Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 79/2004/TT-BTC | Hà Nội, ngày 10 tháng 8 năm 2004 |
Căn cứ Quyết định số 173/2001/QĐ-TTg ngày 6/11/2001 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2001-2005,
Căn cứ Quyết định số 105/2002/QĐ-TTg ngày 02/8/2002 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách cho các hộ dân vùng ngập lũ mua trả chậm nền nhà và nhà ở trong các cụm, tuyến dân cư ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long,
Căn cứ Quyết định số 78/2004/QĐ-TTg ngày 07/5/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh, bổ sung một số cơ chế chính sách để đẩy nhanh tiến độ xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở tại các tỉnh thường xuyên ngập lũ vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Bộ Tài chính hướng dẫn về việc điều chỉnh, bổ sung một số cơ chế chính sách để đẩy nhanh tiến độ xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở tại các tỉnh thường xuyên ngập lũ vùng Đồng bằng sông Cửu Long như sau:
I. VỀ VỐN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ SỞ HẠ TẦNG THIẾT YẾU TRONG CỤM, TUYẾN DÂN CƯ:
1. Nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu trong cụm, tuyến dân cư:
Để kịp thời giải quyết vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu trong cụm, tuyến dân cư (đường nội bộ, hệ thống cấp, thoát nước, ) nhằm tạo điều kiện thuận lợi thu hút các hộ dân thuộc diện được bình xét nhanh chóng vào sống ổn định trong các cụm, tuyến dân cư, các địa phương cần chủ động xử lý bằng các nguồn vốn sau:
1.1. Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính làm việc với Chi nhánh Quỹ Hỗ trợ phát triển địa phương để xác định tổng nhu cầu vốn vay đầu tư xây dựng các kết cấu hạ tầng thiết yếu của địa phương. Quỹ Hỗ trợ phát triển Trung ương xử lý cho Ngân sách tỉnh vay trong kế hoạch tín dụng đầu tư của Nhà nước hàng năm để đầu tư vào mục đích trên. Thời hạn vay tối đa là 24 tháng. Lãi suất vay theo quy định hiện hành. Các địa phương phải có cam kết trả nợ và tự chịu trách nhiệm về việc sử dụng vốn vay đối với Chi nhánh Quỹ Hỗ trợ phát triển của Tỉnh. Quỹ Hỗ trợ phát triển Trung ương hướng dẫn chi tiết thủ tục cho vay và thu hồi nợ.
1.2. Uỷ ban nhân dân các tỉnh chủ động lồng ghép các chương trình mục tiêu để đầu tư hạ tầng thiết yếu, nhất là Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, đường giao thông nông thôn trong các cụm, tuyến dân cư thuộc phạm vi tỉnh quản lý.
1.3. Huy động nguồn vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu trong cụm, tuyến dân cư bằng giải pháp nhà thầu ứng trước vốn để thi công các công trình. Uỷ ban nhân dân tỉnh có thể chỉ định thầu theo quy định của pháp luật đối với nhà thầu có đủ năng lực vốn để thi công. Khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ thanh toán cho nhà thầu.
1.4. Huy động các nguồn vốn đóng góp của người dân được thụ hưởng từ chương trình (như đóng góp bằng tiền, bằng ngày công, ) để đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu trong cụm, tuyến dân cư .
1.5. Các địa phương được chủ động điều tiết tiền thu được từ bán 30% nền nhà trên các cụm, tuyến dân cư để đầu tư hạ tầng thiết yếu cho các cụm, tuyến dân cư trên địa bàn.
Việc xác định giá đất nền nhà trên các cụm, tuyến dân cư (phần bán 30%) được thực hiện theo quy định tại điểm 2.1 mục I Phần B Thông tư liên tịch số 72/2002/TTLT-TC-XD-NHNN của liên Bộ Tài chính - Bộ Xây dựng - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về hướng dẫn thực hiện chính sách cho các hộ dân vùng ngập lũ mua trả chậm nền nhà và nhà ở trong cụm, tuyến dân cư vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
1.6. Trong trường hợp huy động các nguồn vốn trên mà còn thiếu vốn thì các tỉnh chủ động bố trí ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu. Trường hợp địa phương đang nhận trợ cấp cân đối từ ngân sách trung ương có khó khăn thì Bộ Tài chính sẽ tăng tiến độ trợ cấp ngân sách theo kế hoạch ngân sách năm trên cơ sở đề nghị của Uỷ ban nhân dân tỉnh.
2. Nguồn vốn để trả nợ xây dựng hạ tầng thiết yếu:
Việc bán 30% nền nhà sau khi đã có hạ tầng thiết yếu, về nguyên tắc sau khi bán (hoặc đấu giá quyền sử dụng đất) toàn bộ số tiền bán được nộp vào Kho bạc nhà nước địa phương (Sở Tài chính mở một tài khoản để theo dõi và quản lý nguồn vốn này).
Tiền thu từ bán 30% nền nhà trên các cụm, tuyến dân cư là nguồn vốn để hoàn trả tiền vay từ Quỹ Hỗ trợ phát triển mà tỉnh đã vay để xây dựng hạ tầng thiết yếu.
- Trường hợp tiền vay Quỹ Hỗ trợ phát triển lớn hơn số tiền thu được từ việc bán 30% nền nhà, thì ngân sách địa phương thanh toán phần chênh lệch với Quỹ Hỗ trợ phát triển.
- Trường hợp tiền vay Quỹ Hỗ trợ phát triển nhỏ hơn số tiền thu được do bán 30% nền nhà, thì địa phương được chủ động điều tiết số tiền chệnh lệch để tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu ở những cụm, tuyến dân cư khác trên địa bàn quản lý.
3. Lập kế hoạch vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu trong cụm, tuyến dân cư:
3.1. Chủ đầu tư căn cứ vào điều kiện cụ thể của dự án xây dựng và lập kế hoạch tổng nhu cầu vốn và nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu trong cụm, tuyến dân cư gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh và Sở Tài chính. Trong đó chi tiết các nguồn sau:
- Nguồn vốn bán 30% nền nhà.
- Nguồn vay từ Quỹ Hỗ trợ phát triển.
- Nguồn vốn nhà thầu ứng trước vốn để thi công.
- Nguồn vốn đóng góp của người dân được thụ hưởng từ chương trình nhà thầu ứng trước vốn để thi công.
Kế hoạch vốn trên lập hàng năm có chia ra từng quý. Việc quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư xây dựng các kết cấu hạ tầng thiết yếu được thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước và các quy định tại văn bản này. (Theo biểu số 01 KH/TC đính kèm)
3.2. Sở Tài chính: Căn cứ vào kế hoạch đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu cụm, tuyến dân cư của các Chủ đầu tư, Sở Tài chính tổng hợp đề xuất phương án bố trí các nguồn vốn để xây dựng hạ tầng thiết yếu của các cụm, tuyến dân cư trong toàn tỉnh. Căn cứ vào phương án đề xuất của Sở Tài chính, Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét và quyết định giao kế hoạch cho các chủ Đầu tư quản lý, thực hiện. (Theo biểu số 02 TH/KH đính kèm)
4. Báo cáo xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu trong cụm, tuyến dân cư:
4.1. Chủ đầu tư lập báo cáo theo các nội dung sau:
- Căn cứ vào tình hình thực hiện thanh toán, quyết toán vốn đầu tư xây dựng các kết cấu hạ tầng thiết yếu.
- Vào ngày 5 của tháng đầu quý sau, Chủ đầu tư thực hiện lập báo cáo theo quý gửi Sở Tài chính (theo mẫu số 03 BCTH).
Trong báo cáo nêu rõ khó khăn, tồn tại và kiến nghị xử lý vốn để đáp ứng tiến độ.
4.2. Sở Tài chính: tổng hợp báo cáo và đề xuất phương án điều chỉnh vốn và nguồn vốn của từng chủ đầu tư, phù hợp với tiến độ thực hiện cụm, tuyến dân cư để trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định (Biểu 04 KHĐC/TC đính kèm).
4.3. Uỷ ban nhân dân tỉnh tổng hợp kế hoạch vốn và tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng các kết cấu hạ tầng thiết yếu hàng quý và năm gửi Bộ Tài chính và Ban Điều phối chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
5. Trách nhiệm của các cơ quan có liên quan:
5.1. Uỷ ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm:
- Chỉ đạo các ngành chức năng: tổng hợp, xác định nhu cầu vốn xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu và khả năng các nguồn vốn đảm bảo, trong đó có nhu cầu vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ phát triển.
- Chỉ đạo việc lập phương án, chủ động điều tiết vốn bán nền nhà từ nơi có điều kiện thuận lợi (bán được nhiều) đến nơi không thuận lợi (không bán được hoặc bán được ít), để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu trong cụm, tuyến dân cư; phê duyệt kế hoạch bán nền nhà.
- Chỉ đạo việc vay và trả nợ vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước; tổ chức giao nền nhà và vốn phải trả nợ tới từng hộ dân, thu hồi khoản nợ của từng hộ dân để hoàn trả Quỹ Hỗ trợ phát triển .
- Chỉ đạo việc quản lý vốn đầu tư và xây dựng các dự án, công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu theo chế độ quy định hiện hành và hướng dẫn tại Thông tư này.
5.2. Sở Tài chính có trách nhiệm.
- Tổng hợp, xác định nhu cầu vốn xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu và khả năng các nguồn vốn đảm bảo, trong đó có nhu cầu vốn vay từ Quỹ Hỗ trợp phát triển.
- Lập phương án điều tiết vốn bán nền nhà từ nơi có điều kiện thuận lợi (bán được nhiều) đến nơi không thuận lợi (không bán được hoặc bán được ít), trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định.
- Thực hiện việc vay và trả nợ vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước theo Quyết định của Uỷ ban nhân dân tỉnh.
- Quản lý vốn đầu tư và xây dựng các dự án, công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu theo chế độ quy định hiện hành và hướng dẫn tại Thông tư này.
5.3. Quỹ Hỗ trợ phát triển có trách nhiệm ký hợp đồng cho vay vốn, chuyển vốn và thu nợ theo hợp đồng đã ký kết.
5.4. Kho bạc nhà nước chịu trách nhiệm tổ chức kiểm soát thanh toán vốn cho các dự án và báo cáo tình hình thanh toán vốn theo quy định.
5.5. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm:
- Sử dụng và quản lý vốn đúng mục đích, có hiệu quả theo quy định hiện hành của Nhà nước.
- Xây dựng kế hoạch vốn và nguồn vốn hàng năm, quý đầy đủ kịp thời gửi các cơ quan có liên quan theo quy định của Thông tư này.
- Tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức bán 30% nền nhà theo quy định hiện hành của Nhà nước và các quy định tại văn bản này.
- Thực hiện việc lập kế hoạch, báo cáo tình hình thực hiện theo quy định của Thông tư này.
- Thực hiện việc thanh, quyết toán vốn đầu tư đầy đủ và kịp thời theo quy định hiện hành của Nhà nước.
II. VỀ VỐN ĐẦU TƯ CÁC DỰ ÁN ĐẮP BỜ BAO KHU DÂN CƯ CÓ SẴN
Các dự án đắp bờ bao khu dân cư có sẵn thuộc Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở, phù hợp với quy hoạch thuỷ lợi và quy hoạch kiểm soát lũ của địa phương và của toàn vùng được đầu tư xây dựng bằng các nguồn vốn như sau:
1. Các địa phương được sử dụng không quá 80% số vốn ngân sách Trung ương đã phân bổ theo Quyết định 216/2002/QĐ-TTg ngày 25/3/2002 của Thủ tướng Chính phủ (đã được Bộ Tài chính thông báo) để đầu tư các dự án đắp bờ bao khu dân cư có sẵn.
Nguồn vốn ngân sách Trung ương đã phân bổ theo Quyết định 216/2002/QĐ-TTg ngày 25/3/2002 của Thủ tướng Chính phủ và vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ phát triển (đã được Bộ Tài chính thông báo) là mức vốn tối đa để các địa phương thực hiện việc tôn nền và đắp bờ bao khu dân cư có sẵn thuộc Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư .
2. Ngoài phần vốn ngân sách Trung ương để đầu tư các dự án đắp bờ bao khu dân cư có sẵn, các địa phương được huy động các nguồn vốn sau đây:
2.1 Huy động sự đóng góp của các hộ dân được hưởng lợi trong khu vực dự án đắp bờ bao. Đối với các hộ dân đang định cư trong khu vực được đắp bờ bao và các hộ dân đang sống rải rác được di dời vào ở trong khu vực được đắp bờ bao được mua trả chậm nền nhà và nhà ở theo cơ chế, chính sách quy định tại Điều 1 Quyết định số 105/2002/QĐ-TTg ngày 2/8/2002 của Thủ tướng Chính phủ.
Chi phí đóng góp của các hộ được xác định theo nguyên tắc phân bổ trên diện tích đất của từng hộ.
2.2 Nếu huy động các nguồn vốn trên vẫn còn thiếu, các địa phương được bố trí bằng vốn hợp pháp khác từ ngân sách địa phương để thực hiện.
3. Việc quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư xây dựng các dự án đắp bờ bao khu dân cư có sẵn được thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước.
Việc quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu trong cụm, tuyến dân cư và đắp bờ bao khu dân cư có sẵn thuộc Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư được áp dụng theo quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành: Thông tư số 39/2002/TT-BTC ngày 26/4/2002, Thông tư số 54/2002/TT-BTC ngày 25/6/2002 của Bộ Tài chính và Thông tư liên tịch số 72/2002/TTLT-TC-XD-NHNN liên tịch Tài chính- Xây dựng- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hướng dẫn thực hiện chính sách cho các hộ dân vùng ngập lũ mua trả chậm nền nhà và nhà ở trong cụm, tuyến dân cư vùng Đồng bằng sông Cửu Long .
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Trong quá trình thực hiện nếu có gì vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để xem xét, giải quyết.
Nguyễn Công Nghiệp (Đã ký) |
- 1Quyết định 105/2002/QĐ-TTg về chính sách cho các hộ dân vùng ngập lũ mua trả chậm nền nhà và nhà ở trong các cụm, tuyến dân cư ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 173/2001/QĐ-TTg về việc phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2001-2005 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Thông tư 39/2002/TT-BTC hướng dẫn quản lý, thanh toán vốn ngân sách Nhà nước và vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước đầu tư xây dựng các cụm, tuyến dân cư vượt lũ vùng đồng bằng sông Cửu Long do Bộ Tài chính ban hành
- 4Thông tư 54/2002/TT-BTC sửa đổi Thông tư 39/2002/TT-BTC hướng dẫn quản lý, thanh toán vốn NSNN và vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước đầu tư xây dựng các cụm, tuyến dân cư vượt lũ vùng đồng bằng sông Cửu Long do Bộ Tài chính ban hành
- 5Thông tư liên tịch 72/2002/TTLT-TC-XD-NHNN thực hiện chính sách cho các hộ dân vùng ngập lũ mua trả chậm nền nhà và nhà ở trong cụm, tuyến dân cư vùng đồng bằng sông Cửu Long do Bộ Tài chính - Bộ Xây dựng - Ngân hàng Nhà nước ban hành
- 6Quyết định 78/2004/QĐ-TTg điều chỉnh cơ chế chính sách để đẩy nhanh tiến độ xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở tại các tỉnh thường xuyên ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Thông tư 79/2004/TT-BTC hướng dẫn Quyết định 78/2004/QĐ-TTg điều chỉnh, bổ sung cơ chế chính sách để đẩy nhanh tiến độ xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở tại các tỉnh thường xuyên ngập lũ vùng đồng bằng sông Cửu Long do Bộ Tài chính ban hành
- Số hiệu: 79/2004/TT-BTC
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 10/08/2004
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Nguyễn Công Nghiệp
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 29
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra