháng chiến, huân chương hoặc huy chương chiến thắng, những người đã có nhiều thành tích trong lao động sản xuất, đã được tặng thưởng huân chương lao động hoặc là đã là chiến sĩ thi đua trong nhiều năm liền.
Những người nam trên 50 tuổi, nữ trên 45 tuổi (không phải là cán bộ chính trị, khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ, công nhân lành nghề) và những người dưới mức tuổi đó nhưng ốm đau, tàn tật không còn khả năng lao động (bại liệt, điên, mù, què v .v… ) vì không thuộc diện được trở lại công tác nên không cần phải cho đi khám lại sức khỏe nữa. Họ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp mất sức lao động.
Những người được Hội đồng giám định y khoa kết luận là sức khỏe chưa phục hồi thì được tiếp tục hưởng trợ cấp trong thời hạn 2 năm nữa rồi lại được khám lại sức khỏe như đã quy định ở điều 39 của điều lệ bảo hiểm xã hội.
Những người về hưu trước tuổi theo Thông tư số 84-TTg ngày 20-8-1963 của Hội đồng Chính phủ và đã thôi việc quá 2 năm, tuy không thuộc phạm vi giải quyết của Thông tư số 15-CP trên đây, nhưng nếu là cán bộ khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ, công nhân lành nghề mà các ngành đương cần và họ tự nguyện xin trở lại làm việc thì cũng được khám lại sức khỏe để trở lại làm việc như đã quy định ở Thông tư số 13-NV ngày 23-06-1965 của Bộ Nội vụ.
Việc phân loại và nắm tình hình sức khỏe, đời sống của những người thôi việc vì mất sức lao động từ nay sẽ là một công tác mà Ủy ban cần tiến hành thường xuyên để hàng năm tổ chức khám lại sức khỏe cho những người có đủ điều kiện tuyển dụng lại.
3. Việc tuyển lại công nhân, viên chức mất sức lao động sức khỏe đã phục hồi.
Theo quy định của Thông tư số 15-CP thì công nhân, viên chức mất sức lao động sức khỏe đã phục hồi trước công tác ở cơ quan, xí nghiệp nào thì nay cơ quan, xí nghiệp ấy có trách nhiệm thu nhận lại và bố trí công việc thích hợp với sức khỏe của anh chị em. Cơ quan, xí nghiệp không nên có định kiến cho là người đã mất sức lao động thì nay không còn khả năng làm việc, năng suất kém, hoặc ngại bệnh cũ của họ lại tái phát, v .v… Những người có vấn đề về lịch sử nhưng lý lịch đã rõ ràng và trong quá trình công tác đã có nhiều tiến bộ thì vẫn có thể được tuyển dụng lại và bố trí công việc thích hợp.
Công nhân, viên chức mất sức lao động, sức khỏe đã phục hồi là một nguồn nhân lực mà các ngành cần người có trách nhiệm tích cực thu nhận. Những cơ quan, xí nghiệp trước đây đã cho công nhân, viên chức của mình thôi việc vì mất sức lao động, nay sức khỏe của anh chị em đã phục hồi, nếu đơn vị thiếu người thì phải thu nhận những anh chị em này trước khi tiếp nhận những công nhân, viên chức ở nơi khác điều động đến, hoặc trước khi tuyển dụng người mới theo quy định của Nhà nước.
Trường hợp cơ quan, xí nghiệp cũ đã giải thể hoặc đủ biên chế, có lý do chính đáng không thể nhận thêm người, hoặc không có công việc thích hợp để bố trí cho anh chị em thì cần báo cáo với Bộ, ngành chủ quản (nếu là cơ quan, xí nghiệp của trung ương) để điều chỉnh sang cơ quan, xí nghiệp khác trong ngành, hoặc với sở, ty lao động và ban tổ chức thuộc Ủy ban hành chính (nếu là cơ quan, xí nghiệp của địa phương) để điều chỉnh sang cơ quan, xí nghiệp khác thuộc địa phương. Chỉ khi nào không thể điều chỉnh trong nội bộ ngành được thì Bộ, ngành chủ quản mới bàn bạc với Bộ Lao động (nếu là công nhân sản xuất) hoặc với Bộ Nội vụ (nếu là cán bộ, nhân viên hành chính; sự nghiệp)để điều chỉnh sang những ngành khác còn thiếu người hoặc cho Ủy ban hành chính địa phương tuyển dụng (nếu địa phương yêu cầu). Việc điều chỉnh sang ngành khác, đơn vị khác chỉ là cá biệt, chủ yếu vẫn là do cơ quan, xí nghiệp cũ hoặc ngành chủ quản giải quyết.
Những người sau khi thôi việc đã về địa phương, nay sức khỏe đã phục hồi, nếu không có điều kiện trở lại cơ quan, xí nghiện cũ (vì ở xa quá) thì cũng do sở, ty lao động hoặc ban tổ chức Ủy ban hành chính địa phương nơi cư trú giải quyết. Đương sự cũng có thể đề nghị ngành chủ quản điều chỉnh sang một cơ quan, xí nghiệp khác cùng ngành ở địa phương, nếu có. Những người không muốn trở lại cơ quan, xí nghiệp cũ có thể tự đi liên hệ để xin được tuyển vào cơ quan, xí nghiệp khác cần người. Trường hợp này, cơ quan, xí nghiệp cũ cần tích cực giúp đỡ đương sự bằng cách cung cấp các hồ sơ, giấy tờ cần thiết và chứng nhận về quá trình, công tác v .v… tạo mọi điều kiện dễ dàng cho anh chị em được trở lại công tác ở cơ quan, xí nghiệp mới, nếu họ có đủ điều kiện.
Công nhân, viên chức sức khỏe đã phục hồi, được tuyển dụng lại, làm việc gì sẽ được hưởng lương theo việc ấy. Nhưng khi giải quyết cơ quan, xí nghiệp cần chiếu cố, sắp xếp công tác thích hợp để thu nhập hàng tháng của anh chị em không bị sụt nhiều so với trước khi nghỉ việc, thời gian công tác liên tục của những người này sẽ được cộng cả thời gian đã công tác, trừ thời gian nghỉ việc thì không tính.
Những người trong khi nghỉ việc đã vi phạm pháp luật Nhà nước và bị Tòa án phạt tù, hoặc có hành động rõ ràng chống đối chính sách mà chính quyền địa phương đã kết luận thì dù sức khỏe đã phục hồi cũng không được tuyển dụng lại. Nếu đời sống của họ có khó khăn, Ủy ban hành chính và cơ quan lao động sẽ giúp đỡ công việc làm như đối với nhân dân địa phương (sẽ nói ở điểm 5 dưới đây).
4.Việc đình chỉ cấp phát trợ cấp mất sức lao động.
Sau khi công nhân, viên chức mất sức lao động, sức khỏe phục hồi đã được trở lại làm việc, cơ quan, xí nghiệp có trách nhiệm thu hồi sổ trợ cấp mất sức lao động để nộp lại Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi vẫn cấp phát trợ cấp mất sức lao động, để đình chỉ việc cấp phát trợ cấp kể từ ngày đương sự nhận công tác.
Những người đã được bố trí công tác thích hợp, nhưng không chịu nhận việc và những người sức khỏe đã phục hồi, đã có công việc làm chắc chắn, không muốn trở lại công tác, thì Ủy ban hành chính thu hồi sổ trợ cấp mất sức lao động và đình chỉ việc cấp phát trợ cấp. Trước khi giải quyết, Ủy ban cần điều tra nắm vững tình hình đời sống của từng người, cân nhắc kỹ càng và giải thích để anh chị em thông suốt với chính sách chung. Đối với những trường hợp xét đã rõ ràng thì Ủy ban cần ra quyết định đình chỉ ngay việc cấp phát trợ cấp.
Các phiếu vải, đường, thực phẩm đã cấp theo tiêu chuẩn của công nhân, viên chức thì anh chị em được sử dụng hết năm đó, từ năm sau trở đi, họ sẽ được cấp theo tiêu chuẩn chun như nhân dân. Riêng về tiêu chuẩn lương thực và chế độ khám bệnh, chữa bệnh thì sau khi Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố đã cắt trợ cấp mất sức lao động họ sẽ hưởng theo tiêu chuẩn chế độ chung như nhân dân. Ủy ban cần thông báo danh sách những người phải cắt trợ cấp mức sức lao động cho các ngành thương nghiệp, lương thực, y tế…để giải quyết như đã nói trên.
5. Việc giải quyết đời sống cho những người không đủ điều kiện được tuyển dụng lại.
Những người sức khỏe đã phục hồi nhưng không đủ điều kiện để được tuyển dụng lại thì không được hưởng trợ cấp mất sức lao động nữa. Riêng đối với một số người đời sống thực sự có nhiều khó khăn thì Ủy ban hành chính và sở, ty lao động địa phương sẽ giúp đỡ họ công việc làm, bảo đảm đời sống, như : làm việc theo hợp đồng hoặc làm gia công cho các cơ quan, xí nghiệp, cửa hàng, hợp tác xã, làm các nghề phụ gia đình, các nghề thủ công nghiệp v .v…
Những người này tạm thời được tiếp tục hưởng trợ cấp mất sức lao động cho đến khi có công việc làm ăn, ổn định đời sống, nhưng nhiều nhất cũng không được quá 1 năm, kể từ ngày được Hội đồng giám định y khoa chứng nhận sức khỏe đã phục hồi. Sau này, nếu họ còn có khó khăn thì Ủy ban hành chính địa phương sẽ xét, trợ cấp cứu tế như đối với nhân dân. Các phiếu, vải, đường, thực phẩm và mọi quyền lợi khác đối với những người này cũng giải quyết như đã nói ở phần trên.
Chính sách tuyển dụng lại công nhân, viên chức mất sức lao động sức khỏe đã phục hồi được ban hành là rất hợp tình hợp lý, sẽ làm cho mọi người phấn khởi, tin tưởng và thực hiện tốt. Chính sách này từ nay sẽ được thi hành thường xuyên, lâu dài, nhưng lần đầu thực hiện sẽ không tránh khỏi có khó khăn, vì có liên quan đến nhiều ngành, nhiều đối tượng. Do đó, việc tiến hành cần phải thận trọng, làm từng bước, có trọng điểm, nhưng lại phải chủ động, kịp thời và kiên quyết, bảo đảm chính sách, tránh giải quyết gò ép, mệnh lệnh và cũng tránh ngại khó, không tích cực thi hành.
Ngoài việc tuyên truyền, phổ biến rộng rãi chính sách, Ủy ban hành chính các khu, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần chỉ thị cho các ngành có trách nhiệm như ban thương binh xã hội, ban tổ chức của Ủy ban, sở, ty lao động sở, ty, y tế, liên hiệp công đoàn, v .v… bàn kế hoạch chi tiết để tiến hành, có phân công trách nhiệm rõ ràng và cử cán bộ chuyên trách thường xuyên theo dõi. Ủy ban cần tăng cường chỉ đạo công tác này, nhất là thời gian đầu, và thường xuyên báo cáo kết quả đã làm được về Bộ Nội vụ và Bộ Lao động.
Mặt khác, đề nghị các Bộ, các ngành ở trung ương cũng có kế hoạch chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, xí nghiệp trực thuộc có công nhân, viên chức mất sức lao động sức khỏe đã phục hồi phối hợp chặt chẽ với Ủy ban hành chính và các cơ quan có trách nhiệm ở địa phương thực hiện tốt chính sách, đồng thời có kế hoạch điều chỉnh nhân lực trong ngành khi các đơn vị cơ sở không có khả năng sắp xếp.
Trong khi thực hiện, nếu gặp khó khăn, mắc mứu gì, đề nghị các Bộ, ngành ở trung ương và các Ủy ban hành chính địa phương phản ánh cho Bộ Nội vụ và Bộ Lao động biết để góp ý kiến giải quyết.
Bộ Y tế sẽ có thông tư hướng dẫn các sở, ty y tế để chỉ đạo các Hội đồng giám định y khoa khám lại sức khỏe cho công nhân, viên chức mất sức lao động thuộc diện nói trên.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ | KT. BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG |
- 1Thông tư 13-NV-1965 về việc áp dụng chế độ hưu trí và chế độ trợ cấp thôi việc vì mất sức lao động đối với công nhân, viên chức Nhà nước cho phù hợp với tình hình mới do Bộ Nội vụ ban hành
- 2Thông tư 15-CP-1969 quy định chính sách đối với công nhân, viên chức thôi việc vì mất sức lao động, nay sức khỏe đã phục hồi do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 3Thông tư 31-BYT/TT-1969 hướng dẫn Thông tư 15-CP-1969 về chính sách đối với công nhân, viên chức Nhà nước thôi việc vì mất sức lao động nay sức khỏe đã phục hồi do Bộ Y tế ban hành
- 4Thông tư 84-TTg năm 1963 áp dụng chế độ trợ cấp hưu trí và chế độ trợ cấp thôi việc vì mất sức lao động đối với công nhân, viên chức Nhà nước do Hội đồng Chính phủ ban hành
Thông tư liên bộ 20-TT/LB năm 1969 hướng dẫn Thông tư 15-CP 1969 về chính sách đối với công nhân, viên chức thôi việc vì mất sức lao động nay sức khỏe phục hồi do Bộ Nội vụ - Bộ Lao động ban hành
- Số hiệu: 20-TT/LB
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Ngày ban hành: 04/08/1969
- Nơi ban hành: Bộ Lao động, Bộ Nội vụ
- Người ký: Nguyễn Đăng, Tô Quang Đẩu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 13
- Ngày hiệu lực: 19/08/1969
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định