Hệ thống pháp luật

CỤC CHÍNH SÁCH BỘ QUỐC PHÒNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 76/CS

Hà Nội, ngày 29 tháng 3 năm 1993

 

HƯỚNG DẪN

CỦA CỤC CHÍNH SÁCH SỐ 76/CS NGÀY 29 THÁNG 3 NĂM 1993 VỀ MỘT SỐ ĐIỂM THỰC HIỆN THÔNG TƯ LIÊN BỘ SỐ 18/TT-LB VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT TỒN ĐỌNG CHÍNH SÁCH SAU CHIẾN TRANH

Ngày 31 tháng 12 năm 1991, liên Bộ Quốc phòng - Lao động - Thương binh và Xã hội đã ra Thông tư số 18/TT-LB "Hướng dẫn bổ sung về việc giải quyết tồn đọng chính sách sau chiến tranh".

Qua hơn một năm thực hiện, các đơn vị quân đội đã phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội các địa phương giải quyết được nhiều việc tồn đọng về công tác thương binh, liệt sỹ.

Tuy vậy, trong quá trình thực hiện có điểm chưa thống nhất, có điểm mới phát sinh.

Sau khi thống nhất ý kiến với Vụ Thương binh - Liệt sỹ thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (tại Công văn số 17/TBLS ngày 27 tháng 3 năm 1993) và với Cục Tổ chức động viên - Bộ Tổng tham mưu, Cục Cán bộ - Tổng cục Chính trị, Cục Chính sách hướng dẫn một số điểm cụ thể như sau:

Phần 1.

ĐỐI VỚI THƯƠNG BINH

I. QUÂN NHÂN BỊ THƯƠNG ĐÃ CHUYỂN RA NGOÀI QUÂN ĐỘI CHƯA ĐƯỢC GIẢI QUYẾT QUYỀN LỢI THƯƠNG TẬT

1. Đối với số đã có giấy chứng nhận bị thương gốc của đơn vị quản lý quân nhân khi bị thương do cấp có thẩm quyền ký, thì Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố xem xét cụ thể từng trường hợp, nếu đủ điều kiện, hoàn chỉnh hồ sơ và giới thiệu sang Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (nơi quân nhân cư trú) để giám định thương tật và giải quyết quyền lợi theo chính sách hiện hành.

Hồ sơ gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội gồm:

- Quyết định phục viên, chuyển ngành hoặc hưu, của quân nhân;

- Giấy chứng nhận bị thương;

- Đơn trình bày quá trình bị thương đến nay, lý do chưa được giám định (ghi rõ thời gian, nơi điều trị, an dưỡng, công tác...) có xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường, cơ quan nơi cư trú;

- Giấy giới thiệu của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh (thành phố).

(Trường hợp giấy chứng nhận bị thương gốc không đúng mẫu quy định thì Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố lập lại giấy mới và gửi kèm theo giấy gốc sang Sở Lao động - Thương binh và Xã hội).

2. Đối với số không có giấy chứng nhận bị thương gốc, nhưng có các giấy tờ có liên quan khác như: giấy ra viện (sau khi điều trị vết thương) của Viện quân y, phiếu sức khoẻ có ghi tình trạng thương tật và có vết thương thực thể, thì Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố hướng dẫn anh em viết đơn nói rõ. Trường hợp bị thương, địa điểm bị thương, đơn vị, cấp bậc, chức vụ khi bị thương, tình trạng thương tật, đơn vị điều trị, an dưỡng, lý do không được cấp giấy chứng nhận bị thương, đơn phải có xác nhận của cơ quan quân sự, Lao động - Thương binh và Xã hội, xã, (phường) và chính quyền địa phương hoặc cơ quan nơi công tác. Sau khi xem xét nếu đủ điều kiện thì Quân khu hoặc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố cấp giấy chứng nhận bị thương (3 giấy) và giới thiệu anh em sang Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (hồ sơ như tiết 1 nhưng phải gửi kèm cả giấy tờ có liên quan đã được Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh xét duyệt).

3. Đối với quân nhân bị thương có quyết định phục viên chuyển ngành, xuất ngũ nhưng không có các giấy tờ có liên quan khác để xét thì phải thẩm tra xác minh kỹ bảo đảm nguyên tắc thủ tục sau đây:

a) Nếu bị thương trong chống Pháp, chống Mỹ (trước ngày 01-5-1975) phải có bản tự khai danh dự, có 2 người cùng chiến đấu ở đơn vị cũ (đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn) chứng nhận trường hợp bị thương, bản chứng nhận phải viết tay, nói rõ họ tên cấp bậc, chức vụ, đơn vị thời điểm đó của người chứng nhận, được người chỉ huy trực tiếp hoặc cơ quan có thẩm quyền của người chứng nhận xác nhận chữ ký của người chứng nhận. Sau khi kiểm tra có vết thương thực thể và xác minh không còn gì nghi vấn, nếu được cơ quan quân sự, Lao động - Thương binh và Xã hội và chính quyền địa phương, hoặc cơ quan nơi công tác xác nhận không có vi phạm pháp luật và có đề nghị thì Quân khu hoặc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố cấp giấy chứng nhận bị thương và giới thiệu sang Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kèm theo toàn bộ hồ sơ có liên quan đã xét duyệt.

b) Bị địch bắt tù đầy tra tấn thành thương tật trong kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam (kể cả người bị địch bắt tra tấn trong kháng chiến chống Pháp ở miền Nam sau đó tiếp tục ở lại hoạt động) thì phải có bản tự khai, nói rõ thời gian, địa điểm lý do bị bắt, bị tra tấn. Có xác nhận của 1-2 người biết sự việc và xác nhận của cơ quan quân sự, Lao động - Thương binh và Xã hội và chính quyền địa phương nơi cư trú về quá trình từ khi chuyển ra ngoài quân đội, không làm gì vi phạm pháp luật. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố tổng hợp từng trường hợp chuyển về cơ quan an ninh (bảo vệ) Quân khu hoặc công an tỉnh, thành phố cho ý kiến xác minh, nếu không có biểu hiện gì phản bội, và sau khi bị địch bắt trở về tiếp tục hoạt động cho cách mạng hoặc có lý do chính đáng để không tiếp tục hoạt động thì Quân khu hoặc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố cấp giấy chứng nhận bị thương và giới thiệu sang Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để đi giám định (kèm theo các hồ sơ đã duyệt). Đối tượng nói ở điểm a, b trên đây, nếu còn đơn vị cũ thì phải do đơn vị đó xem xét cấp giấy chứng nhận bị thương, chuyển hồ sơ về Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố nơi anh em cư trú để giới thiệu sang Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm thủ tục giám định và giải quyết.

c) Trường hợp bị thương ở biên giới Tây Nam từ tháng 01/1977-12/1978, làm nhiệm vụ quốc tế K, C đến tháng 9 năm 1989 và biên giới phía Bắc từ tháng 7/1978 đến tháng 12/1988 đã có quyết định phục viên, xuất ngũ hoặc chuyển ngành nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận bị thương thì nhất thiết phải truy tìm hồ sơ gốc chứng nhận bị thương của đơn vị cũ, nếu đơn vị cũ đã giải thể thì phải do cơ quan Tổ chức động viên hoặc cơ quan cán bộ (nếu là cán bộ) cấp trên của đơn vị đó xem xét cấp giấy chứng nhận bị thương. Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố căn cứ vào các giấy tờ đó và giới thiệu sang Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để cho đi giám định.

Những trường hợp nói ở điểm 1, 2, 3 trên đây, nếu sau khi bị thương, điều trị và đã qua các Đoàn an dưỡng thương binh thì phải có ý kiến xác minh của cơ quan chính sách Quân khu (hoặc Cục Chính sách) trước khi cấp giấy chứng nhận bị thương và giải quyết quyền lợi.

4. Với số quân nhân bị thương đã về địa phương, không có giấy quyết định phục viên hoặc xuất ngũ, đồng thời không có giấy chứng thương và các giấy tờ có liên quan này tự kê khai bị thương (kể cả bị bệnh để giải quyết bệnh binh) thì không xem xét giải quyết. Trường hợp đặc biệt thấy cần thiết phải xem xét giải quyết thì Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố điều tra xác minh kỹ từng trường hợp cụ thể và lập hồ sơ báo cáo về Bộ (qua Cục Chính sách) xin ý kiến giải quyết.

II. VỀ TRỢ CẤP THƯƠNG TẬT THỰC HIỆN NHƯ SAU:

1. Nếu không đủ tiêu chuẩn xếp hạng thương tật thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết trợ cấp thương tật một lần theo quy định hiện hành.

2. Nếu được xếp hạng thương tật, hưởng trợ cấp hàng tháng thì việc cấp giấy chứng nhận thương binh và giải quyết trợ cấp thương tật do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội nơi quân nhân cư trú giải quyết theo hướng dẫn tại Thông tư số 11/LĐ-TBXH ngày 19 tháng 9 năm 1990 và Văn bản số 909/LĐ-TBXH ngày 21 tháng 4 năm 1989 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Để có cơ sở cho ngành Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết trợ cấp thương tật cho thương binh được đúng chế độ chính sách, yêu cầu khi chuyển hồ sơ sang ngành Lao động - Thương binh và Xã hội phải có các giấy tờ có liên quan: Quyết định phục viên, chuyển ngành, giấy chứng nhận bị thương phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định.

III. PHÂN CÔNG VIỆC XÉT, CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN BỊ THƯƠNG CHO SỐ QUÂN NHÂN BỊ THƯƠNG ĐÃ NÊU Ở MỤC I NÓI TRÊN

Ban Chính sách thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố có nhiệm vụ:

1. Tiếp nhận đơn thư, hồ sơ thương tật của quân nhân bị thương chuyển đến.

2. Đối chiếu với các quy định về hồ sơ cấp giấy chứng nhận bị thương, kiểm tra, xác minh, hướng dẫn đối tượng kê khai bổ sung những điểm còn thiếu hoặc chưa rõ.

3. Trao đổi thống nhất ý kiến với cơ quan Tổ chức động viên và cơ quan cán bộ (theo phân cấp quản lý) thống nhất ý kiến trước khi trình Chỉ huy trưởng xét duyệt.

4. Giấy chứng nhận bị thương do cơ quan chính sách hoặc cơ quan tổ chức động viên, cán bộ lập theo sự phân công của người chỉ huy trên cơ sở danh sách đã thống nhất và phải do Quân khu hoặc do Chỉ huy trưởng, Phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố ký.

5. Đăng ký danh sách quân nhân bị thương đã chuyển ra ngoài quân đội nay được Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh cấp giấy chứng nhận bị thương theo mẫu trích ngang về thương binh. Những nơi đã cấp giấy chứng nhận bị thương chưa đăng ký phải đăng ký quản lý lại.

Chuyển toàn bộ hồ sơ đã xét duyệt (đơn kê khai kèm theo xác nhận), 3 giấy chứng nhận bị thương, giấy giới thiệu sang Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Theo dõi việc giải quyết tiếp theo của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cho những trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận bị thương.

Phần 2.

ĐỐI VỚI QUÂN NHÂN MẤT TÍCH, MẤT TIN

Quân nhân mất tích, mất tin trong các cuộc chiến tranh (chống Pháp, chống Mỹ, biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và làm nhiệm vụ quốc tế K, C) hồ sơ thủ tục thực hiện theo quy định hiện hành, cụ thể là:

1. Đối với quân nhân mất tích:

Đơn vị có quân nhân mất tích trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu lập các giấy tờ sau:

- 02 giấy báo mất tích

- 02 giấy giới thiệu tiền lương hoặc sinh hoạt phí

- 02 biên bản kiểm kê di vật (kèm theo di vật nếu có).

Cơ quan quân sự tỉnh, thành phố, căn cứ vào các giấy tờ của đơn vị báo cáo về tiến hành lập hồ sơ báo tử theo quy định.

2. Đối với quân nhân mất tin trong các cuộc chiến tranh:

Hồ sơ báo tử đều do Bộ chỉ huy quân sự tỉnh lập gồm:

- 03 giấy báo tử do Chỉ huy trưởng hoặc Phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành ký.

- 01 thư chia buồn

- 01 giấy giới thiệu tiền lương hoặc sinh hoạt phí, kèm theo hồ sơ trên phải có:

- Đơn trình bày của gia đình.

- Phiếu xác minh (có xác nhận của cơ quan quân sự và ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện, xã và ý kiến đề nghị của Uỷ ban nhân dân xã (phường)).

- Giấy cam đoan của nhân chứng (nếu có).

Các loại giấy trên đều là bản chính và bàn giao đồng bộ cùng hồ sơ sang Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi gia đình quân nhân cư trú.

3. Đối với những trường hợp cơ quan quân sự địa phương và cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội chưa thống nhất được thì:

Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội có ý kiến về từng trường hợp: sau đó Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố chuyển hồ sơ đó về Bộ Quốc phòng (qua Cục Chính sách).

Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ, các cơ quan có liên quan thuộc Bộ Quốc phòng họp bàn thống nhất ý kiến; phối hợp bàn bạc cụ thể từng trường hợp với Vụ Thương binh liệt sỹ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có kết luận thông báo về địa phương.

4. Về việc giải quyết trợ giúp đối với gia đình liệt sỹ:

Phần trách nhiệm quân đội: thực hiện theo Chỉ thị số 345/CT-QP ngày 30-12-1988 của Bộ Quốc phòng và hướng dẫn liên Cục Chính sách - Tài chính số 07/CS-TC ngày 11 tháng 01 năm 1989.

Phần thuộc trách nhiệm của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện theo Thông tư số 11/LĐ-TBXH ngày 19 tháng 9 năm 1990 và Văn bản số 909/LĐ-TBXH ngày 21 tháng 4 năm 1989 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Trên đây là một số nội dung đã làm cần thống nhất lại, những trường hợp không thuộc diện giải quyết do tồn đọng của chiến tranh vẫn thực hiện theo quy định hiện hành. Quá trình thực hiện còn những vấn đề gì cụ thể các Quân khu, đơn vị đối chiếu với các quy định hiện hành để vận dụng, thực hiện đúng chính sách và kịp thời phản ánh về Cục Chính sách đề có hướng dẫn bổ sung.

 

Nguyễn Mạnh Đẩu

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Hướng dẫn số 76/CS về một số điểm thực hiện Thông tư liên bộ số 18/TT-LB về việc giải quyết tồn đọng chính sách sau chiến tranh do Cục chính sách Bộ Quốc phòng ban hành

  • Số hiệu: 76/CS
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 29/03/1993
  • Nơi ban hành: Cục Chính sách Bộ Quốc phòng
  • Người ký: Nguyễn Mạnh Đẩu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản