Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 77-TC/TCT

Hà Nội, ngày 05 tháng 12 năm 1992

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 77-TC/TCT NGÀY 5 THÁNG 12 NĂM 1992 HƯỚNG DẪN VIỆC XỬ LÝ HÀNG TỊCH THU

Thi hành Chỉ thị số 01-TTg ngày 6-10-1992 của Thủ tướng Chính phủ "về một số biện pháp cấp bách nhằm chấn chỉnh quản lý các dịch vụ xuất nhập khẩu và lưu thông hàng hoá ở thị trường trong nước"; tiếp theo các Thông tư số 57-TC/TCT ngày 14-10-1992; Thông tư số 59-TC/TCT ngày 15-10-1992; Thông tư số 69-TC/TCT ngày 2-11-1992; Bộ Tài chính hướng dẫn việc xử lý hàng tịch thu trong diện tạm ngừng nhập khẩu như sau:

I- TRÌNH TỰ XỬ LÝ HÀNG TỊCH THU

1. Các trạm kiểm soát liên ngành, các tổ chức, đội được giao nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, khi phát hiện các trường hợp vi phạm phải lập biên bản giữ hàng hoá, ghi rõ số lượng, trọng lượng, quy cách mặt hàng, các chứng từ kèm theo, lý do thu giữ hàng, v.v. Biên bản được lập 2 bản có ký nhận (đóng dấu nếu có) của hai bên, cơ quan lập biên bản giữ hàng lưu 1 bản, chủ hàng giữ 1 bản.

Trường hợp chủ hàng không ký biên bản, thì phải ghi rõ lý do và các thành viên có liên quan trong trạm, đội chống buôn lậu cùng ký xác nhận.

2. Sau khi lập biên bản giữ hàng hoá, chậm nhất là 2 ngày, các trạm kiểm soát liên ngành, các tổ đội chống buôn lậu phải chuyển hồ sơ kèm theo biên bản giữ hàng hoá đến Hội đồng xử lý xem xét và ra Quyết định xử lý theo đúng quy định tại mục II Thông tư số 59-TC/TCT ngày 15-10-1992 của Bộ Tài chính.

Đối với hàng quyết định tịch thu phải làm thủ tục nhập kho, viết "Phiếu nhập hàng tịch thu" theo mẫu thống nhất do Bộ Tài chính phát hành (mẫu CTT21) 3 liên: liên 1 giao thủ kho giữ, liên 2 giao cho người giao hàng, liên 3 để ghi sổ kế toán. Đối với loại hàng hoá dễ hư hỏng phải bảo quản chu đáo và xử lý kịp thời tránh để hư hỏng, mất mát.

Hội đồng xử lý quyết định xử lý bán hàng tịch thu phải ghi rõ số lượng, chủng loại, giá cả cụ thể từng mặt hàng, khi xuất kho phải kèm phiếu xuất kho và phải tổ chức quản lý chặt chẽ việc bán hàng, bảo đảm bán công khai cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu (trước hết ưu tiên bán hàng cho tổ chức thương nghiệp quốc doanh), trường hợp cần thiết có thể tổ chức bán đấu giá và thu tiền cho Ngân sách Nhà nước. Nghiêm cấm việc xác định một mức giá rẻ để lợi dụng chênh lệch giá.

Khi bán hàng cho các tổ chức, cá nhân còn phải vận chuyển buôn bán trên thị trường đối với những loại hàng phải quản lý chứng từ như quy định trong Thông tư số 59-TC/TCT ngày 15-10-1992 của Bộ Tài chính thì cơ quan thuế cấp chứng từ cần thiết cho người mua hàng.

Hội đồng xử lý hàng tịch thu, do UBND tỉnh, thành phố (ở tỉnh, thành phố) hoặc UBND quận, huyện (nếu ở quận, huyện) quyết định uỷ quyền cho Cục trưởng hoặc Chi cục trưởng thuế làm Chủ tịch Hội đồng và các thành viên là đại diện cơ quan công an, thương mại, hải quan, ban quản lý thị trường cùng cấp.

3. Giá bán các mặt hàng tịch thu là giá thị trường tại địa phương do Sở Tài chính - Vật giá tỉnh, thành phố hướng dẫn trong từng thời gian. Đối với những mặt hàng cần thiết phải đẩy mạnh bán ra, thì giá bán có thể quy định thấp hơn giá thị trường, nhưng tối thiểu phải bằng 90% giá thị trường.

4. Xử lý số tiền bán hàng tịch thu: tiền thu về bán hàng tịch thu được thu vào tài khoản tạm giữ của cơ quan thuế. Từ tài khoản này làm thủ tục chi trả tiền chi phí về bắt giữ vận chuyển, bảo quản (nếu có) và trích thưởng cho các đơn vị, cá nhân có thành tích trong việc phát hiện, bắt giữ các vụ vi phạm theo quy định tại Thông tư số 04-TC/TCT ngày 04-01-1991 của Bộ Tài chính. Số tiền còn lại phải nộp đầy đủ, kịp thời vào mục 30 của mục lục ngân sách tại Kho bạc Nhà nước.

II- XỬ LÝ MỘT SỐ VIỆC LIÊN QUAN ĐẾN QUẢN LÝ CÁC MẶT HÀNG TẠM NGỪNG NHẬP KHẨU

1. Đối với hàng nhập vào nội địa trước khi có Thông tư số 10-TM/XNK ngày 24-10-1992 của Bộ Thương mại: phải tổ chức kê khai và truy thu thuế nhập khẩu (nếu có) theo quy định tại điểm 4 mục I Thông tư số 59-TC/TCT ngày 15-10-1992 của Bộ Tài chính. Khi mua, bán, vận chuyển các mặt hàng này phải có các chứng từ sau đây:

- Hoá đơn của người bán (loại hoá đơn do Bộ Tài chính phát hành).

- Biên lai thu thuế XNK tiểu ngạch hoặc biên lai truy thu thuế nhập khẩu.

Hàng nhập khẩu chính ngạch của các đơn vị kinh tế quốc doanh, khi mua, bán, vận chuyển phải có hoá đơn của đơn vị bán hàng.

Trường hợp phát hiện chủ hàng đã có biên lai thu thuế nhập khẩu nhưng thu không đúng thuế suất, giá tính thuế quá thấp, thì xử lý truy thu đúng thuế suất theo hướng dẫn về giá tính thuế đối với các mặt hàng xuất nhập khẩu của Bộ Tài chính, tương ứng với thời điểm hàng nhập khẩu vào nội địa.

2. Tất cả các mặt hàng thuộc diện tạm ngừng nhập khẩu, nếu kiểm tra phát hiện hàng nhập vào nội địa sau khi có Thông tư số 10-TM/XNK ngày 24-10-1992 của Bộ Thương mại (kể cả lô hàng đã có tờ khai hải quan, có biên lai thu thuế nhập khẩu) đều bị xử lý tịch thu theo quy định tại Chỉ thị số 01-TTg ngày 6-10-1992 của Thủ tướng Chính phủ.

Trường hợp hàng nhập khẩu có tờ khai hải quan, có biên lai thu thuế nhập khẩu: nếu xét tình tiết không nghiêm trọng thì sau khi bán hàng tịch thu, giải quyết cho chủ hàng được trừ số tiền đã nộp thuế nhập khẩu; nếu vi phạm nghiêm trọng (như chống đối, cố tình vi phạm) thì ngoài việc tịch thu hàng hoá chủ hàng còn bị xử phạt bằng tiền, mức phạt bằng mức thuế nhập khẩu đã nộp. Đồng thời cơ quan kiểm tra, kiểm soát làm báo cáo về Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan để xử lý đối với cán bộ thuế, cơ quan thu thuế thi hành sai chính sách thuế của Nhà nước gây thất thu ngân sách.

III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này được thi hành kể từ ngày ký. Các ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chỉ đạo các tổ chức của mình đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, đồng thời xử lý hàng tịch thu đúng pháp luật.

2. Nghiêm cấm làm trái những chế độ quy định để lợi dụng tham ô tài sản tiền bạc của Nhà nước.

3. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vấn đề gì khó khăn, vướng mắc, cần báo cáo kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết.

Phan Văn Dĩnh

(Đã Ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 77-TC/TCT năm 1992 hướng dẫn việc xử lý hàng tịch thu do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 77-TC/TCT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 05/12/1992
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Phan Văn Dĩnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản