Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 22-NV

Hà Nội, ngày 18 tháng 08 năm 1969

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THÊM VỀ ĐIỀU KIỆN ĐƯỢC HƯỞNG CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP THÔI VIỆC VÌ MẤT SỨC LAO ĐỘNG VÀ CHẾ ĐỘ TIỀN TUẤT

BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ

Điều 35 và điều 56 của điều lệ tạm thời về các chế độ bảo hiểm xã hội đối với công nhân, viên chức Nhà nước đã quy định là muốn được hưởng trợ cấp thôi việc vì mất sức lao động, hoặc trợ cấp tiền tuất hàng tháng, ngoài các điều kiện đã quy định ở điều lệ, công nhân, viên chức phải có thời gian công tác liên tục từ 5 năm trở lên.

Điểm 9 của Thông tư liên bộ Nội vụ - Lao động số 09-LB ngày 17-2-1962 hướng dẫn cụ thể việc tính thời gian công tác cho công nhân, viên chức để hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội lại quy định: thời gian công nhân, viên chứcnghỉ việc vì ốm đau được tính là thời gian công tác liên tục.

Thời gian qua, do công tác tuyển dụng ở một số cơ quan, xí nghiệp làm chưa tốt, đã có một số công nhân, viên chức ngay từ khi mới được tuyển dụng đã có sẵn những bệnh kinh niên, mãn tính, nên làm việc được một thời gian ngắn (chừng một, hai năm) rồi ốm đau kéo dài, có khi tới ba, bốn năm, sau đó phải thôi việc vì mất sức lao động hoặc chết. Căn cứ vào các quy định trên đây, cơ quan, xí nghiệp đã tính tất cả thời gian đương sự nghỉ việc vì ốm đau, cộng với thời gian thực sự làm việc cho có đủ 5 năm để cho được hưởng trợ cấp mất sức lao động hoặc tiền tuất hàng tháng.

Những người này, thực sự làm việc chưa được bao lâu, nguồn gốc bệnh tật của họ không phải do công tác, sản xuất gây nên; suốt thời gian nghỉ việc vì ốm đau họ vẫn được trợ cấp bảo hiểm xã hội và được hưởng chế độ thuốc men, bồi dưỡng và các quyền lợi khác như mọi công nhân, viên chức đương công tác; khi họ phải thôi việc hoặc chết, lại được tính tất cả thời gian nghỉ việc vì ốm đau là thời gian công tác liên tục và hưởng trợ cấp hàng tháng, như vậy là không hợp lý.

Để thể hiện đúng đắn nguyên tắc hưởng thụ theo lao động đã quy định ở điều lệ bảo hiểm xã hội, sau khi đã trao đổi ý kiến với Bộ Lao động và Tổng công đoàn Việt Nam, Bộ Nội vụ ra thông tư này hướng dẫn thêm về điều kiện được hưởng trợ cấp mất sức lao động và tiền tuất hàng tháng như sau:

Muốn được hưởng trợ cấp thôi việc vì mất sức lao động hoặc tiền tuất hàng tháng, công nhân, viên chức phải thực sự làm việc liên tục từ 5 năm trở lên. Những người làm việc chưa đủ 5 năm rồi ốm đau kéo dài, phải thôi việc hoặc chết thì cơ quan, xí nghiệp căn cứ vào thời gian người đó đã thật sự làm việc để tính trợ cấp, không kể thời gian nghỉ việc vì ốm đau kéo dài.

Nếu đương sự chưa có đủ 5 năm công tác liên tục thì chỉ được trợ cấp một lần theo quy định hiện hành.

Riêng đối với những công nhân, viên chức làm các nghề đặc biệt nặng nhọc, có hại đến sức khỏe, được ưu đãi khi về hưu và khi ốm đau đã quy định ở điểm A và điểm B, mục II của Thông tư liên bộ Lao động - Nội Vụ - Y tế số 08-TT/LB ngày 24-3-1962 và những công nhân, viên chức công tác ở các địa phương miền núi đã quy định ở Thông tư liên bộ Lao động - Nội Vụ - Y tế số 07-TT/LB ngày 24-3-1962 chưa thực sự làm việc liên tục 5 năm mà bị ốm đau kéo dài, sau đó phải thôi việc vì mất sức lao động hoặc chết, thì các Bộ các ngành ở trung ương và các Ủy ban hành chính địa phương cần trao đổi với Bộ Nội vụđể xét từng trường hợp cụ thể và góp ý kiến giải quyết.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Những trường hợp công nhân, viên chức công tác thực sự chưa đủ 5 năm liên tục rồi ốm đau kéo dài, trước đây đã được cơ quan, xí nghiệp tính cả thời gian ốm đau để cho hưởng trợ cấp mất sức lao động hoặc tiền tuất hàng tháng thì nay khôngphải xét lại nữa.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG




Lê Tất Đắc

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 22-NV-1969 hướng dẫn thêm về điều kiện được hưởng chế độ trợ cấp thôi việc vì mất sức lao động và chế độ tiền tuất do Bộ Nội vụ ban hành

  • Số hiệu: 22-NV
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 18/08/1969
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
  • Người ký: Lê Tất Đắc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 12
  • Ngày hiệu lực: 18/08/1969
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản