Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 77-TC/CĐKT

Hà Nội, ngày 17 tháng 12 năm 1991

THÔNG TƯ

SỐ 77-TC/CDKT NGÀY 17-12-1991 CỦA BỘ TÀI CHÍNH HƯỚNG DẪN KẾ TOÁN THANH TOÁN NỢ QUÁ HẠN GIỮA CÁC ĐƠN VỊ KINH TẾ QUỐC DOANH

Thực hiện Quyết định số 104-CT ngày 10-4-1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về thanh toán công nợ giữa các đơn vị tổ chức kinh tế, Bộ Tài chính hướng dẫn kế toán thanh toán các khoản nộp quá hạn phải thu, phải trả giữa các đơn vị kinh tế quốc doanh đang hoạt động theo phương pháp bù trừ qua Ban chỉ đạo tổng thanh toán công nợ Trung ương như sau:

1- Nguyên tắc kế toán thanh toán nợ bù trừ

- Chỉ đưa vào thanh toán kỳ này các khoản nợ của các đơn vị kinh tế quốc doanh đang hoạt động đã được khách nợ, chủ nợ xác nhận. Trường hợp số liệu khách nợ xác nhận nợ thấp hơn số liệu của chủ nợ thì đưa vào thanh toán theo số liệu khách nợ đã xác nhận. Số chênh lệch còn tranh chấp được khoanh lại và tạm thời chuyển sang tài khoản 67 "Tài sản chờ xử lý" tiểu khoản 671 tài sản thiếu (chi tiết công nợ còn tranh chấp) để sau đợt thanh toán này sẽ kiểm tra, đối chiếu và giải quyết thanh toán dứt điểm.

- Số nợ đưa thanh toán phải có sự xác nhận cuả từng khách nợ chủ nợ. Tổng số nợ quá hạn phải thu hoặc tổng số nợ quá hạn phải trả xin thanh toán phải khớp đúng với số tổng cộng nợ phải thu hoặc nợ phải trả quá hạn của tất cả các đối tượng thanh toán trong kỳ này.

-Đối với các khoản nợ quá hạn phải thanh toán bằng ngoại tệ nếu phát sinh khoản chênh lệch về tỷ giá giữa tỷ giá đã ghi sổ kế toán với tỷ giá ở thời điểm thanh toán nợ, thì khoản chênh lệch này hạch toán vào tài khoản 65 "Chênh lệch tỷ giá và chỉ số giá" tiểu khoản 651 chênh lệch tỷ giá ngoại tệ".

- Căn cứ ghi vào sổ kế toán là các chứng từ xác nhận số công nợ đã được thanh toán hoặc đã chuyển tiền hay nhận tiền...

- Để kế toán bù trừ công nợ, các đơn vị được mở tiểu khoản 620 "Thanh toán nợ bù trừ". Ban chỉ đạo tổng thanh toán công nợ Trung ương thuộc tài khoản 62 "Các khoản phải thu, phải trả".

Nội dung phản ảnh của tiểu khoản 620 như sau:

Bên nợ:

- Các khoản nợ phải thu chuyển vào thanh toán kỳ này (theo chi tiết của từng đối tượng);

- Đơn vị chuyển tiền gửi hoặc tiền vay Ngân hàng chuyển cho Ban thanh toán công nợ để thanh toán các khoản nợ phải trả.

Bên có:

-Số nợ phải trả chuyển vào thanh toán kỳ này (theo chi tiết của từng chủ nợ).

- Số còn phải thu chuyển từ các khoản nợ tiền vay quá hạn phải trả Ngân hàng, phải trả các hợp tác xã tín dụng, phải trả các khoản còn nợ ngân sách;

- Nhận được tiền của Ban thanh toán công nợ chuyển trả số nợ phải thu còn lại.

- Số phí phải trả cho Ban thanh toán công nợ theo quy định.

Số dư nợ: Số chênh lệch nợ phải thu lớn hơn nợ phải trả, đơn vị chưa được thanh toán;

Số dư có: Số chênh lệch nợ phải trả lớn hơn nợ phải thu, đơn vị chưa chuyển tiền hoặc chưa vay vốn để trả cho Ban thanh toán công nợ.

Khi hoàn tất việc thanh toán khoản chênh lệch (dư nợ hoặc dư có) thì tiểu khoản 620 tất toán.

2- Kế toán các khoản nợ bù trừ.

2.1. Kế toán chi tiết các khoản nợ phải thu, phải trả thanh toán kỳ này.

Sau khi nhận được thông báo và lệnh thanh toán của Ban chỉ đạo tổng thanh toán công nợ Trung ương, kế toán đơn vị phải căn cứ vào các chứng từ xác nhận số tiền nợ của từng chủ nợ, từng khách nợ, ghi giảm nợ theo từng đối tượng trên sổ kế toán chi tiết thanh toán công nợ.

2.2- Kế toán tổng hợp thanh toán bù trừ giữa nợ phải thu với nợ phải trả.

a) Kế toán các khoản nợ quá hạn phải thu.

Căn cứ vào số liệu tổng hợp với các khoản nợ quá hạn phải thu phân tích theo tính chất và đối tượng công nợ (phải thu của người mua, phải thu của người bán, người nhận thầu, phải thu của các đối tượng liên doanh và các đối tượng khác...). Kế toán ghi:

Nợ tài khoản 62 - Các khoản phải thu, phải trả

(620 - Thanh toán nợ bù trừ)

(Ban thanh toán công nợ Trung ương).

Có tài khoản 60 - Thanh toán với người bán

61- Thanh toán với người mua

62- Các khoản phải thu, phải trả

(622 - Các khoản phải thu phải trả khác)

66- Vốn tham gia liên doanh.

b) Kế toán các khoản nợ quá hạn phải trả

Căn cứ vào số liệu tổng hợp các khoản nợ quá hạn phải trả phân tích theo tính chất và từng đối tượng nợ, kế toán ghi:

Nợ tài khoản 60 - Thanh toán với người bán

61- Thanh toán với người mua

62- Các khoản phải thu, phải trả

(622 - Các khoản phải thu phải trả khác)

Có tài khoản 62 - Các khoản phải thu, phải trả

(620 - Thanh toán nợ bù trừ)

(Ban thanh toán công nợ Trung ương).

c) Kế toán các khoản nợ quá hạn phải thu, phải trả bằng ngoại tệ.

Đối với các khoản nợ phải thanh toán bằng ngoại tệ, nếu phát sinh chênh lệch giữa tỷ giá đã ghi sổ kế toán và tỷ giá ở thời điểm thanh toán nợ trong việc quy đổi ra đồng Ngân hàng Việt Nam, kế toán ghi:

- Các khoản nợ quá hạn phải thu:

Nợ tài khoản 62 - các khoản phải thu, phải trả

(620 - Thanh toán nợ bù trừ) (Ban thanh toán công nợ Trung ương) tính theo tỷ giá tại thời điểm thanh toán.

Có tài khoản 60 - Thanh toán với người bán (tính theo tỷ giá đã ghi sổ).

61- Thanh toán với người mua (tính theo tỷ giá đã ghi sổ).

62- Các khoản phải thu, phải trả (622) (tính theo tỷ giá đã ghi sổ)

66- Vốn tham gia liên doanh (tính theo tỷ giá đã ghi sổ).

65- Chênh lệch tỷ giá và chỉ số giá

(651 - Chênh lệch tỷ giá ngoại tệ)

(Số chênh lệch tỷ giá thời điểm thanh toán cao hơn tỷ giá đã ghi sổ).

- Các khoản nợ quá hạn phải trả:

Nợ tài khoản 60 - Thanh toán với người bán (tính theo tỷ giá đã ghi sổ).

61- Thanh toán với người mua (tính theo tỷ giá đã ghi sổ).

62- Các khoản phải thu, phải trả (622) (tính theo tỷ giá đã ghi sổ).

65- Chênh lệch tỷ giá và chỉ số giá.

(651 Chênh lệch tỷ giá thời điểm thanh toán cao hơn tỷ giá đã ghi sổ).

Có tài khoản 62 - Các khoản phải thu, phải trả

(620 - Thanh toán nợ bù trừ) (Ban thanh toán công nợ Trung ương) - (tính theo giá khi thanh toán).

d) Kế toán khoản chênh lệch nợ quá hạn phải thu, phải trả sau khi thanh toán bù trừ.

- Chênh lệch nợ quá hạn phải trả lớn hơn nợ quá hạn phải thu.

Theo quy định của Ban chỉ đạo Tổng thanh toán công nợ Trung ương các đơn vị còn nợ phải trả thì phải trích tài khoản tiền gửi của đơn vị mình hoặc làm đơn yêu cầu Ngân hàng cho vay để chuyển cho Ban thanh toán công nợ Trung ương. Căn cứ vào chứng từ chuyển tiền hoặc vay Ngân hàng kế toán ghi:

Nợ tài khoản 62 - Các khoản phải thu, phải trả

(620 - Thanh toán nợ bù trừ)(Ban thanh toán công nợ Trung ương)

Có tài khoản 51 - Tiền gửi Ngân hàng.

90- Vay ngắn hạn ngân hàng.

- Chênh lệch nợ quá hạn phải thu lớn hơn nợ quá hạn phải trả:

Theo quy định, số chênh lệch này trước hết được dùng để thanh toán các khoản nợ quá hạn vay Ngân hàng, vay hợp tác xã tín dụng, nợ quá hạn các khoản phải nộp ngân sách. Số chênh lệch phải thu nếu còn, được Ban thanh toán công nợ Trung ương chuyển vào tài khoản của đơn vị tại Ngân hàng nơi đơn vị mở tài khoản.

+ Khi nhận được giấy báo của Ban thanh toán công nợ Trung ương và giấy báo của Ngân hàng hoặc Quỹ tín dụng về số tiền đã trả nợ Ngân hàng và Hợp tác xã tín dụng, kế toán ghi:

Nợ tài khoản 90: - Vay ngắn hạn Ngân hàng

91- Vay dài hạn Ngân hàng

92- Vay đối tượng khác

Có tài khoản: 62 - Các khoản phải thu, phải trả

(620 - Thanh toán nợ bù trừ) (Ban thanh toán công nợ Trung ương).

+ Khi nhận được giấy báo của Ban thanh toán công nợ Trung ương và giấy báo của kho bạc Nhà nước về số tiền nợ quá hạn đã trả Ngân sách, kế toán ghi:

Nợ tài khoản 64 - Thanh toán với Ngân sách

Có tài khoản 62 - Các khoản phải thu, phải trả

(620 - Thanh toán nợ bù trừ) (Ban thanh toán công nợ Trung ương).

+ Khi nhận được giấy báo của Ban thanh toán công nợ Trung ương và giấy báo của Ngân hàng về số tiền đã chuyển vào tài khoản của đơn vị, kế toán ghi:

Nợ tài khoản 51 - Tiền gửi Ngân hàng

Có tài khoản 62 - Các khoản phải thu, phải trả

(620 - Thanh toán nợ bù trừ - Ban thanh toán công nợ Trung ương).

3- Kế toán khoản phí phải trả ban thanh toán công nợ Trung ương đối với các khoản nợ đã thu được.

Theo quy định của Hội đồng Bộ trưởng, các đơn vị nợ phải thu được thanh toán trong kỳ này phải trích nộp 0,5% (năm phần nghìn) trên số nợ thu được nộp cho Ban thanh toán công nợ Trung ương. Số phí này hạch toán vào chi phí quản lý xí nghiệp. Khi nhận được giấy báo của Ban thanh toán công nợ Trung ương về số phí đơn vị phải trả trừ vào số nợ phải thu hoặc đơn vị trích tài khoản tiền gửi của mình hoặc vay vốn Ngân hàng trả cho Ban thanh toán công nợ Trung ương, kế toán ghi:

Nợ tài khoản 33 - Chi phí quản lý xí nghiệp

Có tài khoản 62 - Các khoản phải thu, phải trả

(620 - Thanh toán nợ bù trừ) (Ban thanh toán công nợ Trung ương) trừ vào nợ phải thu).

hoặc 51 - tiền gửi Ngân hàng (đơn vị chuyển tiền gửi ngân hàng để trả)

hoặc 90 - Vay ngắn hạn Ngân hàng (đơn vị vay Ngân hàng để trả).

Trên đây là một số quy định và hướng dẫn kế toán thanh toán công nợ theo phương pháp bù trừ qua Ban thanh toán công nợ Trung ương. Trong quá trình thực hiện nếu có điểm gì vướng mắc, đề nghị các đơn vị, ngành, địa phương phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu, bổ sung hướng dẫn kịp thời.

Lý Tài Luận

(Đã Ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 77-TC/CĐKT năm 1991 hướng dẫn kế toán thanh toán nợ quá hạn giữa các đơn vị kinh tế quốc doanh do Bộ tài chính ban hành

  • Số hiệu: 77-TC/CĐKT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 17/12/1991
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Lý Tài Luận
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/01/1992
  • Ngày hết hiệu lực: 16/10/1999
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản