Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 82-TC/HCVX

Hà Nội, ngày 15 tháng 12 năm 1992

THÔNG TƯ

SỐ 82-TC/HCVX NGÀY 15-12-1992 CỦA BỘ TÀI CHÍNH HƯỚNG DẪN PHƯƠNG THỨC ĐÓNG VÀ KẾ TOÁN TRÍCH, NỘP TIỀN BẢO HIỂM Y TẾ ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP, CÁC ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH SỰ NGHIỆP, TỔ CHỨC ĐOÀN THỂ XÃ HỘI, HỘI QUẦN CHÚNG

Căn cứ vào Nghị định số 299/HĐBT ngày 15-8-1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Hội đồng Chính phủ ) ban hành điều lệ bảo hiêm y tế và Thông tư số 12-TT/LB ngày 18-9-1992 của Liên Bộ Tài chính Y tế - Lao động thương binh và xã hội hướng dẫn thi hành Nghị định số 299/HĐBT nói trên; Công văn số 108/PPLT ngày 10-10-1992 của Văn phòng Chính phủ về việc thực hiện đóng bảo hiểm y tế; Bộ Tài chính hướng dẫn phương thức đóng bảo hiểm y tế và kế toán trích, nộp tiền bảo hiểm y tế đối với các doanh nghiệp, các đơn vị hành chính sự nghiệp, tổ chức Đảng, đoàn thể xã hội, hội quần chúng như sau:

I- PHƯƠNG THỨC TRÍCH NỘP BẢO HIỂM Y TẾ (DƯỚI ĐÂY VIẾT TẮT LÀ BHYT)

Đối với các doanh nghiệp nói ở điều 2 (điểm 2,3) Nghị định số 299/HĐBT ngày 15-8-1992 thì phần trích 2% thu nhập bao gồm tiền lương thực trả và tiền thưởng theo Quyết định số 317/C T ngày 1-9-1990 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nay là Thủ tướng Chính phủ (bằng 2/3 mức phải đóng) để nộp vào quỹ BHYT, được hạch toán vào chi phí sản xuất hoặc chi phí lưu thông (vào khoản mục đã hạch toán bảo hiểm xã hội và kinh phí công đoàn).

- Phần còn lại 1% thu nhập bao gồm tiền lương, tiền thưởng theo quyết định số 317/C T nói trên (bằng 1/3 mức đóng góp) tính vào tiền lương hoặc thu nhập của công nhân viên và người lao động trong các doanh nghiệp (hoặc nhờ doanh nghiệp nộp hộ).

- Đối với các đơn vị hành chính sự nghiệp, tổ chức Đảng, đoàn thể xã hội, hội quần chúng, thì khoản 10% lương cấp bậc (chức vụ) đã được tính lại theo quyết định số 203/HĐBT ngày 28-12-1988 của Hội đồng bộ trưởng sẽ dự toán với cơ quan tài chính để cấp phát. Sau khi nhận được khoản kinh phí này, cơ quan hành chính sự nghiệp chuyển thẳng 10% quỹ lương nói trên vào quỹ BHYT. Toàn bộ số trích BHYT của tất cả CBCNV trong đơnvị nộp cho cơ quan BHYT được hạch toán vào mục 68 theo chương, loại, khoản, hạng tương ứng.

- Đối với đối tượng là công nhân viên chức Nhà nước, quân nhân nghỉ hưu, CNVC Nhà nước nghỉ việc vì mất sức lao động thì khoản 10% lương hưu và trợ cấp mất sức tính theo Quyết định số 203/HĐBT ngày 28-12-1988 của Hội đồng Bộ trưởng sẽ do Ngân sách Trung ương đài thọ, cấp cho các Sở Tài chính - Vật giá địa phương theo phương thức kinh phí uỷ quyền. Sở Lao động thương binh và Xã hội sẽ lập dự toán cụ thể gửi Sở Tài chính - Vật giá để xét duyệt cấp phát. Tuỳ theo phương thức cấp phát kinh phí lương hưu và trợ cấp hiện hành của từng địa phương để chuyển đủ khoản kinh phí nói trên cho cơ quan lao động TBXH đóng BHYT cho đối tượng này.

II- KẾ TOÁN TRÍCH, NỘP TIỀN BHYT

1- Các đơn vị mở thêm tiểu khoản 68.3 "Bảo hiểm y tế" trong tài khoản 68 "thanh toán BHXH" để hạch toán số tiền phải trích, nộp BHYT thuộc trách nhiệm của đơn vị.

Riêng đối với những doanh nghiệp có vốn đầu tư cua nước ngoài mà không thực hiện chế độ kế toán của Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì khoản trích nộp về BHYT được hạch toán vào tài khoản có nội dung tương ứng.

2- Đối với các doanh nghiệp

- Khi trích:

+ Phần BHYT doanh nghiệp phải nộp (2/3) mức phải đóng) được phân bổ cho các đối tượng chi phí và ghi sổ:

Nợ tài khoản 30: sản xuất kinh doanh chính

31- sản xuất kinh doanh phụ

32- Chi phí quản lý phân xưởng

33: Chi phí quản lý xí nghiệp

34- Chi phí lưu thông

35: Chi phí đầu tư xây dựng cơ bản.

Có tài khoản 68: Thanh toán BHXH

(Chi tiết 68.3: Bảo hiểm y tế)

+ Phần BHYT cán bộ, công nhân viên trong doanh nghiệp phải đóng (1/3 mức phải đóng) trừ vào lương hoặc thu nhập của từng người và ghi sổ:

Nợ Tài khoản 69 - Thanh toán với CNVC

Có Tài khoản 62 - Các khoản phải thu phải trả

(Chi tiết 62.2 - Phải thu phải trả).

- Khi doanh nghiệp chuyển tiền cho cơ quan BHYT (kể cả phần nộp hộ cho cán bộ công nhân viên ) ghi sổ:

Nợ Tài khoản 68 - Thanh toán BHXH

(Chi tiết 68.3 - Bảo hiểm y tế) -Phần doanh nghiệp phải nộp.

TK 62 - Các khoản phải thu, phải trả.

(Chi tiết 62.2 phải thu, phải trả) - Phần nộp hộ cho cán bộ công nhân viên chức.

Có TK 50- Tiền mặt

hoặc TK 51 - Tiền gửi Ngân hàng.

- Nếu phần BHYT không trừ vào tiền lương hoặc thu nhập của công nhân viên và người lao động mà để họ tự đóng vào quỹ BHYT thì doanh nghiệp không phải hạch toán phần trừ lương và phần nộp hộ.

3- Đối với đơn vị hành chính sự nghiệp, tổ chức Đảng, đoàn thể xã hội, hội quần chúng.

- Phản ảnh số tiền BHYT phải nộp của tất cả cán bộ công nhân viên chức trong đơn vị ghi sổ:

Nợ TK 38 - Chi hành chính sự nghiệp

Có TK 68 - Thanh toán BHXH

(Chi tiét 68.3 - Bảo hiểm y tế)

- Đơn vị chuyển tiền nộp cho cơ quan BHYT:

Nợ TK 68 - Thanh toán BHXH

(Chi tiết 68.3 - Bảo hiểm y tế)

Co TK 50 - Tiền mặt

TK 51 - Tiền gửi kho bạc Nhà nước

TK 84 - Nguồn kinh phí (84.1)

(Rút hạn mức kinh phí nộp BHYT)

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-10-1992.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc gì đề nghị phản ảnh về Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết.

Phạm Văn Trọng

(Đã Ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 82-TC/HCVX năm 1992 hướng dẫn phương thức đóng và kế toán trích, nộp tiền bảo hiểm y tế đối với các doanh nghiệp, các đơn vị HCSN, tổ chức đoàn thể xã hội, hội quần chúng do Bộ tài chính ban hành

  • Số hiệu: 82-TC/HCVX
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 15/12/1992
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Phạm Văn Trọng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/10/1992
  • Ngày hết hiệu lực: 16/10/1999
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản