Hệ thống pháp luật

Chương 3 Thông tư 97/2020/TT-BTC về hướng dẫn hoạt động của văn phòng đại diện, chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành

Chương III

HOẠT ĐỘNG CỦA CHI NHÁNH CÔNG TY CHỨNG KHOÁN, CÔNG TY QUẢN LÝ QUỸ NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

Mục 1. HOẠT ĐỘNG CỦA CHI NHÁNH CÔNG TY CHỨNG KHOÁN NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

Điều 13. Cơ cấu tổ chức, quản trị, điều hành của chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam

1. Cơ cấu tổ chức, quản trị, điều hành của chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam do công ty mẹ quyết định, phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam về cơ cấu tổ chức, quản trị, điều hành và kiểm soát nội bộ của công ty chứng khoán trong nước.

2. Nhân viên kiểm soát tuân thủ của chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam không phải là người có liên quan đến Giám đốc chi nhánh; đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành về tài chính, ngân hàng, luật, kế toán, kiểm toán. Nhân viên kiểm soát tuân thủ phải có chứng chỉ chuyên môn về chứng khoán, bao gồm chứng chỉ những vấn đề cơ bản về chứng khoán và thị trường chứng khoán và chứng chỉ pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán, hoặc có chứng chỉ hành nghề chứng khoán ở nước ngoài và chứng chỉ pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

3. Chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam phải bố trí nhân viên có chứng chỉ hành nghề chứng khoán làm việc tại các vị trí sau:

a) Tư vấn, giải thích hợp đồng ký kết với khách hàng;

b) Ký kết quả phân tích, báo cáo phân tích chứng khoán;

c) Đưa ra khuyến nghị liên quan đến việc mua, bán, nắm giữ chứng khoán.

Điều 14. Phạm vi hoạt động và nội dung hoạt động của chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam

1. Phạm vi hoạt động

Chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam chỉ được thực hiện nghiệp vụ tư vấn đầu tư chứng khoán.

2. Nội dung hoạt động

Nội dung hoạt động của chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam bao gồm việc cung cấp kết quả phân tích, báo cáo phân tích, đưa ra khuyến nghị cho khách hàng có thu phí hoặc không thu phí trong các trường hợp sau:

a) Cung cấp báo cáo kết quả phân tích tình hình giao dịch trên thị trường chứng khoán và đưa ra khuyến nghị đầu tư;

b) Cung cấp báo cáo kết quả phân tích hoạt động công ty đại chúng, công ty niêm yết và doanh nghiệp khác và đưa ra khuyến nghị đầu tư;

c) Ký kết hợp đồng tư vấn đầu tư chứng khoán với khách hàng.

Điều 15. Quyền của chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam

Chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam có các quyền sau đây:

1. Được thu giá dịch vụ tư vấn theo thỏa thuận với khách hàng và quy định của pháp luật.

2. Được mở tài khoản bằng ngoại tệ hoặc bằng đồng Việt Nam có gốc ngoại tệ tại ngân hàng thương mại được phép hoạt động kinh doanh ngoại hối tại Việt Nam và chỉ được sử dụng tài khoản này vào hoạt động của chi nhánh. Việc mở, sử dụng và đóng tài khoản của chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam thực hiện theo quy định pháp luật có liên quan.

3. Được tuyển dụng người lao động Việt Nam và lao động nước ngoài vào làm việc tại chi nhánh theo quy định pháp luật có liên quan.

4. Có dấu riêng theo quy định của pháp luật Việt Nam và chỉ được sử dụng dấu này trong các văn bản giao dịch thuộc quyền hạn và chức năng của chi nhánh.

5. Các quyền khác theo quy định pháp luật có liên quan.

Điều 16. Nghĩa vụ của chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam

Chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam có các nghĩa vụ sau đây:

1. Ký hợp đồng bằng văn bản với khách hàng khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng; cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin cho khách hàng.

2. Thu thập, tìm hiểu thông tin về tình hình tài chính, mục tiêu đầu tư, khả năng chấp nhận rủi ro của khách hàng; bảo đảm các khuyến nghị, tư vấn đầu tư của chi nhánh cho khách hàng phải phù hợp với tình hình tài chính, mục tiêu đầu tư và khả năng chấp nhận rủi ro của từng khách hàng, trừ trường hợp khách hàng không cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin nhưng không đầy đủ, chính xác.

3. Bảo mật các thông tin nhận được từ người sử dụng dịch vụ tư vấn trong quá trình cung ứng dịch vụ tư vấn trừ trường hợp được khách hàng đồng ý hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

4. Cập nhật, lưu giữ đầy đủ hồ sơ thông tin khách hàng, chứng từ của khách hàng và chi nhánh.

5. Chỉ được sử dụng nguồn vốn được cấp cho hoạt động kinh doanh được cấp phép, không được phép vay từ các tổ chức, cá nhân khác ngoại trừ công ty mẹ.

6. Không được trực tiếp hoặc gián tiếp thực hiện các hành vi sau: quyết định đầu tư chứng khoán thay cho khách hàng; thỏa thuận với khách hàng để chia sẻ lợi nhuận hoặc lỗ; quảng cáo, tuyên bố rằng nội dung, hiệu quả, hoặc các phương pháp phân tích chứng khoán của mình có giá trị cao hơn của công ty chứng khoán khác; cung cấp thông tin sai sự thật để dụ dỗ hay mời gọi khách hàng mua bán một loại chứng khoán nào đó, cung cấp thông tin sai lệch, gian lận hoặc gây hiểu nhầm cho khách hàng.

7. Các nghĩa vụ khác theo quy định pháp luật có liên quan.

Mục 2. HOẠT ĐỘNG CỦA CHI NHÁNH CÔNG TY QUẢN LÝ QUỸ NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

Điều 17. Cơ cấu tổ chức, quản trị, điều hành của chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam

Cơ cấu tổ chức, quản trị, điều hành của chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam do công ty mẹ quyết định, phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam về cơ cấu tổ chức, quản trị, điều hành và kiểm soát nội bộ của công ty quản lý quỹ trong nước.

Điều 18. Phạm vi hoạt động của chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam

Chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam chỉ được cung cấp dịch vụ quản lý tài sản cho vốn huy động tại nước ngoài, bao gồm cả tài sản phát sinh tại Việt Nam được hình thành từ nguồn vốn huy động ở nước ngoài.

Điều 19. Quyền của chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam

Chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam có các quyền sau đây:

1. Được sử dụng tài sản huy động từ nước ngoài để tài trợ cho các dự án, doanh nghiệp, cho vay, thực hiện các hợp đồng đầu tư theo chỉ thị của khách hàng ủy thác, hợp đồng ủy thác đầu tư, điều lệ của tổ chức nước ngoài, quỹ nước ngoài, đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật về quản lý ngoại hối, pháp luật ngân hàng và các quy định pháp luật khác có liên quan.

2. Chuyển lợi nhuận của chi nhánh ra nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam.

3. Thực hiện nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán phù hp với Giấy phép thành lập và hoạt động, quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Điều 20. Nghĩa vụ của chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam

Chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam có các nghĩa vụ sau đây:

1. Chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam không được huy động vốn tại Việt Nam để quản lý dưới mọi hình thức.

2. Trong hoạt động quản lý tài sản, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định sau:

a) Trừ trường hợp khách hàng ủy thác có chỉ thị hoặc có quy định tại hợp đồng ủy thác đầu tư, điều lệ của tổ chức nước ngoài, khi thực hiện quản lý tài sản cho khách hàng, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài phải tuân thủ các quy định về lưu ký, quản lý tách biệt tài sản tới từng khách hàng, giao dịch tài sản giữa các danh mục đầu tư của khách hàng ủy thác theo các quy định pháp luật áp dụng đối với công ty quản lý quỹ trong nước;

b) Bảo mật thông tin của khách hàng, thông tin về giao dịch tài sản, danh mục đầu tư của khách hàng và các thông tin khác liên quan, trừ trường hợp cung cấp thông tin theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan quản lý có thẩm quyền;

c) Tuân thủ quy định pháp luật ngoại hối, hạn chế sở hữu tại các doanh nghiệp Việt Nam, phòng chống rửa tiền và các quy định pháp luật khác có liên quan;

d) Không được vay trên lãnh thổ Việt Nam cho khách hàng, cho các tổ chức, cá nhân khác hoặc cho chính mình dưới mọi hình thức; không được sử dụng tài sản ủy thác, tài sản của mình để thế chấp, cầm cố, ký quỹ, ký cược hoặc đảm bảo cho các khoản vay, bảo lãnh cho các khoản vay trẽn lãnh thổ Việt Nam, kể cả cho khách hàng ủy thác, cho các tổ chức, cá nhân khác hoặc cho chính mình;

đ) Không được chào bán, phát hành chứng khoán để huy động vốn trên lãnh thổ Việt Nam;

3. Trong hoạt động báo cáo sở hữu, báo cáo và công bố thông tin về giao dịch trên thị trường chứng khoán, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam có trách nhiệm:

a) Đại diện cho khách hàng ủy thác thực hiện nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin giao dịch theo quy định pháp luật về chứng khoán. Chi nhánh cùng với các khách hàng ủy thác tuân thủ các quy định pháp luật về báo cáo sở hữu và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán áp dụng đối với người có liên quan, cổ đông lớn, người nội bộ;

b) Tất cả giao dịch chứng khoán tại Việt Nam của thành viên Ban điều hành, nhân viên của chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam phải báo cáo bộ phận kiểm soát nội bộ của chi nhánh trước và ngay sau khi giao dịch. Báo cáo về giao dịch cá nhân nêu trên phải bao gồm thông tin về loại (mã) chứng khoán, số lượng, giá giao dịch, công ty chứng khoán nơi mở tài khoản giao dịch. Báo cáo về giao dịch cá nhân phải được lưu trữ và quản lý tập trung tại bộ phận kiểm soát nội bộ và cung cấp theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

4. Chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam chỉ được sử dụng vốn được cấp và vốn của khách hàng ủy thác (không tính số cổ phiếu trong danh mục của khách hàng ủy thác là quỹ hoán đổi danh mục) để chào mua công khai theo quy định tại Điều 35 Luật Chứng khoán khi được sự chấp thuận bằng văn bản của khách hàng ủy thác hoặc đại diện theo ủy quyền của khách hàng ủy thác về việc chào mua công khai, mức giá chào mua, khối lượng tài sản dự kiến chào mua, phương thức phân phối tài sản sau khi thực hiện chào mua. Chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam thực hiện chào mua công khai theo quy định chào mua công khai của pháp luật về chứng khoán.

5. Trong quá trình hoạt động, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam và công ty mẹ phải bảo đảm:

a) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày công ty mẹ hoàn tất việc đầu tư vào công ty con, công ty liên doanh, liên kết tại Việt Nam, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam có trách nhiệm thông báo cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về các hạng mục đầu tư này; Công ty mẹ không được tham gia góp vốn, mua cổ phần hoặc phần vốn góp để sở hữu trên 5% vốn điều lệ của một công ty quản lý quỹ tại Việt Nam;

b) Chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam không được góp vốn, mua cổ phần hoặc phần vốn góp tại các công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán tại Việt Nam, ngoại trừ trường hợp mua để sở hữu hoặc cùng với người có liên quan sở hữu không quá 5% số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán đã đăng ký giao dịch, niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán.

6. Chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam phải ban hành các quy trình nghiệp vụ, thiết lập và vận hành hệ thống quản trị rủi ro theo hướng dẫn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hoặc sử dụng các quy định nội bộ do công ty mẹ ban hành, phù hợp với hoạt động nghiệp vụ của mình, đảm bảo có cơ chế kiểm soát, quản lý rủi ro gắn với từng sản phẩm, quy trình thực hiện nghiệp vụ kinh doanh.

7. Chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam có trách nhiệm hằng năm tổ chức đào tạo, tập huấn cho nhân viên hoặc yêu cầu nhân viên hành nghề tham gia các khóa tập huấn do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức (nếu có), bảo đảm đội ngũ nhân viên được cập nhật kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức về pháp luật.

Mục 3. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO, LƯU TRỮ HỒ SƠ VÀ CÔNG BỐ THÔNG TIN CỦA CHI NHÁNH CÔNG TY CHỨNG KHOÁN, CÔNG TY QUẢN LÝ QUỸ NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

Điều 21. Chế độ báo cáo, lưu trữ hồ sơ và công bố thông tin của chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam

1. Chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước các báo cáo định kỳ vhoạt động của chi nhánh như sau:

a) Báo cáo tình hình hoạt động tháng, năm với các nội dung theo mẫu quy định tại Phụ lục IIPhụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Báo cáo tài chính quý, báo cáo tài chính 6 tháng, báo cáo tài chính năm. Báo cáo tài chính 6 tháng phải được soát xét và báo cáo tài chính năm phải được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận;

c) Báo cáo về chỉ tiêu an toàn tài chính theo quy định pháp luật về chỉ tiêu an toàn tài chính.

2. Chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước các báo cáo định kỳ về hoạt động của chi nhánh như sau:

a) Các báo cáo quy định tại Khoản 1 Điều này, trong đó Báo cáo tình hình hoạt động tháng, năm thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Báo cáo tình hình quản lý danh mục đầu tư tháng theo quy định tại Phụ lục VI kèm theo Thông tư này; báo cáo tài chính năm của các quỹ đầu tư thành lập tại nước ngoài, đang thực hiện đầu tư tại Việt Nam, lập theo quy định của nước nguyên xứ.

3. Thời hạn nộp các báo cáo:

a) Đối với báo cáo tháng: Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc tháng;

b) Đối với báo cáo quý: Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày kết thúc quý;

c) Đối với báo cáo 6 tháng: Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày kết thúc quý II;

d) Đối với báo cáo năm: Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm.

4. Thời gian chốt số liệu đối với báo cáo định kỳ quy định tại khoản 1, 2 Điều này như sau:

a) Đối với báo cáo tháng: Tính từ ngày đầu tiên của tháng báo cáo đến ngày cuối cùng của tháng báo cáo (trừ số liệu phản ánh tại thời điểm nhất định);

b) Đối với báo cáo quý: Tính từ ngày đầu tiên của quý báo cáo đến ngày cuối cùng của quý báo cáo (trừ số liệu phản ánh tại thời điểm nhất định);

c) Đối với báo cáo 6 tháng: Tính từ ngày 01 tháng 01 kỳ báo cáo đến hết ngày 30 tháng 06 kỳ báo cáo (trừ số liệu phản ánh tại thời điểm nhất định);

d) Đối với báo cáo năm: Tính từ ngày 01 tháng 01 năm báo cáo đến ngày 31 tháng 12 năm báo cáo (trừ số liệu phản ánh tại thời điểm nhất định);

e) Chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam mới thành lập, thời gian hoạt động chưa đủ một kỳ báo cáo thì kỳ báo cáo được tính từ ngày được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động đến ngày cuối cùng của kỳ báo cáo.

5. Chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước các báo cáo định kỳ dưới hình thức văn bản điện tử hoặc văn bản giấy.

6. Chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước các sự kiện có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng tài chính, hoạt động của chi nhánh trong vòng 03 ngày làm việc, ktừ khi xảy ra các sự kiện đó.

7. Ngoài các trường hợp báo cáo quy định tại Điều này, trong trường hợp cần thiết, nhằm bảo vệ lợi ích chung và lợi ích nhà đầu tư, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có thể yêu cầu chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam báo cáo về các hoạt động khác trên lãnh thổ Việt Nam của chi nhánh hoặc của công ty mẹ.

8. Chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong thời hạn 48 giờ, kể từ khi nhận được yêu cầu báo cáo quy định tại khoản 7 Điều này.

9. Chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam phải lưu trữ tại trụ sở đầy đủ, chính xác, kịp thời các tài liệu, hồ sơ và cập nhật thông tin, dữ liệu liên quan đến hoạt động của mình. Trong trường hợp cần thiết, khi có yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam có nghĩa vụ kịp thời cung cấp thông tin, tài liệu hoặc giải trình các vấn đề có liên quan đến hoạt động của mình và hoạt động của công ty mẹ trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

10. Chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam thực hiện công bố thông tin theo quy định pháp luật về công bố thông tin và pháp luật về hoạt động của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán.

Thông tư 97/2020/TT-BTC về hướng dẫn hoạt động của văn phòng đại diện, chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 97/2020/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 16/11/2020
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Huỳnh Quang Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH