Hệ thống pháp luật

BỘ QUỐC PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 86/2016/TT-BQP

Hà Nội, ngày 20 tháng 6 năm 2016

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VÀ HƯỚNG DẪN TỔ CHỨC LỄ TANG ĐỐI VỚI QUÂN NHÂN, CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC QUỐC PHÒNG; NGƯỜI LÀM CÔNG TÁC CƠ YẾU DO BỘ QUỐC PHÒNG QUẢN LÝ

Căn cứ Nghị định số 35/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;

Căn cứ Nghị định số 105/2012/NĐ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức;

Xét đề nghị của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị;

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư Quy định và hướng dẫn tổ chức lễ tang đối với quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng; người làm công tác cơ yếu do Bộ Quốc phòng quản lý.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi Điều chỉnh

Thông tư này quy định và hướng dẫn tổ chức lễ tang đối với quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng; người làm công tác cơ yếu do Bộ Quốc phòng quản lý hy sinh, từ trần; tham gia tổ chức lễ tang đối với các đối tượng nêu trên nghỉ hưu từ trần; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức lễ tang.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Thông tư này áp dụng đối với:

a) Người đang công tác hy sinh, từ trần, gồm:

- Quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng;

- Người làm công tác cơ yếu do Bộ Quốc phòng quản lý;

- Quân nhân dự bị động viên trong thời gian tập trung huấn luyện, làm nhiệm vụ quân sự quốc phòng, an ninh.

b) Các đối tượng tại Điểm a nêu trên nghỉ hưu từ trần.

2. Thông tư này không áp dụng đối với các đối tượng nêu tại Khoản 1 Điều này chết do tự thương, tự sát hoặc do vi phạm pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của Quân đội với hình thức tước danh hiệu quân nhân hoặc buộc thôi việc.

Điều 3. Nguyên tắc tổ chức lễ tang

1. Tổ chức lễ tang đối với người hy sinh, từ trần thể hiện sự tri ân, trân trọng, ghi nhận của Đảng, Nhà nước, Quân đội đối với công lao, cống hiến của họ trong quá trình công tác, hoạt động cách mạng, xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

2. Tổ chức lễ tang phải trang trọng, văn minh, kế thừa nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, Tiết kiệm, phù hợp với Điều kiện kinh tế; từng bước loại bỏ những tập quán lạc hậu; tránh phô trương, lãng phí. Khuyến khích tổ chức lễ tang theo các hình thức hỏa táng, điện táng, an táng tại quê hương.

Điều 4. Hình thức, nghi thức tổ chức lễ tang trong Quân đội

1. Hình thức tổ chức lễ tang, gồm:

a) Lễ tang cấp Nhà nước;

b) Lễ tang Cấp cao;

c) Lễ tang quân nhân có cấp bậc từ Đại tá trở xuống;

d) Lễ tang công nhân, viên chức quốc phòng.

2. Nghi thức tổ chức lễ tang

a) Nghi thức tổ chức lễ tang, gồm: Trình tự tổ chức lễ tang, tổ chức lực lượng và phương tiện phục vụ lễ tang theo quy định tại Thông tư này.

b) Nghi thức tổ chức lễ tang trong Quân đội được thực hiện đối với:

- Người hy sinh, từ trần quy định tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư này tổ chức lễ tang tại nhà tang lễ bệnh viện Quân đội hoặc tại cơ quan, đơn vị;

- Sĩ quan cấp Tướng (kể cả nghỉ hưu) hy sinh, từ trần tổ chức lễ tang tại gia đình, được vận dụng theo nghi thức tổ chức lễ tang trong Quân đội;

- Người hy sinh, từ trần có cấp hàm từ Đại tá trở xuống khi tổ chức lễ tang tại gia đình không thực hiện nghi thức lễ tang trong Quân đội.

Điều 5. Quy định về trang phục trong lễ tang do Quân đội chủ trì

1. Đối với quân nhân hy sinh, từ trần

Trang phục khi khâm liệm đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp mặc Tiểu lễ phục mùa đông, không đội mũ; hạ sĩ quan, binh sĩ mặc quân phục dự lễ theo Điều lệnh Quản lý bộ đội; công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân nghỉ hưu theo nguyện vọng của thân nhân người từ trần.

2. Đối với Ban Lễ tang, Ban Tổ chức Lễ tang

a) Lễ Quốc tang, Lễ tang cấp Nhà nước, Lễ tang Cấp cao: Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp tham gia thành viên Ban Lễ tang, Ban Tổ chức Lễ tang mặc Tiểu lễ phục mùa đông, đội mũ;

b) Các hình thức lễ tang khác: Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp tham gia thành viên Ban Tổ chức Lễ tang, mặc Tiểu lễ phục theo mùa, đội mũ;

c) Đại diện cơ quan, đơn vị ngoài Quân đội tham gia thành viên Ban Lễ tang, Ban Tổ chức Lễ tang mặc trang phục lịch sự, nghiêm túc.

3. Đối với đoàn viếng

a) Khi viếng Lễ Quốc tang, Lễ tang cấp Nhà nước: Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp mặc Tiểu lễ phục mùa đông, đội mũ; hạ sĩ quan, binh sĩ mặc quân phục dự lễ, đội mũ;

b) Khi viếng Lễ tang Cấp cao: Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp mặc Tiểu lễ phục theo mùa, đội mũ;

c) Các hình thức lễ tang khác: Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; hạ sĩ quan, binh sĩ mặc quân phục thường dùng theo mùa, đội mũ.

Điều 6. Một số quy định khác

1. Người hy sinh, từ trần trong thời gian đi học tập trong nước, do nhà trường nơi học tập chủ trì, phối hợp với đơn vị quản lý tổ chức lễ tang.

2. Người hy sinh, từ trần khi biệt phái sang các cơ quan Đảng, Nhà nước, do đơn vị quản lý trước khi đi biệt phái chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị nơi làm nhiệm vụ biệt phái tổ chức lễ tang.

3. Người hy sinh, từ trần khi đi làm nhiệm vụ quốc tế, đi học, đi công tác, đi chữa bệnh ở nước ngoài, do đơn vị quản lý phối hợp với Cục Đối ngoại/Bộ Quốc phòng, Đại sứ quán hoặc cơ quan ngoại giao ở nước sở tại để tổ chức lễ tang.

4. Người hy sinh, từ trần trên đường đi công tác hoặc nghỉ tại gia đình, do đơn vị quản lý chủ trì, phối hợp với cơ quan quân sự địa phương tổ chức lễ tang theo phân cấp quy định tại Điều 17 Thông tư này. Trường hợp đơn vị ở xa từ 100 km trở lên (tính theo đường quốc lộ, tỉnh lộ) thì cơ quan quân sự địa phương nơi người hy sinh, từ trần chủ trì, phối hợp với đơn vị quản lý tổ chức lễ tang.

5. Người hy sinh trong chiến tranh, nếu không có Điều kiện tổ chức lễ tang theo quy định tại Thông tư này thì thực hiện báo tử và tổ chức Lễ truy điệu tại địa phương.

6. Trường hợp nhiều người hy sinh trong khi làm nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu, làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; người hy sinh có hành động dũng cảm, thủ trưởng đơn vị trực thuộc Quân ủy Trung ương quyết định hình thức lễ tang cao hơn nhằm tuyên truyền, giáo dục, nêu gương.

7. Quân nhân nghỉ hưu từ trần, tổ chức lễ tang tại nhà tang lễ các bệnh viện Quân đội do đơn vị Quân đội chủ trì tổ chức theo nghi thức lễ tang trong Quân đội.

8. Các quy định Lễ đưa tang, Lễ an táng; thời gian tổ chức lễ tang; quy cách quan tài; băng tang; quy định rắc vàng mã thực hiện theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 105/2012/NĐ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ về tổ chức lễ tang cán bộ công chức, viên chức (sau đây gọi tắt là Nghị định số 105/2012/NĐ-CP).

Chương II

LỄ TANG CẤP NHÀ NƯỚC

Điều 7. Chức danh, cấp hàm được tổ chức Lễ tang cấp Nhà nước

Cán bộ Quân đội đương chức hoặc thôi giữ chức thuộc một trong các chức vụ, cấp bậc quân hàm sau đây hy sinh, từ trần được tổ chức Lễ tang cấp Nhà nước, gồm:

1. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng;

2. Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội;

3. Đại tướng Quân đội nhân dân Việt Nam;

4. Thượng tướng Quân đội nhân dân Việt Nam là cán bộ hoạt động cách mạng trước tháng 8 năm 1945.

Điều 8. Tổ chức Lễ tang

1. Ban Lễ tang; Ban Tổ chức Lễ tang; đứng tên đưa tin buồn; đưa tin, đăng tin; nơi tổ chức Lễ tang và nơi an táng; trang trí lễ đài; vòng hoa; Lễ viếng; tổ chức các đoàn nước ngoài đến viếng; Lễ truy điệu; Lễ đưa tang; Lễ hạ huyệt; lực lượng và phương tiện phục vụ Lễ tang; xây vỏ mộ và chi phí thực hiện theo quy định tại các Điều 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32 và Điều 33 Nghị định số 105/2012/NĐ-CP.

2. Tổng cục Chính trị phối hợp với các Ban của Đảng chuẩn bị các văn bản báo cáo Ban Bí thư Trung ương Đảng theo quy định; chủ trì xây dựng kế hoạch, giúp Trưởng Ban Lễ tang, Trưởng Ban Tổ chức Lễ tang thông báo, triệu tập các cơ quan, đơn vị có liên quan để triển khai nhiệm vụ theo kế hoạch; theo dõi, Điều hành trong quá trình tổ chức Lễ tang.

3. Sĩ quan đứng túc trực bên linh cữu trong thời gian có các đoàn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng đến viếng và trong thời gian Lễ truy điệu là 04 (bốn) sĩ quan cấp Tướng và 04 (bốn) chiến sĩ tiêu binh. Thời gian còn lại của Lễ viếng là 04 (bốn) sĩ quan cấp Đại tá và 04 (bốn) chiến sĩ tiêu binh.

Chương III

LỄ TANG CẤP CAO

Điều 9. Chức danh, cấp bậc quân hàm được tổ chức Lễ tang Cấp cao

Cán bộ Quân đội đương chức, thôi giữ chức hoặc nghỉ hưu thuộc một trong các chức vụ, cấp bậc quân hàm sau đây hy sinh, từ trần được tổ chức Lễ tang Cấp cao (nếu không thuộc diện Lễ tang cấp Nhà nước), gồm:

1. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Tổng Tham mưu trưởng; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng, Đô đốc Hải quân;

2. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (kể cả Ủy viên dự khuyết), Ủy viên Quân ủy Trung ương;

3. Phó Tổng Tham mưu trưởng; Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị;

4. Chủ nhiệm, Chính ủy, Phó Chủ nhiệm, Phó Chính ủy các Tổng cục; Tổng cục trưởng, Chính ủy, Phó Tổng cục trưởng, Phó Chính ủy Tổng cục II;

5. Tư lệnh, Chính ủy, Phó Tư lệnh, Phó Chính ủy Quân khu, Quân chủng, Bộ đội Biên phòng;

6. Giám đốc, Chính ủy, Phó Giám đốc, Phó Chính ủy Học viện Quốc phòng;

7. Trung tướng, Phó Đô đốc Hải quân, Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hải quân;

8. Cán bộ hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 (cán bộ Lão thành cách mạng), cán bộ hoạt động ở miền Nam suốt thời kỳ chống Mỹ (1954 - 1975) được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất trở lên; các nhà hoạt động xã hội, văn hóa, khoa học tiêu biểu (được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh - giải thưởng cá nhân) và được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất trở lên; các nhà hoạt động xã hội, văn hoá, khoa học tiêu biểu (được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh - giải thưởng cá nhân) là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động.

Điều 10. Phân cấp chủ trì tổ chức Lễ tang

1. Bộ Quốc phòng chủ trì tổ chức Lễ tang đối với các chức danh quy định tại Khoản 1 Điều 9 Thông tư này; Tổng cục Chính trị chủ trì xây dựng kế hoạch, chương trình tổ chức Lễ tang.

2. Đơn vị trực thuộc Quân ủy Trung ương chủ trì tổ chức Lễ tang đối với các chức danh quy định tại các Khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Điều 9 Thông tư này; cơ quan chính trị các đơn vị chủ trì xây dựng kế hoạch, chương trình tổ chức Lễ tang.

3. Trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét quyết định.

Điều 11. Ban Tổ chức Lễ tang

1. Lễ tang do Bộ Quốc phòng chủ trì

a) Ban Tổ chức Lễ tang có từ 10 (mười) đến 15 (mười lăm) thành viên, do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định thành lập, gồm: Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị và các Tổng cục, cơ quan, đơn vị, quê hương hoặc nơi cư trú và đại diện gia đình người hy sinh, từ trần.

Tùy theo chức danh của người hy sinh, từ trần, Trưởng Ban Tổ chức Lễ tang là Bộ trưởng hoặc Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị hoặc một Thứ trưởng Bộ Quốc phòng là Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương.

b) Ban Tổ chức Lễ tang có nhiệm vụ chỉ đạo, Điều hành các cơ quan là thành viên Ban Tổ chức Lễ tang thực hiện các nhiệm vụ theo quy định.

c) Ban Tổ chức Lễ tang quyết định thành lập bộ phận giúp việc, gồm đại diện các cơ quan thuộc Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị và các Tổng cục, cơ quan, đơn vị, quê hương hoặc nơi cư trú và đại diện gia đình của người hy sinh, từ trần, có nhiệm vụ giúp Ban Tổ chức Lễ tang làm công tác phục vụ Lễ tang.

2. Lễ tang do đơn vị trực thuộc Quân ủy Trung ương chủ trì

a) Ban Tổ chức Lễ tang có từ 10 (mười) đến 15 (mười lăm) thành viên, do Thủ trưởng đơn vị chủ trì tổ chức Lễ tang quyết định, gồm các cơ quan chức năng, đơn vị, quê hương hoặc nơi cư trú và gia đình người hy sinh, từ trần; Trưởng Ban Tổ chức Lễ tang là một đồng chí Thủ trưởng đơn vị;

b) Người hy sinh, từ trần là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Trưởng Ban Tổ chức Lễ tang là đồng chí Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương.

Điều 12. Đứng tên và đưa tin buồn

1. Danh nghĩa đưa tin buồn

Căn cứ chức vụ của người hy sinh, từ trần, việc đưa tin buồn thực hiện dưới danh nghĩa của tất cả hoặc một số cơ quan, đơn vị, địa phương và gia đình:

a) Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng (trong trường hợp người hy sinh, từ trần là Ủy viên hoặc Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Ủy viên Quân ủy Trung ương);

b) Quốc hội Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (trong trường hợp người hy sinh, từ trần là đại biểu Quốc hội);

c) Bộ Quốc phòng; đơn vị đã hoặc đang trực tiếp quản lý người hy sinh, từ trần;

d) Cấp uỷ, chính quyền, cơ quan quân sự, ban, ngành đoàn thể địa phương nơi sinh quán hoặc nơi cư trú.

2. Quy định việc đưa tin buồn trên các báo, đài

a) Việc đưa tin buồn trên các báo, đài thực hiện theo quy định tại Điều 35 Nghị định số 105/2012/NĐ-CP;

b) Báo Quân đội nhân dân đăng trên trang nhất; Kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam phát trong chương trình thời sự buổi tối:

- Đối với người hy sinh, từ trần quy định tại Khoản 1, 2, 3 Điều 9 Thông tư này: Tin buồn, kèm theo ảnh (4 cm x 6 cm), tóm tắt tiểu sử; tuyên truyền về thân thế, sự nghiệp, quá trình cống hiến của người hy sinh, từ trần, chiếu phim phóng sự (nếu có);

- Đối với người hy sinh, từ trần quy định tại Khoản 4, 5, 6, 7, 8 Điều 9 Thông tư này: Tin buồn, kèm theo ảnh (4 cm x 6 cm), tóm tắt tiểu sử; tuyên truyền về quá trình cống hiến của người hy sinh, từ trần.

3. Chuẩn bị tin buồn, tóm tắt tiểu sử, lời điếu; thẩm định nội dung

a) Cơ quan, đơn vị chủ trì xây dựng kế hoạch tổ chức Lễ tang chuẩn bị tóm tắt tiểu sử, tin buồn, lời điếu; xin ý kiến của gia đình người hy sinh, từ trần trước khi thông qua Trưởng Ban Tổ chức Lễ tang;

b) Thẩm định nội dung tin buồn: Người đang công tác hy sinh, từ trần do cơ quan quản lý nhân sự (Cục Cán bộ, Cục Quân lực) thẩm định; người đã nghỉ hưu từ trần do Cục Chính sách thẩm định;

Cơ quan thẩm định nội dung có trách nhiệm chuyển đến các báo, đài theo quy định tại Khoản 2 Điều này.

Điều 13. Trang trí lễ đài tổ chức Lễ tang

Thực hiện theo quy định tại Điều 40 Nghị định số 105/2012/NĐ-CP và một số nội dung sau:

1. Ảnh của người hy sinh, từ trần để trong khung kích thước 30 cm x 40 cm, có dải băng đen nhỏ vắt chéo góc trên bên trái khung ảnh nhìn từ dưới lên;

2. Giá Huân chương, Huy chương bảo đảm đầy đủ các hình thức được khen thưởng của người hy sinh, từ trần;

3. Linh cữu được phủ Quân kỳ.

Điều 14. Lực lượng phục vụ Lễ tang

1. Lễ tang do Bộ Quốc phòng chủ trì

a) Sĩ quan đứng túc trực bên linh cữu trong thời gian có các đoàn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng đến viếng và trong thời gian Lễ truy điệu là 02 (hai) sĩ quan cấp Tướng, 02 (hai) sĩ quan cấp Đại tá và 04 (bốn) chiến sĩ tiêu binh. Thời gian còn lại của Lễ viếng là 04 (bốn) sĩ quan cấp Đại tá, Thượng tá và 04 (bốn) chiến sĩ tiêu binh;

Sĩ quan cấp Tướng túc trực bên linh cữu do Trưởng Ban Tổ chức Lễ tang phân công cán bộ thuộc các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện;

b) Đơn vị danh dự gồm: 01 (một) chỉ huy, 01 (một) tổ Quân kỳ, đại diện 3 (ba) lực lượng Lục quân, Hải quân và Không quân. Mỗi khối 20 (hai mươi) chiến sĩ, 01 (một) đồng chí khối trưởng.

2. Lễ tang do đơn vị trực thuộc Quân ủy Trung ương chủ trì

a) Sĩ quan túc trực bên linh cữu là 04 (bốn) sĩ quan cấp Đại tá, Thượng tá và 04 (bốn) chiến sĩ tiêu binh. Trưởng Ban Tổ chức Lễ tang phân công cán bộ thuộc các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện.

b) Đơn vị danh dự, gồm: 24 (hai bốn) chiến sĩ, 01 (một) sĩ quan chỉ huy và 01 (một) tổ Quân kỳ; người hy sinh, từ trần thuộc quân chủng nào thì đơn vị danh dự mặc lễ phục của quân chủng đó.

3. Đơn vị danh dự, sĩ quan, chiến sĩ tiêu binh túc trực bên linh cữu

a) Lễ tang tổ chức tại Nhà tang lễ bệnh viện Quân đội trên địa bàn thành phố Hà Nội, do Đoàn Nghi lễ Quân đội thực hiện; tổ chức tại cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố Hà Nội, do đơn vị chủ trì thống nhất với Đoàn Nghi lễ Quân đội thực hiện.

b) Lễ tang tổ chức tại Nhà tang lễ các bệnh viện Quân đội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, do Quân khu 7 thực hiện; tổ chức tại cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, do đơn vị chủ trì thống nhất với Quân khu 7 thực hiện.

Điều 15. Phương tiện phục vụ Lễ tang

1. Phương tiện phục vụ Lễ tang, gồm: 01 (một) xe chỉ huy; 01 (một) xe Quân kỳ, ảnh, giá Huân chương; 01 (một) xe đơn vị danh dự (nếu đơn vị danh dự 03 lực lượng thì sử dụng 03 xe); 01 (một) xe chở hoa; 01 (một) xe kéo linh cữu (xe linh xa) hoặc xe chở linh cữu; từ 03 (ba) đến 04 (bốn) xe chở người đi đưa tang; 02 (hai) xe Ban Tổ chức Lễ tang.

Sử dụng xe kéo linh cữu đối với các chức danh, cấp bậc quân hàm quy định tại Khoản 1, 2, 3 Điều 9 Thông tư này hy sinh, từ trần tổ chức an táng, hỏa táng, điện táng trên địa bàn thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; sử dụng xe chở linh cữu đối với các chức danh, cấp bậc quân hàm còn lại quy định tại Điều 9 Thông tư này hy sinh, từ trần. Trường hợp đặc biệt, do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định.

Trường hợp Lễ tang do Bộ Quốc phòng chủ trì có 02 (hai) xe thông tin, 01 (một) xe cứu thương, 01 (một) xe dự phòng; đồng thời, bố trí xe dẫn đường hoặc phối hợp với Công an địa phương bố trí xe cảnh sát dẫn đường.

2. Xe Quân kỳ, xe đơn vị danh dự, xe chở linh cữu hoặc xe linh xa, xe chở hoa (gọi là xe nghi lễ) quy định như sau:

a) Lễ tang tổ chức tại nhà tang lễ bệnh viện Quân đội trên địa bàn thành phố Hà Nội, xe nghi lễ do Đoàn Nghi lễ Quân đội thực hiện; ở cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố Hà Nội, do đơn vị chủ trì tổ chức Lễ tang thống nhất với Đoàn Nghi lễ Quân đội thực hiện;

b) Lễ tang tổ chức tại nhà tang lễ bệnh viện Quân đội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, xe nghi lễ do Quân khu 7 thực hiện; ở cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, do đơn vị chủ trì tổ chức Lễ tang phối hợp, thống nhất với Quân khu 7 thực hiện;

c) Ngoài địa bàn quy định tại Điểm a, b Khoản này, do đơn vị chủ trì tổ chức Lễ tang phối hợp với quân khu sở tại thực hiện.

3. Xe phục vụ Ban Tổ chức Lễ tang, xe phục vụ gia đình, xe chở người đi đưa tang, do đơn vị chủ trì tổ chức Lễ tang thực hiện.

Điều 16. Các nội dung khác

1. Quân nhạc phục vụ lễ viếng, lễ truy điệu, lễ an táng thực hiện theo quy định tại các Điều 42, 43 và Điều 45 Nghị định số 105/2012/NĐ-CP.

2. Nơi tổ chức Lễ tang; nơi an táng; trang trí lễ đài; vòng hoa, Lễ viếng, Lễ truy điệu; Lễ đưa tang; Lễ hạ huyệt; xây vỏ mộ và chi phí thực hiện theo quy định tại các Điều 38, 39, 40, 41, 42, 43, 44, 45 và Điều 46 Nghị định số 105/2012/NĐ-CP và các quy định tại Thông tư này. Trường hợp đặc biệt, do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định.

3. Lễ tang sĩ quan cấp Tướng từ trần tổ chức theo nghi thức Quân đội tại gia đình trên địa bàn thành phố Hà Nội do Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu quyết định Điều động lực lượng, phương tiện phục vụ; ở địa bàn khác do Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Quân ủy Trung ương quyết định Điều động lực lượng, phương tiện phục vụ.

Chương IV

LỄ TANG ĐỐI VỚI QUÂN NHÂN CÓ CẤP BẬC TỪ ĐẠI TÁ TRỞ XUỐNG VÀ CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC QUỐC PHÒNG ĐANG CÔNG TÁC

Mục 1. LỄ TANG ĐỐI VỚI QUÂN NHÂN CÓ CẤP QUÂN HÀM TỪ ĐẠI TÁ TRỞ XUỐNG

Điều 17. Phân cấp tổ chức Lễ tang

1. Đơn vị trực thuộc Quân ủy Trung ương chủ trì tổ chức Lễ tang đối với quân nhân hy sinh, từ trần giữ chức vụ chỉ huy đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng không thuộc đối tượng quy định tại Điều 9 Thông tư này.

2. Đơn vị cấp sư đoàn, Bộ Chỉ huy quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Bộ Tư lệnh Vùng Hải quân, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển, cấp cục, vụ, viện và tương đương chủ trì tổ chức Lễ tang đối với quân nhân hy sinh, từ trần cấp bậc Đại tá hoặc sĩ quan, cán bộ đương chức, nguyên giữ chức chỉ huy cấp mình.

3. Lữ đoàn, trung đoàn, Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện và tương đương chủ trì tổ chức Lễ tang đối với quân nhân hy sinh, từ trần cấp Thượng tá hoặc giữ chức vụ chỉ huy lữ đoàn, trung đoàn, Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện và tương đương; chủ trì hoặc xem xét, quyết định phân cấp tổ chức Lễ tang đối với quân nhân hưởng lương còn lại.

4. Tiểu đoàn và tương đương chủ trì tổ chức Lễ tang đối với hạ sĩ quan, binh sĩ.

Điều 18. Tổ chức Lễ tang đối với các đối tượng khác

1. Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động (không thuộc chức danh tổ chức Lễ tang Cấp cao), Nhà giáo nhân dân, Thầy thuốc nhân dân, Nghệ sĩ nhân dân, Đại biểu Quốc có quân hàm từ Trung tá trở xuống hy sinh, từ trần, được tổ chức Lễ tang như đối với sĩ quan cấp Thượng tá.

2. Người hy sinh, từ trần có hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo hoặc quân hàm tương đương với cấp nào thì tổ chức Lễ tang như quân nhân có chức vụ, quân hàm tương ứng.

3. Quân nhân dự bị động viên trong thời gian tập trung huấn luyện, làm nhiệm vụ quân sự quốc phòng hy sinh, từ trần được tổ chức Lễ tang như đối với quân nhân có cùng cấp bậc, chức vụ đang công tác.

Điều 19. Ban Tổ chức Lễ tang

Ban Tổ chức Lễ tang, có từ 07 (bảy) đến 10 (mười) thành viên, do Thủ trưởng đơn vị chủ trì tổ chức Lễ tang quyết định; Trưởng Ban Tổ chức Lễ tang là Thủ trưởng đơn vị quản lý người hy sinh, từ trần, có nhiệm vụ chỉ đạo, Điều hành toàn bộ công tác tổ chức Lễ tang.

Điều 20. Chuẩn bị tin buồn, lời điếu, đưa tin, đăng tin buồn trên các phương tiện thông tin về Lễ tang

1. Chuẩn bị tin buồn, lời điếu

a) Cơ quan chính trị đơn vị chủ trì tổ chức Lễ tang chuẩn bị tin buồn, lời điếu, có tham khảo ý kiến của gia đình trước khi thông qua Trưởng Ban Tổ chức Lễ tang.

b) Cục Cán bộ, Cục Quân lực thẩm định nội dung tin buồn và chuyển đến các báo, đài theo phân cấp quản lý.

2. Đưa tin, đăng tin buồn

a) Đưa tin, đăng tin buồn trên trang 8 Báo Nhân dân: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, Nghệ sĩ nhân dân, Nhà giáo nhân dân, Thầy thuốc nhân dân, người được Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật và Khoa học công nghệ, đảng viên được tặng thưởng Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng trở lên.

b) Đưa tin, đăng tin buồn trên Báo Quân đội nhân dân: Sĩ quan cấp Đại tá, Thượng tá hoặc giữ chức chỉ huy cấp sư đoàn, Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh và tương đương; cán bộ Quân đội thuộc diện tại Điểm a nêu trên.

Điều 21. Lực lượng phục vụ Lễ tang; nhạc trong Lễ tang

1. Sĩ quan, chiến sĩ tiêu binh túc trực bên linh cữu

a) Quân nhân hy sinh, từ trần có cấp bậc Đại tá, Thượng tá hoặc giữ chức vụ chỉ huy cấp trung đoàn và tương đương trở lên: 02 (hai) sĩ quan cấp Tá và 04 (bốn) chiến sĩ tiêu binh túc trực bên linh cữu.

b) Quân nhân hy sinh, từ trần có cấp bậc Trung tá, Thiếu tá hoặc giữ chức vụ chỉ huy cấp tiểu đoàn và tương đương: 02 (hai) sĩ quan cấp Úy và 04 (bốn) chiến sĩ tiêu binh túc trực bên linh cữu.

c) Quân nhân hy sinh, từ trần cấp Úy trở xuống hy sinh, từ trần: 04 (bốn) chiến sĩ tiêu binh túc trực bên linh cữu.

2. Đơn vị danh dự

a) Quân nhân hy sinh, từ trần có cấp bậc Đại tá, Thượng tá hoặc giữ chức vụ chỉ huy cấp trung đoàn và tương đương trở lên: Đơn vị danh dự gồm 20 (hai mươi) chiến sĩ, 01 (một) sĩ quan chỉ huy và 01 (một) tổ Quân kỳ.

b) Quân nhân hy sinh, từ trần có cấp bậc Trung tá, Thiếu tá hoặc giữ chức vụ chỉ huy cấp tiểu đoàn và tương đương: Đơn vị danh dự gồm 16 (mười sáu) chiến sĩ, 01 (một) sĩ quan chỉ huy và 01 (một) tổ Quân kỳ.

c) Quân nhân hy sinh, từ trần là cấp Úy: Đơn vị danh dự gồm 12 (mười hai) chiến sĩ, 01 (một) sĩ quan chỉ huy và 01 (một) tổ Quân kỳ.

d) Quân nhân hy sinh, từ trần là hạ sĩ quan, binh sĩ: Đơn vị danh dự gồm 08 (tám) chiến sĩ, 01 (một) sĩ quan chỉ huy.

3. Phân cấp sử dụng lực lượng phục vụ Lễ tang

a) Lễ tang tổ chức tại các Nhà tang lễ bệnh viện Quân đội trên địa bàn thành phố Hà Nội, do đơn vị chủ trì tổ chức Lễ tang thống nhất với Đoàn Nghi lễ Quân đội thực hiện;

b) Lễ tang tổ chức tại các Nhà tang lễ bệnh viện Quân đội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, do đơn vị chủ trì tổ chức Lễ tang thống nhất với Quân khu 7 thực hiện;

c) Lễ tang tổ chức ngoài địa bàn nêu trên, do đơn vị chủ trì tổ chức Lễ tang thực hiện.

4. Nhạc trong Lễ tang: Sử dụng băng nhạc buồn, bài "Hồn tử sĩ" và Hành khúc tang lễ.

Điều 22. Phương tiện phục vụ Lễ tang

1. Quân nhân hy sinh, từ trần có cấp bậc Đại tá, Thượng tá hoặc giữ chức vụ chỉ huy cấp Trung đoàn và tương đương trở lên (trừ các chức danh thuộc tổ chức Lễ tang Cấp cao) được sử dụng từ 09 (chín) đến 10 (mười) xe phục vụ, gồm: 01 (một) xe Quân kỳ; 01 (một) xe đội danh dự; 01 (một) xe chở hoa; 01 (một) xe chở linh cữu; 03 (ba) đến 04 (bốn) xe chở người đi đưa tang; 02 (hai) xe Ban Tổ chức Lễ tang.

2. Quân nhân hy sinh, từ trần có cấp bậc Trung tá, Thiếu tá hoặc có chức vụ chỉ huy cấp Tiểu đoàn và tương đương, được sử dụng từ 07 (bảy) đến 08 (tám) xe phục vụ, gồm: 01 (một) xe Quân kỳ; 01 (một) xe đội danh dự; 01 (một) xe hoa; 01 xe chở linh cữu; 01 (một) đến 02 (hai) xe chở người đi đưa tang; 02 (hai) xe Ban Tổ chức Lễ tang.

3. Quân nhân hy sinh, từ trần cấp Úy trở xuống được sử dụng từ 05 (năm) đến 06 (sáu) xe phục vụ, gồm: 01 (một) xe Ban Tổ chức Lễ tang; 01 (một) xe đội danh dự; 01 (một) xe hoa; 01 (một) xe chở linh cữu; 01 (một) đến 02 (hai) xe chở gia đình và đồng đội đưa tang.

4. Phân cấp sử dựng phương tiện phục vụ Lễ tang

a) Lễ tang tổ chức tại các nhà tang lễ trên địa bàn thành phố Hà Nội, do đơn vị chủ trì tổ chức Lễ tang thống nhất với Đoàn Nghi lễ Quân đội thực hiện;

b) Lễ tang tổ chức tại các nhà tang lễ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, do đơn vị chủ trì tổ chức Lễ tang thống nhất với Quân khu 7 thực hiện;

c) Lễ tang tổ chức ngoài địa bàn nêu trên, xe phục vụ Lễ tang, do đơn vị chủ trì tổ chức Lễ tang thực hiện.

Điều 23. Các nội dung khác

Nơi tổ chức Lễ tang; nơi an táng; trang trí lễ đài; vòng hoa viếng; Lễ viếng; Lễ truy điệu; Lễ đưa tang; Lễ hạ huyệt thực hiện theo quy định tại các Điều 51, 52, 53, 54, Điều 55 Nghị định số 105/2012/NĐ-CP và quy định tại Thông tư này. Trường hợp đặc biệt, do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định.

Mục 2. LỄ TANG ĐỐI VỚI CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC QUỐC PHÒNG

Điều 24. Phân cấp tổ chức Lễ tang

1. Công nhân, viên chức quốc phòng hy sinh, từ trần tổ chức Lễ tang như đối với cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước từ trần theo quy định tại Chương V Nghị định số 105/2012/NĐ-CP.

2. Công nhân, viên chức quốc phòng có hệ số lương tương ứng với sĩ quan cấp nào thì được phân cấp tổ chức Lễ tang tương ứng như đối với sĩ quan cấp đó theo quy định tại Điều 17 Thông tư này.

Điều 25. Chuẩn bị tin buồn, lời điếu, đưa tin, đăng tin buồn

1. Chuẩn bị tin buồn, lời điếu

a) Cơ quan chính trị đơn vị chủ trì tổ chức Lễ tang chuẩn bị tin buồn, lời điếu, có tham khảo ý kiến của gia đình trước khi thông qua Trưởng Ban Tổ chức Lễ tang;

b) Cục Cán bộ, Cục Quân lực thẩm định nội dung tin buồn và chuyển đến các báo, đài theo phân cấp quản lý.

2. Đưa tin, đăng tin buồn

a) Đưa tin, đăng tin buồn trên trang 8 Báo Nhân dân thực hiện như Điểm a, Khoản 2, Điều 20 Thông tư này.

b) Đưa tin, đăng tin buồn trên Báo Quân đội nhân dân: Người hy sinh, từ trần có hệ số lương từ 5,76 (Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương công chức, viên chức và lực lượng vũ trang) và tương đương trở lên; đối tượng thuộc Điểm a Khoản 2 Điều này.

Chương V

LỄ TANG ĐỐI VỚI QUÂN NHÂN NGHỈ HƯU CẤP BẬC TỪ ĐẠI TÁ TRỞ XUỐNG

Điều 26. Đơn vị Quân đội chủ trì, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương cùng gia đình tổ chức Lễ tang

Khi quân nhân nghỉ hưu từ trần, tổ chức Lễ tang tại nhà tang lễ bệnh viện Quân đội; căn cứ đối tượng và Điều kiện cụ thể của người từ trần, đơn vị Quân đội quản lý quân nhân trước khi nghỉ hưu hoặc cơ quan quân sự địa phương chủ trì, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương cùng gia đình tổ chức Lễ tang, cụ thể như sau:

1. Đơn vị quản lý quân nhân trước khi nghỉ hưu (đơn vị cũ) chủ trì

a) Đối tượng:

- Quân nhân nghỉ hưu từ trần có cấp bậc Đại tá hoặc có chức vụ nguyên là lãnh đạo, chỉ huy cấp cục, vụ, sư đoàn, Bộ Chỉ huy quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh và tương đương trở lên;

- Quân nhân nghỉ hưu từ trần là cán bộ Tiền khởi nghĩa; cán bộ hoạt động kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất hoặc Huân chương Quân công hạng Nhất; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Anh hùng Lao động; Đại biểu Quốc hội; Nhà giáo nhân dân; Thầy thuốc nhân dân; Nghệ sĩ nhân dân; Giáo sư.

b) Điều kiện: Lễ tang được tổ chức tại nhà tang lễ bệnh viện Quân đội trên cùng địa bàn cấp tỉnh (với đơn vị cũ) hoặc không cùng địa bàn nhưng ở địa bàn giáp ranh dưới 100 km đối với đồng bằng, trung du và dưới 50 km đối với miền núi theo đường quốc lộ, tỉnh lộ.

c) Phân cấp chủ trì: Thực hiện theo quy định tại Khoản 1, 2 Điều 17 Thông tư này.

Căn cứ chức vụ trước khi nghỉ hưu của người từ trần, đơn vị cũ xác định thành phần Ban Tổ chức Lễ tang và Trưởng Ban Tổ chức Lễ tang cho phù hợp.

2. Cơ quan quân sự địa phương chủ trì

a) Đối tượng:

- Quân nhân nghỉ hưu từ trần theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này cư trú trên địa bàn mà đơn vị trước khi nghỉ hưu ở xa hoặc đã giải thể;

- Quân nhân nghỉ hưu từ trần thuộc các đối tượng còn lại cư trú trên địa bàn.

b) Điều kiện: Lễ tang được tổ chức tại nhà tang lễ bệnh viện Quân đội trên cùng địa bàn cấp tỉnh.

c) Phân cấp chủ trì

- Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh cùng gia đình chủ trì, phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương tổ chức Lễ tang đối với đối tượng quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này cư trú trên địa bàn mà đơn vị trước khi nghỉ hưu ở xa hoặc đã giải thể; đồng thời, thông báo đơn vị cũ đến viếng hoặc gửi vòng hoa viếng.

- Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện cùng gia đình chủ trì, phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương tổ chức Lễ tang đối với quân nhân nghỉ hưu có cấp bậc quân hàm từ Thượng tá trở xuống; đồng thời, đơn vị cũ phối hợp tham gia Ban Tổ chức Lễ tang, đến viếng hoặc gửi vòng hoa viếng.

3. Nghi thức tổ chức Lễ tang đối với cán bộ Quân đội nghỉ hưu: Trường hợp có Điều kiện thì nghi thức tổ chức Lễ tang được thực hiện như đối với quân nhân có cùng cấp bậc, chức vụ đang công tác hy sinh, từ trần.

Điều 27. Đơn vị Quân đội phối hợp tham gia tổ chức Lễ tang

Quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng nghỉ hưu từ trần không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 26 Thông tư này, do cấp ủy, chính quyền địa phương chủ trì, phối hợp gia đình tổ chức Lễ tang theo quy định tại Nghị định số 105/2012/NĐ-CP. Đơn vị Quân đội phối hợp tham gia tổ chức Lễ tang, như sau:

1. Đơn vị cũ (ở gần) và cơ quan quân sự địa phương sở tại cử cán bộ tham gia Ban Tổ chức Lễ tang và phối hợp tổ chức Lễ tang.

2. Nội dung phối hợp tổ chức Lễ tang

- Lễ tang tổ chức tại nhà tang lễ, nếu có Điều kiện thì có thể vận dụng thực hiện một số nội dung theo nghi thức quân đội, như: Tiêu binh, túc trực linh cữu, đơn vị danh dự, do cơ quan quân sự địa phương tham mưu, đề xuất và phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện; bảo đảm phù hợp với tình hình cụ thể và Điều kiện, khả năng của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

- Lễ tang tổ chức tại gia đình: Thực hiện theo phong tục của địa phương; cơ quan quân sự địa phương và đơn vị cũ (nếu ở gần) tổ chức đoàn viếng.

Điều 28. Đăng tin buồn trên Báo Nhân dân và Báo Quân đội nhân dân

1. Việc đăng tin buồn trên trang 8 Báo Nhân dân, thực hiện theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 20 Thông tư này. Việc đăng tin buồn trên Báo Quân đội, nhân dân thực hiện theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 20 Thông tư này.

Cục Chính sách thẩm định nội dung tin buồn.

2. Những nội dung khác thực hiện theo quy định tại Chương V Nghị định số 105/2012/NĐ-CP.

Chương VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 29. Tổng cục Chính trị

Chỉ đạo triển khai thực hiện Thông tư này; đồng thời, chỉ đạo các cơ quan thực hiện nhiệm vụ theo chức năng, như sau:

1. Cục Chính sách

a) Chủ trì, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các quy định về tổ chức lễ tang theo quy định tại Thông tư này; chỉ đạo, hướng dẫn và giải quyết vướng mắc, phát sinh trong thực hiện tổ chức lễ tang đối với quân nhân đã nghỉ hưu, từ trần;

b) Chủ trì đề xuất, phối hợp thực hiện những nội dung liên quan đến tổ chức Lễ tang cấp Nhà nước, Lễ tang Cấp cao trong Quân đội đối với cán bộ Quân đội đã nghỉ hưu từ trần;

c) Dự toán kinh phí, xăng dầu bảo đảm phục vụ Lễ tang quân nhân nghỉ hưu theo quy định tại Thông tư này.

2. Cục Cán bộ

a) Chỉ đạo tổ chức lễ tang đối với các đối tượng đang công tác hy sinh, từ trần thuộc thẩm quyền quản lý;

b) Chủ trì đề xuất, phối hợp thực hiện những nội dung liên quan đến tổ chức Lễ tang cấp Nhà nước, Lễ tang Cấp cao do Quân đội chủ trì đối với cán bộ đang công tác hy sinh, từ trần.

3. Cục Tuyên huấn

Chỉ đạo các hoạt động đưa tin, viết bài, quay phim tài liệu, tuyên truyền về lễ tang và người hy sinh, từ trần, phù hợp với các quy định tại Thông tư này.

4. Cục Bảo vệ an ninh Quân đội

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan, chỉ đạo thực hiện các quy định về bảo đảm an ninh trong tổ chức lễ tang; trực tiếp chỉ đạo và bảo đảm công tác an ninh, an toàn trong tổ chức Lễ tang cấp Nhà nước, Lễ tang Cấp cao do Bộ Quốc phòng chủ trì theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.

5. Báo Quân đội nhân dân và Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội

Phối hợp tuyên truyền, phổ biến nội dung Thông tư; thực hiện việc đưa, đăng tin buồn; viết bài hoặc phát hành phim tài liệu về thân thế, sự nghiệp người hy sinh, từ trần theo quy định tại Thông tư này.

Điều 30. Bộ Tổng Tham mưu

Chỉ đạo triển khai thực hiện Thông tư này; đồng thời, chỉ đạo các cơ quan thực hiện nhiệm vụ theo chức năng, như sau:

1. Cục Quân huấn

a) Quy định chi Tiết nghi thức trong các hình thức tổ chức lễ tang; thứ tự các bước thực hiện trong Lễ viếng, Lễ truy điệu, Lễ đưa tang và Lễ an táng (hoặc hoả táng, điện táng); tổ chức lực lượng, bảo đảm phương tiện, trang bị và đội hình xe trong các hình thức tổ chức lễ tang; quy định phạm vi sử dụng lực lượng nghi lễ khi đưa tang ra ngoài địa bàn thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

b) Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan Điều hành các lực lượng, phương tiện phục vụ trong quá trình tổ chức Lễ tang cấp Nhà nước và Lễ tang Cấp cao do Bộ Quốc phòng chủ trì.

2. Cục Quân lực

a) Chỉ đạo tổ chức lễ tang đối với các đối tượng đang công tác trong Quân đội hy sinh, từ trần thuộc thẩm quyền quản lý;

b) Nghiên cứu, đề xuất tổ chức biên chế, lực lượng phục vụ lễ tang theo quy định tại Thông tư này.

3. Đoàn Nghi lễ Quân đội và Đội nghi lễ Quân đội thuộc Quân khu 7

Tổ chức lực lượng, bảo đảm phương tiện chuyên dùng; thực hiện các nghi thức, nghi lễ trong các hình thức tổ chức lễ tang theo quy định tại Thông tư này.

Điều 31. Tổng cục Hậu cần

Hằng năm, chỉ đạo, hướng dẫn lập dự toán và phân cấp xăng dầu hỗ trợ tổ chức lễ tang cho các cơ quan, đơn vị; thực hiện các nội dung có liên quan theo chức năng.

Điều 32. Tổng cục Kỹ thuật

Chỉ đạo công tác bảo đảm kỹ thuật cho các phương tiện ô tô, xe máy phục vụ Lễ tang cấp Nhà nước, Lễ tang Cấp cao do Bộ Quốc phòng chủ trì và các nội dung có liên quan khác theo chức năng.

Điều 33. Cục Tài chính/Bộ Quốc phòng

Hằng năm, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị lập dự toán, phân cấp kinh phí, kiểm tra, hướng dẫn sử dụng và thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ tổ chức lễ tang theo quy định tại Thông tư này.

Điều 34. Các đơn vị trực thuộc Quân ủy Trung ương

Quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện Thông tư này. Hằng năm, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền lập dự toán kinh phí, xăng dầu bảo đảm cho tổ chức lễ tang và thanh quyết toán theo quy định.

Điều 35. Kinh phí, xăng dầu bảo đảm

1. Kinh phí tổ chức Lễ tang cấp Nhà nước và Lễ tang Cấp cao

Kinh phí tổ chức Lễ tang cấp Nhà nước và Lễ tang Cấp cao trong Quân đội quy định tại Chương II, Chương III Thông tư này thực hiện theo Thông tư số 74/2013/TT-BTC ngày 04 tháng 6 năm 2013 của Bộ Tài chính quy định các Khoản chi phí và thực hiện việc cấp phát, quyết toán ngân sách Nhà nước phục vụ Lễ Quốc tang, Lễ tang cấp Nhà nước, Lễ tang Cấp cao.

2. Kinh phí tổ chức lễ tang đối với quân nhân có cấp bậc Đại tá trở xuống đang công tác hoặc nghỉ hưu và công nhân, viên chức quốc phòng đang công tác hy sinh, từ trần thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; đồng thời, được Bộ Quốc phòng hỗ trợ thêm kinh phí theo quy định hiện hành. Các cơ quan, đơn vị chủ trì tổ chức lễ tang hoặc thay mặt đơn vị Quân đội đi viếng được chi các nội dung theo chế độ quy định.

3. Hằng năm, Bộ Quốc phòng bố trí một Khoản xăng dầu để hỗ trợ cho các cơ quan, đơn vị chủ trì và tham gia tổ chức lễ tang, phù hợp với việc phân cấp và nghi thức tổ chức lễ tang trong Quân đội.

Chương VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 36. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 8 năm 2016 và thay thế Thông tư Liên tịch số 114/2005/TTLT-BQP-BNV ngày 01 tháng 8 năm 2005 của Bộ Quốc phòng - Bộ Nội vụ về Hướng dẫn thực hiện tổ chức lễ tang đối với quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng hy sinh, từ trần.

Điều 37. Trách nhiệm thi hành

1. Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, chỉ huy các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

2. Quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, báo cáo về Bộ Quốc phòng (qua Cục Chính sách/Tổng cục Chính trị) để xem xét, giải quyết./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 86/2016/TT-BQP Quy định và hướng dẫn tổ chức lễ tang đối với quan nhân, công nhân, viên chức quốc phòng; người làm công tác cơ yếu do Bộ Quốc phòng quản lý

  • Số hiệu: 86/2016/TT-BQP
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 20/06/2016
  • Nơi ban hành: Bộ Quốc phòng
  • Người ký: Lê Chiêm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 455 đến số 456
  • Ngày hiệu lực: 05/08/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản