BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 103-LB/TT | Hà Nội, ngày 02 tháng 12 năm 1994 |
Trong khi chờ Liên bộ trình Chính phủ sửa đổi về mức trích nộp kinh phí Công đoàn theo mặt bằng lương mới, để đảm bảo kinh phí hoạt động của tổ chức Công đoàn, Liên Bộ Tài chính - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tạm thời hướng dẫn trích nộp kinh phí Công đoàn năm 1995 như sau:
I- ĐỐI TƯỢNG, MỨC VÀ CĂN CỨ TRÍCH NỘP KINH PHÍ CÔNG ĐOÀN
1- Đối tượng:
Bao gồm các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, các tổ chức Đảng, Đoàn thể, Hội quần chúng, các doanh nghiệp trong và ngoài quốc doanh (nơi có tổ chức công đoàn).
2- Mức và căn để trích nộp kinh phí Công đoàn:
a) Đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, các tổ chức Đảng, Đoàn thể, Hội quần chúng (gọi tát là HCSN) mức trích nộp kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương theo ngạch bậc quy định tại Nghị định số 25/C P ngày 23-5-1993 và Nghị định số 05/C P ngày 26-1-1994 của Chính phủ và các khoản phụ cấp lương tương ứng với tiền lương như: phụ cấp chức vụ, phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp khu vực, phụ cấp thu hút, phụ cấp đắt đỏ, phụ cấp đặc biệt, phụ cấp an ninh, quốc phòng ...
b) Đối với khối doanh nghiệp mức trích nộp kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương thực trả cho người lao động (kể cả lao động hợp đồng).
(Thành phần quỹ tiền lương hiện nay được cụ thể tại bản phụ lục kèm theo).
II- PHƯƠNG THỨC TRÍCH NỘP VÀ HẠCH TOÁN KINH PHÍ CÔNG ĐOÀN
1- Đối với cơ quan, đơn vị HCSN:
a) Các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, các tổ chức Đảng, Đoàn thể, Hội quần chúng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước ở địa phương (tỉnh, thành phố, quận, huyện) do Sở Tài chính vật giá, phòng tài chính quận huyện trích đủ 2% quỹ tiền lương chuyển cho cơ quan công đoàn cùng cấp.
b) Các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp các tổ chức Đảng, Đoàn thể, Hội quần chúng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước ở Trung ương do Bộ Tài chính trích đủ 2% quỹ tiền lương chuyển cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
2- Đối với các đơn vị sự nghiệp, Hội quần chúng không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước cấp và các đơn vị thuộc khối doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp trong và ngoài quốc doanh nơi có tổ chức Công đoàn) do Thủ trưởng đơn vị, Giám đốc có trách nhiệm trích nộp trực tiếp cho Công đoàn cơ sở. Nơi nào xét thấy cần thiết thì cơ quan công đoàn thoả thuận hợp đồng với cơ quan thuế để thu; Kinh phí công đoàn 2% đơn vị sản xuất kinh doanh được hạch toán vào giá thành hoặc phí lưu thông.
III- TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN TÀI CHÍNH VÀ TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN:
1- Cơ quan Tài chính có trách nhiệm trích kịp thưòi đủ 2% quỹ tiền lương của các đơn vị thuộc cấp mình quản lý cấp phát kinh phí chuyển cho cơ quan công đoàn cùng cấp theo định kỳ mỗi quý 1 lần.
2- Tổ chức Công đoàn các cấp: Có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Tài chính đôn đốc việc trích nộp kinh phí Công đoàn theo định kỳ.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có hướng dẫn cụ thể việc phân phối, sử dụng và trích chuyển lên công đoàn cấp trên trong nội bộ hệ thống tổ chức Công đoàn.
3- Riêng khoản thu 5% Bảo hiểm xã hội do tổ chức Công đoàn quản lý hiện nay, tạm thời thu như quy định hiện hành cho đến khi có hướng dẫn mới của Liên Bộ.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-1995 cho tới khi có văn bản hướng dẫn mới và thay thế cho các văn bản hướng dẫn trứoc đây. Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc phản ánh về Bộ Tài chính và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để có hướng dẫn giải quyết.
Cù Thị Hậu (Đã Ký) | Tào Hữu Phùng (Đã Ký) |
Thông tư liên Bộ 103-LB/TT năm 1994 hướng dẫn trích nộp kinh phí công đoàn do Bộ Tài chính-Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ban hành
- Số hiệu: 103-LB/TT
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Ngày ban hành: 02/12/1994
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
- Người ký: Cù Thị Hậu, Tào Hữu Phùng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 01/01/1995
- Ngày hết hiệu lực: 01/07/1999
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực