BỘ TÀI CHÍNH | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 80-TC/NN | Hà Nội, ngày 16 tháng 07 năm 1958 |
VỀ CHÍNH SÁCH THUẾ NÔNG NGHIỆP ĐỐI VỚI RUỘNG ĐẤT HOANG VÀ RUỘNG ĐẤT VẮNG CHỦ
Từ hòa bình lập lại, vấn đề phục hồi những ruộng đất bỏ hoang trong thời kỳ kháng chiến và việc bảo đảm cày cấy hết số ruộng đất của những đồng bào bị cưỡng ép đi Nam là một trong những nhiệm vụ quan trọng của kế hoạch sản xuất nông nghiệp.
Các chính sách khuyến khích sản xuất ở vùng đã cải cách ruộng đất và ở miền núi trong đó có vấn đề khai hoang, phục hoang, đã được ban hành.
Về mặt thuế nông nghiệp, đã có những quy định cụ thể để động viên nhân dân tích cực phục hồi ruộng hoang và cày cấy thêm những ruộng đất vắng chủ, ruộng dự trữ của địa phương.
Tới nay phần lớn số diện tích bỏ hoang đã được phục hồi.
Tuy vậy, việc phổ biến, tuyên truyền, giáo dục những chính sách khuyến khích sản xuất của Chính phủ, kể cả chính sách thuế nông nghiệp, đối với vấn đề phục hồi ruộng hoang, chưa được sâu rộng, nên còn một số nông dân lo ngại làm thêm ruộng thì phải đóng thuế nhiều. Do đó hiện nay vẫn còn hàng vạn mẫu tây ruộng hoang chưa được khai phá, phục hồi. Đồng thời gần đây cũng có hiện tượng bỏ ruộng thuộc hay ruộng đã phục hồi rồi để đi buôn hoặc làm nghề khác.
Đó là một vấn đề tồn tại, trước mắt cần giải quyết gấp để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ sản xuất nông nghiệp năm 1958.
Để khuyến khích, động viên nông dân ra sức phục hồi hết ruộng hoang và cày cấy hết các ruộng đất vắng chủ, dự trữ, ruộng công v.v... đồng thời chấm dứt tình trạng tự ý bỏ ruộng không cày cấy, Chính phủ sẽ nghiên cứu và ban hành những chính sách và biện pháp cụ thể.
Trước mắt, riêng về thuế nông nghiệp, Bộ nói rõ cụ thể thêm cách tính thuế đối với ruộng hoang, ruộng vằng chủ để các Ủy ban nghiên cứu thi hành và tuyên truyền giải thích sâu rộng trong nông dân.
1) Thời hạn miễn thuế cho ruộng mới khai phá và phục hồi:
a) Điều 5 điều lệ thuế nông nghiệp áp dụng tại vùng cải cách ruộng đất ban hành từ tháng 03-1956 đã quy định:
"Đất hoang mới khai khẩn được miễn thuế 5 năm kể từ năm khai khẩn".
"Ruộng đất bỏ hoang từ 2 vụ trở lên mới phục hồi được miễn 3 năm":
Có nghĩa là:
- Đất hoang hoàn toàn từ trước, nay khai phá, được miễn thuế 5 năm.
- Ruộng một vụ bỏ hoang không cày cấy từ hai năm trở lên, ruộng hai vụ lúa hoặc một vụ lúa một vụ màu bỏ hoang từ một năm trở lên, nay phục hồi được miễn thuế 3 năm.
Nay quy định thêm để bảo đảm khai phá và phục hồi hết ruộng đất bỏ hoang:
Cũng như đối với ruộng đất bỏ hoang lâu năm, những ruộng bỏ hoang từ trong thời kỳ kháng chiến, đã thành hoang dại, khó làm, như đất chưa bao giờ khai khẩn, được miễn thuế 5 năm kể từ năm khai khẩn.
b) Nghị định số 410-TTg ngày 06-09-1957 ban hành 10 chính sách khuyến khích sản xuất ở miền núi, điều 1 quy định:
"Ai muốn cày cấy ruộng bỏ hoang thì báo cáo với Ủy ban Hành chính và Nông hội xã, Ủy ban và Nông hội xã có trách nhiệm thương lượng với chủ ruộng cho ổn thỏa, bảo đảm đoàn kết dân tộc. Người cày cấy được thu toàn bộ hoa lợi, được miễn thuế nông nghiệp từ 3 đến 5 năm và được quyền sở hữu ruộng đất cày cấy nếu ruộng đất ấy đã trở thành ruộng đất công".
"Ai khai phá đất hoang, biến bãi bằng, thung lũng, sườn đồi, nương ót, thành ruộng sẽ được miễn thuế nông nghiệp bẩy năm. Người khai phá phải xin phép Ủy ban Hành chính xã và được quyền sở hữu ruộng đất cày cấy".
"Đồng bào chuyên sống về nương rẫy chuyển xuống làm ruộng thuộc được miễn thuế 2 năm; nếu làm ruộng bổ hoang thì được miễn thuế từ 03 đến 06 năm, tùy điều kiện canh tác khó hay dễ; nếu là đất hoang chưa ai khai phá thì được miễn thuế 07 năm".
Như vậy đối với miền núi cũng như miền xuôi thời hạn miễn thuế cho tất cả những trường hợp trên đều tính từ năm bắt đầu khai phá hoặc phục hồi.
Ví dụ: khai phá từ năm 1955 thì được miễn năm 1954 mới cấy được một vụ mùa 1954 thì miễn từ 1954 đến hết 1956. Phục hồi từ năm 1954 mới cấy được một vụ mùa 1954 thì miễn từ 1954 đến hết 1956. Khai phá từ 1954, chiêm 1955 mới thu hoa lợi thì tính miễn thuế từ năm 1955.
2) Trường hợp đã khai khẩn rồi nay lại bỏ hoang.
Điều 4 điều lệ thuế nông nghiệp quy định là:
Ruộng đất bỏ hoang có lý do chính đáng được miễn thuế. Nếu vì lười biếng mà bỏ hoang thì không được miễn.
Cần nghiêm chỉnh thi hành đúng như điều lệ đã quy định để bảo đảm cho ruộng đất được thường xuyên chăm bón và trồng trọt, tránh ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất nông nghiệp của Nhà nước.
- Từ nay trở đi, nông hộ nào vì những lý do chính đáng như thiếu sức lao động, ốm đau v.v... mà phải bỏ ruộng không cày cấy được phải báo cáo trước với chính quyền Nông hội để giao cho người khác cày cấy. Nếu tự động bỏ ruộng, không có lý do chính đáng hoặc không báo trước kịp thời vụ cho chính quyền Nông hội, thì vẫn phải chịu thuế như điều lệ đã quy định.
- Có những người đã khai phá hoặc phục hồi ruộng đất hoang, đã được miễn thuế trong một thời hạn hai, ba năm, nay đến hạn chịu thuế thì vì tư lợi muốn trốn tránh nộp thuế, tự ý bỏ ruộng đang trồng trọt để đi khai phá hoặc phục hồi ruộng khác. Trong trường hợp này việc bỏ ruộng không có lý do chính đáng nên cần thi hành đúng điều lệ thuế nông nghiệp là bắc buộc những người bỏ ruộng phải chịu thuế về những thửa ruộng đất họ đã bỏ (kể từ khi bắt đầu bỏ) theo sản lượng thường niên đã định. Thời hạn buộc chịu thuế tương đương với thời hạn đã được miễn thuế trước đây, (xét cụ thể từng trường hợp một).
Người khác nhận và tiếp tục cày cấy ruộng đất bỏ ấy sẽ chịu thuế như thường lệ, vì không là ruộng đất hoang mới khai phá.
Tuy nhiên cần phân biệt: có những vùng ruộng đất nhiều nhưng xấu, trong nhân dân thường có tập quán chỉ trồng trọt một vài năm ở một thửa ruộng rồi lại bỏ đi làm ruộng khác và cứ tiếp tục làm theo lối luân canh như vậy, thì không coi là khai phá hoặc phục hồi để thi hành chế độ miễn thuế; những năm có thu hoa lợi phải tính thuế theo sản lượng thường niên, năm nào bỏ hóa thì không tính thuế.
3) Những bãi tân bồi ven sông:
Trong cải cách ruộng đất chưa chia, không thuộc quyền sở hữu của người nào cả; ai cày cấy để biến bãi bồi thành ruộng thuộc thì năm đầu thu hoa lợi không phải chịu thuế. Từ năm sau sẽ chịu thuế theo chế độ cày thêm. Lúc đã thành ruộng đất trồng trọt có tính chất cố định, nếu chính quyền quyết định cấp dứt khoát quyền sở hữu cho người khai phá hoặc đem chia cho người khác thì người nào cày cấy người ấy chịu thuế như những ruộng đất khác, theo chế độ chung (không áp dụng chế độ cấy thêm).
Những ruộng đất thuộc, ở ven sông đã có chủ từ lâu phải chịu thuế theo chế độ chung (không áp dụng chế độ cấy thêm).
Trích bản giải thích và hướng dẫn thi hành điều lệ thuế nông nghiệp).
4) Những đất công bỏ hoang hay bỏ hóa nay dùng để trồng cói, những đất trước đã có trồng cói nay trồng lại, được miễn thuế từ một đến 5 năm kể từ ngày bắt đầu trồng, tùy theo công việc khai phá hoặc làm đất phí tổn nhiều hay ít (điều 4 nghị định số 462-TTg ngày 17-10-1957).
II. - RUỘNG ĐẤT VẮNG CHỦ, RUỘNG ĐẤT DỰ TRỮ V.V...
1) Đối với các loại ruộng đất dự trữ (ruộng đất dành đón thương binh, dành cho những công trình kiến thiết v.v...) ruộng đất chia treo giò và ruộng đất vắng chủ, do chính quyền và nông hội giao cho nông dân cày cấy thì hoa lợi ruộng đất đó không gộp vào hoa lợi ruộng đất sẵn có của nông hộ nhận ruộng để tính thuế Nông hộ nhận ruộng chỉ nộp thuế về phần ruộng đất cấy thêm theo thuế suất đánh vào sản lượng ruộng đất sẵn có của nông hộ mình (điều 20 điều lệ vùng đã cải cách ruộng đất).
Nếu các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp nhận cày cấy thêm các loại ruộng nói trên thì chỉ phải nộp thuế về phần hoa lợi ruộng cấy thêm theo thuế suất 12%.
Tại vùng miền núi, đối với ruộng vắng chủ, ruộng dự trữ v.v... do chính quyền vận động giao cho nông dân hoặc các tập đoàn (kể cả hợp tác xã) cày cấy hưởng hoa lợi cũng tính theo chế độ cấy thêm nhưng thuế suất nhất loạt là 10%. (Trích bài giải thích điều lệ thuế nông nghiệp áp dụng tại vùng miền núi.
Như vậy, chỉ những ruộng đất vắng chủ, ruộng đất dự trữ v.v... mà chính quyền Nông hội đứng ra vận động nông dân ở địa phương hoặc các xã khác đến làm để bảo đảm cày cấy hết diện tích, thì mới tính thuế theo chế độ cấy thêm.
- Đối với mọi trường hợp khác như bà con giao cho nhau, hoặc chính quyền quản lý và phân chia cho những gia đình có khả năng lao động nhưng ít ruộng thì cộng hoa lợi ruộng giao thêm với hoa lợi ruộng nhà rồi tính thuế như thường lệ theo thuế biểu chung.
- Nếu người nhận ruộng là bà con người đi vắng, chỉ có nhiệm vụ quản lý giúp, thì hoa lợi thu hoạch được của ruộng vắng chủ sẽ tính thuế theo nông hộ độc lập căn cứ vào sản lượng thường niên đã định.
2. Tuy vậy, hiện nay một số địa phương có nhiều ruộng dự trữ, ruộng vắng chủ, cần tích cực vận động, giúp đỡ và chiếu cố đặc biệt về mặt thuế nông nghiệp để khuyến khích cày cấy hết số còn lại, cho nên:
a) Nếu các tổ chức như tổ đổi công, tổ nông hội, thanh niên, học sinh v.v... đứng ra nhận cày cấy thì tính thuế coi như nông hộ độc lập, theo biểu thuế chung, nhưng thuế suất tối đa chỉ đến 15%.
b) Ngoài ra, nếu xét thật cần thiết, Ủy ban Hành chính tỉnh còn có thể tuyên bố giảm cho các nông hộ riêng lẻ và các tập đoàn từ 20% đến 50% số thuế đã tính về phần hoa lợi ruộng cấy thêm. Nếu mùa màng bị thiệt hại, ruộng cấy thêm mất trên 50% sản lượng thường niên, số thuế tính cho phần ruộng cấy thêm có thể được miễn hẳn.
Trên đây là những điều quy định thống nhất cho các tỉnh miền xuôi và miền núi, bổ sung bản hướng dẫn giải thích điều lệ hiện hành.
Đề nghị các Ủy ban Hành chính khu, tỉnh, thành phố phổ biến sâu rộng tận cán bộ, nhân dân để nông dân được an tâm sản xuất, tích cực đẩy mạnh việc phục hồi hết ruộng hoang, cấy hết ruộng vắng chủ, không bỏ ruộng hoang, bảo đảm hoàn thành tốt kế hoạch sản xuất nông nghiệp.
K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH |
- 1Nghị định 410-TTg năm 1957 về "Mười chính sách khuyến khích sản xuất ở miền núi" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Nghị định 462-TTg năm 1957 quy định việc sử dụng những đất công ở ven biển hoặc ven sông nước mặn còn bỏ hoang bỏ hóa để trồng cói do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Điều lệ số 715-TTg về Thuế Nông nghiệp áp dụng ở những nơi đã cải cách ruộng đất do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Sắc lệnh số 40/SL về việc ban hành điều lệ tạm thời thuế nông nghiệp do Chủ tịch nước ban hành
Thông tư 80-TC/NN năm 1958 về chính sách thuế nông nghiệp đối với ruộng đất hoang và ruộng đất vắng chủ do Bộ Tài Chính ban hành
- Số hiệu: 80-TC/NN
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 16/07/1958
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Trịnh Văn Bính
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 30
- Ngày hiệu lực: 31/07/1958
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định