Hệ thống pháp luật

ỦY BAN BẢO VỆ BÀ MẸ VÀ TRẺ EM TRUNG ƯƠNG - BỘ TÀI CHÍNH        
*******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 07-LB/TT

Hà Nội, ngày 13  tháng 11 năm 1971

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ      

HƯỚNG DẪN VIỆC QUẢN LÝ THU CHI NHÀ TRẺ CỦA CÁC CƠ QUAN, XÍ NGHIỆP NHÀ NƯỚC

Căn cứ Nghị quyết số 140-CP ngày 15-7-1971 và Nghị định số 145-CP ngày 21-7-1971 của Hội đồng Chính phủ, Ủy ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em trung ương và Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý thu chi nhà trẻ của các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước như sau:

I. NGUYÊN TẮC CHUNG

1. Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 1972, việc quản lý thống nhất toàn bộ công tác nhà trẻ do Ủy ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em trung ương đảm nhiệm.

2. Các Bộ, các ngành ở trung ương và Ủy ban hành chính các địa phương, có trách nhiệm chỉ đạo công tác nhà trẻ trong ngành hoặc địa phương mình, lập và chỉ đạo thực hiện kế hoạch phát triển và củng cố nhà trẻ, lập dự toán thu chi nhà trẻ và đề nghị ngân sách Nhà nước trợ cấp hàng năm cho ngành hoặc địa phương mình.

Kế hoạch và dự toán thu chi nhà trẻ xây dựng từ cơ sở lên. Kế hoạch phát triển và củng cố nhà trẻ bao gồm cả kế hoạch xây dựng cơ bản và kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cô nuôi trẻ.

Ủy ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em trung ương tổng hợp kế hoạch phát triển và củng cố nhà trẻ của các Bộ, các ngành và các địa phương, phối hợp với Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Tài chính để trình Chính phủ xét duyệt kế hoạch và kinh phí trợ cấp cho nhà trẻ.

Vốn xây dựng cơ bản nhà trẻ và kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cô nuôi trẻ thuộc ngân sách trung ương hay ngân sách địa phương theo chế độ phân cấp quản lý tài chính. Riêng kinh phí trợ cấp cho công tác nhà trẻ thì tạm thời vẫn do ngân sách trung ương gánh chịu và Ủy ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em trung ương quản lý.

3. Bộ Tài chính, căn cứ vào kế hoạch phân phối của Ủy ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em trung ương, sẽ chuyển:

a) Cho Ủy ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em trung ương phần kinh phí trợ cấp cho công tác nhà trẻ thuộc các ngành ở trung ương (kể cả các cơ quan, xí nghiệp trung ương đóng ở địa phương).

b) Cho Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố (qua các Sở, Ty tài chính) phần kinh phí trợ cấp cho công tác nhà trẻ ở địa phương, coi như khoản kinh phí của ngân sách trung ương trợ cấp cho ngân sách địa phương để chi về công tác này.

Các Sở, Ty tài chính có trách nhiệm:

- Cấp phát cho Ủy ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em tỉnh, thành phố để phân phối cho các ngành, theo yêu cầu của công tác phát triển và củng cố nhà trẻ ở địa phương.

- Giám đốc, kiểm tra việc quản lý kinh phí nhà trẻ, hướng dẫn giúp đỡ các ngành không ngừng tăng cường quản lý công tác nhà trẻ, thực hiện đầy đủ các nguyên tắc quản lý tài chính và chế độ thu chi đối với nhà trẻ.

4.  Kinh phí trợ cấp hàng năm cho công tác nhà trẻ, nếu chi chưa hết, thì Ủy ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em được giữ lại để sử dụng vào việc phát triển nhà trẻ năm sau.

5. Các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước có quản lý nhà trẻ phải hạch toán riêng các khoản thu chi kinh phí nhà trẻ và giữ sổ sách kế toán nhà trẻ theo chế độ kế toán do Bộ Tài chính phối hợp với Ủy ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em trung ương ban hành.

II. CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ THU CHI NHÀ TRẺ

1. Nhà trẻ là đơn vị sự nghiệp phúc lợi tập thể có thu và có chi, được ngân sách Nhà nước trợ cấp nhằm mở rộng phạm vi phục vụ và nâng cao chất lượng phục vụ.

Nội dung các khoản thu chi nhà trẻ, cũng như tiêu chuẩn phục vụ của nhân viên nhà trẻ vẫn theo các quy định hiện hành, chủ yếu là các Thông tư số 01-TC/TVHC ngày 22-1-1963 của Bộ Tài chính và Tổng công đoàn Việt Nam, và số 46-TT/12 ngày 23-7-1964 của Tổng Công đoàn Việt Nam.

Riêng các khoản chi về:

- bộ máy quản lý công tác nhà trẻ từ trung ương đến địa phương.

- đào tạo, bồi dưỡng cô nuôi trẻ và cán bộ quản lý nhà trẻ, thì không do quỹ nhà trẻ gánh chịu, mà do ngân sách cấp phát.

2. Dự toán, quyết toán:

a) Hàng năm, các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước phải lập dự toán thu chi nhà trẻ và khoản trợ cấp 5đ/1 tháng 1 cháu không gửi nhà trẻ, gửi cho ngành chủ quản tổng hợp theo trình tự nói ở phần I.

Dự toán thu chi nhà trẻ căn cứ vào kế hoạch phát triển sự nghiệp nhà trẻ, tiêu chuẩn phục vụ và định mức chi tiêu về nhà trẻ, các chế độ chính sách đối với nhà trẻ và nhân viên công tác nhà trẻ, các chế độ tiêu chuẩn chi tiêu hiện hành của Nhà nước.

Dự toán chi về trợ cấp cho nữ công nhân, viên chức có con từ 36 tháng trở xuống, căn cứ vào số cháu thuộc lứa tuổi nói trên chưa gửi nhà trẻ, và mức trợ cấp hiện hành (5đ/1 tháng 1 cháu).

Thời gian lập và gửi dự toán: theo quy định của điều lệ lập và chấp hành ngân sách Nhà nước.

b) Kinh phí trợ cấp nhà trẻ do cơ quan tài chính cấp phát hàng quý, bằng lệnh chi vào tài khoản “quỹ trợ cấp nhà trẻ” của Ủy ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em mở tại ngân hàng Nhà nước, để Ủy ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em phân phối cho các ngành (vào tài khoản vãng lai của từng ngành).

c) Hàng tháng, các cơ quan, xí nghiệp có quản lý nhà trẻ (hoặc có nữ công nhân, viên chức có con từ 36 tháng trở xuống không gửi nhà trẻ) phải báo cáo tình hình thu chi nhà trẻ và tình hình chỉ trợ cấp 5đ gửi lên ngành chủ quản.

Báo cáo phải phản ảnh đúng số thực thu, thực chi, số cháu (theo từng lứa tuổi) gửi nhà trẻ và số cháu không gửi nhà trẻ được trợ cấp trong tháng.

Hàng quý, các ngành chủ quản tổng hợp tình hình thu chi kinh phí quản lý nhà trẻ của các đơn vị cơ sở, lập báo cáo quyết toán gửi Ủy ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em xét duyệt và tổng hợp gửi cơ quan tài chính cùng cấp, đồng gửi Ủy ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em trung ương.

III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Thông tư này thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 1972. Nhận được thông tư này, các cơ quan, xí nghiệp cần làm ngay mấy việc sau đây:

- Kiểm kê tài sản của nhà trẻ.

- Tiến hành đăng ký số nhà trẻ, số cháu gửi nhà trẻ, số cháu chưa gửi nhà trẻ được cấp 5đ/1 tháng và số cán bộ, nhân viên công tác nhà trẻ đến 31-12-1971.

- Lập kế hoạch củng cố và phát triển nhà trẻ, lập dự toán thu chi nhà trẻ năm 1972.

Bản phụ lục đính kèm theo thông tư này hướng dẫn các mẫu biểu:

- Dự toán, quyết toán;

- Đăng ký số nhà trẻ và số trẻ, số cán bộ, nhân viên nhà trẻ.

- Báo cáo kiểm kê tài sản của nhà trẻ.

Trong khi thi hành thông tư này, nếu gặp khó khăn mắc mứu gì, đề nghị các Bộ, các ngành ở trung ương và Ủy ban hành chính các địa phương phản ảnh về Ủy ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em trung ương và Bộ Tài chính nghiên cứu giải quyết.

Các điều quy định trong thông tư Bộ Tài chính và Tổng công đoàn Việt Nam số 01-TC/TVHC ngày 22-1-1963 trái với thông tư này đều bãi bỏ.

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG





Trịnh Văn Bính

K.T. CHỦ NHIỆM ỦY BAN BẢO VỆ BÀ MẸ VÀ TRẺ EM TRUNG ƯƠNG
PHÓ CHỦ NHIỆM 




Trần Thanh Quang     

 

PHỤ LỤC

(Kèm theo Thông tư liên bộ Ủy ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em trung ương – Tài chính số 07-LB/TT ngày 13-11-1971)

Phụ lục này quy định các mẫu biểu về quản lý nhà trẻ, gồm có 4 biểu dùng cho đơn vị cơ sở và 4 biểu dùng cho ngành chủ quản và Ủy ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em tỉnh, thành ([1]).

Biểu số 1-ĐV/NT và số 1-TH/NT: Dự toán, quyết toán thu chi nhà trẻ.

Biểu số 2-ĐV/NT và số 2-TH/NT: Biểu đăng ký số cháu thuộc lứa tuổi nhà trẻ;

Biểu số 3-ĐV/NT và số 3-TH/NT: Biểu đăng ký biên chế, tiền lương cán bộ, nhân viên nhà trẻ;

Biểu số 4-ĐV/NT và số 4-TH/NT: Báo cáo kiểm kê tài sản của nhà trẻ.



([1]) Không in trong Công báo.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên bộ 07-LB/TT năm 1971 hướng dẫn quản lý thu chi nhà trẻ của các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước do Ủy ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em - Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 07-LB/TT
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 13/11/1971
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính, Uỷ ban Bảo vệ bà mẹ trẻ em
  • Người ký: Trịnh Văn Bính, Trần Thanh Quang
  • Ngày công báo: 30/11/1971
  • Số công báo: Số 21
  • Ngày hiệu lực: 01/01/1972
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản