Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ TÀI CHÍNH-BỘ Y TẾ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 17-TT/LB | Hà Nội, ngày 12 tháng 5 năm 1983 |
Căn cứ quyết định số 111-HĐBT ngày 13-10-1981 của Hội đồng Bộ trưởng bổ sung một số chế độ đối với cán bộ y tế xã, phường;
Căn cứ quyết định số 156-CP ngày 7-10-1968 của Hội đồng Chính phủ về chính sách đối với y tế vùng cao, miền núi;
Căn cứ thông tư số 1-TC/CQ ngày 12-1-1982, số 16-CQĐP ngày 10-4-1982, số 74-CQ/TCCP ngày 17-11-1982 của Ban tổ chức của Chính phủ hướng dẫn thi hành Quyết định số 111-HĐBT, và tham gia ý kiến về chế độ, chính sách đối với cán bộ y tế xã, phường;
Liên Bộ Y tế - Tài chính hướng dẫn về chế độ, chính sách đối với cán bộ y tế xã, phường như sau:
I. SỐ LƯỢNG CÁN BỘ VÀ CHẾ ĐỘ SINH HOẠT PHÍ.
Theo thông tư số 25-TT/LB ngày 28-11-1980 của liên Bộ Y tế - Tài chính và thông tư hướng dẫn số 29-BYT/TT ngày 29-12-1980 của Bộ Y tế quy định số lượng cán bộ và chế độ sinh hoạt phí như sau:
1. Số lượng cán bộ (không tính các tổ sản xuất thuốc nam và tổ chẩn trị đông y).
- Xã có dưới 3000 dân được bố trí 3 cán bộ.
- Đối với những xã ở phía Bắc có trên 3000 dân thì cứ thêm 1000 dân được bố trí thêm một cán bộ y tế, nhưng không quá 7 người; tính bình quân cho mỗi trạm y tế xã là 5 người.
Đối với những xã phía Nam có đông dân từ 10000 dân trở lên, địa dư rộng thì cứ thêm 3000 dân được bố trí thêm 1 cán bộ y tế, nhưng nhiều nhất không quá 10 người.
2. Chế độ sinh hoạt phí.
Cán bộ y tế chuyên trách thường xuyên công tác trạm y tế xã, phường được đào tạo có trình độ đại học, trung học và sơ học có đủ thâm niên công tác làm việc theo quy chế chung của Nhà nước được xếp sinh hoạt phí theo bảng lương của cán bộ y tế trong biên chế Nhà nước quy định sau đây:
Chức danh | Thời gian công tác và mức sinh hoạt phí | |||||
| Dưới 5 năm | Trên 5 năm đến 10 năm | Trên 10 năm đến 15 năm | Trên 15 năm đến 20 năm | Trên 20 năm đến 25 năm | Trên 25 năm |
Y sĩ, dược sĩ trung học | 45 đ | 50 đ | 58 đ | 68 đ | 78 đ |
|
Nữ hộ sinh sơ học | 38 đ | 43 đ | 49 đ | 55 đ | 64 đ | 74 đ |
Y tá, dược tá sơ học | 36 đ | 41 đ | 47 đ | 53 đ | 62 đ | 72 đ |
Bác sĩ | 60 đ | 70 đ | 85 đ | 100 đ | 116 đ |
|
Y tá, nữ hộ sinh quốc gia và y tá trung học xếp như y sĩ. Các cán bộ y dược học dân tộc sau khi đã phân loại theo tinh thần thông tư số 1-BYT/TT ngày 2-1-1974 được xếp tương đương như trung học, đại học, hoặc chuyên viên. Cán bộ y học dân tộc chưa đủ trình độ lương y xếp tương đương như sơ học. Thâm niên công tác được tính từ khi tham gia phục vụ công tác ở trạm y tế xã, phường hoặc thực sự có tham gia hoạt động ở tổ chức hội y học dân tộc cơ sở.
Những y tá, dược tá, nữ hộ sinh có trình độ văn hoá 7/10 trở lên được cử đi học để đào tạo về chuyên môn từ 18 tháng trở lên xếp theo lương y tá, nữ hộ sinh học dài hạn khởi điểm y tá là 41 đồng, nữ hộ sinh 43 đồng. Cách sắp xếp sinh hoạt phí và tính thời gian thâm niên công tác cho cán bộ y tế xã, phường áp dụng theo thông tư số 12-BYT/TT ngày 7-8-1982 của Bộ Y tế.
3. Chế độ phụ cấp tạm thời. Cán bộ y tế xã, phường được xếp sinh hoạt phí theo quy định nói trên đều được cộng thêm phục cấp tạm thời bằng 100% mức sinh hoạt phí đã xếp và gọi là sinh hoạt phí mới.
II. CHẾ ĐỘ PHÂN PHỐI LƯƠNG THỰC
Sau khi có sự nhất trí của Bộ lương thực, nay quy định như sau:
1. Cán bộ y tế công tác ở xã vùng cao miền núi, biên giới, hải đảo, vùng kinh tế mới, xã miền núi mà kinh tế có nhiều khó khăn (thuộc diện thi hành quyết định số 156-CP) được Nhà nước cung cấp lương thực bằng 13 kilôgam gạo tháng và cấp phiếu vải, phiếu đường, thực phẩm như cán bộ viên chức Nhà nước.
2. Cán bộ y tế phường thuộc quận, thị xã, thành phố, thị trấn được mua lương thực, thực phẩm và một số hàng công nghệ phẩm như cán bộ viên chức trong biên chế Nhà nước (theo điều 3 của quyết định số 111-HĐBT và thông tư số 3-NT ngày 6-4-1982 của Bộ Nội thương).
3. Cán bộ y tế công tác ở các xã khác còn lại được mua 13kg gạo tháng theo giá chỉ đạo được ngân sách xã bù phần tiền chênh lệch giữa giá chỉ đạo với giá cung cấp 0.40đ/kg
III. CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI CÁN BỘ Y TẾ XÃ, PHƯỜNG CÔNG TÁC LÂU NĂM KHI GIÀ YẾU ĐƯỢC NGHỈ VIỆC
1. Cán bộ y tế xã, phường thuộc đối tượng hưởng sinh hoạt phí hàng tháng bao gồm trạm trưởng, phó trưởng trạm, các y bác sĩ, y tá, dược tá, nữ hộ sinh, cán bộ dược học dân tộc có đủ 15 năm công tác liên tục ở trạm y tế xã, phường và nam đã 55 tuổi, nữ đã 50 tuổi được hưởng chế độ già yếu nghỉ việc, hàng tháng được hưởng chế độ trợ cấp 60% mức sinh hoạt phí khi đang công tác.
2. Cán bộ y tế xã, phường có 15 năm công tác liên tục đã được hưởng sinh hoạt phí từ trước tới nay (nam đã 52 tuổi, nữ đã 47 tuổi) nay vì ốm đau phải nghỉ việc (có xác nhận của hội đồng giám định y khoa) cũng được hưởng chế độ trợ cấp già yếu nghỉ việc bằng 60% mức sinh hoạt phí khi đang công tác.
3. Thời gian công tác để tính là thời gian công tác liên tục là thời gian làm việc ở trạm y tế xã, phường dưới chính quyền cách mạng (kể cả thời gian làm việc ở cơ quan Nhà nước và Quân đội nhân dân Việt Nam). Thời gian làm việc ở thôn bản không được tính, nếu có trường hợp bị gián đoạn thì được tính cộng thời gian trước với thời gian sau, trừ thời gian gián đoạn không được tính.
4. Cán bộ y tế xã, phường hoạt động trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chống quân bành trướng Trung Quốc mà bị địch bắt tra tấn, không sai phạm nghiêm trọng, nay yếu đau hoặc bị thương tật sức khoẻ giảm sút được Uỷ ban nhân dân cấp huyện trở lên quyết định (bằng văn bản) cho nghỉ việc thì thời gian công tác liên tục có thể được giảm từ 3 đến 5 năm, các ban y tế huyện, quận cần kiểm tra xem xét cẩn thận từng trường hợp để báo cáo Uỷ ban nhân dân huyện, quận hoặc tỉnh, thành xét giải quyết.
5. Các trưởng trạm, phó trưởng trạm trạm y tế xã, phường (trước đây đã được xác định là trưởng, phó ngành ở xã theo thông tư số 16-LB/TT ngày 19-6-1976 của liên Bộ Y tế- Tài chính hướng dẫn thi hành quyết định số 130-CP ngày 20-6-1975 của Hội đồng Chính phủ) có 15 năm công tác liên tục và nam đã 55 tuổi, nữ đã 50 tuổi nghỉ việc trước ngày ban hành quyết định số 111-HĐBT ngày 13-10-1981 của Hội đồng Bộ trưởng, được hưởng trợ cấp hàng tháng là 12 đồng thì nay được nâng lên là 20 đồng và được phụ cấp tạm thời bằng 100% của mức trợ cấp mới: 20 đ + 20 đ = 40 đ/tháng, những người nào tuy đã có đủ điều kiện và tiêu chuẩn nhưng khi nghỉ việc chưa được hưởng trợ cấp thì Uỷ ban nhân dân xã, phường và Uỷ ban y tế huyện, quận xét từng trường hợp cụ thể báo cáo với Uỷ ban nhân dân huyện, quận giải quyết cho hưởng phụ cấp hàng tháng.
Các thủ tục cho cán bộ y tế xã, phường nghỉ việc và hưởng trợ cấp hàng tháng như đối với công nhân, viên chứ Nhà nước khi về hưu.
1. Cán bộ y tế xã chuyên trách phục vụ bệnh nhân lao tại các sana lao của xã, liên xã hoặc huyện có từ 6 giường bệnh tập trung trở lên được hưởng phụ cấp 30đ/tháng.
Mỗi trạm y tế xã, phường được chi một định suất về phụ cấp dễ bị lây nhiễm bằng mức 15 đồng/tháng cho cán bộ y tế chuyên trách quản lý và điều trị ngoại trú các bệnh nhân lao, phong, da liễu.
2. Chế độ phụ cấp thường trực. Mỗi trạm y tế xã, phường phải bố trí người thường trực ngoài giờ, ban đêm, ngày lễ, ngày chủ nhật và được hưởng một định suất phụ cấp cho mỗi trạm là 4,50 đồng một phiên trực (không phân biệt y bác sĩ, y tá nữ hộ sinh). Nếu trực vào ngày lễ, ngày chủ nhật thì hôm sau được nghỉ bù cả ngày.
V. CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI CÁN BỘ Y TẾ XÃ, PHƯỜNG KHI ĐI HỌC
Cán bộ y tế xã, phường có đủ tiêu chuẩn được chọn cử đi học các trường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và đào tạo chuyển cấp được hưởng sinh hoạt phí như sau:
1. Học lớp bồi dưỡng ngắn hạn từ 3 tháng trở xuống được hưởng bằng 100% mức sinh hoạt phí như khi đang công tác do ngân sách xã đài thọ.
Học lớp bồi dưỡng bổ túc từ trên 3 tháng trở lên được hưởng bằng 95% mức sinh hoạt phí khi đang công tác do kinh phí nhà trường đài thọ.
Học lớp bồi dưỡng bổ túc từ trên 3 tháng trở lên được hưởng bằng 95% mức sinh hoạt phí khi đang công tác do kinh phí nhà trường đài thọ.
2. Học lớp đào tạo dài hạn chuyển cấp từ sơ học lên trung học, từ trung học lên cao đẳng, đại học được hưởng như sau:
a) Tính đến ngày đi học nếu thâm niên công tác liên tục ở xã có 3 năm tròn trở lên thì được hưởng sinh hoạt phí thống nhất:
- Đại học, cao đẳng: 28đ (hoặc 30 đồng ở nơi có phụ cấp khu vực 10% trở lên).
- Trung học: 26 đ (hoặc 28 đồng ở nơi có phụ cấp khu vực 10% trở lên).
- Sơ học: 24 đ (hoặc 26 đồng ở nơi có phụ cấp khu vực 10% trở lên).
b) Nếu thâm niên công tác liên tục ở xã có trên 5 năm trở lên thì được hưởng bằng 80% mức sinh hoạt phí khi đang công tác (kể cả phụ cấp khu vực, nếu có). Những người có huân chương, huy chương kháng chiến hoặc chiến thắng thì không kể thâm niên công tác dài hay ngắn đều được hưởng bằng 90% mức sinh hoạt phí khi đang công tác (kể cả phụ cấp khu vực, nếu có).
c) Cán bộ y tế xã, phường được cử đi học nếu là chiến sĩ thu đua hai năm liền trước khi đi học thì được hưởng bằng 95% mức sinh hoạt phí khi đang công tác (kể cả phụ cấp khu vực, nếu có).
d) Những cán bộ y tế xã, phường không đủ tiêu chuẩn nói trên thì được học bổng như học sinh thường theo quy định hiện hành.
Các đối tượng trên được hưởng phụ cấp tạm thời như công nhân, viên chức Nhà nước khi đi học. Kinh phí do nhà trường đài thọ.
VI. CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI CÁN BỘ Y TẾ XÃ, PHƯỜNG KHI ỐM ĐAU, SINH ĐẺ, CHẾT
Điều 6 quyết định số 111-HĐBT ngày 13 - 10 - 1981 của Hội đồng bộ trưởng đã ghi: "Cán bộ xã, phường còn được hưởng các chế độ khen thưởng, bảo vệ sức khoẻ, thai sản... như cán bộ, công nhân, viên chức trong biên chế Nhà nước". Căn cứ vào ý kiến nhất trí tại thông tư số 74-CQ/TCCP ngày 17-11-1982 của Ban tổ chức của Chính phủ, nay liên bộ hướng dẫn như sau:
1. Cán bộ y tế xã, phường khi ốm đau phải tạm thời nghỉ việc sẽ không hưởng sinh hoạt phí mà hưởng một khoản trợ cấp tính theo tỷ lệ phần trăm (%) sinh hoạt phí mới, tỷ lệ cao hay thấplkà căn cứ vào thời gian công tác liên tục của mỗi người và tuỳ theo thời gian nghỉ ốm đau dài hay ngắn. Trợ cấp khi ốm đau nói chung thấp hơn sinh hoạt phí khi đang làm việc, nhưng có chiếu cố thích đáng những người công tác lâu năm.
2. Mức trợ cấp khi ốm đau:
Loại | Thời gian công tác liên tục | Mức trợ cấp | |
|
| Ba tháng đầu | Từ tháng thứ 4 trở đi |
I | Từ 1 đến hết 3 năm | 70% mức sinh hoạt phí mới | 60% mức sinh hoạt phí mới |
II | Từ trên 3 năm đến hết 7 năm | 80% mức sinh hoạt phí mới | 70% mức sinh hoạt phí mới |
III | Từ trên 7 đến hết 12 năm | 90% mức sinh hoạt phí mới | 80% mức sinh hoạt phí mới |
IV | Trên 12 năm | 100% mức sinh hoạt phí mới | 90% mức sinh hoạt phí mới |
Thời gian công tác liên tục được tính kể từ ngày làm việc ở trạm y tế xã, phường theo quy định tại thông tư số 12-BYT/TT ngày 7-8-1982 của Bộ Y tế. Thời gian nghỉ ốm là tất cả các ngày nghỉ ốm trong năm cộng lại và phải do y, bác sĩ của cấp huyện, quận trở lên cho nghỉ mới có giá trị.
3. Cán bộ y tế xã, phường ốm đau vào nằm điều trị tại bệnh viện phải nộp tiền ăn theo tiêu chuẩn của cán bộ sơ cấp trong biên chế Nhà nước quy định tại điểm 2, điều 2, quyết định số 252-CT ngày 13-11-1981 của Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng.
4. Đối với nữ cán bộ y tế xã, phường khi có thai, sinh đẻ cũng được hưởng chế độ nghỉ như cán bộ, công nhân viên chức trong biên chế Nhà nước theo quy định hiện hành.
5. Các chế độ mai táng phí, khen thưởng, công tác phí, trợ cấp khó khăn... của cán bộ y tế xã, phường áp dụng như cán bộ xã (theo điều 6 của quyết định số 111-HĐBT ngày 13-10-1981).
Trước đây tại thông tư số 16-LB/TT ngày 19-6-1976 liên Bộ Y tế - Tài chính đã quy định cho mỗi xã chi từ 40 đồng đến 50 đồng/tháng. Nay căn cứ vào giá loại mới và tình hình thực tế chi tiêu của mỗi loại xã, Uỷ ban nhân dân địa phương cần xét nâng lên cho phù hợp (khoảng từ 8 đến 10 lần) để không ảnh hưởng đến chất lượng công tác phục vụ người bệnh (từ bông, băng, cồn, gạc, dầu đèn, xà phòng, sổ sách khám bệnh, phiếu quản lý sức khoẻ đến việc mua sắm những y dụng cụ tiêu hao, v.v...).
1. Kinh phí đài thọ cho y tế xã nói chung bao gồm việc trả sinh hoạt phí, các khoản phụ cấp, trợ cấp chi phí hoạt động chuyên môn chủ yếu do ngân sách xã phường đài thọ.
Ở những xã mà đời sống gặp khó khăn do sản xuất thấp hoặc bị thiên tại, địch hoạ mà ngân sách xã không đủ chi thì ngân sách huyện, quận phải trợ cấp để bảo đảm cho cán bộ y tế xã được hưởng sinh hoạt phí thường xuyên theo đúng quy định của thông tư này và những chi phí cần thiết bảo đảm sự hoạt động bình thường của trạm y tế xã.
Những xã thuộc diện thi hành quyết định số 156-CP ngày 7-10-1968 của Hội đồng Chính phủ vẫn do ngân sách Nhà nước đài thọ.
2. Để việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ y tế xã, phường được vững chắc và ổn định, tạo điều kiện cho sự nghiệp phát triển y tế ngày một tốt hơn, dựa vào kinh nghiệm của một số địa phương đã làm tốt, thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, động viên thêm sự đóng góp của nhân dân vào sự nghiệp phát triển y tế và sau khi có sự nhất trí của Hội đồng bộ trưởng, liên Bộ Y tế - Tài chính đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố hướng dẫn các xã, phường xây dựng thêm quỹ sự nghiệp y tế xã, phường dựa vào các nguồn thu sau đây:
a) Tổ chức vận động nhân dân đóng góp, tuỳ theo tình hình cụ thể của mỗi nơi mà áp dụng theo hộ hoặc theo nhân khẩu (mỗi nhân khẩu khoảng từ 5 đến 6 đ/năm). Thân nhân các liệt sĩ, thương binh, người tàn tật, người già yếu mất sức lao động và cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước thì được miễn đóng góp.
b) Thu mỗi ca đẻ từ 30 đồng đến 80 đồng. Đối với con thứ nhất và thứ hai thu mỗi con từ 30 đồng đến 50, từ con thứ ba trở đi thu mỗi con từ 60 đồng đến 80 đồng. Không thu tiền khám thai, không đặt vấn đề thu đối với cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu, mất sức, đối với những người xét thấy không có khả năng trả thì trạm y tế vẫn phải phục vụ với trách nhiệm đầy đủ.
Thu tiền xem mạch, kê đơn, bốc thuốc như đang làm.
c) Tiền lãi do sản xuất, thu mua dược liệu, khai thác chế biến thuốc nam tại xã, phường.
Các khoản thu cho quỹ sự nghiệp, y tế xã được ghi vào một khoản mục riêng nằm trong ngân sách xã, phường và chỉ để sử dụng riêng cho y tế mà không được sử dụng vào việc khác, chủ yếu chi các việc sau đây:
- Bù giá chênh lệch gạo giữa giá chỉ đạo mới với giá cung cấp (0,40đ/kg) cho cán bộ y tế xã, phường với tiêu chuẩn 13 kilôgam/tháng.
- Chi trạm xá phí tăng lên cho phù hợp với giá cả.
- Trợ cấp cho cán bộ khi ốm đau, sinh đẻ, khi đi học, khen thưởng, trợ cấp khó khăn, v.v..., trả phụ cấp cho những người huy động phun thuốc trừ muỗi, dập dịch và làm công tác y tế khác.
- Ngoài ra còn sử dụng vào việc tu bổ, sữa chữa, mua trang bị về sinh hoạt và chuyên môn là những thứ cần thiết cho trạm y tế.
Cần thành lập ở mỗi xã, phường một ban bảo trợ quỹ sự nghiệp y tế để giúp Uỷ ban nhân dân xã, phường quản lý, kiểm tra việc thực hiện thu chi của quỹ này.
Thông tư này thi hành thống nhất trong cả nước và có hiệu lực kể từ ngày ký.
Các cơ sở y tế, tài chính giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu hướng dẫn chỉ đạo thực hiện thông tư này và báo cáo kết quả về hai Bộ.
Nguyễn Duy Cương (Đã ký)
| Trần Tiêu (Đã ký) |
- 1Quyết định 156-CP năm 1968 về một số chính sách đối với công tác y tế vùng cao miền núi do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 111-HĐBT năm 1981 sửa đổi chính sách, chế độ đối với cán bộ xã, phường do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 3Thông tư 1-TCCP/CQ-1982 hướng dẫn thi hành Quyết định 111-HĐBT-1981 về một số chính sách, chế độ đối với Cán bộ xã, phường do Ban Tổ chức của Chính phủ ban hành
- 4Thông tư 12-BYT/TT-1982 hướng dẫn Quyết định 111-HĐBT về chính sách, chế độ đối với cán bộ y tế xã, phường do Bộ Y tế ban hành
- 5Quyết định 130-CP năm 1975 Bổ sung chính sách, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ xã do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 6Thông Tư 16-LB/TT-1976 hướng dẫn thi hành chính sách, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ y tế xã do Bộ y Tế và Bộ Tài Chính ban hành
Thông tư liên bộ 17-TT/LB năm 1983 hướng dẫn chế độ, chính sách đối với cán bộ y tế xã, phường do Bộ Tài chính; Bộ Y tế ban hành
- Số hiệu: 17-TT/LB
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Ngày ban hành: 12/05/1983
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính, Bộ Y tế
- Người ký: Nguyễn Duy Cương, Trần Tiêu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 11
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra