Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 75-TTg-TN

Hà Nội, ngày 30 tháng 07 năm 1964

THÔNG TƯ

GIẢI THÍCH VÀ BỔ SUNG VỀ CÁCH HẠCH TOÁN ĐỐI VỚI MỘT SỐ KHOẢN CHI PHÍ PHÁT SINH TRONG QUÁ TRÌNH SẢN XUẤT KINH DOANH CỦA XÍ NGHIỆP

Theo báo cáo của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, các ngành sản xuất kinh doanh đều nhất trí là không hạch toán vào giá thành và phí lưu thông những khoản chi phí không liên quan trực tiếp đến sản xuất và lưu chuyển hàng hóa như quy định trong thông tư số 115-TTg ngày 12-12-1963 của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng về nguồn vốn đài thọ một số chi phí nói trên, các ngành còn có chỗ chưa nhất trí.
Để bảo đảm thi hành nghiêm chỉnh và đầy đủ thông tư số 115-TTg.
Nhằm sử dụng các quỹ theo đúng chức năng của nó, đưa dầnviệc quản lý giá thành và phí lưu thông vào nền nếp, củng cố chế độ hạch toán kinh tế.
Thông tư này giải thích và bổ sung thông tư số 115-TTg về cách hạch toán đối với một số khoản chi phí phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh của xí nghiệp như sau:

1. Chi về lương của cán bộ chuyên trách làm công tác văn hóa quần chúng như cán bộ chuyên trách thể dục thể thao, giáo viên chuyên trách bổ túc văn hóa, cán bộ chuyên trách làm công tác truyền thanh, thư viện, báo chí, bảo tàng, câu lạc bộ…

Nguyên tắc là phải sử dụng cán bộ kiêm chức để làm các công việc nói trên, hết sức hạn chế sử dụng cán bộ chuyên trách.

Giao cho quỹ công đoàn chi lương của các cán bộ chuyên trách các công việc nói trên thực chất là giao cho Tổng công đoàn thống nhất quản lý biên chế loại cán bộ này. Vì vậy hàng năm, Tổng công đoàn phải bàn với Bộ Lao động và tham khảo ý kiến của các ngành liên quan (Ủy ban Thể dục thể thao, Bộ Giáo dục, Bộ Văn hóa…) về biên chế loại cán bộ này để ghi vào chỉ tiêu kế hoạchNhà nước. Nếu do phải chi thêm lương cho loại cán bộ này mà quỹ công đoàn thiếu thì Chính phủ trợ cấp thêm và Tổng công đoàn phải cùng Bộ Tài chính chuẩn bị trình Chính phủ về phạm vi sử dụng, tình hình sử dụng quỹ công đoàn để Chính phủ xét.

Tạm thời, trong năm nay, lương của loại cán bộ này do ngân sách Nhà nước chi; Tổng công đoàn lập dự trù kinh phí để Bộ Tài chính xét cấp.

2. Chi về hoạt động văn hóa quần chúng và thể dục thể thao

Nguyên tắc làhoạt động văn hóa quần chúng và thể dục thể thao ở xí nghiệp phải giữ tính chất nghiệp dư và mọi chi phí ở xí nghiệp, ngoài một phần của quỹ công đoàn, phải do quỹ xí nghiệp chi. Ủy ban Thể dục thể thao, Bộ Văn hóa, Bộ Lao động, Tổng công đoàn phải tiến tới quy định thì giờ luyện tập của các hoạt động văn hóa quần chúng, thể dục thể thao ở xí nghiệp cho thích hợp nhằm giữ vững kỷ luật lao động của Nhà nước, đồng thời duy trì hoạt động bình thường của phong trào văn hóa quần chúng và thể dục thể thao.

Đối với các cuộc thi đấu và biểu diễn thì cơ quan nào tổ chức phải đài thọ mọi khoản chi phí như quy định trong thông tư số 115-TTg. Tạm thời, trong năm nay, Ủy ban Thể dục thể thao, Bộ Văn hóa lập dự trù kinh phí để Bộ Tài chính xét cấp, bắt đầu từ 1965, phải tính toán nhu cầu chi tiêu ngay khi lập kế hoạch ngân sách vào đầu năm.

3. Chi về xây dựng, trang bị, sửa chữa các công trình văn hóa như câu lạc bộ, phòng đọc sách, sân bãi thể dục thể thao v.v…

Theo như quy định trong thông tư số 115-TTg đối với nhà ăn, nhà ở, nhà trẻ v.v…

4. Chi về trợ cấp khó khăn.

Quỹ xí nghiệp là một phần thu nhập của Nhà nước giao cho xí nghiệp sử dụng do yêu cầu của nguyên tắc khuyến khích bằng lợi ích vật chất và nguyên tắc sử dụng là xí nghiệp có quyền chủ động bố trí việc chi tiêu theo đúng thể lệ của Nhà nước. Thể lệ hiện hành của Nhà nước chỉ giao cho quỹ xí nghiệp chi khoản trợ cấp khó khăn tạm thời. Vì vậy, bắt đầu từ năm 1965, toàn bộ khoản chi về trợ cấp khó khăn thường xuyên là khoản chi của ngân sách Nhà nước. Tạm thời, trong năm nay, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về cách giải quyết khoản trợ cấp khó khăn thường xuyên như quy định trong công văn số 69-HC-3a ngày 29-01-1964 của Tổng công đoàn tức là quỹ xí nghiệp chịu 1/5, còn ngân sách chịu 4/5.

5. Chi về huấn luyện quân sự quá phạm vi thời gian nghĩa vụ

Về nguyên tắc, phải huấn luyện quân sự đúng trong phạm vi thời giannghĩa vụ quy định của Nhà nước. Trường hợp phải kéo dài thời gian huấn luyện theo chủ trương của Bộ Quốc phòng thì Bộ Quốc phòng cấp thêm kinh phí cho các Tỉnh đội để thanh toán cho xí nghiệp. Nếu địa phương kéo dài thời gian huấn luyện thì quỹ của Tỉnh đội phải đài thọ và thanh toán cho xí nghiệp.

6. Chi về bảo hiểm xã hội

Việc trích quỹ bảo hiểm xã hội phải theo đúng như quyết định số 62-CP ngày 10 tháng 4 năm 1964 của Hội đồng Chính phủ.

Ủy ban Kế hoạch Nhà nước bàn với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, và Tổng công đoàn sớm giải thích cách thi hành quyết định nói trên để giúp các xí nghiệp lập kế hoạch và hạch toán khoản chi về bảo hiểm xã hội được chính xác.

7. Lương cán bộ, công nhân nằm chờ công tác và phụ cấp thôi việc

Lương cán bộ, công nhân nằm chờ công tác giải quyết như sau:

- Nếu do khuyết điểm của xí nghiệp thì hạch toán vào giá thành và phí lưu thông.

- Nếu do các nguyên nhân khách quan như Nhà nước chủ trương rút kế hoạch sản xuất…, thì cơ quan chủ quản xí nghiệp lập dự trù kinh phí gửi cơ quan tài chính xét duyệt và được trừ vào lãi nộp ngân sách hoặc tính thêm vào lỗ.

- Nếu do khách hàng gây nên thì tùy theo quyết định của Hội đồng Trọng tài mà giải quyết: lấy ở nguồn tiền bồi thường của khách hàng để chi, hạch toán vào giá thành và phí lưu thông phần do khuyết điểm của xí nghiệp gây ra v.v…

Phụ cấp thôi việc cũng giải quyết như đối với tiền lương.

8. Thủ tục xử lý khi gặp thiên tai hỏa hoạn.

Ngay sau khi gặp thiên tai hỏa hoạn, xí nghiệp phải chủ động mời một Hội đồng, thành phần gồm:

- Đại diện Ủy ban hành chính địa phương, từ cấp huyện trở lên.

- Đại diện cơ quan tài chính, từ cấp huyện trở lên.

- Đại diện cơ quan công an, từ cấp huyện trở lên.

- Đại diện xí nghiệp (nếu là công trường kiến thiết cơ bản thì cả đại diện bên A và bên B).

Hội đồng này có nhiệm vụ:

- Kiểm kê số lượng và trị giá số thiệt hại.

- Tính toán thành tiền phần do khuyết điểm của xí nghiệp gây ra và phần do nguyên nhân khách quan gây ra.

- Lập biên bản gửi cho Bộ chủ quản và Bộ Tài chính để làm căn cứ xử lý (đối với xí nghiệp địa phương, thì gửi cho Ủy ban hành chính địa phương).

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban Kế hoạch Nhà nước hướng dẫn các ngành, các địa phương thi hành thông tư này.

Đồng thời các ngành, các địa phương, các xí nghiệp sản xuất kinh doanh phải khắc phục mọi khó khăn, thi hành nghiêm chỉnh thông tư này và thông tư số 115-TTg nhằm đưa việc quản lý giá thành và phí lưu thông tiến thêm một bước mới bắt đầu từ 1965.

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Phạm Hùng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 75-TTg-TN-1964 giải thích và bổ sung về cách hạch toán đối với một số khoản chi phí phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh của Xí nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 75-TTg-TN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 30/07/1964
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 29
  • Ngày hiệu lực: 14/08/1964
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản