Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA 
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 715-TTg

Hà Nội, ngày 24 tháng 03 năm 1956 

 

ĐIỀU LỆ

THUẾ NÔNG NGHIỆP ÁP DỤNG Ở NHỮNG NƠI ĐÃ CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT

Chương 1:

NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 1. Điều lệ này ban hành căn cứ vào tình hình nông thôn sau cải cách ruộng đất nhằm đẩy mạnh việc khôi phục và phát triển sản xuất nông nghiệp, giảm nhẹ đóng góp cho nông dân; đồng thời bảo đảm cung cấp cho nhu cầu Nhà nước. Theo điều lệ này, cách tính thuế cũng được đơn giản.

Điều 2. Thuế nông nghiệp là thứ duy nhất đánh vào hoa lợi ruộng đất và do Chính phủ trung ương quy định. Ngoài thuế nông nghiệp, địa phương không được tự động đặt ra một thứ đóng góp nào khác.

Điều 3. Thuế nông nghiệp đánh vào tổng số hoa lợi ruộng đất của mỗi nông hộ và căn cứ vào hoa lợi bình quân mỗi nhân khẩu nông nghiệp trong nông hộ mà tính thuế theo biểu thuế lũy tiến toàn ngạch.

Nông hộ là một đơn vị sản xuất nông nghiệp gồm những người làm chung, hưởng chung hoa lợi.

Nhân khẩu nông nghiệp là những người lấy hoa lợi nông nghiệp làm nguồn sống chính, không phân biệt gái, trai, già, trẻ.

Phàm đất đai có hoa lợi nông nghiệp thì người được hưởng hoa lợi phải đóng thuế, trừ những trường hợp miễn thuế quy định dưới đây.

Điều 4. Những đất đai dưới đây được miễn thuế hẳn:

- Đất đai chưa khai khẩn.

- Ruộng đất bỏ hoang có lý do chính đáng (nếu vì lười biếng mà bỏ hoang thì không được miễn).

- Vườn ươm giống, trạm thí nghiệm về nông nghiệp và lâm nghiệp của Nhà nước.

- Bãi cát, đồi trọc trồng cây gây rừng để ngăn gió, ngăn nước.

- Bãi cỏ chăn nuôi, ruộng đất do người chủ dùng vào việc làm gạch, làm ngói, làm đồ gốm, đúc khuôn, sân thể thao, thể dục, nghĩa địa.

- Ruộng đất do các nhà thương, trường học, nhà nuôi trẻ, trại an dưỡng, trại cải hối cày cấy để cải thiện sinh hoạt.

- Diện tích ruộng đất đào giếng, đào mương để chống hạn.

- Đất đai ở các đô thị đã chịu thuế thổ trạch.

- Đất ở gồm nền nhà, sân phơi, đường đi (đất chung quanh nhà nếu dưới 100m2 thì miễn thuế, nếu rộng quá 100m2 thì được miễn thuế 100m2).

- Ruộng chuyên để gieo mạ, thường năm không giồng cây.

- Những đất đai khác được Chính phủ đặc biệt miễn thuế.

Điều 5. Những đất đai dưới đây được miễn thuế trong một thời hạn:

- Đất hoang mở khai khẩn, được miễn thuế 5 năm, kể từ năm khai khẩn.

- Ruộng đất bỏ hoang từ 2 vụ trở lên mới phục hồi được miễn thuế 3 năm.

Chương 2:

CÁCH TÍNH HOA LỢI NÔNG NGHIỆP

Điều 6. Hoa lợi ruộng đất để tính thuế là sản lượng bình thường hàng năm (gọi tắt là sản lượng thường năm) của ruộng đất theo lề lối canh tác thông thường ở mỗi địa phương, không kể những năm được mùa hay mất mùa. Nếu do chăm bón kỹ hơn, trồng cấy thêm vụ, trồng những thứ cây có lợi nhiều thì dù thu hoạch có nhiều hơn sản lượng thường năm, thuế vẫn chỉ tính theo sản lượng thường năm.

Điều 7. Sản lượng thường năm của ruộng đất tính bằng thóc; sản lượng các thứ hoa màu lương thực (ngô, khoai, sắn) đều quy ra thóc.

Đối với đất trồng các thứ hoa màu khác (bông, lạc, đỗ, mía, v.v…) nếu nguyên là ruộng cấy lúa thì định sản lượng theo ruộng cấy lúa, nếu nguyên là đất trồng màu thì định sản lượng theo đất trồng ngô, khoai, sắn.

Điều 8. Đối với đất chuyên trồng rau, trồng hoa ở ngoại ô các thành phố, vì thu hoạch nhiều hơn ruộng đất trồng lúa và trồng các thứ hoa màu khác nên sản lượng phải định cao hơn nhưng cao nhất không quá hai lần sản lượng ruộng đất hạng nhất trong xã.

Điều 9. Sản lượng thường năm, sau khi Ủy ban hành chính tỉnh đã xét duyệt sẽ tuyên bố ổn định trong thời hạn 3 năm.

Điều 10. Nếu nhân dân tự làm lấy những công trình thủy lợi để làm cho thu hoạch tăng thì trong 5 năm thuế không tăng.

Nếu Chính phủ và nhân dân cùng làm thì trong 3 năm không tăng thuế. Nếu Chính phủ làm thì trong một năm không tăng thuế.

(Trường hợp phục hồi hay tu bổ những công trình thủy lợi cũ thì không áp dụng điều 10 này).

Điều 11. Đối với những loại cây lưu niên (chè, sơn, hồi, chẩu, cà phê, cau, cam, chuối, quýt, nhãn, vải,v.v…), có tính chất sản vật đặc biệt của từng địa phương thì hoa lợi không gộp vào hoa lợi ruộng đất để tính thuế theo thuế biểu chung mà tính thuế riêng. Thuế đánh vào số thu hoạch thực tế từng năm, thuế suất là 7%.

Việc quy định vùng nào có sản vật đặc biệt do Ủy ban hành chính tỉnh đề nghị, Ủy ban hành chính khu quyết định.

Ngoài những vùng đã quy định là có sản vật đặc biệt thì đất trồng những loại cây trên vẫn tính sản lượng thường năm theo ruộng đất chung quanh và gộp với hoa lợi ruộng đất để tính thuế theo biểu thuế chung.

Điều 12. Đối với những hồ đầm lớn do chính quyền địa phương quản trị, thuế đánh vào số thu hoạch thực tế từng năm, thuế suất là 5%.

Đối với những hồ ao chuyên trồng rau, thả sen hay thả cá, thì định sản lượng ruộng đất mà tính thuế theo thuế biểu chung.

Những hồ ao chủ yếu dùng để trữ nước chống hạn hay ruộng đất rửa ráy và những hồ ao thả bèo làm phân bón hay thả rau để chăn nuôi súc vật thì miễn thuế.

Chương 3:

TÍNH NHÂN KHẨU NÔNG NGHIỆP

Điều 13. Mỗi người chỉ được tính nhân khẩu nông nghiệp một lần ở một nơi.

Khi tính nhân khẩu nông nghiệp thì tính số người hiện có trong nông hộ lúc kê khai.

Những người ở thuê không tính nhân khẩu nông nghiệp ở nhà chủ mà tính nhân khẩu nông nghiệp ở nhà mình.

Những nông hộ nhận nuôi những người tàn tật, những người cô đơn không có nơi nương tựa thì được tính những người đó vào nhân khẩu nông nghiệp của nông hộ mình.

Điều 14.Để khuyến khích nông dân khôi phục và phát triển nghề phụ, những người làm nghề phụ vẫn được tính nhân khẩu nông nghiệp.

Điều 15. Đối với những gia đình có một nghề khác làm nguồn sống chính, đồng thời có làm thêm ruộng thì chỉ những người thực sự làm ruộng mới được tính nhân khẩu nông nghiệp.

Đối với những nông hộ vừa làm ruộng, vừa làm muối thì cứ 500 m2 ruộng muối coi như có một người chuyên sống về nghề làm muối và không tính vào nhân khẩu nông nghiệp.

Cán bộ, công nhân viên được hưởng lương, học sinh các trường học được Chính phủ đài thọ hoàn toàn, không được tính nhân khẩu nông nghiệp.

Tù nhân đã thành án, sống trong trại cải hối, không được tính nhân khẩu nông nghiệp, nếu chưa thành án thì vẫn được tính.

Điều 16. Để ưu đãi những gia đình có công với Tổ quốc những người sau đây tuy không sống nhờ vào hoa lợi nông nghiệp nhưng vẫn được tính nhân khẩu nông nghiệp:

- Bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương tại ngũ (nữ quân nhân có chồng muốn tính nhân khẩu nông nghiệp ở nhà chồng hay nhà bố mẹ đẻ thì tùy ý).

- Thương bệnh binh ở trại an dưỡng, thương binh chuyển sang công tác ở các ngành khác.

- Những người đã hy sinh vì cách mạng kể từ năm 1930, những người đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ kháng chiến.

- Bộ đội chuyển ngành được tính nhân khẩu nông nghiệp trong 2 năm, kể từ khi rời hàng ngũ bộ đội.

Chương 4:

BIỂU THUẾ, CÁCH TÍNH THUẾ

Điều 17. Biểu thuế nông nghiệp, gồm cả chính tang và phụ thu, ấn định như sau:

BẬC

HOA LỢI BÌNH QUÂN MỘT NHÂN KHẨU NÔNG NGHIỆP

THUẾ SUẤT CẢ CHÍNH TANG VÀ PHỤ THU

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

17

18

19

20

21

22

23

24

25

26

27

Từ 60 ki-lô trở xuống

Từ trên 60 ki-lô đến 80 ki-lô

- 80 - - 100 -

- 100 - - 140 -

- 140 - - 180 -

- 180 - - 220 -

- 220 - - 260 -

- 260 - - 300 -

- 300 - - 340 -

- 340 - - 380 -

- 380 - - 420 -

- 420 - - 460 -

- 460 - - 500 -

- 500 - - 540 -

- 540 - - 580 -

- 580 - - 620 -

- 620 - - 660 -

- 660 - - 700 -

- 700 - - 740 -

- 740 - - 780 -

- 780 - - 820 -

- 820 - - 860 -

- 860 - ­- 900 -

- 900 - - 940 -

- 940 - - 980 -

- 980 - -1020 -

- 1020 - -1060 -

Từ trên 1060 trở lên

Miễn thuế

7 %

8 -

9 -

10 -

11 -

12 -

13 -

14 -

15 -

16 -

17 -

18 -

19 -

20 -

21 -

22 -

23 -

24 -

25 -

26 -

27 -

28 -

29 -

31 -

33 -

35 -

37 -

Điều 18. Trường hợp phát canh và lĩnh canh thì người chủ ruộng và người cày cấy cùng chịu thuế, mỗi bên thu hoạch bao nhiêu thì gộp vào hoa lợi ruộng đất của nông hộ mình mà tính thuế, không tăng giảm 25% như trước khi chưa cải cách ruộng đất.

Điều 19. Nếu một nông hộ có ruộng đất ở nhiều nơi thì hoa lợi ruộng đất ở tất cả các nơi phải gộp lại để tính thuế ở nơi hộ cư trú.

Điều 20. Đối với các loại ruộng đất dự trữ (ruộng đất dành đón thương binh, dành cho những công trình kiến thiết, v.v…), ruộng đất chia treo giò và ruộng đất vắng chủ do chính quyền và nông hội giao cho nông dân cày cấy, thì hoa lợi ruộng đất đó không gộp vào hoa lợi ruộng đất sẵn có của nông hộ nhận ruộng để tính thuế. Nông hộ nhận ruộng chỉ nộp thuế về phần ruộng đất cấy thêm theo thuế suất đánh vào sản lượng ruộng đất sẵn có của nông hộ mình. Trường hợp nông hộ nhận ruộng không có ruộng hay có ruộng nhưng hoa lợi chưa đến khởi điểm chịu thuế thì chỉ phải nộp thuế về phần hoa lợi ruộng đất cấy thêm theo thuế suất 7%.

Nếu các đoàn thể, các tổ đội công nhân cày cấy các loại ruộng đất nói trên để làm quỹ chung, thì thuế tính theo hộ độc lập và theo thuế biểu chung.

Nếu chính quyền có thu một phần hoa lợi vào các loại ruộng đất nói trên thì chính quyền nộp thuế 10% phần hoa lợi thu được, người cày cấy chỉ phải nộp thuế vào phần hoa lợi còn lại.

Điều 21. – Đối với ruộng đất của nhà chùa, nhà thờ, thánh thất, thuế thu 8% sản lượng thường năm. Trường hợp phát canh, lĩnh canh, thuế cũng chỉ thu 8% sản lượng thường năm; số thuế trên do chủ ruộng nộp cả hay người cày cấy nộp cả, hai bên thương lượng rồi báo cáo cho Ủy ban hành chính xã trước khi lập sổ thuế.

Điều 22. Đối với hợp tác xã nông nghiệp, thuế tính như sau:

- Nếu xã viên góp ruộng đất vào hợp tác xã và có hưởng một phần hoa lợi thì ruộng nhà ai vẫn tính nguyên sản lượng vào nhà đó để nộp thuế theo thuế biểu chung.

- Nếu hợp tác xã nhận cày cấy các loại ruộng đất dự trữ, ruộng đất chia treo giò, ruộng đất vắng chủ, thì thuế do hợp tác xã nộp, thuế suất là 12%.

Điều 23. Đối với thương bệnh binh, bộ đội phục viên về xã tự túc, nếu thành lập nông hộ riêng, thì riêng phần ruộng đất của thương bệnh binh, của bộ đội phục viên được miễn thuế 2 năm; nếu sống chung với gia đình thì gia đình được giảm thuế trong 2 năm, mỗi năm 50 ki-lô thóc.

Chương 5:

GIẢM, MIỄN THUẾ

Điều 24. Trường hợp vì thiên tai (hạn, bão lụt, sâu bọ, v.v…) mùa màng thu hoạch kém sút hay mất hết thì được giảm hoặc miễn thuế.

Số thuế được giảm, miễn đối với từng nông hộ quy định như sau:

Thiệt hại dưới 20% tổng số hoa lợi chịu thuế: không giảm thuế.

Thiệt hại

từ 20% đến dưới 25%

 - 25% - 30%

 - 30% - 35%

- 35% - 40%

- 40% - 50%

- 50% - 60%

tổng số hoa lợi chịu

 thuế giảm : 20%

 - - : 25%

 - - : 30%

 - - : 40%

 - - : 50%

 - - : 70%

- 60% tổng số hoa lợi chịu thuế trở lên: miễn hẳn thuế

Điều 25. Ruộng đất cùng khoảnh, cùng hạng, cùng trồng một loại lúa hay hoa màu, cùng bị một tai nạn giống nhau, tỷ lệ thiệt hại định như nhau, căn cứ vào mức thiệt hại của đa số diện tích ruộng đất trong khoảnh.

Nếu tích cực chống thiên tai, dù mức thiệt hại có ít hơn cũng được tính theo mức thiệt hại chung. Ngược lại, nếu lười biếng, không chăm lo, dù mức thiệt hại có nhiều hơn, cũng vẫn tính theo mức thiệt hại chung.

Điều 26. Trường hợp một vùng mùa màng bị thiệt hại liên tiếp hai ba năm liền, Ủy ban hành chính khu có thể đề nghị giảm, miễn cao hơn tỷ lệ quy định ở điều 24.

Trường hợp một vùng bị thiên tai đặc biệt nghiêm trọng, thiệt hại nặng nề, Ủy ban hành chính tỉnh có thể đề nghị giảm hoặc miễn thuế cho cả vùng.

Những đề nghị giảm miễn trong cả hai trường hợp trên đều phải do Bộ Tài chính chuẩn y trước khi thi hành.

Điều 27. Đối với những nông hộ vì gặp tai nạn bất ngờ hay vì một lý do chính đáng mà bị mất sức lao động làm ảnh hưởng đến đời sống và khả năng đóng góp thì nhân dân bình nghị đề nghị chiếu cố giảm miễn, tùy hoàn cảnh cụ thể từng nông hộ, không căn cứ vào những tỷ lệ quy định ở điều 24 đối với thiệt hại về mùa màng.

Đề nghị giảm, miễn trên phải do Ủy ban hành chính tỉnh chuẩn y trước khi thi hành.

Chương 6:

LẬP SỔ THUẾ, THU THUẾ

Điều 28. Thuế nông nghiệp mỗi năm tính một lần và thu làm hai vụ: vụ hạ và vụ đông. Số thu của mỗi vụ nhiều hay ít là tùy theo số thu hoạch của từng vụ.

Điều 29. Thuế nông nghiệp thu bằng thóc. Nhưng, để tiện lợi cho nhân dân, những nơi sản xuất ít thóc có thể nộp bằng nông sản khác hay bằng tiền thay thóc.

Việc định giá thóc để thu thuế, việc định tỷ lệ các nông sản khác ra thóc để thu thuế do Bộ Tài chính quy định.

Điều 30. Sổ thuế lập xong phải do Ủy ban hành chính tỉnh duyệt; duyệt xong, sổ ấy không được sửa chữa. Nếu sau đó có những sự thay đổi về ruộng đất, thì mỗi bên có liên quan sẽ thương lượng để nộp đủ số thuế đã ấn định cho người đứng tên trong sổ thuế. Sau khi sổ thuế đã được duyệt y. Ủy ban hành chính xã có nhiệm vụ báo cho các nông hộ biết số thuế phải nộp, thời hạn nộp và nơi nộp.

Điều 31. Mỗi nông hộ có nhiệm vụ:

1) Kê khai đúng số nhân khẩu nông nghiệp, diện tích và sản lượng.

2) Nộp đủ thuế đúng hạn; thóc nộp phải khô, sạch, không ẩm ướt, lẫn sạn cát.

3) Chuyển thóc thuế đến kho trong phạm vi 15 cây số một lượt; nếu kho xa quá 15 cây số thì được trả thù lao từ cây số thứ 16 trở đi.

Điều 32. Nông hộ nào nhận thấy nhân khẩu, diện tích sản lượng định không đúng hoặc tính toán sai lầm có quyền đề nghị Ủy ban hành chính xã xét lại. Nếu không được xét và trả lời, có quyền khiếu nại lên Ủy ban hành chính huyện hay tỉnh. Ủy ban hành chính huyện, tỉnh phải kịp thời điều tra và giải quyết. Trong khi chờ đợi, nông hộ vẫn phải nộp đủ thuế đúng hạn. Sau khi giải quyết, nếu thừa thì được trả lại, nếu thiếu thì phải nộp thêm cho đủ.

Điều 33. Để tiến hành việc làm thuế nông nghiệp, ở mỗi xã phải thành lập Ban thuế nông nghiệp đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ủy ban hành chính xã.

Ban thuế nông nghiệp do Ủy ban hành chính và nông hội xã tổ chức.

Thành phần Ban thuế nông nghiệp gồm:

- Chủ tịch hay Phó chủ tịch UBHC xã: Trưởng ban

- Một đại diện Ban chấp hành nông hội xã: Phó trưởng ban

- Cán bộ phụ trách địa bạ xã: Thư ký

- Mỗi thôn một đại biểu: Ủy viên.

Bộ phận thường trực của Ban thuế nông nghiệp là Trưởng ban, Phó trưởng ban và thư ký.

Nhiệm vụ của Ban thuế nông nghiệp là :

- Tuyên truyền giải thích chính sách trong nhân dân.

- Điều tra và tổ chức nông nghiệp bình nghị kê khai; kiểm soát diện tích, sản lượng, nhân khẩu của mỗi nông hộ.

- Tính thuế và lập sổ thuế.

- Tổ chức và đôn đốc việc thu thuế, kiểm soát phẩm chất thóc.

- Giữ tài liệu, sổ sách về thuế nông nghiệp.

Chương 7:

THƯỞNG PHẠT

Điều 34. Những người đủ tiêu chuẩn dưới đây sẽ được khen thưởng:

- Những người kê khai thành thật, hăng hái nộp đủ thuế đúng hạn, nộp thóc khô, sạch, tốt, có ý thức bảo vệ kho tàng, có tác dụng gương mẫu.

- Cán bộ tích cực công tác, chí công vô tư, chấp hành đúng chính sách, tác phong tốt, có nhiều sáng kiến.

Điều 35. Những người cố tình khai man nhân khẩu, diện tích, sản lượng, sau khi bị khám phá phải khai lại cho đúng và nộp thêm cho đủ. Ngoài ra, Ủy ban hành chính xã có thể phạt một số thóc hay tiền ngang số thuế gian lậu.

Những người cố tình dây dưa không nộp thuế đúng hạn có thể bị phạt một số thóc hay tiền ngang số thuế thiếu.

Trong cả hai trường hợp trên, nếu người phạm lỗi là cán bộ thì bị phạt gấp đôi.

Điều 36. Cán bộ thuế tham ô, che chở cho họ hàng, bà con khai man, ẩn lậu thuế, cố tình làm sai chính sách, gây thiệt hại cho Chính phủ và nhân dân thì bị thi hành kỷ luật hay đưa truy tố trước tòa án.

Điều 37. Tất cả những hành động có tính chất chống phá chính sách thuế nông nghiệp sẽ bị đưa truy tố trước tòa án để xét xử theo pháp luật hiện hành.

Chương 8:

ĐIỀU KHOẢN PHỤ

Điều 38. Điều lệ này chỉ thi hành ở những nơi đã cải cách ruộng đất.

Điều 39. Nương rẫy, ruộng đất của các quốc doanh nông nghiệp sẽ nộp thuế theo một chế độ riêng, không thuộc phạm vi điều lệ này.

Điều 40. Chi tiết thi hành điều lệ này do Bộ Tài chính quy định.

Ban hành chiếu theo nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp ngày 22 tháng 3 năm 1956

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phạm Văn Đồng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Điều lệ số 715-TTg về Thuế Nông nghiệp áp dụng ở những nơi đã cải cách ruộng đất do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 715-TTg
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 24/03/1956
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Văn Đồng
  • Ngày công báo: 10/04/1956
  • Số công báo: Số 6
  • Ngày hiệu lực: 08/04/1956
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản