Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG-BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 02-TT/LB

Hà Nội, ngày 14 tháng 03 năm 1968

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

HƯỚNG DẪN VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG KỶ LUẬT LAO ĐỘNG VÀ ĐỀ CAO NGHĨA VỤ LAO ĐỘNG THỜI CHIẾN ĐỐI VỚI CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC NHÀ NƯỚC

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG -BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ

Kính gửi:
Đồng kính gửi:

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ,
Các Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh,
Các sở, Ty, Phòng lao động,
Các Ban tổ chức và dân chính thành phố, tỉnh.

 

Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, công nhân, viên chức đã cùng toàn dân, ra sức thi đua vượt mọi khó khăn, nguy hiểm, đề cao nghĩa vụ lao động thời chiến, nên nói chung đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Góp phần đánh giặc Mỹ xâm lược. Đa số công nhân, viên chức ta đều hăng hái lao động, dũng cảm chiến đấu và giữ vững kỷ luật của Nhà nước. Trong nhiều tình huống khó khăn, phức tạp, hoặc trong những điều kiện thiếu thốn, gian khổ, nhiều anh chị em đã đem nhiệt tình cách mạng, phát huy sáng kiến, lao động quên mình và đã hoàn thành nhiệm vụ một cách vẻ vang. Những thành tích trong sản xuất và trong chiến đấu của mấy năm qua đã chứng minh điều đó.

Tuy nhiên, trước tình hình cả nước có chiến tranh, mọi mặt hoạt động phải khẩn trương phục vụ ngày càng đắc lực và kịp thời hơn nữa cho sản xuất và chiến đấu thì ở một số nơi kỷ luật lao động của Nhà nước chưa được chấp hành nghiêm chỉnh, nghĩa vụ lao động thời chiến của mỗi công nhân, viên chức chưa thực sự đề cao.

Ở một số xí nghiệp, cơ quan còn có những hiện tượng như quản lý lao động chưa kịp thời, tuyển dụng lao động còn tùy tiện chưa theo sự điều phối thống nhất. Việc giáo dục ý thức kỷ luật, ý thức trách nhiệm chưa được sâu rộng; việc thi hành kỷ luật còn chưa được nghiêm minh, và vai trò làm chủ của công nhân, viên chức chưa được tôn trọng. Về phần công nhân, viên chức, còn một số chưa nghiêm minh chấp hành kỷ luật lao động, chưa làm tròn nghĩa vụ lao động của mình, hiện tượng làm dối, làm ẩu, tự do vô tổ chức vẫn còn, có những người nghỉ việc một cách tùy tiện, hoặc bỏ nơi này đến nơi khác làm, thậm chí có người không chịu đi công tác ở những vùng có nhiều khó khăn, nguy hiểm v.v…

Trước tình hình trên đây, tại Nghị quyết số 103-CP ngày 06 tháng 07 năm 1967 về việc tăng cường quản lý lao động xã hội, bảo đảm sản xuất tốt, và chiến đấu thắng lợi, Hội đồng Chính phủ đã nhấn mạnh trong tình hình đế quốc Mỹ ngày càng tăng cường xâm lược nước ta, đi đôi với việc phát huy cao độ tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, cần đề cao nghĩa vụ lao động thời chiến, tăng cường kỷ luật lao động xã hội chủ nghĩa…

Về biện pháp, nghị quyết lưu ý phải tăng cường giáo dục và kiểm tra thực hiện kỷ luật lao động để ngăn chặn tình trạng không tôn trọng giờ giấc, nghỉ việc bừa bãi.

Chấp hành nghị quyết của Hội đồng Chính phủ, sau khi trao đổi ý kiến với Tổng công đoàn Việt Nam, Liên bộ hướng dẫn thi hành những điểm sau đây:

1. Tổ chức học tập, phổ biến sâu rộng điều lệ về kỷ luật lao động của Nhà nước phát huy vai trò làm chủ tập thể, nâng cao nhiệt tình cách mạng ý thức trách nhiệm, làm cho mỗi công nhân, viên chức nghiêm chỉnh và tự giác chấp hành kỷ luật, làm tròn nghĩa vụ lao động thời chiến của mình.

Thủ trưởng xí nghiệp, cơ quan phối hợp với công đoàn, đoàn thanh niên lao động tổ chức cho công nhân, viên chức trong đơn vị học tập, thảo luận ý nghĩa và nội dung của kỷ luật lao động mà nhà nước đã ban hành (điều lệ về kỷ luật lao động ban hành theo Nghị định số 195-CP ngày 31-08-1964, và Thông tư số 13-TT/LB ngày 30-08-1966 của Liên Bộ lao động-Nội vụ giải thích và hướng dẫn thi hành). Khi học tập, thảo luận có liên hệ với tình hình chấp hành kỷ luật lao động của đơn vị và của từng cá nhân. Những xí nghiệp, cơ quan trước đây đã phổ biến điều lệ hoặc đã tổ chức học tập, nhưng chưa kỹ, chưa sâu thì cần làm lại.

Qua việc học tập, thảo luận, từng đơn vị sản xuất, công tác cần xây dựng nội quy về kỷ luật lao động. Nội quy này phải thể hiện cụ thể 5 điều kỷ luật lao động, phù hợp với yêu cầu của thời chiến, và phải được chấp hành nghiêm chỉnh.

Thủ trưởng xí nghiệp, cơ quan và các đơn vị sản xuất, công tác phải kiên quyết thực hiện chế độ dân chủ quản lý đi đôi với đề cao kỷ luật, trước hết là thực sự tôn trọng quyền làm chủ của công nhân, viên chức tạo mọi điều kiện thuận lợi, đảm bảo cho công nhân, viên chức phát huy mạnh mẽ ý thức làm chủ tập thể một cách tự giác, thường xuyên (Nghị quyết số 167-NQ/TU ngày 21-09-1967 của Ban Bí thư Trung ương Đảng lao động Việt Nam).

2. Đi đôi với việc giáo dục, phải quản lý lao động chặt chẽ và có kế hoạch điều chỉnh công nhân, viên chức kịp thời để sử dụng hợp lý.

Cán bộ phụ trách cần nắm chắc công việc của những người trong đơn vị mình, kịp thời giúp đỡ anh chị em giải quyết khó khăn, mắc mứu trong sản xuất và công tác. Trong quá trình sản xuất và công tác, một mặt phải coi trọng việc tập thể quản lý lẫn nhau, đấu tranh chống những hiện tượng vi phạm kỷ luật lao động, mặt khác, phải kiểm tra thường xuyên kết quả lao động của từng người, có nhận xét, có phê phán đúng mức để thúc đẩy công tác và sản xuất.

Liên bộ đề nghị các công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở, trong việc thực hiện chức năng tham gia quản lý kinh tế, quản lý Nhà nước của mình, có kế hoạch thiết thực quản lý chặt chẽ việc chấp hành kỷ luật lao động trong từng tổ sản xuất và đơn vị công tác, và kịp thời đề nghị xí nghiệp, cơ quan khen thưởng và thi hành kỷ luật.

Gặp trường hợp đặc biệt phải thay đổi kế hoạch sản xuất và công tác thì các xí nghiệp, cơ quan cần kịp thời trao đổi với cơ quan lao động và các cơ quan có liên quan để có kế hoạch điều chỉnh, sử dụng hợp lý. Đối với những công nhân, viên chức vì lý do cần thiết, tạm thời phải bố trí làm những công việc không thích hợp hoặc trái ngành, nghề thì cần hết sức chú ý giải quyết tư tưởng và giúp đỡ kinh nghiệm để anh chị em an tâm làm việc, đồng thời tích cực điều chỉnh để sử dụng tốt hơn.

Đối với những anh chị em làm việc ở những nơi nguy hiểm, ở những nơi có chiến sự hoặc làm những việc nặng nhọc để phục vụ kịp thời cho chiến đấu, thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp ngoài việc thi hành đầy đủ các chế độ đã quy định cần quan tâm giải quyết những khó khăn về đời sống của anh chị em.

3. Xử lý nghiêm minh những người thiếu tinh thần trách nhiệm, tự do vô kỷ luật không làm tròn nghĩa vụ của mình.

Cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo phải gương mẫu trong việc tôn trọng các điều kỷ luật lao động như điều lệ đã quy định (điều 3 của điều lệ về kỷ luật lao động của Hội đồng Chính phủ ).

Các trường hợp thiếu tinh thần trách nhiệm, đối xử thô bạo, xâm phạm đến quyền làm chủ của công nhân, viên chức cần kiểm điểm nghiêm khắc và phải được xử lý thích đáng.

Những công nhân, viên chức đã được giáo dục và vẫn phạm khuyết điểm trong việc chấp hành kỷ luật lao động thì tùy mức độ nặng nhẹ mà xử lý như điều lệ về kỷ luật lao động đã quy định (điều 5 của điều lệ về kỷ luật lao động của Hội đồng Chính phủ ).

Đối với những người cố ý vi phạm kỷ luật và thiếu tinh thần trách nhiệm làm thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, đến kế hoạch Nhà nước thì ngoài việc xử lý theo các hình thức kỷ luật đã quy định, còn có thể bị truy tố trước tòa án (điều 8 của điều lệ về kỷ luật lao động của Hội đồng Chính phủ ).

Đối với những công nhân, viên chức, muốn xin thôi việc vì những lý do cần thiết như đi học các trường, lớp và đào tạo hoặc có khó khăn về gia đình, về đời tư, thì xí nghiệp, cơ quan phải trả lời cho đương sự biết có được thôi việc hay không trong thời gian 30 ngày như điều lệ tuyển dụng và cho thôi việc đã quy định. Nếu sau khi cân nhắc kỹ mà xí nghiệp, cơ quan xét thấy vì nhu cầu của sản xuất và công tác không thể cho thôi việc được, thì cần cho đương sự thấy rõ yêu cầu đó và thấy rõ nghĩa vụ phải ở lại tiếp tục làm việc. Nếu cứ tự ý bỏ việc thì coi như là vi phạm kỷ luật lao động.

Đối với công nhân học nghề, nếu không thực hiện đúng hợp đồng mà bỏ việc, thì phải bồi thường theo quy định của Nhà nước (Thông tư số 66-TTg ngày 01-06-1962 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ học nghề).

 Tất cả các trường hợp vi phạm kỷ luật, không làm tròn trách nhiệm được giao, làm ẩu, làm dối hoặc không nhiêm chỉnh chấp hành nghị quyết, tự ý bỏ việc hoặc điều động không đi, v.v… cần phải xử lý kịp thời và nghiêm minh. Khi xử lý phải tìm rõ nguyên nhân, nhất là các trường hợp bỏ việc, bỏ ngành, nghề, nếu do khuyết điểm của cán bộ lãnh đạo thì ngoài việc xử lý đối với đương sự, cán bộ lãnh đạo phải chịu trách nhiệm và phải được xử lý thích đáng.

Đối với công nhân, viên chức là người dân tộc ít người vi phạm kỷ luật thì cần chú ý đến tập quán riêng của từng dân tộc mà có kế hoạch giáo dục thích hợp và khi xử lý cần vận dụng các chính sách về dân tộc, cân nhắc thận trọng về việc xử lý được thỏa đáng.

4. Việc tuyển dụng phải theo đúng các nguyên tắc, thủ tục đã quy định, không được sử dụng, tùy tiện những người bỏ việc ở xí nghiệp, cơ quan khác.

Việc tuyển dụng công nhân, viên chức phải theo sự điều phối của cơ quan lao động và phải theo đúng các nguyên tắc, thủ tục đã quy định trong điều lệ tuyển dụng và cho thôi việc của Nhà nước (ban hành theo Nghị định số 24-CP ngày 13-03-1963), nhất thiết không tuyển dụng những người không đủ hồ sơ lý lịch, những người bị buộc thôi việc vì vi phạm kỷ luật mà chưa được sự công nhận đã tiến bộ thực sự của Ủy ban hành chính nơi cư trú, những người trốn tránh trách nhiệm ở xí nghiệp, cơ quan khác đến xin việc… Trường hợp cần tuyển dụng tạm thời số công nhân, lao động tranh thủ làm thêm ngoài ca, kíp thì phải có sự thỏa thuận của đơn vị đang sử dụng anh chị em, và phải trả công theo giá quy định của Nhà nước.

Các hợp tác xã thủ công nghiệp cần sử dụng công nhân, lao động cũng phải theo sử điều phối thống nhất của cơ quan lao động địa phương, nhất thiết không được dùng những thủ đoạn như lôi kéo, hứa hẹn trả lương cao, vv… để thu hút những công nhân lành nghề, những nhân viên nghiệp vụ, kỹ thuật… đang làm việc ở các xí nghiệp, cơ quan Nhà nước.

Sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của chúng ta đã giành thắng lợi ngày càng to lớn. Để thực hiện khẩu hiệu “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” mỗi công nhân, viên chứ Nhà nước phải có ý thức sâu sắc về trách nhiệm của mình, ra sức thi đua vượt mọi khó khăn nguy hiểm cống hiến nhiều nhất công sức của mình cho sự nghiệp vinh quang của dân tộc. Mỗi người phải làm tròn nghĩa vụ lao động thời chiến của mình, và phải coi đó là kỷ luật.

Liên bộ đề nghị các cơ quan, xí nghiệp phối hợp với công đoàn tổ chức phổ biến, thảo luận sâu rộng Thông tư này trong toàn thể công nhân, viên chức, có kế hoạch và biện pháp thiết thực trong việc đề cao kỷ luật lao động và tăng cường nghĩa vụ lao động thời chiến đối với công nhân, viên chức Nhà nước, và cho Liên bộ biết kết quả học tập, sau đó 6 tháng một lần báo cáo việc chấp hành kỷ luật lao động của Nhà nước để Liên bộ báo cáo lên Chính phủ.

BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
 
 


Ung Văn Khiêm

BÔ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG


 
 
 Nguyễn Hữu Khiếu

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên bộ 02-TT/LB năm 1968 tăng cường kỷ luật lao động và đề cao nghĩa vụ lao động thời chiến đối với công nhân, viên chức Nhà nước do Bộ lao Động- Bộ Nội Vụ ban hành

  • Số hiệu: 02-TT/LB
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 14/03/1968
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động, Bộ Nội vụ
  • Người ký: Nguyễn Hữu Khiếu, Ung Văn Khiêm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 18
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản