Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 88-TTG-CN

Hà Nội, ngày 01 tháng 10 năm 1964

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH TRỢ CẤP THÔI VIỆC

Chế độ trợ cấp thôi việc trước đây đã được Nhà Nước ban hành trong nhiều văn bản, nhằm giải quyết theo yêu cầu của các cuộc vận động kiện toàn tổ chức, giảm nhẹ biên chế, hoặc đưa công nhân, viên chức về tham gia sản xuất nông nghiệp trong từng thời gian nhất định. Đến nay những quy định đó có nhiều điểm không còn thích hợp đối với chế độ chính sách mới về lao động tiền lương, cũng như đối với tình hình phát triển mới của đội ngũ công nhân, viên chức. Do đó, căn cứ nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 08 tháng 4 năm 1964, Thủ tướng Chính phủ ban hành chế độ trợ cấp thôi việc để áp dụng thống nhất trong các ngành, các cấp khi cho công nhân, viên chức thôi việc nhằm giúp đỡ công nhân, viên chức giải quyết một phần khó khăn, tạo điều kiện để họ mau chóng ổn định đời sống và công việc làm mới.

I. NGUYÊN TẮC CHUNG

1. Trợ cấp thôi việc quy định trong thông tư nầy chỉ thi hành trong các trường hợp cơ quan xí nghiệp cho công nhân, viên chức thôi việc do yêu cầu của việc kiện toàn tổ chức, giảm nhẹ biên chế hoặc cơ quan hết việc phải giải thể, không sắp xếp cho công nhân, viên chức tiếp tục công tác ở cơ quan, xí nghiệp khác được, đồng thời thông tư này cũng được áp dụng đối với những trường hợp công nhân, viên chức xin thôi việc có lý do chính đáng.

2. Mức trợ cấp của mỗi người nhiều hay ít là tùy theo thời gian công tác liên tục và cấp bậc lương của người đó, nhưng có chiếu cố thích đáng đến những người đã công tác liên tục từ trước ngày hòa bình lập lại (20 tháng 7 năm 1954), đồng thời cũng chiếu cố đến điều kiện sức khỏe của công nhân, viên chức khi thôi việc.

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Những trường hợp được hưởng trợ cấp thôi việc.

Công nhân, viên chức thôi việc được hưởng trợ cấp trong những trường hợp sau đây:

a) Thôi việc do cơ quan, xí nghiệp kiện toàn tổ chức, giảm nhẹ biên chế hoặc hết việc phải giải thể, không sắp xếp cho công nhân, viên chức tiếp tục công tác ở các cơ quan, xí nghiệp khác của Nhà nước được.

b) Thôi việc do nguyện vọng riêng của công nhân, viên chức nhưng phù hợp với yêu cầu của cơ quan, xí nghiệp trong dịp kiện toàn tổ chức, giảm nhẹ biên chế hoặc hết việc phải giải thể.

c) Công nhân, viên chức tự xin thôi việc vì hoàn cảnh gia đình có khó khăn đặc biệt, hoặc hưởng ứng các cuộc vận động lớn của Nhà nước trong từng thời gian như: đi khai hoang, đi xây dựng kinh tế và văn hóa miền núi…

Ngoài các trường hợp quy định trên đây, công nhân, viên chức thôi việc trong các trường hợp khác đều không được hưởng trợ cấp thôi việc.

2. Mức trợ cấp thôi việc:

Trợ cấp thôi việc tính theo số năm công nhân, viên chức đã làm việc liên tục đến ngày thôi việc và chia làm hai loại sau đây để tính trợ cấp:

a) Công nhân,viên chức làm việc liên tục từ trước ngày 20 tháng 7 năm 1954 đến ngày thôi việc, cứ mỗi năm làm việc được tính để trợ cấp bằng 50% của một tháng lương kể cả phụ cấp thường xuyên và trợ cấp con, nếu có;

b) Công nhân, viên chức làm việc từ sau ngày 20 tháng 7 năm 1954 liên tục đến ngày thôi việc (kể cả những ngày làm việc trước ngày 20 tháng 7 năm 1954 nhưng đã thôi việc, được tuyển dụng lại sau ngày đó), mức trợ cấp cũng tính như trên nhưng nhiều nhất không quá năm tháng lương và ít nhất cũng được 50% của một tháng lương kể cả phụ cấp thường xuyên và trợ cấp con, nếu có;

c) Khi công nhân, viên chức thôi việc, nếu sức khỏe suy yếu thì không kể đã làm việc từ trước hay sau ngày 20 tháng 7 năm 1954, được trợ cấp cấp thêm một khoản tiền bằng từ nửa tháng đến ba tháng lương (kể cả phụ cấp thường xuyên và trợ cấp con, nếu có) nhưng số tiền trợ cấp thêm này không vượt quá số tiền trợ cấp tính theo thời gian công tác của người đó.

Quân nhân tình nguyện chuyển ngành, công tác ở các cơ quan , xí nghiệp khi thôi việc cũng được trợ cấp như trên. Thời gian phục vụ liên tục trong quân đội đến khi chuyển ngành được tính để hưởng trợ cấp.

3. Các quyền lợi khác.

Công nhân, viên chức thôi việc, không phân biệt trường hợp được trợ cấp hay không được trợ cấp thôi việc, được hưởng các quyền lợi sau đây:

a) Được cấp tiền tầu xe, tiền cước phí hành lý, tiền ăn dọc đường cho bản thân và gia đình (nếu có gia đình cùng đi) về đến trú quán theo chế độ hiện hành. Trường hợp công nhân viên chức là ngoại kiều muốn xin về quê hương họ thì các khoản tiền này được cấp đến biên giới của nước Việt-nam (trừ trường hợp trong hợp đồng lao động có ghi cụ thể điều kiện và quyền lợi thôi việc).

b) Được liên tục cấp phiếu mua gạo khi về địa phương cho bản thân và gia đình (nếu có gia đình đi theo công nhân, viên chức mà trước đó đã được cấp phiếu mua gạo) theo quy định hiện hành; bản thân được cấp phiếu mua gạo theo chế độ cung cấp của công nhân, viên chức thôi việc và giảm nhẹ biên chế; gia đình được cấp theo chế độ cung cấp cho những người về nông thôn tham gia sản xuất nông nghiệp.

c) Nữ công nhân, viên chức thôi việc trong trường hợp có thai, nếu thuộc đối tượng thi hành điều lệ tạm thời về các chế độ bảo hiểm xã hội thì dù được trợ cấp hay không được trợ cấp thôi việc cũng được hưởng trợ cấp sinh đẻ. Khoản trợ cấp này công nhân, viên chức được lĩnh ngay khi thôi việc và do quỹ bảo hiểm xã hội đài thọ.

III. PHẠM VI ĐỐI TƯỢNG THI HÀNH

Thông tư này thi hành thống nhất cho công nhân, viên chức làm việc liên tục từ một năm trở lên, không phân biệt đã tuyển dụng chính thức hay chưa, có ký hợp đồng hay không ký hợp đồng lao động trong tất cả các cơ quan, xí nghiệp, công, nông, lâm trường của Nhà nước, kể cả xí nghiệp công tư hợp doanh.

Những người sau đây không thuộc đối tượng thi hành của thông tư này: những người làm việc theo lối khoán tự do, khoán gia công, khoán việc mà cơ quan, xí nghiệp không tuyển dụng và trực tiếp quản lý nhân sự; những người làm việc theo hợp đồng hưởng lương đặc biệt và trong hợp đồng không ghi quyền lợi hưởng trợ cấp thôi việc; những người do cơ quan, xí nghiệp tự ý tuyển dụng ngoài chỉ tiêu lao động và không theo đúng thủ tục tuyển dụng kể từ sau ngày ban hành thông tư này.

Thông tư này thay thế những quy định trước đây về trợ cấp thôi việc đối với công nhân, viên chức, và có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Các trường hợp thôi việc vì phạm kỷ luật hoặc phạm pháp và thôi việc được hưởng theo điều lệ tạm thời về các chế độ bảo hiểm xã hội, không thuộc phạm vi quy định của thông tư này.

Bộ Lao động chịu trách nhiệm giải thích và hướng dẫn thi hành thông thư này.

K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Thanh Nghị

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 88-TTg-CN-1964 quy định trợ cấp thôi việc do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 88-TTg-CN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 01/10/1964
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Văn Đồng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 35
  • Ngày hiệu lực: 01/10/1964
  • Ngày hết hiệu lực: 03/06/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản