HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 15-CP | Hà Nội, ngày 24 tháng 01 năm 1969 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC THÔI VIỆC VÌ MẤT SỨC LAO ĐỘNG, NAY SỨC KHỎE ĐÃ PHỤC HỒI
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
Để bảo đảm sức khỏe và quyền nghỉ ngơi cho công nhân, viên chức khi bị ốm đau như điều lệ bảo hiểm xã hội của Chính phủ đã quy định, trong mấy năm qua, các ngành ở trung ương và các Ủy ban hành chính địa phương đã cho một số công nhân viên chức mất sức lao động được nghỉ việc có trợ cấp. Được về nghỉ ngơi, lại có sự săn sóc của địa phương và của gia đình, một số đông anh em đến nay sức khỏe đã phục hồi, nhiều người đã tham gia sản xuất, công tác ở địa phương, đời sống đã ổn định, một số đã trở lại công tác ở các cơ quan, xí nghiệp của Nhà nước.
Nhưng cho đến nay việc tuyển dụng lại công nhân, viên chức thôi việc vì mất sức lao động, các ngành và các địa phương chưa thực hiện được tốt theo đúng Chỉ thị số 135-CP ngày 20-07-1966 của Hội đồng Chính phủ, nhiều người sức khỏe đã được phục hồi, đã có công việc làm ăn, đời sống đã ổn định, nhưng vẫn còn được lĩnh trợ cấp.
Để giải quyết những tồn tại trên đây, Hội đồng Chính phủ trong phiên họp Hội nghị thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 11 tháng 12 năm 1968 đã quyết định như sau:
1. Những công nhân, viên chức thôi việc vì mất sức lao động đã được trên 2 năm thì Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố có trách nhiệm giao cho Hội đồng giám định y khoa khám lại sức khỏe cho họ.
2. Sau khi Hội đồng giám định y khoa xác định là sức khỏe đã được phục hồi, thì sẽ giải quyết như sau:
a) Những người, nam nữ từ 50 tuổi trở xuống, nữ từ 45 tuổi trở xuống, nếu có đủ điều kiện như điều lệ tuyển dụng và cho thôi việc đã quy định, thì sẽ được tuyển lại làm việc ở các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước.
Các cơ quan, xí nghiệp cũ nơi người công nhân, viên chức đã làm việc trước khi nghỉ có trách nhiệm tuyển dụng họ và bố trí công tác thích hợp với sức khỏe của họ (không nhất thiết bố trí làm lại những việc cũ). Trường hợp có lý do chính đáng như cơ quan, xí nghiệp cũ đã bị giải thể hoặc đã đủ biên chế v .v… thì Bộ, ngành chủ quản ở trung ương hoặc Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố có trách nhiệm sắp xếp, bố trí công tác, cụ thể là:
- Đối với công nhân, viên chức cũ của các cơ quan, xí nghiệp của trung ương thì Bộ, ngành chủ quản điều chỉnh sang các cơ quan, xí nghiệp khác trong ngành; trường hợp không thể nào điều chỉnh trong nội bộ ngành được thì Bộ, ngành chủ quản bàn bạc với Bộ Lao động (nếu là công nhân sản xuất) hoặc với Bộ Nội vụ (nếu là cán bộ, nhân viên hành chính, sự nghiệp) để tuyển dụng cho những ngành khác còn cần, hoặc cho Ủy ban hành chính địa phương tuyển dụng (nếu địa phương yêu cầu).
- Đối với công nhân, viên chức cũ của các cơ quan, xí nghiệp của địa phương, thì đơn vị báo cáo với sở, ty lao động (nếu là công nhân sản xuất) hoặc ban tổ chức chính quyền (nếu là cán bộ, nhân viên hành chính, sự nghiệp) để điều chỉnh sang các cơ quan, xí nghiệp khác trong địa phương.
b) Những công nhân, viên chức, nam từ 50 tuổi, nữ từ 45 tuổi trở lên không phải là cán bộ chính trị, cán bộ khoa học, kỹ thuật hoặc công nhân chuyên môn phải đào tạo lâu năm, mà các ngành đang cần thì phải xem xét kỹ càng, nếu thấy việc tuyển dụng vào cơ quan xí nghiệp không có lợi gì nhiều mà lại làm đảo lộn đời sống bình thường của họ thì không nên tuyển dụng lại. Riêng đối với một số công nhân, viên chức đã làm việc lâu năm có nhiều cống hiến cho xã hội nay sức khỏe đã phục hồi thì nên tuyển dụng lại làm việc cho đến khi họ đến tuổi về hưu trí.
3. Khi công nhân, viên chức thôi việc vì mất sức lao động đã được tuyển dụng lại thì làm việc gì sẽ hưởng lương theo việc đó và Ủy ban hành chính đình chỉ việc trợ cấp mất sức lao động kể từ ngày người công nhân viên chức đi nhận công tác.
4. Những người đã được quyết định tuyển dụng lại nhưng không đi nhận việc và những người sức khỏe đã phục hồi, đã có việc làm ăn và không muốn tuyển dụng lại thì những người đó không còn là công nhân, viên chức Nhà nước nên không được hưởng trợ cấp mất sức lao động, tiêu chuẩn cung cấp vải, đường, thực phẩm, lương thực, chế độ điều trị ở bệnh viện như công nhân, viên chức Nhà nước nữa, mà hưởngtheo tiêu chuẩn và chế độ chung của nhân dân.
5. Những người sức khỏe chưa được phục hồi thì vẫn được tiếp tục hưởng trợ cấp mất sức lao động; những người tuy sức khỏe đã phục hồi như không đủ điều kiện để được tuyển dụng lại và đời sống còn nhiều khó khăn thì Ủy ban hành chính địa phương cần tích cực giúp đỡ họ để đời sống chóng được ổn định và tạm thời để họ hưởng trợ cấp mất sức lao động cho đến khi họ có công việc làm ăn bảo đảm đời sống.
Việc tuyển dụng lại công nhân, viên chức đã thôi việc vì mất sức lao động là một chính sách rất hợp tình, hợp lý vừa vận dụng khả năng lao động, kinh nghiệm chuyên môn của anh em trong việc xây dựng chủ nghĩa xã hội, chống Mỹ cứu nước, vừa bảo đảm chắc chắn đời sống lâu dài cho anh chị em, làm cho anh chị em yên tâm trong lúc lao động sản xuất cũng như trong lúc ốm đau. Để làm tốt việc tuyển dụng này. Thủ trưởng các Bộ, các ngành ở trung ương, Ủy ban hành chính các địa phương làm tốt công tác tư tưởng, làm cho mọi người quán triệt ý nghĩa chính trị của chủ trương này mà chấp hành chu đáo.
Bộ Y tế có trách nhiệm hướng dẫn Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố và chỉ đạo các Hội đồng giám định y khoa trong việc khám lại sức khỏe cho công nhân, viên chức mất sức lao động và phải nghiên cứu để ban hành sớm tiêu chuẩn về sức khỏe thích hợp cho từng loại nghề nghiệp nặng nhẹ khác nhau.
Ngoài ra, Hội đồng Chính phủ cũng hết sức lưu ý các đồng chí Thủ trưởng các Bộ, các ngành ở trung ương và các Ủy ban hành chính địa phương phải luôn luôn nhắc nhở các cơ quan, xí nghiệp trực thuộc quan tâm chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho công nhân, viên chức, tăng cường công tác điều trị, điều dưỡng cho những công nhân, viên chức ốm đau chóng được phục hồi sức khỏe để trở lại làm việc, tránh để ốm đau kéo dài thành kinh niên, mãn tính dẫn đến tình trạng mất sức lao động như hiện nay.
Bộ Nội vụ, Bộ Y tế, Bộ Lao động có trách nhiệm hướng dẫn và theo dõi việc thi hành thông tư này.
TM. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ |
- 1Thông tư 31-BYT/TT-1969 hướng dẫn Thông tư 15-CP-1969 về chính sách đối với công nhân, viên chức Nhà nước thôi việc vì mất sức lao động nay sức khỏe đã phục hồi do Bộ Y tế ban hành
- 2Thông tư 013-TTg năm 1960 quy định chế độ trợ cấp đối với cán bộ, công nhân, viên chức thôi việc vì già, yếu, mất sức lao động do Phủ Thủ tướng ban hành
- 3Nghị định 163-CP năm 1974 sửa đổi chế độ thôi việc vì mất sức lao động và chế độ hưu trí đối với công nhân, viên chức Nhà nước do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 1Thông tư 31-BYT/TT-1969 hướng dẫn Thông tư 15-CP-1969 về chính sách đối với công nhân, viên chức Nhà nước thôi việc vì mất sức lao động nay sức khỏe đã phục hồi do Bộ Y tế ban hành
- 2Thông tư liên bộ 20-TT/LB năm 1969 hướng dẫn Thông tư 15-CP 1969 về chính sách đối với công nhân, viên chức thôi việc vì mất sức lao động nay sức khỏe phục hồi do Bộ Nội vụ - Bộ Lao động ban hành
- 3Thông tư 013-TTg năm 1960 quy định chế độ trợ cấp đối với cán bộ, công nhân, viên chức thôi việc vì già, yếu, mất sức lao động do Phủ Thủ tướng ban hành
- 4Nghị định 163-CP năm 1974 sửa đổi chế độ thôi việc vì mất sức lao động và chế độ hưu trí đối với công nhân, viên chức Nhà nước do Hội đồng Chính phủ ban hành
Thông tư 15-CP-1969 quy định chính sách đối với công nhân, viên chức thôi việc vì mất sức lao động, nay sức khỏe đã phục hồi do Hội đồng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 15-CP
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 24/01/1969
- Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
- Người ký: Lê Thanh Nghị
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 1
- Ngày hiệu lực: 08/02/1969
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định