Hệ thống pháp luật

BAN TỔ CHỨC CỦA CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1-TCCP/CQ

Hà Nội, ngày 12 tháng 1 năm 1982

THÔNG TƯ

CỦA BAN TỔ CHỨC CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 1-TCCP/CQNGÀY 12 THÁNG 1 NĂM 1982 HƯỚNG DẪN THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH SỐ 111-HĐBT NGÀY 13 THÁNG 10 NĂM 1981 CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Ngày 13 tháng 10 năm 1981 Hội đồng Bộ Trưởng đã ban hành Quyết định số 111-HĐBT về việc sửa đổi, bổ sụng một số chính sách, chế độ đối với cán bộ xã, phường. Căn cứ vào điều 10 của quyết định nói trên, Ban tổ chức của Chính phủ xin hướng dẫn thêm một số điểm cụ thể như sau:

I. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN NẮM VỮNG TRONG KHI THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH SỐ 111-HĐBT

1. Cán bộ xã, phường, thị trấn gồm những cán bộ được bầu cử theo nhiệm kỳ; cán bộ, nhân viên chuyên môn, nghiệp vụ hoạt động tại xã, phường, trực tiếp với nhân dân, vừa công tác, vừa tham gia sản xuất.

Xuất phát từ vị trí và tính chất công tác như trên, nên đối với cán bộ xã, phường, thị trấn, không đặt vấn đề tuyển dụng, cho thôi việc, điều động theo quy chế chung như cán bộ, nhân viên trong biên chế Nhà nước, mà khi được giao nhiệm vụ thì hưởng sinh hoạt phí hàng tháng.

2. Chính sách, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ xã, phường, thị trấn phải bảo đảm mối tương quan hợp lý với cán bộ cấp huyện, quận, thị xã và thu nhập của những người lao động tiên tiến tại địa phương.

3. Kinh phí trả cho cán bộ xã, phường, thị trấn, chủ yếu do Ngân sách của xã, phường, thị trấn đài thọ; cán bộ của các đoàn thể quần chúng ở những nơi có điều kiện do quỹ của các đoàn thể quần chúng đài thọ; cán bộ của các cơ quan ngành dọc cấp trên và của các tổ chức kinh tế tập thể do ngành dọc và các tổ chức kinh tế tập thể đài thọ.

Việc đẩy mạnh xây dựng Ngân sách tạo mọi nguồn thu là yêu cầu cấp thiết để các xã, phường, thị trấn có thể chủ động chi những khoản về xây dựng cơ bản, chi hành chính phí và trả sinh hoạt phí cho cán bộ của địa phương mình.

4. Bộ máy tổ chức cán bộ của xã, phường, thị trấn phải bảo đảm gọn nhẹ, tinh giản, thực hiện tốt được nhiệm vụ phù hợp với khả năng đài thọ của Ngân sách xã, và các nguồn thu của phường, thị trấn, hạn chế đến mức thấp nhất số người gián tiếp sản xuất ở cơ sở, thu hẹp diện phải điều hoà lương thực của hợp tác xã và tập đoàn sản xuất.

II. MỘT SỐ ĐIỂM CỤ THỂ CẦN NÓI RÕ THÊM

1. Những cán bộ xã, phường được hưởng sinh hoạt phí hàng tháng:

a) Bí thư Đảng uỷ (hoặc bị thứ chi bộ nơi chưa chưa có Đảng uỷ), Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, giữ chức vụ dưới 4 năm được hưởng phụ cấp sinh hoạt phí hàng tháng 52 đồng; giữ chức vụ từ 4 đến dưới 8 năm, được hưởng mức 58 đồng; giữ chức vụ từ 8 năm trở lên được hưởng mức 65 đồng;

Phó chủ tịch kiêm trưởng công an xã, phường (thực hiện Thông tư số 249-BT ngày 28 tháng 12 năm 1976 của Phủ thủ tướng, xã 7000 dân trở lên, có hai phó chủ tịch thì cả hai phó chủ tịch đều được hưởng sinh hoạt phí hàng tháng), uỷ viên thư ký, uỷ viên quân sự Uỷ ban nhân dân xã, phường, giữ chức vụ dưới 4 năm được hưởng sinh hoạt phí hàng tháng 46 đồng; giữ chức vụ từ 4 đến dưới 8 năm được hưởng mức 51 đồng, giữ chức vụ từ 8 năm trở lên được hưởng mức 57 đồng.

Đối với xã, phường số lượng Đảng viên đông, khối lượng công tác Đảng nhiều, có phó bí thư hoặc Thường vụ Đảng uỷ chuyên trách công tác tổ chức, tuyên huấn thì có thể kiêm thêm một số công việc thích hợp bên chính quyền như làm uỷ viên thư ký hoặc phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường (nơi có hai phó chủ tịch) phụ trách văn hoá xã hội và được phụ cấp sinh hoạt phí như đã quy định đối với các chức vụ này.

Đối với uỷ viên quân sự, trưởng công an xã, phường và những chức danh khác do cấp trên cử cán bộ trong biên chế về phụ trách thì xã, phường không phải bố trí cán bộ giữ chức vụ này nữa.

b) Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, bí thư Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, hội trưởng phụ nữ xã, phường giữ chức vụ dưới 4 năm, hưởng phụ cấp sinh hoạt phí hàng tháng 40 đồng; từ 4 đến dưới 8 năm hưởng mức 45 đồng; từ 8 năm trở lên hưởng mức 50 đồng.

c) Số lượng cán bộ, nhân viên chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Đảng uỷ, Uỷ ban nhân dân xã, phường và cán bộ phụ trách ấp, bản, buôn làng (trước đây gọi là cán bộ nửa chuyên trách) do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương căn cứ đặc điểm của mỗi loại xã, phường và khả năng đài thọ của xã, phường; căn cứ vào nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của xã, phường đã được quy định trong Quyết định số 112-HĐBT ngày 15 tháng 10 năm 1981 và Quyết định số 94 - HĐBT ngày 26 tháng 9 năm 1981 của Hội đồng Bộ trưởng mà quyết định.

Cán bộ, nhân viên chuyên môn, nghiệp vụ của xã, phường được hưởng sinh hoạt phí hàng tháng như sau: dưới 5 năm công tác được phụ cấp sinh hoạt phí hàng tháng 36 đồng; từ 5 năm đến dưới 10 năm công tác được hưởng mức 40 đồng; từ 10 năm đến dưới 15 năm công tác hưởng mức 45 đồng; từ 15 năm công tác trở lên hưởng mức 50 đồng.

d) Mỗi xã, phường có từ 4 đến 5 cán bộ nhân viên y tế gồm y sĩ, kiêm trưởng trạm, y tá, dược tá, hộ sinh và đông y. Về mức phụ cấp sinh hoạt phí hàng tháng sẽ do Bộ Y tế căn cứ vào Quyết định số 111-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng để hướng dẫn cụ thể. Đối với cán bộ y tế xã ở vùng cao vẫn thi hành theo quyết định số 156-CP ngày 7 tháng 10 năm 1968 của Hội đồng Chính phủ.

Trưởng trạm bưu điện và nhân viên bưu tá xã, cán bộ nhân viên thuộc các ngành sản xuất, kinh doanh ở khu vực kinh tế tập thể: hợp tác xã mua bán, hợp tác xã tín dụng, hợp tác xã tiểu thủ công, hợp tác xã nông nghiệp và tập đoàn sản xuất do các ngành có liên quan trên Trung ương nghiên cứu quy định và hướng dẫn thực hiện.

e) Cán bộ, nhân viên xã, phường được hưởng sinh hoạt phí hàng tháng nói trên đều được hưởng phụ cấp tạm thời bằng 100% mức sinh hoạt phí hàng tháng theo Quyết định số 219-CP ngày 29 tháng 5 năm 1981 của Hội đồng Chính phủ.

g) Cán bộ xã, phường được bầu cử theo nhiệm kỳ khi không trúng cử lại, nếu được bố trí công tác thì đãi ngộ theo nhiệm vụ mới, nếu không được bố trí công tác thì không hưởng phụ cấp nữa.

2. Chế độ đối với cán bộ xã công tác lâu năm khi già yếu được nghỉ việc:

Cán bộ, nhân viên xã, phường thuộc đối tượng hưởng phụ cấp hàng tháng, có đủ 15 năm trong đó có 5 năm công tác liên tục được hưởng phụ cấp hàng tháng, và nam đã 55 tuổi, nữ đã 50 tuổi, được hưởng chế độ già yếu nghỉ việc, hàng tháng được trợ cấp bằng 60% của mức phụ cấp khi đang công tác.

Cán bộ xã, phường hoạt động trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ hoặc chống quân bành trướng Trung Quốc bị địch bắt tra tấn, không phạm sai lầm nghiêm trọng, nay yếu, đau hoặc bị thương tật, sức khoẻ giảm sút, được cấp uỷ Đảng, Uỷ ban nhân dân cấp trên trực tiếp quyết định (bằng văn bản) cho nghỉ việc thì thời gian công tác có thể được giảm từ 3 đến 5 năm.

Cán bộ xã, phường có 15 năm công tác, trong đó có 5 năm công tác liên tục được phụ cấp sinh hoạt phí hàng tháng, nam đã 52 tuổi, nữ đã 47 tuổi, nay vì ốm đau phải nghỉ việc, cũng được hưởng chế độ cán bộ công tác lâu năm, già yếu nghỉ việc, do huyện, quận, thị xã quyết định.

Cán bộ xã công tác lâu năm, già yếu nghỉ việc trước ngày ban hành Quyết định số 111-HĐBT ngày 13 tháng 10 năm 1981, nếu là bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã về nghỉ, hưởng trợ cấp 15 đồng một tháng thì nay được hưởng trợ cấp hàng tháng 30 đồng; cán bộ nửa chuyên trách về nghỉ, hưởng phụ cấp hàng tháng 12 đồng thì nay được hưởng 20 đồng một tháng và phụ cấp tạm thời bằng 100% của mức trợ cấp mới.

Cán bộ xã, phường công tác lâu năm, già yếu nghỉ việc đều được hưởng các chế độ khám và chữa bệnh, trợ cấp khó khăn đột xuất và mai táng phí như cán bộ xã, phường đang công tác.

3. Kinh phí trả cho cán bộ xã, phường:

Mọi khoản kinh phí trả cho cán bộ xã, phường theo chế độ quy định như phụ cấp sinh hoạt phí hàng tháng; trợ cấp đi học, bồi dưỡng; bảo vệ sức khoẻ; thai sản; công tác phí; trợ cấp khó khăn, trợ cấp già yếu nghỉ việc và trợ cấp mai táng phí, thực hiện như sau:

- Bí thư Đảng uỷ (hoặc bí thư chi bộ nơi chưa có Đảng uỷ); chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường do Ngân sách tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương đài thọ.

- Phó chủ tịch, uỷ viên thư ký và uỷ viên quân sự, Uỷ ban nhân dân xã, phường do Ngân sách xã và các nguồn thu của phường đài thọ, nếu thiếu thì Ngân sách huyện, thị xã, thành phố, tỉnh, đặc khu trực thuộc Trung ương trợ cấp thêm.

- Cán bộ, nhân viên y tế xã, phường (không kể xã vùng cao) do Ngân sách xã và các nguồn thu của xã, phường đài thọ.

- Chủ tịch Mặt trận, bí thư Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, hội trưởng phụ nữ xã, Mặt trận và các đoàn thể cần tích cực xây dựng quỹ để đài thọ cho cán bộ, tạm thời những năm trước mắt, ở những nơi chưa có quỹ hoặc có quỹ nhưng chưa đủ chi thì Ngân sách xã và các nguồn thu của xã, phường trợ cấp.

- Trưởng trạm bưu điện và các nhân viên bưu tá xã do Tổng cục Bưu điện đài thọ.

- Cán bộ hoạt động ở khu vực kinh tế tập thể, do quỹ sản xuất, kinh doanh đài thọ, theo quy định và hướng dẫn của các ngành có liên quan ở Trung ương, bảo đảm khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh và tương quan đãi ngộ hợp lý trong nội bộ cán bộ xã, phường.

III. KẾ HOẠCH THỰC HIỆN

1. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu căn cứ vào Quyết định số 111-HĐBT và thông tư này hướng dẫn cụ thể các Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã thực hiện

2. Đối với thị trấn, do có nhiều dạng khác nhau (có thị trấn nguyên trước là thị xã, thị trấn công nghiệp, thị trấn thuộc huyện, thị trấn nông trường, v.v...) nên đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu chiểu theo dựa vào Quyết định số 111-HĐBT để hướng dẫn thực hiện cho phù hợp.

3. Căn cứ vào Quyết định số 111-HĐBT ngày 13 tháng 10 năm 1981 của Hội đồng Bộ trưởng, đề nghị các cơ quan có liên quan ở Trung ương theo chức năng của mình hướng dẫn cụ thể để các cấp thực hiện. Trước khi ban hành văn bản, đề nghị các Bộ trao đổi ý kiến với Ban tổ chức của Chính phủ để bảo đảm thống nhất và tương quan hợp lý trong nội bộ cán bộ xã, phường.

4. Trong quá trình thực hiện, các tỉnh, thành phố, đặc khu cần sơ kết, nhận xét, đánh giá kết quả và gửi báo cáo về Ban tổ chức của Chính phủ. Qua thực hiện có những mắc mứu gì cần trao đổi với Ban tổ chức của Chính phủ để báo cáo Hội đồng Bộ trưởng xem xét, quyết định.

5. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương cần phổ biến quán triệt tới cán bộ cơ sở về nội dung Quyết định số 112-HĐBT ngày 15 tháng 10 ngày 1981 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của chính quyền xã; Quyết định số 94-HĐBT ngày 26 tháng 9 năm 1981 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của chính quyền cấp phường và Quyết định số 111-HĐBT ngày 13 tháng 10 năm 1981 về sửa đổi, bổ sung một số chính sách, chế độ đối với cán bộ xã, phường.

Vũ Trọng Kiên

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 1-TCCP/CQ-1982 hướng dẫn thi hành Quyết định 111-HĐBT-1981 về một số chính sách, chế độ đối với Cán bộ xã, phường do Ban Tổ chức của Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 1-TCCP/CQ
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 12/01/1982
  • Nơi ban hành: Ban Tổ chức của Chính phủ
  • Người ký: Vũ Trọng Kiên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 3
  • Ngày hiệu lực: 27/01/1982
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản