Hệ thống pháp luật

TRỌNG TÀI KINH TẾ NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 73-PC/TT

Hà Nội, ngày 29 tháng 9 năm 1982

THÔNG TƯ

CỦA TRỌNG TÀI KINH TẾ NHÀ NƯỚC SỐ 73-PC/TT. NGÀY 29 THÁNG 9 NĂM 1982 HƯỚNG DẪN THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH SỐ 146-HĐBT NGÀY 25-8-1982 CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Thi hành Quyết định số 146-HĐBT ngày 25-8-1982 của Hội đồng Bộ trưởng về sửa đổi và bổ sung Quyết định số 25-CP ngày 21-1-1981 của Hội đồng Chính phủ, Trọng tài kinh tế Nhà nước ra thông tư này hướng dẫn việc ký kết và thực hiện hợp đồng, thanh tra và xét xử những vi phạm hợp đồng kinh tế về tiêu thụ sản phẩm ở các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh,

I. KÝ KẾT VÀ THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG TIÊU THỤ SẢN PHẨM

Các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh sau khi nhận được quyết định của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền xác định lại phương hướng nhiệm vụ sản xuất kinh doanh phỉa xem xét lại các hợp đồng kinh tế đã ký kết trước ngày 25-8-1982, cùng với các bên liên quan đã ký kết hợp đồng kinh tế thảo luận và kết luận các vấn đề cần phải sửa đổi, điểu chỉnh, huỷ bỏ các hợp đồng không còn phù hợp.

Khi sửa đổi, điều chỉnh , huỷ bỏ hoặc ký kết các hợp đồng mới cần chú ý:

1. Toàn bộ sản phẩm do xí nghiệp sản xuất ra phải ký hợp đồng bán hoặc nộp cho các cơ quan thương nghiệp và các đơn vị kinh tế Nhà nước theo kế hoạch phân phối sản phẩm đã được cơ quan giao kế hoạch sản xuất duyệt. Bên sản xuất phải chủ động gặp bên nhận hàng thảo luận việc ký kết hợp đồng giao nhận, mua bán các sản phẩm ấy theo đúng quy định của cơ quan có thẩm quyền. Nếu cơ quan nhận hàng, mua hàng không đồng ý hoặc chưa có quyết đình của cơ quan giao kế hoạch duyệt việc bán hàng giao hàng thì bên sản xuất phải báo ngay bằng văn bản đến các cơ quan đó biết để có ý kiến quyết định. Chậm nhất là sau 15 ngày nhận được báo cáo của đơn vị sản xuất, cơ quan giao kế hoạch và cơ quan nhận hàng, mua hàng phải trả lời. Quá thời hạn quy định trên, xí nghiệp sản xuất được quyền tiêu thụ sản phẩm phụ theo Quyết định số 146-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng, đối với sản phẩm chính phải có quyết định của cơ quan quản lý cấp trên, cơ quan quản lý cấp trên chịu trách nhiệm về việc chậm trễ đó.

Trường hợp có mặt hàng phải điều chỉnh, huỷ bỏ, bên sản xuất phải cùng bên nhận hàng bàn bạc quyết định việc điều chỉnh, sửa đổi hoặc huỷ bỏ và thanh lý các hợp đồng bị huỷ bỏ. Thời hạn điều chỉnh, huỷ bỏ hợp đồng không được để chậm quá 30 ngày sau khi có quyết định điều chỉnh hoặc huỷ bỏ.

2. Điều chỉnh, huỷ bỏ và ký kết các hợp đồng mua bán vật tư, nguyên liệu.

Các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh phải xem xét lại các hợp đồng đã ký để điều chỉnh, huỷ bỏ và ký kết hợp đồng theo quyết định mới ban hành. Khi điều chỉnh huỷ bỏ, ký kết hợp đồng mới cần chú ý:

Đối với các vật tư, nguyên liệu do các tổ chức cung ứng vật tư Nhà nước, các xí nghiệp quốc doanh, các hợp tác xã, các nông trường, lâm trường cung ứng thì khi ký kết hợp đồng các bên phải theo đúng chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước và các văn bản quy định của Nhà nước có liên quan. Bên cung ứng phải có trách nhiệm cung ứng đúng chỉ tiêu kế hoạch, nếu có trở ngại thì các bên phải ký kết các phần đã thoả thuận, phần chưa thoả thuận được thì bên cung ứng có nghĩa vụ báo cáo cho cơ quan quản lý cấp trên quyết định. Cơ quan quản lý cấp trên chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo phải có quyết định. Sau khi nhận được quyết định, các bên phải tiếp tục ký hợp đồng theo đúng kế hoạch đã duyệt. Chỉ sau khi các cơ quan có trách nhiệm của Nhà nước không cung ứng đủ vật tư nguyên liệu, cơ quan quản lý cấp trên không quyết định được thì xí nghiệp mới được quyền tìm kiếm thêm vật tư nguyên liệu từ các nguồn khác để thực hiện tốt kế hoạch Nhà nước.

Các vật tư xí nghiệp tự tìm kiếm từ các nguồn khác nhau như vật tư ứ đọng của các xí nghiệp quốc doanh, vật tư thuộc diện thanh lý hoặc nguyên liệu thiết yếu nông, lâm, hải sản v.v... cũng phải ký hợp đồng như các nguyên liệu, vật tư chính, khi ký kết hợp đồng các xí nghiệp phải chấp hành đúng các quy định về giá cả, thể thức mua bán đã nêu trong Quyết định số 146-HĐBT ngày 25-8-1982 của Hội đồng Bộ trưởng.

3. Giá cả thanh toán .

Giá mua bán vật tư hàng hoá phải theo đúng chế độ quản lý và giá đã có của Nhà nước.

Khi chưa có giá của Nhà nước thì tạm ký theo phương án giá của bên sản xuất, sau đó trình cơ quan quản lý cấp trên có thẩm quyền để xét duyệt. Cơ quan quản lý cấp trên phải kịp thời duyệt giá để các bên có cơ sở thanh toán và thanh lý hợp đồng đúng thời hạn. Hết thời hạn thực hiện hợp đồng mà chưa có văn bản xét duyệt giá của cơ quan quản lý cấp trên thì các bên được thanh toán theo giá đã ký (theo điều lệ về chế độ hợp đồng ban hành kèm theo Nghị định số 54-CP ngày 10-3-1975). Nếu có tranh chấp do cơ quan phụ trách giá có thẩm quyền quyết định.

Mua bán sản phẩm chính và phụ theo hợp đồng ký kết giữa các bên sản xuất và bên thu mua phải thanh toán qua ngân hàng , không được thanh toán bằng tiền mặt.

II. THANH TRA VÀ XÉT XỬ

Các Tổ chức trọng tài kinh tế, các trọng tài viên ở các ngành, các cấp phải chủ động, tích cực, có kế hoạch để đẩy mạnh công tác thanh tra việc chấp hành chế độ hợp đồng kinh tế ở các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh và xét xử đúng đắn kịp thời các vi phạm hợp đồng về giao nộp hàng hoá, cung ứng vật tư, mua bán sản phẩm v.v...

Qua công tác thanh tra giải quyết các tranh chấp mà giải thích và hướng dẫn các xí nghiệp áp dụng đúng đắn quyết định của Hội đồng Bộ trưởng và các văn bản hướng dẫn, giải thích của các ngành, các cấp có liên quan.

Qua công tác thanh tra ký kết và thực hiện hợp đồng mua bán vật tư, nguyên liệu, giao nộp hàng hoá về số lượng, chất lượng, giá cả, phương thức giao nhận, phương thức thanh toán v.v... nếu phát hiện được những thiếu sót của xí nghiệp thì buộc các bên phải sửa chữa những sai trái này theo đúng các văn bản quy định của Nhà nước. Nếu phát hiện những thiếu sót do cơ quan quản lý cấp trên thì kiến nghị với các cơ quan đó sửa chữa những thiếu sót của mình tạo điều kiện để các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh điều chỉnh ký kết và thực hiện hợp đồng theo đúng Quyết định số 146-HĐBT ngày 25-8-1982 của Hội đồng Bộ trưởng. Nhận được kiến nghị của trọng tài kinh tế trong thời hạn 15 ngày các cơ quan quản lý cấp trên của xí nghiệp phải trả lời cho cơ quan trọng tài kinh tế.

Các tổ chức trọng tài kinh tế kịp thời xây dựng kế hoạch thanh tra của ngành mình, địa phương mình trình bộ trưởng, tổng cục trưởng chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương duyệt. Kết quả thực hiện kế hoạch thanh tra và giải quyết các tranh chấp về hợp đồng tiêu thụ sản phẩm này phải kịp thời báo cáo cho cơ quan quản lý cấp trên của mình, đồng thời báo cáo cho chủ tịch Trọng tài kinh tế Nhà nước.

Hàng tháng, hàng quý trọng tài kinh tế các cấp, các ngành tiến hành sơ kết và có báo cáo gửi cho Bộ trưởng, Tổng cục trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương của mình và Chủ tịch Trọng tài kinh tế Nhà nước để có kế hoạch uốn nắn kịp thời, những sai sót của các đơn vị kinh tế cơ sở trong việc ký kết và thực hiện hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu gặp khó khăn trở ngại gì đề nghị các cơ quan, các cấp, các ngành phản ảnh về Trọng tài kinh tế Nhà nước để nghiên cứu giải quyết.

Nguyễn Quang Xá

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 73-PC/TT-1982 hướng dẫn Quyết định 146-HĐBT-1982 về việc ký kết và thực hiện hợp đồng, thanh tra và xét xử những vi phạm hợp đồng kinh tế về tiêu thụ sản phẩm ở các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh do Trọng tài kinh tế Nhà nước ban hành

  • Số hiệu: 73-PC/TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 29/09/1982
  • Nơi ban hành: Trọng tài kinh tế Nhà nước
  • Người ký: Nguyễn Quang Xá
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 20
  • Ngày hiệu lực: 14/10/1982
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản