Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ-BỘ NỘI VỤ-BỘ LAO ĐỘNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 08-TT/LB

Hà Nội, ngày 24 tháng 03 năm 1962 

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

QUY ĐỊNH DANH SÁCH NHỮNG NGHỀ ĐƯỢC COI LÀ ĐẶC BIỆT NẶNG NHỌC, CÓ HẠI SỨC KHỎE ĐƯỢC ƯU ĐÃI TRONG CÁC CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM XÃ HỘI

Điều lệ tạm thời về các chế độ bảo hiểm xã hội (điều 8, 15 và 43) đã quy định những công nhân, viên chức công tác ở các nghề đặc biệt nặng nhọc, có hại sức khỏe được ưu đãi trong các chế độ đãi ngộ khi ốm đau, sinh đẻ, sẩy thai và về hưu trí.

Nay Liên bộ giải thích và quy định danh sách những nghề được coi là đặc biệt nặng nhọc, có hại sức khỏe được hưởng chế độ ưu đãi như sau:

Điều lệ tạm thời về các chế độ bảo hiểm xã hội quy định chế độ ưu đãi đối với các nghề phải làm việc trong điều kiện đặc biệt nặng nhọc, có hại sức khỏe nhằm tăng cường việc bảo vệ sức khỏe cho công nhân, viên chức đồng thời củng cố thêm nguyên tắc phân phối theo lao động, góp phần ổn định lực lượng lao động trong các ngành kinh tế quốc dân.

Ngoài chính sách ưu đãi trong các chế độ bảo hiểm xã hội, công nhân, viên chức làm các nghề được coi là đặc biệt nặng nhọc, có hại sức khỏe, còn cần được hết sức chú ý về mặt vệ sinh phòng bệnh, bảo đảm an toàn lao động. Hơn nữa trong quá trình công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa nước nhà, những điều kiện lao động, phương tiện sản xuất và công tác sẽ không ngừng được cải tiến trên cơ sở kỹ thuật ngày càng cao, do đó tính chất nặng nhọc, có hại sức khỏe của các nghề ấy sẽ dần dần được giảm bớt, điều kiện lao động của công nhân, viên chức sẽ được cải thiện và sức khỏe ngày càng được tốt hơn.

Trong đặc điểm tình hình của ta hiện nay, nhiều công việc còn phải làm theo lối thủ công, phải dùng đến nhiều sức lao động, hoặc vì điều kiện vệ sinh, trang bị bảo hộ lao động chưa được đầy đủ, nên nói chung phần lớn các nghề ít nhiều đều có thể coi là nặng nhọc, có hại sức khỏe.

Nhưng để phù hợp với phương châm ưu tiên phát triển công nghiệp nặng và để phù hợp với khả năng kinh tế, trình độ khoa học, kỹ thuật hiện tại, nên chỉ những nghề phải làm việc trong điều kiện đặc biệt nặng nhọc, có hại sức khỏe, rõ ràng, để xác định mới được ưu đãi.

Về nguyên tắc, những nghề được coi là đặc biệt nặng nhọc, có hại sức khỏe là những nghề:

- Đòi hỏi phải làm việc trong điều kiện đặc biệt nặng nhọc và dễ bị nhiễm độc, nhiễm trùng;

- Phải làm việc trong điều kiện vật lý không bình thường có hại nhiều đến sức khỏe.

I. KIỆN ĐỂ ĐƯỢC HƯỞNG CHẾ ĐỘ ƯU ĐÃI

Công nhân, viên chức không phải cứ làm nghề đặc biệt nặng nhọc, có hại sức khỏe là đương nhiên được hưởng chế độ ưu đãi, mà phải có một số kiện nhất định tùy theo từng chế độ bảo hiểm xã hội:

1. Để được hưởng chế độ trong chế độ hưu trí, công nhân, viên chức phải có 10 năm liền làm việc trong nghề được coi là đặc biệt nặng nhọc, có hại sức khỏe.

2. Để được hưởng ưu đãi trong chế độ đãi ngộ khi ốm đau, công nhân, viên chức phải có ít nhất 6 tháng công tác liên tục trong nghề được coi là đặc biệt nặng nhọc, có hại sức khỏe, trước khi ốm. Trong đó mỗi ngày công nhân, viên chức phải làm việc ít nhất quá nửa số giờ quy định, mỗi tháng phải làm việc ít nhất 15 ngày trong nghề đó, và làm như vậy trong 6 tháng liền trước khi ốm thì mới được ưu đãi. Trường hợp thỉnh thoảng làm vài ngày, vài giờ thì không được ưu đãi.

3. Đối với nữ công nhân, viên chức làm việc ở nghề đặc biệt nặng nhọc có hại sức khỏe thì không kể thời gian công tác đã nhiều hay ít, chỉ cần công việc đó là nghề chính của họ thì khi sinh đẻ, sảy thai được hưởng chế độ ưu đãi.

II. DANH SÁCH NHỮNG NGHỀ ĐƯỢC COI LÀ ĐẶC BIỆT NẶNG NHỌC CÓ HẠI SỨC KHỎE ĐƯỢC ƯU ĐÃI VỀ BẢO HIỂM XÃ HỘI

A. NHỮNG NGHỀ ĐƯỢC ƯU ĐÃI KHI VỀ HƯU TRÍ, KHI ỐM ĐAU VÀ KHI SINH ĐẺ, SẢY THAI:

- Làm việc trong hầm lò mỏ;

- Thăm dò mỏ, điều tra rừng, khảo sát, trắc địa ở miền núi;

- Đốt nồi hơi tàu bể, thợ máy tàu bể;

- Công việc trực tiếp với lò cao luyện kim có dung tích từ 9m3 trở lên, lò nung xi măng, lò thủy tinh, với điều kiện nhiệt độ nơi làm việc từ 50 độ C trở lên về mùa rét (ngoài trời rét từ 15 độ C trở xuống);

- Lặn sâu quá 5m, làm việc trong giếng chìm hơi ép sâu quá 5m;

- Xiếc nhào lộn và những môn xiếc khác phải dùng cường độ lao động tương tự, vũ ba lê;

- Trực tiếp điều khiển, sử dụng những máy chiếu điện, chụp điện những y cụ có chất phóng xạ (cobalt, quang tuyến X, radium...);

- Trực tiếp với chất chì hoặc hợp chất chì trong điều kiện dễ bị nhiễm độc nhất; đào quặng chì, sản xuất bột chì, nấu bột vàng thư, nấu sơn có chất chì, cạo rỉ sơn có chất chì, sản xuất bột chì, nấu bột vàng thư, nấu sơn có chất chì, cạo rỉ sơn có chất chì, sản xuất pờ-lăc ăc-quy, nấu đúc chữ chì với điều kiện nơi làm việc có hơi chì hoặc bụi chì vượt quá đậm độ 0,00001 mg trong 1 lít không khí;

- Sản xuất hoặc sử dụng các hóa chất: a-xít clo-hy-dric (HCl) vượt quá đậm độ 0,01mg/lít; a-xít sun-fu-ric (H2SO4) vượt quá đậm độ 0,001mg/lít; clo (Cl) vượt quá đậm độ 0,001mg/lít; benzol vượt quá đậm dộ 0,05mg/lít; xy-lot vượt quá đậm độ 0,01mg/lít; to-lu-ol vượt quá đậm độ 0,1mg/lít (lít không khí ở nơi làm việc).

- Công việc trực tiếp với bụi si-lic (SiO2) khoan đá, nghiền sàng đá, nghiền sàng đất để làm đồ sứ, để làm sạch chịu lửa, sản xuất bột kính để làm que hàn với điều kiện ở nơi làm việc bụi si-lic vượt quá đậm độ 2mg/m3 không khí nếu trong bụi có trên 10% si-lic tự do, hoặc 10mg/m3 không khí nếu trong bụi có dưới 10% si-lic tự do, hoặc vượt quá đậm độ 100.000 hạt/lít không khí nếu trong bụi có trên 50% si-lic tự do;

- Nạo vét cống rãnh ngầm ở thành phố;

- Đổi thùng, rửa thùng vệ sinh ở thành phố, thị xã;

- Trực tiếp phục vụ, điều trị bệnh nhân ở bệnh viện lao, hủi.

B. NHỮNG NGHỀ ĐƯỢC ƯU ĐÃI KHI ỐM ĐAU VÀ KHI SINH ĐẺ, SẨY THAI:

- Trực tiếp làm việc ở lò gạch, lò vôi, lò thủy tinh, lò nấu quặng, gang, thép với điều kiện nhiệt độ nơi làm từ 40 độ C trở nên về mùa rét (ngoài trời rét từ 15 độ C trở xuống);

- Công nhân thổi thủy tinh;

- Chỉ đạo tài xế, tài xế, phụ tài xế và công nhân đốt lửa xe lửa;

- Trực tiếp sản xuất than cốc (công nhân làm việc ở nơi bị ảnh hưởng của sức nóng và hơi độc);

- Sử dụng các loại máy cầm tay chạy bằng hơi ép có sức ép từ 4 at-mốt-phe trở lên, máy búa, máy cắt kim khí, máy khoan than, khoan quặng, khoan đá;

- Lái, phụ lái các loại xe lớn trọng tải từ 10 tấn trở lên ở mỏ, đường rừng núi (riêng xe Ta-tờ-ra trọng tải từ 8 tấn trở lên, cũng được tính);

- Lái, phụ lái các loại xe chạy xích, sức mạnh từ 36 mã lực trở lên ở các mỏ, công trường, nông trường, lâm trường;

- Nhân viên tổng đài điện thoại phụ trách từ 100 NUT trở lên, nhân viên tổng đài liên tỉnh, quốc tế ở trong phòng kín;

- Hàn điện ở trong nhà;

- Công nhân trực tiếp khai thác than ở mỏ Na-dương (có nhiều SO2): đào than, xúc than, đẩy xe goòng;

- Trực tiếp làm than luyện (xay, trộn, đóng bánh, bốc rỡ xếp, đẩy xe goòng khi than còn nóng bốc hơi độc);

- Đánh bóng kim loại có bụi độc: crôm, an-ti-mon;

- Công việc trực tiếp với bụi xi-măng: nghiền cờ-lanh-ke, đóng gói xi-măng ở nhà máy;

- Gạt than ở hầm tàu (sáng tẩy);

- Công việc trực tiếp với phân lân, su-pe phốt-phát; sản xuất, đóng gói ở nhà máy:

- Công việc trực tiếp với bụi a-mi-ăng: khai thác, nghiền sàng, kéo sợi, dệt a-mi-ăng;

- Sản xuất đất đèn (trực tiếp lò nung, rỡ thành phẩm);

- Bộ phận nhuộm ở nhà máy dệt có trực tiếp với chất a-ni-lin hoặc dẫn chất của a-ni-lin;

- Xì phooc-môn vào da ở ở nhà máy thuộc da với điều kiện vượt quá đậm độ 0,005mg/lít;

- Sản xuất, sử dụng thủy ngân với điều kiện vượt quá đậm độ 0,00001mg/lít; a-xê-tôn vượt quá đậm độ 0,2mg/lít; tê-rê-băng-tin vượt quá đậm độ 0,3mg/lít;

- Trực tiếp phục vụ, điều trị bệnh nhân ở khoa lây các bệnh viện (trừ bệnh viện lao, hủi đã ghi ở loại A);

- Trực tiếp mổ xác chết ở khoa bệnh lý giải phẫu;

- Chuyên làm công tác ở nhà xác các bệnh viện (liệm tử thi, làm vệ sinh nhà xác);

- Nhân viên phụ trách bể ướp xác ở Viện giải phẫu;

- Công nhân cào rác, san rác trên xe đổ rác, ở bãi đổ rác;

- Công nhân cất bốc mồ mả;

- Công nhân rữa bể hố xí ở thành phố.

C. NHỮNG NGHỀ CHỈ ĐƯỢC ƯU ĐÃI KHI SINH ĐẺ, SẨY THAI:

- Trực tiếp khai thác trên tầng ở các mỏ: cuốc, xúc quặng, than, đẩy xe goòng;

- Chuyên đẩy xe goòng ở nhà máy, công trường, mỏ lộ thiên, ở cảng;

- Bốc vác theo dây chuyền;

- Lái các loại xe chạy bằng động cơ, kể cả xe du lịch. Phục vụ trên xe điện, xe lửa, xe ca;

- Diễn viên văn công, điện ảnh, xiếc (trừ xiếc nhào lộn, vũ ba-lê đã ghi ở loại A);

- Nữ y sĩ, bác sĩ, hộ sinh, hộ lý ở khoa sản và phòng mổ các bệnh viện.

Trên đây Liên bộ bước đầu quy định danh sách những nghề được coi là đặc biệt nặng nhọc, có hại sức khỏe được ưu đãi về bảo hiểm xã hội. Trong vấn đề này có nhiều khó khăn, phức tạp, nên đề nghị các Bộ, các ngành, các địa phương nghiên cứu kỹ trước khi thi hành và nếu gặp mắc mứu, khó khăn gì thì phản ảnh cho Liên bộ để nghiên cứu thêm.

Đối với những tiêu chuẩn đậm độ các chất độc ghi trong danh sách, các đơn vị sử dụng có trách nhiệm chính trong việc kiểm tra, theo dõi, phát hiện vấn đề. Nơi nào chưa có đủ phương tiện để giải quyết thì báo cáo lên bộ Bộ Y tế để Bộ Y tế giúp đỡ. Chỉ những nơi nào đã được Bộ Y tế xét duyệt là vượt quá đậm độ đã quy định thì mới được hưởng chế độ ưu đãi.

Còn đối với các nghề khác thì được hưởng chế độ ưu đãi kể từ ngày ban hành thông tư này. Nơi nào đã áp dụng chế độ ưu đãi từ trước thì nay cũng không đặt vấn đề phải truy hoàn.

K.T. BỘ TRƯỞNG
BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG
 


 
Lê Tất Đắc

K.T. BỘ TRƯỞNG
BỘ Y TẾ
THỨ TRƯỞNG
 
 


Đinh Thị Cần

K.T. BỘ TRƯỞNG
BỘ LAO ĐỘNG
THỨ TRƯỞNG


 

 
Nguyễn Đăng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên bộ 08-TT/LB năm 1962 quy định danh sách những nghề được coi là đặc biệt nặng nhọc, có hại sức khỏe được ưu đãi trong các chế độ bảo hiểm xã hội do của Bộ Lao động - Bộ Nội vụ - Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 08-TT/LB
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 24/03/1962
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động, Bộ Nội vụ, Bộ Y tế
  • Người ký: Lê Tất Đắc, Nguyễn Đăng, Đinh Thị Cần
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 14
  • Ngày hiệu lực: 08/04/1962
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản