Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 85/2002/TT-BTC | Hà Nội, ngày 26 tháng 9 năm 2002 |
Thi hành Nghị định số 69/2002/NĐ-CP ngày 12/7/2002 của Chính phủ (dưới đây gọi tắt là Nghị định số 69/2002/NĐ-CP) về quản lý và xử lý nợ tồn đọng đối với doanh nghiệp Nhà nước, Bộ Tài chính hướng dẫn một số điểm cụ thể như sau:
1/ Đối tượng áp dụng:
1.1. Doanh nghiệp nhà nước độc lập và doanh nghiệp nhà nước thành viên hạch toán độc lập thuộc các tổng công ty Nhà nước đang hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động công ích (dưới đây gọi chung là doanh nghiệp đang hoạt động).
Ngân hàng Thương mại Nhà nước có quy định riêng.
1.2. Doanh nghiệp nhà nước đã có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện cổ phần hoá, giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê hoặc chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đang thực hiện các thủ tục chuyển đổi (dưới đây gọi chung là doanh nghiệp chuyển đổi).
2/ Phạm vi xử lý:
2.1. Đối với doanh nghiệp đang hoạt động: phạm vi xử lý là các khoản nợ phải thu, nợ phải trả đã quá thời hạn thanh toán đến ngày 31/12/2000, doanh nghiệp đã đối chiếu xác nhận, đôn đốc thanh toán nhưng chưa thanh toán được và đến nay vẫn còn tồn đọng.
2.2. Đối với doanh nghiệp chuyển đổi: phạm vi xử lý là các khoản nợ phải thu, nợ phải trả đã quá thời hạn thanh toán, doanh nghiệp đã đối chiếu xác nhận, đôn đốc thanh toán nhưng đến thời điểm chuyển đổi vẫn chưa thanh toán được.
I/ XỬ LÝ CÁC KHOẢN NỢ PHẢI THU KHÔNG CÓ KHẢ NĂNG THU HỒI:
1/ Căn cứ xác định các khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi:
Căn cứ để xác định các khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi quy định tại khoản 1 Điều 5 của Nghị định số 69/2002/NĐ- CP của Chính phủ gồm các tài liệu như sau:
1.1. Tài liệu chứng minh khoản nợ tồn đọng đến thời điểm ngày 31/12/2000 (đối với doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động) và đến thời điểm xử lý nợ chưa thu được hoặc đến thời điểm chuyển đổi (đối với doanh nghiệp chuyển đổi) chưa thu được là: Biên bản đối chiếu nợ được chủ nợ và khách nợ xác nhận hoặc Bản thanh lý hợp đồng kinh tế hoặc xác nhận của cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp, tổ chức hoặc các tài liệu khách quan khác chứng minh được số nợ tồn đọng và các giấy tờ tài liệu liên quan.
1.2. Sổ kế toán, chứng từ, tài liệu chứng minh khoản nợ chưa thu hồi được, đến thời điểm xử lý nợ doanh nghiệp đang hạch toán nợ phải thu trên sổ kế toán của doanh nghiệp.
1.3. Tài liệu chứng minh khoản nợ phải thu quá hạn hoặc chưa quá hạn thuộc một trong các trường hợp sau đây coi là khoản nợ không có khả năng thu hồi:
1.3.1 Đối với khoản nợ mà khách nợ là doanh nghiệp, tổ chức đã giải thể, phá sản:
- Quyết định hoặc thông báo giải thể của cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp, tổ chức hoặc quyết định phá sản doanh nghiệp của toà án (bản sao có ký tên, đóng dấu của doanh nghiệp - dưới đây gọi tắt là bản sao). Trường hợp tự giải thể thì có thông báo của doanh nghiệp hoặc xác nhận của cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp, tổ chức;
- Đối với doanh nghiệp đang hoạt động, phải có thêm tài liệu chứng minh khách nợ là doanh nghiệp, tổ chức đã hoàn thành việc giải thể, phá sản nhưng chưa thanh toán hết nợ cho doanh nghiệp: xác nhận của cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp, tổ chức hoặc của Toà án thụ lý phá sản doanh nghiệp.
1.3.2 Đối với khách nợ đã ngừng hoạt động và không có khả năng chi trả: Xác nhận của cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp hoặc tổ chức về việc doanh nghiệp, tổ chức đã ngừng hoạt động không có khả năng thanh toán.
1.3.3 Đối với khách nợ là cá nhân đã chết, mất tích, đang thi hành án phạt tù hoặc người thừa kế theo luật, nhưng không có khả năng chi trả theo phán quyết của Toà án:
- Đối với khách nợ là cá nhân đã chết, có giấy chứng tử (bản sao) hoặc xác nhận đã chết của chính quyền địa phương;
- Đối với khách nợ là cá nhân đã mất tích: văn bản tuyên bố mất tích của tòa án (bản sao) hoặc xác nhận của chính quyền địa phương;
- Đối với khách nợ là cá nhân đã bỏ trốn khỏi địa phương: có lệnh truy nã của cơ quan công an (bản sao) hoặc xác nhận của công an xã, phường;
- Đối với khách nợ là cá nhân đang thi hành án phạt tù: có Bản án thi hành án phạt tù của Toà án (bản sao); phán quyết của Toà án (bản sao) hoặc xác nhận của chính quyền địa phương về việc khách nợ hoặc người thừa kế không có khả năng chi trả.
1.3.4 Đối với khách nợ là Hợp tác xã nông nghiệp đã giải thể, Hợp tác xã nông nghiệp đã được chuyển đổi và đăng ký kinh doanh theo Nghị định số 16/CP ngày 12/ 02/1997 của Chính phủ nhưng quá khó khăn về tài chính, kinh doanh thua lỗ không có khả năng trả nợ, Hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động kinh doanh có lãi mà số tiền nợ này đã được sử dụng để đầu tư cơ sở hạ tầng, nhưng đến nay các cơ sở hạ tầng đó đã bị hư hỏng, thiệt hại do thiên tai, bão lụt tàn phá được Nhà nước cho xoá nợ. Tài liệu chứng minh là hồ sơ xử lý nợ theo hướng dẫn tại Thông tư số 31/2002/TT-BTC ngày 29/3/2002 của Bộ Tài chính hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền xoá nợ cho Hợp tác xã (bản sao).
1.3.5 Đối với các khoản nợ mà khách nợ đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định cho xoá nợ theo quy định của pháp luật: Quyết định của cơ quan có thẩm quyền xoá nợ cho khách nợ theo quy định của pháp luật (bản sao).
1.3.6 Đối với khoản chênh lệch còn lại của khoản nợ không thu hồi được sau khi đã xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể phải bồi thường vật chất: Quyết định xử lý nợ của Hội đồng quản trị hoặc Biên bản xử lý nợ của Hội đồng xử lý nợ doanh nghiệp hoặc quyết định của giám đốc doanh nghiệp xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể phải bồi thường vật chất (bản sao).
1.3.7 Khoản chênh lệch thiệt hại được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận do bán nợ phải thu: Hồ sơ khoản nợ và Hợp đồng mua bán nợ (bản sao).
1.3.8 Các khoản nợ phải thu mà dự toán chi phí đòi nợ lớn hơn giá trị khoản nợ phải thu: Các văn bản đôn đốc thanh toán nợ, dự toán chi phí đòi nợ của doanh nghiệp, Biên bản xử lý nợ của Hội đồng xử lý nợ doanh nghiệp (bản sao).
1.3.9 Các khoản nợ phải thu đã quá thời hạn thanh toán từ 3 năm trở lên kể từ khi đến hạn, tuy khách nợ còn tồn tại, đang hoạt động nhưng kinh doanh thua lỗ liên tục và quá khó khăn, hoàn toàn không có khả năng thanh toán, doanh nghiệp đã tích cực áp dụng các biện pháp nhưng vẫn không thu được nợ: Các tài liệu chứng minh khoản nợ tồn đọng đến thời điểm xử lý nợ đã quá hạn từ 3 năm trở lên chưa thu được; các văn bản đôn đốc đòi nợ của doanh nghiệp; báo cáo tài chính của khách nợ đã được kiểm toán (nếu có) hoặc có xác nhận của cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp về tình trạng tài chính của doanh nghiệp.
2/ Xử lý tài chính đối với khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi
2.1. Đối với doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động, các khoản nợ phải thu quá hạn hoặc chưa quá hạn nhưng có đủ căn cứ để xác định là khoản nợ không có khả năng thu hồi theo quy định tại khoản 1 mục I nêu trên, được xử lý bằng các nguồn theo thứ tự sau đây:
2.1.1 Dùng nguồn dự phòng các khoản phải thu khó đòi để bù đắp.
2.1.2 Nếu nguồn dự phòng các khoản phải thu khó đòi không đủ bù đắp, doanh nghiệp được hạch toán phần còn thiếu vào chi phí hoạt động kinh doanh.
2.1.3 Truờng hợp hạch toán vào chi phí hoạt động kinh doanh trong 2 năm liên tiếp mà doanh nghiệp bị lỗ không có khả năng bù đắp và doanh nghiệp không thuộc trường hợp phải giải thể, phá sản thì doanh nghiệp lập hồ sơ báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định giảm vốn Nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định dưới đây:
a) Hồ sơ thủ tục gồm:
- Văn bản đề nghị giảm vốn của doanh nghiệp, có giải trình cụ thể việc xử lý các khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi theo tiết 2.1.1, 2.1.2 điểm 2.1 khoản này, những khó khăn của doanh nghiệp không có khả năng tự bù đắp khoản lỗ do xử lý các khoản nợ nêu trên.
- Hồ sơ và tài liệu chứng minh từng khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi theo quy định tại khoản 1, mục I phần B Thông tư này.
- Các báo cáo tài chính, biên bản kiểm tra báo cáo tài chính và Biên bản quyết toán thuế (nếu có) của doanh nghiệp năm đề nghị xử lý và năm trước liền kề (bản sao).
- Văn bản của Bộ quản lý ngành, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng công ty (sau đây gọi tắt là cơ quan quản lý cấp trên) đề nghị xử lý giảm vốn cho doanh nghiệp.
b) Cơ quan thẩm định và quyết định giảm vốn cho doanh nghiệp:
- Đối với các doanh nghiệp hạch toán độc lập là thành viên các Tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp hạch toán độc lập thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp Trung ương) gửi hồ sơ, tài liệu về Cục Tài chính doanh nghiệp thẩm định, trình Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định.
- Đối với doanh nghiệp hạch toán độc lập là thành viên các Tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp hạch toán độc lập do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp địa phương) gửi hồ sơ, tài liệu về Sở Tài chính - Vật giá thẩm định, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định.
2.1.4 Trường hợp do xử lý các khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi theo quy định tại tiết 2.1.1, 2.1.2, 2.1.3 điểm 2.1 nêu trên mà doanh nghiệp bị lỗ, nhưng doanh nghiệp không thuộc trường hợp phải giải thể, phá sản, cần giữ lại là doanh nghiệp 100 % vốn Nhà nước theo Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2002-2005 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có Phương án kinh doanh có hiệu quả được cấp có thẩm quyền duyệt thì doanh nghiệp có văn bản báo cáo kèm theo hồ sơ, tài liệu gửi về Cục Tài chính doanh nghiệp xem xét, trình Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định việc hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp từ nguồn chi phí cải cách doanh nghiệp Nhà nước theo Quyết định 92/QĐ- TTg ngày 29/01/2002 của Thủ tướng Chính phủ để xử lý hết lỗ đảm bảo số vốn ban đầu của doanh nghiệp.
Hồ sơ thủ tục gồm:
- Văn bản của doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ vốn hoặc xử lý giảm lỗ còn lại, có giải trình cụ thể việc đã xử lý các khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi theo quy định tại tiết 2.1.1, 2.1.2, 2.1.3 điểm 2.1 nêu trên, số lỗ còn lại và số vốn đề nghị hỗ trợ.
- Hồ sơ và tài liệu chứng minh từng khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi theo quy định tại khoản 1, mục I phần B Thông tư này.
- Các báo cáo tài chính, biên bản kiểm tra báo cáo tài chính và Biên bản quyết toán thuế (nếu có) của doanh nghiệp năm đề nghị xử lý và năm trước liền kề (bản sao).
- Quyết định xử lý giảm vốn Nhà nước tại doanh nghiệp của cơ quan có thẩm quyền.
- Phương án kinh doanh có hiệu quả được cấp có thẩm quyền duyệt.
- Văn bản của cơ quan quản lý cấp trên đề nghị xử lý lỗ còn lại và hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp.
2.2. Đối với doanh nghiệp nhà nước đang thực hiện chuyển đổi, các khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi được xử lý bằng các nguồn theo thứ tự sau đây:
2.2.1 Dùng nguồn dự phòng các khoản nợ phải thu khó đòi bù đắp;
2.2.2 Nếu nguồn dự phòng các khoản phải thu khó đòi không đủ bù đắp, doanh nghiệp được hạch toán toàn bộ (xử lý 1 lần) số còn thiếu vào chi phí hoạt động kinh doanh trước khi chuyển đổi.
2.2.3 Trường hợp sau khi xử lý nợ phải thu không có khả năng thu hồi theo quy định tại tiết 2.2.2 điểm 2.2 nêu trên mà doanh nghiệp bị lỗ hoặc khi chưa xử lý nợ doanh nghiệp đã bị lỗ thì xử lý như sau:
a) Đối với doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hoá, bán, giao cho tập thể người lao động thì xuất trình các căn cứ chứng minh khoản nợ phải thu không thu hồi được theo quy định tại khoản 1, mục I phần B thông tư này và các tài liệu liên quan cho Hội đồng xác định giá trị doanh nghiệp hoặc Công ty kiểm toán, tổ chức có chức năng định giá được chọn để xem xét báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định giảm trừ vào phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định hiện hành.
b) Đối với doanh nghiệp nhà nước thực hiện khoán kinh doanh, cho thuê doanh nghiệp, chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thì lập hồ sơ báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định giảm vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
- Hồ sơ bao gồm:
+ Văn bản đề nghị xử lý giảm vốn của doanh nghiệp, có giải trình rõ lý do và mức vốn xin giảm.
+ Hồ sơ và tài liệu chứng minh từng khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi theo quy định tại khoản 1, mục I phần B Thông tư này.
+ Các báo cáo tài chính, biên bản kiểm tra báo cáo tài chính và Biên bản quyết toán thuế (nếu có) của doanh nghiệp năm đề nghị xử lý và năm trước liền kề (bản sao).
+ Văn bản của cơ quan quản lý cấp trên đề nghị giảm vốn cho doanh nghiệp.
- Cơ quan thẩm định và quyết định giảm vốn cho doanh nghiệp:
+ Đối với các doanh nghiệp Trung ương quản lý: gửi hồ sơ, tài liệu về Cục Tài chính doanh nghiệp thẩm định, trình Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định giảm vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
+ Đối với các doanh nghiệp địa phương: gửi hồ sơ, tài liệu về Sở Tài chính - Vật giá tỉnh thẩm định, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định giảm vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
2.2.4 Đối với doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hoá, trường hợp giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp không đủ để xử lý lỗ luỹ kế và nợ không có khả năng thu hồi hoặc sau khi xử lý giảm giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp mà giá trị còn lại không đủ để đảm bảo mức vốn Nhà nước cần tham gia trong công ty cổ phần theo phương án được duyệt (theo quy định của Quyết định số 58/2002/QĐ-TTg ngày 25/4/2002 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước và Tổng công ty nhà nước) thì doanh nghiệp có văn bản đề nghị kèm theo hồ sơ tài liệu gửi về Cục Tài chính doanh nghiệp xem xét, trình Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định chuyển giao (bán theo giá chỉ định) một số khoản nợ phải thu cho tổ chức có chức năng mua bán nợ và tài sản tồn đọng. Phần chênh lệch do bán nợ (nếu có) được xử lý giảm vốn Nhà nước trước khi chuyển đổi.
- Tổ chức có chức năng mua bán nợ và tài sản tồn đọng tiếp nhận khoản nợ, thanh toán cho doanh nghiệp theo giá chỉ định (do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định) và tiếp tục tìm biện pháp thu hồi. Chênh lệch giữa giá trị khoản nợ với số thực tế thu được của tổ chức có chức năng mua bán nợ và tài sản tồn đọng được Bộ Tài chính hỗ trợ từ nguồn chi phí cải cách doanh nghiệp.
Hồ sơ bao gồm:
- Văn bản đề nghị xử lý của doanh nghiệp, có giải trình rõ lý do, mức vốn xin giảm, những khoản nợ phải thu đề nghị được bán theo giá chỉ định (có đề xuất mức giá chỉ định) cho tổ chức có chức năng mua bán nợ và tài sản tồn đọng, số lỗ lũy kế, số nợ không có khả năng thu hồi , số vốn Nhà nước tại doanh nghiệp khi chưa xử lý, số vốn để thực hiện chính sách ưu đãi khi bán cổ phần cho người lao động trong doanh nghiệp, số vốn Nhà nước cần có để đủ tỷ lệ vốn Nhà nước trong công ty cổ phần.
- Hồ sơ và tài liệu chứng minh từng khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi quy định tại khoản 1, mục I phần B Thông tư này.
- Các báo cáo tài chính, biên bản kiểm tra báo cáo tài chính và Biên bản quyết toán thuế (nếu có) của doanh nghiệp năm đề nghị xử lý và năm trước liền kề (bản sao).
- Văn bản đề nghị xử lý của cơ quan quản lý cấp trên và cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp Nhà nước.
- Biên bản xác định giá trị doanh nghiệp trước khi chuyển đổi của Hội đồng xác định giá trị doanh nghiệp.
- Quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc chuyển đổi doanh nghiệp Nhà nước ( bản sao).
2.3. Việc xử lý nợ đối với doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi được thực hiện đồng bộ các giải pháp cùng với việc xử lý các tồn tại của doanh nghiệp trước khi chuyển đổi được xác định trong Phương án chuyển đổi sắp xếp doanh nghiệp.
2.4. Các khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi sau khi đã được xử lý theo các nội dung nêu trên, doanh nghiệp nhà nước hoặc người đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải theo dõi và tổ chức thu hồi:
- Đối với doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động phải theo dõi trên tài khoản thuộc các chỉ tiêu ngoài bảng cân đối kế toán và tổ chức thu hồi trong thời hạn 5 năm . Số tiền thu hồi được, hạch toán vào thu nhập của doanh nghiệp.
- Đối với doanh nghiệp chuyển đổi, sau khi chuyển đổi người đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có trách nhiệm tiếp tục theo dõi và tổ chức thu hồi các khoản nợ phải thu khó đòi đã được xử lý trước khi chuyển đổi nhưng vẫn có khả năng thu hồi, tiền thu được sau khi đã trừ chi phí thu hồi nợ nộp vào Quỹ hỗ trợ sắp xếp và cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước hoặc chuyển giao hồ sơ, tài liệu cho tổ chức có chức năng mua bán nợ và tài sản tồn đọng theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để tiếp tục theo dõi và tổ chức thu hồi vào ngân sách nhà nước.
II. XỬ LÝ CÁC KHOẢN NỢ PHẢI TRẢ TỒN ĐỌNG CỦA DOANH NGHIỆP
1. Các khoản nợ thuế và các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước:
1.1. Giải quyết hỗ trợ vốn đầu tư:
Các doanh nghiệp có dự án đầu tư quy định tại các khoản 1 Điều 11 Nghị định số 69/2002/NĐ-CP thực hiện theo hướng dẫn tại mục III phần B Thông tư số 32/2002/TT- BTC ngày 10/4/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện quyết định số 172/2001/QĐ- TTg ngày 5/11/2001 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là Thông tư số 32/2002/TT- BTC).
1.2. Giải quyết xoá nợ:
1.2.1 Các doanh nghiệp thuộc đối tượng quy định tại các khoản 2, khoản 3, khoản 6 Điều 11 Nghị định số 69/2002/NĐ-CP thực hiện theo hướng dẫn tại điểm 1 mục IV phần B Thông tư số 32/2002/TT- BTC .
1.2.2 Các doanh nghiệp thuộc đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 11 Nghị định số 69/2002/NĐ-CP thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 2 mục IV phần B Thông tư số 32/2002/TT- BTC.
1.2.3 Các doanh nghiệp thuộc đối tượng quy định tại khoản 5 Điều 11 Nghị định số 69/2002/NĐ-CP thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 3 mục IV phần B Thông tư số 32/2002/TT- BTC.
1.2.4 Các doanh nghiệp nhận ứng tiền của ngân sách để mua hàng xuất khẩu trả nợ nước ngoài, xuất khẩu lấy ngoại tệ lập quỹ dự trữ Nhà nước, hoặc dự trữ lưu thông, nhưng do biến động giá cả, doanh nghiệp không mua đủ quỹ hàng hoá theo quy định nên đang ghi nợ phải trả ngân sách. Nếu số nợ đó đã kê khai và được Ban thanh toán nợ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc Bộ quản lý kinh tế ngành xác nhận thì được xoá nợ.
Các doanh nghiệp thuộc đối tượng này phải có văn bản giải trình rõ số nợ, nguyên nhân nợ, kèm theo các văn bản liên quan đến khoản nợ đã kê khai và xác nhận của Ban thanh toán nợ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc Bộ quản lý ngành.
Hồ sơ trên doanh nghiệp gửi về Cục Tài chính doanh nghiệp để xem xét, trình Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định xoá nợ cho doanh nghiệp phần chênh lệch do nguyên nhân trên.
1.2.5 Các doanh nghiệp nợ ngân sách Nhà nước tiền hàng nhập khẩu theo Nghị định thư của Chính phủ, do đã bán trả chậm hàng hoá cho các đơn vị theo chỉ đạo và quy định của các cơ quan có thẩm quyền, đến nay không thu được nợ thì làm văn bản giải trình rõ lý do không thu được tiền kèm theo các giấy tờ liên quan đến việc bán trả chậm hàng hoá gửi về Cục Tài chính doanh nghiệp xem xét, trình Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định xoá nợ.
Các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hoá theo Nghị định thư nhưng do hàng hoá không phù hợp với yêu cầu thị trường, phải bán với giá thấp hơn giá đã nhận của Nhà nước nên bị lỗ mà chưa được xử lý thì làm văn bản đề nghị, kèm theo các giấy tờ liên quan gửi về Cục Tài chính doanh nghiệp xem xét, trình Bộ trưởng Bộ Tài chính xoá nợ.
2/ Các khoản nợ Ngân hàng thương mại Nhà nước
Việc xử lý các khoản doanh nghiệp nhà nước phải trả Ngân hàng Thương mại Nhà nước thực hiện theo quy định tại Điều 12 của Nghị định số 69/2002/NĐ-CP và hướng dẫn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quy định tại khoản 3 Điều 18 của Nghị định số 69/2002/NĐ-CP.
3/ Các khoản nợ phải trả Dự trữ Quốc gia
3.1. Các doanh nghiệp nhà nước nợ Dự trữ Quốc gia theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định số 69/2002/NĐ-CP được xử lý như sau:
3.1.1 Khoản nợ do ứng tiền mua thóc, nhận gia công gạo xuất khẩu, vay thóc Dự trữ Quốc gia trong các năm 1988 - 1990 mà doanh nghiệp đã trả đủ tiền ứng trước hoặc đã trả đủ tiền tính theo giá mua thóc ở thời điểm vay, nhưng quy về lượng theo giá ở thời điểm trả mà vẫn còn nợ thì được xóa nợ.
3.1.2 Giá thóc để xử lý, thanh toán nợ Quỹ Dự trữ Quốc gia đã được kê khai xác nhận đến thời điểm xử lý, thanh toán áp dụng theo giá thóc tính thuế nông nghiệp tại thời điểm vay nợ do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định.
3.2. Hồ sơ tài liệu:
- Tài liệu chứng minh khoản nợ doanh nghiệp phải trả Dự trữ Quốc gia từ năm 1998- 1990 đến nay còn tồn đọng: Hợp đồng kinh tế, phụ lục hợp đồng, đơn xin ứng, đơn xin vay, các chứng từ nhập, xuất, thu, chi liên quan đến nợ Dự trữ Quốc gia và các giấy tờ cam kết khác.
- Thẻ xác nhận nợ có chữ ký và đóng dấu của doanh nghiệp và Cục (hoặc Chi cục) Dự trữ Quốc gia.
- Biên bản đối chiếu nợ có chữ ký và đóng dấu của chủ nợ và khách nợ.
- Quyết định giá tính thuế nông nghiệp của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở thời điểm vay, nợ.
3.3. Cơ quan thẩm định và quyết định xoá nợ cho doanh nghiệp:
Doanh nghiệp có văn bản đề nghị kèm theo hồ sơ tài liệu báo cáo gửi về Cục Dự trữ Quốc gia xem xét, trình Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định xoá nợ.
4/ Khoản nợ Bảo hiểm xã hội
4.1. Đối với doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động: phải có trách nhiệm thanh toán dứt điểm khoản nợ đối với Bảo hiểm xã hội.
4.2. Đối với doanh nghiệp nhà nước thực hiện chuyển đổi: trước khi chuyển đổi có trách nhiệm thanh toán dứt điểm khoản nợ đối với Bảo hiểm xã hội. Nguồn tiền để thanh toán nợ Bảo hiểm xã hội phải được bố trí trong phương án chuyển đổi doanh nghiệp. Nhà nước hỗ trợ trong 2 trường hợp sau:
- Hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động đã đủ tuổi về hưu nhưng còn thiếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối đa 01 năm theo khoản 2 Điều 3 Nghị định số 41/2002/NĐ-CP ngày 11/4/2002 của Chính phủ về chính sách đối với lao động dôi dư do sắp xếp doanh nghiệp nhà nước.
Trình tự và thủ tục hỗ trợ thực hiện theo Thông tư số 11/2002/TT-BLĐTBXH ngày 12/6/2002 của Bộ Lao động Thương binh và xã hội và Quyết định số 85 /2002/QĐ-BTC ngày 01/7/2002 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
- Đối với doanh nghiệp nhà nước thực hiện chuyển đổi theo hình thức bán doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 103/1999/NĐ-CP ngày 10/9/1999 và Nghị định số 49 /2002/NĐ-CP ngày 24/4/2002 của Chính phủ mà người mua doanh nghiệp không kế thừa nợ thì doanh nghiệp bán được ưu tiên sử dụng tiền thu từ bán doanh nghiệp (sau khi trừ chi phí cho việc bán doanh nghiệp) để thanh toán nợ Bảo hiểm xã hội có đến thời điểm bán doanh nghiệp theo quy định tại Thông tư số 47/2000/TT-BTC ngày 24/5/2000 của Bộ Tài chính.
Trường hợp tiền thu từ bán doanh nghiệp không đủ để thanh toán nợ Bảo hiểm xã hội thi doanh nghiệp lập hồ sơ gửi Quỹ hỗ trợ sắp xếp và cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước cùng cấp để được hỗ trợ thanh toán số còn thiếu.
Trình tự và thủ tục hỗ trợ thực hiện theo Quy chế quản lý, thu nộp và sử dụng quỹ hỗ trợ sắp xếp và cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.
5/ Khoản nợ phải trả các tổ chức, cá nhân
Đối với doanh nghiệp nhà nước có quyết định chuyển thành công ty cổ phần, khi thực hiện chuyển đổi có nợ phải trả các tổ chức, cá nhân trong và ngoài doanh nghiệp mà doanh nghiệp có khó khăn hoặc có nhu cầu huy động thêm vốn, cơ cấu lại nợ và được chủ nợ chấp thuận thì được chuyển thành vốn góp cổ phần trong doanh nghiệp cổ phần hoá theo quy định tại điểm 3.6, khoản 3, mục II, phần thứ hai Thông tư số 76/2002/TT-BTC ngày 9/9/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn những vấn đề về tài chính khi chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần.
6/ Khoản nợ phải trả khác của doanh nghiệp đang hoạt động
6.1. Doanh nghiệp nhập hàng theo chỉ thị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng hàng bị tồn kho, ứ đọng, không tiêu thụ được thì được thanh lý. Việc thanh lý thực hiện theo quy định của pháp luật. Khoản lỗ do thanh lý hàng tồn kho, ứ đọng, doanh nghiệp lập hồ sơ báo cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định giảm vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
6.1.1 Hồ sơ tài liệu:
- Các văn bản, chỉ thị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu doanh nghiệp nhập hàng.
- Hồ sơ, tài liệu chứng minh việc doanh nghiệp đã nhập khẩu lô hàng theo chỉ thị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Văn bản báo cáo của doanh nghiệp đề nghị giảm vốn có giải trình về việc nhập hàng theo chỉ thị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, quá trình nhập khẩu, tiêu thụ và hàng hoá tồn kho ứ đọng không tiêu thụ được.
- Hồ sơ, tài liệu chứng minh hàng bị tồn kho, ứ đọng, đến thời điểm xử lý nợ không tiêu thụ được.
- Hồ sơ bán thanh lý hàng bị tồn kho, ứ đọng.
- Quyết toán thanh lý hàng bị tồn kho, ứ đọng.
- Ý kiến của cơ quan quan lý cấp trên.
6.1.2 Cơ quan thẩm định và quyết định giảm vốn cho doanh nghiệp:
- Đối với các doanh nghiệp Trung ương quản lý: gửi hồ sơ, tài liệu về Cục Tài chính doanh nghiệp thẩm định, trình Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định giảm vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
- Đối với các doanh nghiệp địa phương: gửi hồ sơ, tài liệu về Sở Tài chính - Vật giá tỉnh thẩm định, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định giảm vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
6.2. Các doanh nghiệp đảm nhận việc vay vốn nước ngoài để nhập khẩu hàng hoá theo chỉ thị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc theo kế hoạch Nhà nước giao, nếu phát sinh chênh lệch tỷ giá ngoại tệ giữa thời điểm vay nhập hàng và thời điểm trả nợ làm cho doanh nghiệp bị thua lỗ không có khả năng trả nợ thì doanh nghiệp gửi báo cáo kèm hồ sơ tài liệu về Cục Tài chính doanh nghiệp xem xét, trình Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định hỗ trợ cho doanh nghiệp khoản chênh lệch tỷ giá để doanh nghiệp trả nợ, nhưng tối đa không vượt quá khoản lỗ của doanh nghiệp chưa được xử lý.
Hồ sơ tài liệu:
- Văn bản báo cáo của doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ khoản chênh lệch tỷ giá nêu trên, có giải trình về việc nhập hàng theo chỉ thị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, quá trình nhập khẩu, tiêu thụ và chênh lệch tỷ giá ngoại tệ giữa thời điểm vay nhập hàng và thời điểm trả nợ làm cho doanh nghiệp bị thua lỗ không có khả năng trả nợ.
- Các văn bản, chỉ thị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu hàng hoá hoặc văn bản kế hoạch của nhà nước giao chỉ tiêu nhập khẩu hàng hoá cho doanh nghiệp.
- Hồ sơ, tài liệu chứng minh việc doanh nghiệp đã nhập khẩu lô hàng theo chỉ thị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Hồ sơ, tài liệu chứng minh chênh lệch tỷ giá ngoại tệ giữa thời điểm vay nhập hàng và thời điểm trả nợ làm cho doanh nghiệp bị thua lỗ không có khả năng trả nợ.
- Báo cáo quyết toán các năm có liên quan đến tiêu thụ lô hàng trên.
- Ý kiến của cơ quan quan lý cấp trên.
Các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hướng dẫn các doanh nghiệp rà soát phân loại nợ tồn đọng để xử lý theo các quy định tại Nghị định số 69/2002/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 27/7/2002. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, doanh nghiệp phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết.
Trần Văn Tá (Đã ký) |
- 1Công văn số 15651/BTC-TCDN của Bộ Tài chính về việc xử lý nợ tồn đọng không có tài sản đảm bảo của ngân hàng thương mại nhà nước
- 2Quyết định 172/2001/QĐ-TTg về việc xử lý giãn nợ, khoanh nợ, xoá nợ thuế và các khoản ghi phải nộp ngân sách nhà nước đối với những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có khó khăn do nguyên nhân khách quan do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Thông tư 05/2003/TT-NHNN hướng dẫn xử lý nợ tồn đọng của doanh nghiệp nhà nước tại các Ngân hàng thương mại nhà nước theo Nghị định 69/2002/NĐ-CP do Ngân hàng Nhà nước ban hành
- 4Nghị định 206/2013/NĐ-CP quản lý nợ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ
- 5Công văn 17753/BTC-TCDN năm 2013 thực hiện Nghị định 206/2013/NĐ-CP do Bộ Tài chính ban hành
- 1Công văn số 15651/BTC-TCDN của Bộ Tài chính về việc xử lý nợ tồn đọng không có tài sản đảm bảo của ngân hàng thương mại nhà nước
- 2Nghị định 103/1999/NĐ-CP về việc giao bán, khoán kinh doanh, cho thuê doanh nghiệp Nhà nước
- 3Thông tư 47/2000/TT-BTC hướng dẫn về tài chính trong giao, bán doanh nghiệp Nhà nước do Bộ Tài chính ban hành
- 4Nghị định 41/2002/NĐ-CP về chính sách đối với lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước
- 5Thông tư 31/2002/TT-BTC hướng dẫn triển khai xử lý nợ tồn động của hợp tác xã nông nghiệp do Bộ Tài chính ban hành
- 6Quyết định 172/2001/QĐ-TTg về việc xử lý giãn nợ, khoanh nợ, xoá nợ thuế và các khoản ghi phải nộp ngân sách nhà nước đối với những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có khó khăn do nguyên nhân khách quan do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Nghị định 49/2002/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 103/1999/NĐ-CP về giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê doanh nghiệp nhà nước
- 8Thông tư 32/2002/TT-BTC hướng dẫn quyết định 172/2001/QĐ-TTG về việc xử lý giãn nợ, khoanh nợ, xoá nợ thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước đối với những doanh nghiệp, cơ sở SXKD có khó khăn do nguyên nhân khách quan do Bộ Tài chính ban hành
- 9Quyết định 58/2002/QĐ-TTg về việc ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước và tổng công ty nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 10Thông tư 11/2002/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Nghị định 41/2002/NĐ-CP về chính sách đối với lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành
- 11Quyết định 85/2002/QĐ-BTC về Quy chế quản lý và sử dụng quỹ hỗ trợ lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 12Nghị định 69/2002/NĐ-CP về việc quản lý và xử lý nợ tồn đọng đối với doanh nghiệp nhà nước
- 13Thông tư 76/2002/TT-BTC hướng dẫn về tài chính khi chuyển doanh nghiệp Nhà nước thành Công ty cổ phần do Bộ Tài chính ban hành
- 14Thông tư 05/2003/TT-NHNN hướng dẫn xử lý nợ tồn đọng của doanh nghiệp nhà nước tại các Ngân hàng thương mại nhà nước theo Nghị định 69/2002/NĐ-CP do Ngân hàng Nhà nước ban hành
- 15Nghị định 206/2013/NĐ-CP quản lý nợ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ
- 16Công văn 17753/BTC-TCDN năm 2013 thực hiện Nghị định 206/2013/NĐ-CP do Bộ Tài chính ban hành
Thông tư 85/2002/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 69/2002/NĐ-CP về quản lý và xử lý nợ tồn đọng đối với Doanh nghiệp Nhà nước do Bộ Tài chính ban hành
- Số hiệu: 85/2002/TT-BTC
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 26/09/2002
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Trần Văn Tá
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 55
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra