Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ QUỐC PHÒNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 18/TT-LB | Hà Nội , ngày 31 tháng 12 năm 1991 |
Để tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 105/CT, ngày 29/4/1989, văn bản số 551/NC ngày 2/3/1991 và Chỉ thị số 367/CT, ngày 9/11/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc khẩn trương giải quyết xong về cơ bản những tồn đọng chính sách sau chiến tranh vào cuối năm 1992.
Tiếp theo Thông tư Liên Bộ số 16/TT-LB ngày 9/10/1989, Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Quốc phòng giải thích, hướng dẫn bổ sung một số điểm sau đây:
1. Đối với thương binh, bệnh binh nặng và quân nhân bị bệnh tâm thần:
a) Đối với thương binh hạng 1, bệnh binh hạng 1 hiện còn ở các cơ sở điều trị, ăn dưỡng trong quân đội hoặc cơ sở điều dưỡng của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội nếu vết thương, bệnh tật đã ổn định, đủ điều kiện về gia đình thì các quân Khu, đơn vị và cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội giúp Uỷ ban nhân dân tiếp tục tiếp tục vận động đón anh, chị em về nuôi dưỡng tại gia đình. Những trường hợp không có điều kiện về gia đình thì trong năm 1992 chuyển hết đến các cơ sở điều dưỡng thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội để chăm sóc theo chính sách thống nhất.
Các đơn vị quân đội quản lý thương binh, bệnh binh có trách nhiệm thông báo số lượng, danh sách thương binh, bệnh binh cần chuyển giao cho ngành lao động thương binh và xã hội trước 1 tháng, đồng thời lập hồ sơ giải quyết các quyền lợi (phần thuộc trách nhiệm quân đội), sau đó theo đúng thời gian hợp đồng, bàn giao thương binh, bệnh binh cho ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố và các cơ sở điều dưỡng trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm xem xét thủ tục, tiêu chuẩn và tiếp nhận nhanh gọn, chu đáo theo kế hoạch đã được thông báo.
Các đơn vị cùng với cơ quan quân sự địa phương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, các ngành có liên quan tạo mọi điều kiện thuận lợi, thiết thực giúp đỡ những trường hợp có nhiều khó khăn về nhà ở (chưa có nhà hoặc nhà ở hư hỏng nặng), về đời sống, đăng ký hộ khẩu.... để thương binh, bệnh binh tự nguyện về an dưỡng tại gia đình và có cuộc sống ổn định.
b) Đối với quân nhân bị bệnh tâm thần giám định mất sức từ 81% trở lên, đã qua thời kỳ điều trị, thuộc diện không ổn định, không thể chuyển về gia đình được thì Bộ Quốc phòng chuyển cho các cơ sở nuôi dưỡng người tâm thần thuộc Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội ở địa phương anh em về cư trú tiếp nhận và thực hiện chính sách theo quy định hiện hành. Trường hợp trước khi chuyển ra nếu gia đình có khó khăn thì Bộ Quốc phòng xem xét trợ cấp khó khăn đặc biệt tuỳ theo hoàn cảnh cụ thể của từng người.
Thủ tục bàn giao và tiếp nhận quân nhân bị bệnh tâm thần thực hiện như đối với thương binh, bệnh binh (điểm a trên đây).
- Quân nhân phục viên, xuất ngũ về địa phương thời gian không quá 1 năm, kể từ ngày có quyết định phục viên, xuất ngũ mà bệnh tâm thần tái phát hoặc do hậu quả của chiến tranh tác động bị bệnh tâm thần, thì cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương hướng dẫn và làm thủ tục cho anh em đi khám điều trị theo quy định của Bộ Y tế. Sau thời gian điều trị, cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các địa phương theo dõi và tổ chức giám định; với những trường hợp có đủ điều kiện quy định tại Quyết định số 78/CP ngày 13/4/1978 và Quyết định số 301/CP ngày 20/9/1980 của Hội đồng Chính phủ thì xét để chuyển sang thực hiện chính sách bệnh binh.
2- Đối với quân nhân bị thương chuyển ra ngoài quân đội chưa được giải quyết quyền lợi thương tật.
a) Quân nhân bị thương trong các cuộc chiến tranh (chống Pháp, chống Mỹ, biên giới Tây nam, biên giới phía Bắc, và làm nhiệm vụ quốc tế ở K, C) đã hoàn thành nhiệm vụ chuyển ra ngoài quân đội, chưa được giải quyết quyền lợi thương binh thì quân khu chỉ đạo Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố phối hợp với đơn vị, các cơ quan có liên quan và cơ sở (chính quyền, xã đội, thương binh và xã hội) thẩm tra, xác minh kết luận, nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì Thủ trưởng quân khu hoặc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố xét cấp giấy chứng nhận bị thương đăng ký quản lý danh sách và giới thiệu sang Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi quân nhân bị thương cư trú để làm thủ tục giám định thương tật, giải quyết quyền lợi. (Những người không phải là quân nhân, bị thương trong các cuộc chiến tranh chưa được xác nhận thì điều kiện, tiêu chuẩn và thủ tục tiến hành vẫn theo các quy định hiện hành).
b) Đối với những quân nhân bị thương trong kháng chiến chống Pháp ở miền Bắc (kể cả những người bị thương ở miền Nam đã tập kết ra Bắc rồi trở về các tỉnh phía Nam từ sau ngày 30/4/1975) và những quân nhân bị thương trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở chiến trường A thì chỉ xét trường hợp bị thương có vết thương thực thể (áp dụng cả đối với các đối tượng bị thương khác không phải là quân nhân).
c) Việc giải quyết trợ cấp thương tật như sau:
- Nếu không đủ tiêu chuẩn xếp hạng thương tật thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết trợ cấp thương tật 1 lần theo quy định hiện hành.
- Nếu được xếp hạng thương tật hưởng trợ cấp hàng tháng:
+ Đối với quân nhân (kể cả người bị thương hưởng chính sách như thương binh) bị thương trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ ở các tỉnh phí Nam thì trợ cấp thương tật do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết theo hướng dẫn tại Thông tư số 11/LĐ-TBXH-TT ngày 19/9/1990 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
+ Đối với quân nhân (kể cả người bị thương hưởng chính sách như thương binh) bị thương trong kháng chiến chống Pháp ở miền Bắc (kể cả những trường hợp bị thương ở miền Nam đã tập kết ra Bắc rồi trở lại miền Nam từ sau ngày 30/4/1975) và những trường hợp bị thương trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở chiến trường A thì trợ cấp thương tật giải quyết từ ngày quyết định xếp hạng thương tật theo văn bản số 909/LĐ-TBXH ngày 21/4/1989 và Thông tư 11/LĐ-TBXH ngày 19/9/1990 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
+ Đối với quân nhân bị thương từ 1/5/1975 trở về sau thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết trợ cấp thương tật từ ngày có quyết định chuyển ra ngoài quân đội nhận công tác hoặc phục viên, xuất ngũ (áp dụng cả đối với những quân nhân bị thương đã được giám định, xếp hạng thương tật trước khi chuyển ra ngoài nhận công tác hoặc phục viên, xuất ngũ nhưng chưa được giải quyết quyền lợi thương tật).
+ Mức trợ cấp thương tật hàng tháng thực hiện theo Thông tư số 02/LĐ-TBXH-TT ngày 12/1/1989 hướng dẫn thi hành Quyết định số 203/HĐBT ngày 28/12/1988 của Hội đồng Bộ trưởng và các quy định bổ sung về trợ cấp thương tật tiếp theo của Hội đồng Bộ trưởng.
3- Đối với quân nhân mất tin, mất tích:
a) Quân nhân mất tin, mất tích trong các cuộc chiến tranh (chống Pháp, chống Mỹ, biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và làm nhiệm vụ quốc tế ở K, C) mà bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố đã qua nhiều năm thẩm tra, xác minh, đến nay vẫn không có chứng cớ pháp lý là đầu hàng, phản bội hoặc đảo ngũ, nếu được cơ sở (chính quyền, xã đội, thương binh xã hội) đề nghị Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố theo sự chỉ đạo của Quân khu, tiến hành lập hồ sơ báo tử theo Thông tư số 1286/QP ngày 31/8/1984 của Bộ Quốc phòng và giải quyết các quyền lợi (phần thuộc trách nhiệm quân đội) sau đó bàn giao hồ sơ cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để thực hiện chính sách với gia đình. Quá trình thẩm tra, xác minh, kết luận nếu có trường hợp giữa cơ quan quân sự địa phương và cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội chưa thống nhất thì cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội cần có ý kiến cụ thể về từng trường hợp; sau đó Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố chuyển hồ sơ về Bộ Quốc phòng; trong thời gian không quá 30 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm phối hợp xem xét kết luận cụ thể và thông báo về địa phương, không để tồn đọng kéo dài.
Riêng những người ở các tỉnh phía Nam được tổ chức tập kết ra miền Bắc, có chứng cớ đã trở về miền Nam tiếp tục hoạt động trong kháng chiến chống Mỹ, sau đó mất tin, mất tích thì cũng thực hiện theo hướng dẫn trên đây.
Đối với những người không phải là quân nhân mất tin, mất tích khi làm nhiệm vụ trong cuộc chiến tranh thì thủ tục xét giải quyết vẫn theo quy định hiện hành. Nếu được xác nhận là liệt sỹ thì thân nhân (nếu có) được hưởng trợ cấp theo quy định chung tại điểm b dưới đây:
b) Về việc giải quyết trợ cấp đối với gia đình liệt sỹ.
(Phần thuộc trách nhiệm của cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội).
+ Về khoản trợ cấp 1 lần:
- Những trường hợp mất tin, mất tích trong các cuộc chiến tranh, nay mới được xác nhận là liệt sỹ thì thân nhân được hưởng trợ cấp 1 lần và một khoản tiền để chi trong khi làm lễ báo tử theo quy định hiện hành. Trường hợp liệt sỹ không còn người thân gần gũi nào khác thì không chi các khoản trợ cấp này (áp dụng cả đối với thân nhân những trường hợp chết trong khi làm nhiệm vụ được xác nhận là liệt sỹ).
- Về khoản trợ cấp hàng tháng:
+ Những trường hợp mất tin, mất tích trong các cuộc chiến tranh thì trợ cấp tiền tuất hàng tháng đối với thân nhân chủ yếu (nếu có) thực hiện theo hướng dẫn tại văn bản số 909/LĐTBXH ngày 21/4/1989, Thông tư số 11/LĐTBXH ngày 19/9/1990 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
+ Mức trợ cấp tiền tuất hàng tháng đối với thân nhân chủ yếu (nếu có) thực hiện theo Thông tư số 02/LĐTBXH-TT ngày 12/1/1989 hướng dẫn thi hành Quyết định 203/HĐBT, ngày 28/12/1988 của Hội đồng Bộ trưởng và các quy định bổ sung về trợ cấp tiền tuất tiếp theo của Hội đồng Bộ trưởng.
Thân nhân của liệt sỹ đủ điều kiện hưởng sinh hoạt phí hàng tháng thì giải quyết tiền tuất từ ngày Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định.
c) Những trường hợp mất tin, mất tích đã được báo tử về gia đình, nhưng nay có chứng cớ pháp lý là vẫn còn sống thì cơ quan quân sự địa phương có trách nhiệm thông báo cho cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội để thôi thực hiện chính sách đối với gia đình liệt sỹ.
4- Về cất bốc, quy tập mộ liệt sỹ.
a) Liệt sỹ hy sinh ở địa phương nào, chính quyền, đoàn thể và nhân dân ở địa phương đó có trách nhiệm giữ gìn, cất bốc quy tập vào nghĩa trang liệt sỹ theo Quyết định số 60/CP ngày 5/4/1976 và Chỉ thị số 105/CT ngày 28/4/1989 của Hội đồng Bộ trưởng.
Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan quân sự địa phương giúp Uỷ ban nhân dân thống nhất việc tổ chức thực hiện; trước mắt tập trung khảo sát ở những địa bàn khó khăn tồn đọng nhiều mộ liệt sỹ chưa cất bốc, quy tập trên cơ sở đó, lập kế hoạch và có sự phân công cụ thể theo hướng dẫn tại Thông tư Liên Bộ số 16/TT-LB để bảo đảm hoàn thành cơ bản công việc này trong năm 1992.
b) Với những khu vực mộ đã cất bốc quy tập thì các quân Khu đơn vị chuyển giao hết sang ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp nhận quản lý.
Bộ Quốc phòng chỉ đạo các đơn vị quân đội làm nhiệm vụ chiến đấu trong các cuộc chiến tranh cung cấp cụ thể tình hình về phần liệt sỹ của đơn vị mình cho Uỷ ban nhân dân nơi đóng quân để chỉ đạo việc quy tập.
c) Những mộ liệt sỹ đã được cất bốc, quy tập vào nghĩa trang địa phương, các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành tiến hành ngay việc xây vỏ mộ, gắn bia, đồng thời khẩn trương lập danh sách mộ liệt sỹ theo mẫu thống nhất, có kế hoạch thông báo cho địa phương nơi thân nhân liệt sỹ cư trú biết. Khi thân nhân liệt sỹ đến thăm mộ (hoặc tìm mộ) cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quân sự địa phương hướng dẫn gia đình trong việc thăm viếng.
Trên đây là một số nội dung bổ sung cụ thể. Để bảo đảm việc thực hiện được thuận lợi, nhanh chóng, chính xác căn cứ vào văn bản số 551/NC, ngày 2/3/1991 Chỉ thị số 367/CT ngày 9/11/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Liên Bộ yêu cầu Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tập trung thống nhất, coi đây là một công tác quan trọng ở địa phương và có kế hoạch khẩn trương tiếp tục hoàn thành việc khảo sát, tiến hành sơ kết 2 năm việc thực hiện vận động các cấp, các ngành, các cơ quan đoàn thể và nhân dân địa phương tự nguyện đóng góp sức người, sức của để sớm hoàn thành nhiệm vụ giải quyết những tồn đọng về chính sách sau chiến tranh ở địa phương, thiết thực kỷ niệm 45 năm ngày thương binh liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/1992).
Thông tư hướng dẫn bổ sung này cũng được áp dụng để giải quyết các trường hợp tương tự đối với bộ đội biên phòng.
Những quy định trước đây trái với nội dung trong Thông tư này đều bãi bỏ.
Nguyễn Trọng Xuyên (Đã ký) | Trần Hiếu (Đã ký) |
- 1Thông tư liên tịch 16/1998/TTLT-BLĐTBXH-BQP-BCA hướng dẫn việc công nhận và giải quyết quyền lợi đối với liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh do Bộ lao động thương binh xã hội- Bộ quốc phòng- Bộ công an ban hành
- 2Hướng dẫn số 76/CS về một số điểm thực hiện Thông tư liên bộ số 18/TT-LB về việc giải quyết tồn đọng chính sách sau chiến tranh do Cục chính sách Bộ Quốc phòng ban hành
- 3Quyết định 471/2000/QĐ-BLĐTBXH bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 4Quyết định 1395/QĐ-LĐTBXH năm 2015 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đến hết ngày 10 tháng 6 năm 2015
- 1Thông tư liên tịch 16/1998/TTLT-BLĐTBXH-BQP-BCA hướng dẫn việc công nhận và giải quyết quyền lợi đối với liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh do Bộ lao động thương binh xã hội- Bộ quốc phòng- Bộ công an ban hành
- 2Quyết định 471/2000/QĐ-BLĐTBXH bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 3Quyết định 1395/QĐ-LĐTBXH năm 2015 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đến hết ngày 10 tháng 6 năm 2015
- 1Chỉ thị 105-CT năm 1989 về thực hiện một số chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 2Quyết định 301-CP năm 1980 bổ sung tiêu chuẩn để xác nhận là liệt sĩ, thương binh và về chính sách đối với thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 3Hướng dẫn số 76/CS về một số điểm thực hiện Thông tư liên bộ số 18/TT-LB về việc giải quyết tồn đọng chính sách sau chiến tranh do Cục chính sách Bộ Quốc phòng ban hành
- 4Quyết Định 60-CP năm 1976 bổ sung chính sách đối với liệt sĩ và gia đình liệt sĩ do Hội Đồng Chính Phủ ban hành
- 5Quyết định 78-CP năm 1978 bổ sung chế độ đãi ngộ đối với bệnh binh do Hội đồng Chính phủ ban hành
Thông tư liên bộ 18/TT-LB năm 1991 bổ sung việc giải quyết tồn đọng chính sách sau chiến tranh do Bộ Lao dộng Thương binh và Xã hội ban hành
- Số hiệu: 18/TT-LB
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Ngày ban hành: 31/12/1991
- Nơi ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng
- Người ký: Nguyễn Trọng Xuyên, Trần Hiếu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 15/01/1992
- Ngày hết hiệu lực: 10/12/1998
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra