Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 84-TTg

Hà Nội, ngày 31 tháng 03 năm 1960

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT NHỮNG VẤN ĐỀ QUA CÁC CUỘC KIỂM TRA CỦA BAN THANH TRA TRUNG ƯƠNG CỦA CHÍNH PHỦ

Từ khi thành lập Ban Thanh tra trung ương của Chính phủ đến nay, công tác thanh tra đã có tác dụng giúp Đảng và Chính phủ về các mặt; thúc đẩy việc cải tiến công tác để thực hiện kế hoạch Nhà nước, chống lãng phí tham ô, bảo vệ tài sản Nhà nước, đề cao ý thức tôn trọng kỷ luật Nhà nước.

Công tác thanh tra nhằm phát hiện những sai lầm, thiếu sót trong việc chấp hành đường lối, chính sách của Trung ương Đảng, Chính phủ, trong việc thực hiện các nguyên tắc, chế độ của Nhà nước tại các cơ quan, xí nghiệp để kịp thời uốn nắn những lệch lạc của cơ quan, xí nghiệp. Qua kiểm tra, nếu thấy chính sách của Trung ương Đảng và Chính phủ có điểm nào không phù hợp với thực tế khách quan, thì đề nghị Trung ương Đảng và Chính phủ bổ sung hoặc ban hành những chính sách mới cho thích hợp. Đồng thời, qua kiểm tra, nếu phát hiện sai lầm hoặc phạm pháp nghiêm trọng, thì đề nghị thi hành kỷ luật hoặc truy tố trước pháp luật những người có lỗi. Ngoài ra, qua kiểm tra, có thể thấy rõ khó khăn của cơ quan, xí nghiệp, đề nghị Chính phủ giải quyết khó khăn ấy để tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, xí nghiệp đẩy mạnh sản xuất, làm tốt hạch toán kinh tế, hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước một cách toàn diện.

Qua mỗi cuộc kiểm tra, Ban Thanh tra trung ương của Chính phủ có trách nhiệm yêu cầu các đơn vị được kiểm tra và Bộ chủ quản phải chấp hành nghiêm chỉnh các nguyên tắc, thể lệ, chế độ của Nhà nước đã ban hành, uốn nắn kịp thời và đôn đốc sửa chữa những sai lầm, thiếu sót.

Để phát huy hiệu quả của công tác kiểm tra, Thủ tướng Chính phủ thấy cần phải quy định một số điểm cụ thể sau đây để làm cơ sở giải quyết những vấn đề phát hiện trong việc kiểm tra:

1. Đối với những vấn đề phát hiện trong khi kiểm tra ở cơ quan, xí nghiệp nào, thì Ban Thanh tra trung ương của Chính phủ đề ra ý kiến với cơ quan, xí nghiệp đó giải quyết sau khi đã nhất trí với Bộ chủ quản, Bộ chủ quản có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc và giúp đỡ cơ quan hoặc xí nghiệp đó giải quyết trong thời gian đã định.

2. Đối với những vấn đề lớn thuộc phạm vi Bộ chủ quản giải quyết, thì Ban Thanh tra trung ương của Chính phủ đề ra ý kiến để Bộ giải quyết, rồi báo cáo cho Thủ tướng phủ biết. Trong trường hợp có những vấn đề mà Ban Thanh tra trung ương của Chính phủ và Bộ chủ quản không nhất trí về nhận định và cách giải quyết, thì Ban Thanh tra trung ương của Chính phủ và Bộ chủ quản báo cáo cho Thủ tướng Chính phủ biết rõ ý kiến của cả hai bên để Thủ tướng Chính phủ giải quyết và sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc của Hội đồng Chính phủ, thì Bộ chủ quản có trách nhiệm thực hiện quyết định đó.

3. Đối với những vấn đề có liên quan tới nhiều Bộ thì trước hết Bộ chủ quản cùng với Ban Thanh tra trung ương của Chính phủ mời các Bộ có liên quan đến thảo luận để giải quyết, nếu giải quyết xong thì Ban Thanh tra trung ương của Chính phủ và Bộ chủ quản báo cáo cho Thủ tướng phủ biết để theo dõi. Trường hợp có những vấn đề mà Ban Thanh tra trung ương của Chính phủ, Bộ chủ quản và các Bộ có liên quan không nhất trí về cách giải quyết, thì Ban Thanh tra trung ương của Chính phủ và Bộ chủ quản báo cáo cho Thủ tướng Chính phủ biết để giải quyết, và sau khi đã có quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc của Hội đồng Chính phủ, thì Bộ chủ quản và các Bộ có liên quan có trách nhiệm thực hiện quyết định ấy.

4. Sau mỗi đợt kiểm tra và khi đã có chủ trương giải quyết những vấn đề phát hiện, Ban Thanh tra trung ương của Chính phủ cần theo dõi sự thực hiện chủ trương đó, và nếu cần thì sau một thời gian, có thể thẩm tra lại, rồi báo cáo cho Thủ tướng Chính phủ biết rõ kết quả.

5. Cơ quan, xí nghiệp được kiểm tra có trách nhiệm báo cáo, theo yêu cầu của Ban Thanh tra trung ương của Chính phủ, tình hình quản lý, kinh doanh và chấp hành các nguyên tắc, chế độ, thể lệ của Nhà nước trong cơ quan, xí nghiệp mình. Ban Thanh tra trung ương của Chính phủ cần nắm vững tình hình của cơ quan, xí nghiệp trước và sau khi kiểm tra, như vậy là để giúp cơ quan, xí nghiệp cải tiến công tác.

Để phát huy tác dụng tốt của các việc kiểm tra, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ban Thanh tra trung ương của Chính phủ, các Bộ và các cơ quan trung ương nghiên cứu kỹ và thi hành nghiêm chỉnh thông tư này. Trong quá trình thi hành, nếu gặp khó khăn, trở ngại, thì Ban Thanh tra trung ương của Chính phủ, các Bộ và các cơ quan trung ương cần báo cáo ngay cho Thủ tướng phủ biết.

Dựa vào tinh thần thông tư này, Ban Thanh tra trung ương của Chính phủ và Bộ Tài chính sẽ có kế hoạch hướng dẫn cho Ban Thanh tra các tỉnh và Ban Thanh tra tài chính các cấp giải quyết tốt các vấn đề phát hiện trong các cuộc kiểm tra.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phạm Văn Đồng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 84-TTg năm 1960 giải quyết những vấn đề qua các cuộc kiểm tra của Ban Thanh tra trung ương của Chính phủ do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành

  • Số hiệu: 84-TTg
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 31/03/1960
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Văn Đồng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 15
  • Ngày hiệu lực: 15/04/1960
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản