BỘ LAO ĐỘNG-TỔNG CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM | VIỆT |
Số: 01-TT/LB | Hà Nội, ngày 26 tháng 01 năm 1966 |
HƯỚNG DẪN VỀ NHIỆM VỤ BẢO HỘ LAO ĐỘNG VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY BẢO HỘ LAO ĐỘNG CỦA CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ
Kính gửi: | - Các bộ, các tổng cục quản lý sản xuất |
Bảo hộ lao động là một chính sách của Đảng và Chính phủ nhằm mục đích bảo đảm an toàn lao động, bồi dưỡng sức khỏe của công nhân. Tổ chức công đoàn có trách nhiệm lớn đối với mọi quyền lợi vật chất, tinh thần của công nhân nên có nhiệm vụ và vị trí quan trọng trong công tác bảo hộ lao động.
Điều lệ tạm thời về bảo hộ lao động do Hội đồng Chính phủ ban hành kèm theo nghị định số 181-CP ngày 18/12/1964 đã dành chương V quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức công đoàn về bảo hộ lao động.
Theo quy định của điều lệ, công đoàn có trách nhiệm tham gia xây dựng các luật lệ, chế độ bảo hộ lao động, và giám sát, giúp đỡ cơ quan, xí nghiệp thi hành nghiêm chỉnh các luật lệ, chế độ đó. Mặt khác, công đoàn phải tuyên truyền, giáo dục quần chúng về chính sách bảo hộ lao động, động viên quần chúng tự giác chấp hành chính sách.
Nhiệm vụ trên đây chỉ có thể thực hiện được tốt nếu bộ máy bảo hộ lao động của tổ chức công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở, được củng cố và tăng cường.
Để phát huy chức năng và vai trò của công đoàn cơ sở về bảo hộ lao động, để công tác bảo hộ lao động thực do đông đảo quần chúng tham gia thực hiện, Liên Bộ Lao động - Tổng công đoàn hướng dẫn dưới đây cụ thể về nhiệm vụ bảo hộ lao động của công đoàn cơ sở, về tổ chức tiểu ban bảo hộ lao động của công đoàn cơ sở và màng lưới an toàn viên ở các tổ sản xuất.
I. NHIỆM VỤ CỤ THỂ VỀ BẢO HỘ LAO ĐỘNG CỦA CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ
Công đoàn cơ sở có nhiệm vụ:
1. Tuyên truyền và giáo dục cán bộ, công nhân về bảo hộ lao động:
- Thường xuyên giáo dục công nhân, cán bộ về chính sách chế độ và thể lệ bảo hộ lao động của Đảng và Chính phủ, làm cho mọi người tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành; đấu tranh chống những hiện tượng làm bừa, làm ẩu, vi phạm quy phạm, quy trình về kỹ thuật an toàn;
- Tổ chức việc phổ biến trong công nhân, cán bộ những kiến thức khoa học kỹ thuật về bảo hộ lao động;
- Đôn đốc và phối hợp với giám đốc xí nghiệp tổ chức việc huấn luyện cho mọi người nắm vững các phương pháp làm việc an toàn.
2. Tổ chức hướng dẫn công nhân, đặc biệt là các an toàn viên trong các tổ sản xuất phát hiện kịp thời những hiện tượng thiếu vệ sinh an toàn trong sản xuất, đồng thời vận động mọi người phát huy sáng kiến cải tiến thiết bị, máy móc, nhằm cải thiện điều kiện làm việc, giảm nhẹ sức lao động, chú trọng những khâu sản xuất vất vả, nặng nhọc, nguy hiểm hoặc có độc hại đến sức khỏe.
3. Tổ chức lấy ý kiến công nhân tham gia xây dựng kế hoạch bảo hộ lao động và ký kết hợp đồng tập thể, đồng thời theo dõi, đôn đốc và giúp đỡ giám đốc xí nghiệp tổ chức thực hiện hàng tháng, hàng quý những công việc đã đề ra trong kế hoạch, trong hợp đồng.
4. Cùng giám đốc xí nghiệp bàn bạc việc sử dụng 20% quỹ xí nghiệp dành cho việc bổ sung, cải tiến thiết bị an toàn theo chế độ Nhà nước đã quy định.
5. Theo dõi, đôn đốc việc cấp phát các trang bị phòng hộ được kịp thời, đúng chế độ, đúng tiêu chuẩn và giáo dục công nhân sử dụng, bảo quản tốt. Thường xuyên tập hợp và nghiên cứu ý kiến của công nhân về tiêu chuẩn, quy cách mẫu mực để đề nghị công đoàn cấp trên và các cơ quan Nhà nước bổ sung, sửa đổi cho thích hợp.
6. Theo dõi, bàn bạc và giúp đỡ giám đốc xí nghiệp thi hành đúng đắn các chế độ về giờ làm, ngày nghỉ, hội họp, học tập, chế độ bảo vệ nữ công nhân v.v…
7. Phối hợp với giám đốc xí nghệp lập danh sách các ngành, nghề có độc, hại đến sức khỏe công nhân cần được bồi dưỡng bằng hiện vật để đề nghị lên trên xét duyệt, đồng thời giúp đỡ giám đốc tổ chức thực hiện việc bồi dưỡng cho tốt.
8. Theo dõi đôn đốc việc tổ chức kiểm tra sức khỏe của công nhân theo chế độ hiện hành. Phát hiện những trường hợp sử dụng công nhân không đủ điều kiện sức khỏe cần thiết vào những công việc nguy hiểm, có độc hại để đề nghị thay thế.
9. Theo dõi thường xuyên tình hình tai nạn lao động và tham dự điều tra các vụ tai nạn, các vụ hư hỏng máy móc xảy ra trong xí nghiệp, đề xuất với giám đốc xí nghiệp biện pháp khắc phục góp ý kiến với cơ quan có trách nhiệm về việc xử lý những người có lỗi để xảy ra tai nạn lao động.
10. Phối hợp với giám đốc xí nghiệp đẩy mạnh việc tự kiểm tra về bảo hộ lao động của xí nghiệp.
II. BỘ MÁY BẢO HỘ LAO ĐỘNG CỦA CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ
Để thực hiện tốt những nhiệm vụ công tác trên, công đoàn cơ sở cần tổ chức một tiểu ban bảo hộ lao động và sử dụng màng lưới quần chúng rộng rãi làm công tác bảo hộ lao động từ công đoàn cơ sở đến tổ công đoàn.
A. TIỂU BAN BẢO HỘ LAO ĐỘNG CỦA CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ
Nói chung các công đoàn cơ sở, nhất là những cơ sở mà điều kiện sản xuất phức tạp có nhiều nhân tố độc, hại đến sức khỏe của công nhân, cần tổ chức tiểu ban bảo hộ lao động.
Nhiệm vụ của tiểu ban là giúp Ban chấp hành công đoàn cơ sở nghiên cứu đề ra các biện pháp cụ thể để thực hiện được nhiệm vụ đã nói ở phần trên.
Tiểu ban bảo hộ lao động do một ủy viên thường vụ hoặc ủy viên chấp hành công đoàn cơ sở làm trưởng tiểu ban và có thể gồm một số tổ hoặc nhóm công tác như:
- Tổ kỹ thuật an toàn,
- Tổ vệ sinh công nghiệp,
- Tổ chế độ, thể lệ bảo hộ lao động v.v….
Mỗi tổ có thể có từ ba người hoặc nhiều hơn, tùy theo yêu cầu công tác. Tổ viên cần chọn trong số đoàn viên tích cực, nhất là trong số cán bộ nghiệp vụ, cán bộ khoa học kỹ thuật hoặc công nhân lành nghề.
Hàng tháng tiểu ban bảo hộ lao động và các tổ chuyên đề cần có sinh hoạt để kiểm điểm tình hình và bàn bạc về những công việc cần tiến hành. Những kiến nghị của tiểu ban hoặc của các tổ chuyên đề cần được bàn bạc trao đổi với giám đốc xí nghiệp hoặc các bộ môn có trách nhiệm để nghiên cứu giải quyết.
Ở các công đoàn bộ phận hay phân xưởng, nói chung không thành lập tiểu ban bảo hộ lao động cũng như các tổ chuyên đề (trừ các phân xưởng quá lớn ở phân tán, sản xuất trong điều kiện có nhiều độc, hại hoặc nguy hiểm có thể có một số tổ chuyên đề), mà chỉ phân công một ủy viên chấp hành cùng một số cán bộ theo dõi tình hình công tác bảo hộ lao động để phản ánh kịp thời lên công đoàn cơ sở bàn biện pháp giải quyết.
B. MÀNG LƯỚI AN TOÀN VIÊN Ở CÁC TỔ SẢN XUẤT
Điều 34 của điều lệ bảo hộ lao động có quy định: “công đoàn cơ sở có trách nhiệm tổ chức, lãnh đạo lưới an toàn viên trong các tổ sản xuất”. Lưới an toàn viên là một hình thức tổ chức quần chúng làm công tác bảo hộ lao động.
- Qua màng lưới an toàn viên, công đoàn cơ sở nắm được tình hình công tác bảo hộ lao động một cách chặt chẽ, thấy được những thiếu sót cần phát hiện với chuyên môn để có biện pháp khắc phục. Cũng qua màng lưới an toàn viên, công đoàn cơ sở nắm được những vi phạm của cán bộ, công nhân trong việc chấp hành các quy phạm, quy trình về kỹ thuật an toàn để uốn nắn, giáo dục.
Nhiệm vụ cụ thể của an toàn viên là:
- Đôn đốc, nhắc nhở mọi người trong tổ chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về an toàn và vệ sinh trong sản xuất do xí nghiệp đã quy định;
- Kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở mọi người sử dụng và bảo quản tốt các thiết bị an toàn và dụng cụ phòng hộ;
- Hàng ngày xem lại nơi làm việc, tình trạng thiết bị, máy móc, lấy ý kiến công nhân trong tổ phát hiện những hiện tượng không an toàn đề nghị với tổ trưởng sản xuất hoặc lên trên giải quyết;
- Tập hợp ý kiến công nhân trong tổ tham gia vào việc cải tiến thiết bị an toàn, cải thiện điều kiện làm việc, giảm nhẹ sức lao động, tự giải quyết những cái có thể giải quyết được, đồng thời nhắc nhở tổ trưởng sản xuất thực hiện kịp thời kế hoạch bảo hộ lao động của tổ;
- Theo dõi việc thi hành các chế độ về giờ làm việc, ngày nghỉ, hội họp, học tập của công nhân trong tổ, chế độ cấp phát các trang bị phòng hộ, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật…;
- Theo dõi việc tổ chức huấn luyện về kỹ thuật an toàn cho công nhân mới tuyển dụng hoặc mới chuyển ở nơi khác đến và việc định kỳ huấn luyện lại cho các công nhân khác;
- Trong các buổi kiểm điểm về sản xuất của tổ hàng ngày hàng tuần, nêu nhận xét về tình hình an toàn lao động trong tổ và ý kiến bổ khuyết để công nhân trong tổ thảo luận.
An toàn viên trong các tổ sản xuất là những đoàn viên tích cực của công đoàn, được công nhân trong tổ tín nhiệm cử ra, không thoát ly sản xuất, hoạt động với tinh thần tự nguyện, chịu trách nhiệm trước tổ công đoàn và trước tập thể công nhân trong tổ. Mỗi tổ sản xuất có thể có một hoặc nhiều an toàn viên tùy theo số lượng công nhân trong tổ, tùy theo địa điểm làm việc phân tán hay tập trung.
Tổ trưởng công đoàn có trách nhiệm lãnh đạo, hướng dẫn hoạt động của an toàn viên, tiểu ban bảo hộ lao động có trách nhiệm bồi dưỡng cho an toàn viên những kiến thức cần thiết về bảo hộ lao động.
Tổng công đoàn hướng dẫn chi tiết thêm về tổ chức và hoạt động của tiểu ban bảo hộ lao động, các tổ chuyên đề và màng lưới an toàn viên.
Việc tổ chức bộ máy bảo hộ lao động của công đoàn cơ sở và xây dựng màng lưới an toàn viên ở các tổ sản xuất là rất cần thiết để đảm bảo làm tốt hơn nữa công tác bảo hộ lao động, tăng cường mối quan hệ chặt chẽ giữa công đoàn và chuyên môn, giữa công đoàn và quần chúng.
Giám đốc xí nghiệp có trách nhiệm phối hợp và giúp đỡ công đoàn cơ sở làm tốt nhiệm vụ, tôn trọng quyền giám sát của công đoàn, thường kỳ trao đổi hoặc thông báo cho công đoàn biết tình hình thực hiện công tác bảo hộ lao động, nghiên cứu và thực hiện những kiến nghị hợp lý về bảo hộ lao động của công đoàn cơ sở và báo cáo cho công đoàn biết cách giải quyết. Giám đốc xí nghiệp có nhiệm vụ cùng công đoàn cơ sở bồi dưỡng, nâng cao trình độ hiểu biết của an toàn viên, hàng tháng giành một số thì giờ trong sản xuất thích đáng cho việc huấn luyện, bồi dưỡng.
Công đoàn cơ sở cần kiên quyết đấu tranh chống những hiện tượng vi phạm chính sách, chế độ bảo hộ lao động của cán bộ và công nhân, lãnh đạo tốt lưới an toàn viên, phát huy tác dụng tích cực của mình trong công tác bảo hộ lao động.
Liên Bộ Lao động - Tổng công đoàn đề nghị các ngành, các cấp quản lý sản xuất phổ biến rộng rãi thông tư này và giao trách nhiệm cho các giám đốc xí nghiệp phối hợp chặt chẽ với công đoàn cơ sở để làm tốt công tác bảo hộ lao động.
Các cơ quan lao động và liên hiệp công đoàn các địa phương có trách nhiệm theo dõi, giúp đỡ các công đoàn cơ sở thực hiện tốt các quy định trong thông tư này.
TM. BAN THƯ KÝ | KT. BỘ TRƯỞNG |
Thông tư liên bộ 01-TT/LB năm 1966 hướng dẫn nhiệm vụ bảo hộ lao động và tổ chức bộ máy bảo hộ lao động của công đoàn cơ sở do Bộ Lao động - Tổng công đoàn ban hành
- Số hiệu: 01-TT/LB
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Ngày ban hành: 26/01/1966
- Nơi ban hành: Bộ Lao động, Tổng Công đoàn Việt Nam
- Người ký: Nguyễn Đăng, Nguyễn Minh
- Ngày công báo: 28/02/1966
- Số công báo: Số 2
- Ngày hiệu lực: 10/02/1966
- Ngày hết hiệu lực: 15/11/1998
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực