Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 72/1999/TT-BTC

Hà Nội, ngày 12 tháng 6 năm 1999

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 72/1999/TT-BTC NGÀY 12 THÁNG 6 NĂM 1999 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN LUẬT THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG ĐỐI VỚI CÁC HOẠT ĐỘNG TRONG NGÀNH HÀNG HẢI

Căn cứ Luật thuế giá trị gia tăng số 02/1997/QH ngày 10/5/1997;
Căn cứ Nghị định số 28/1998/NĐ-CP ngày 11/5/1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế GTGT và Nghị định số 102/1998/NĐ-CP ngày 21/12/1998 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 28/1998/NĐ-CP;
Để thực hiện Luật thuế giá trị gia tăng phù hợp với hoạt động kinh doanh dịch vụ trong ngành hàng hải, Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật thuế GTGT đối với các hoạt động trong ngành hàng hải như sau:

I- PHẠM VI ÁP DỤNG THUẾ GTGT

1- Đối tượng chịu thuế GTGT:

a. Vận tải đường biển, đuờng sông nội địa: là hoạt động vận tải giữa các cảng biển, cảng sông trong nước.

b. Dịch vụ khai thác cảng biển, cảng sông gồm: bốc xếp, lưu kho bãi, hỗ trợ lai dắt tầu, buộc cởi dây, đóng mở nắp hầm hàng, quét dọn hầm hàng, cung cấp nước ngọt, thực phẩm, nhiên liệu cho các tàu biển vận tải nội địa hoặc cung cấp gián tiếp qua một đơn vị khác cho các tàu biển vận tải quốc tế, kiểm đếm, giao nhận hàng hoá, phí cầu bến, cho thuê thiết bi, phương tiện...

c. Dịch vụ hàng hải gồm:

- Đại lý tàu biển: Là các dịch vụ làm thủ tục để cho tàu biển ra, vào các cảng biển. Phí đại lý này được thu theo biểu phí quy định của Ban Vật giá Chính phủ và được tính thu cho từng chuyến tàu;

- Đại lý vận tải, đại lý hàng hoá, giao nhận, mua bán giao nhận tàu, mua bán thiết bị, phụ tùng, đại lý cho thuê vỏ container;

- Dịch vụ cho các đơn vị trong nước hoặc các đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thuê tàu.

- Môi giới hàng hải: Là dịch vụ làm trung gian (bên thứ ba) để thực hiện việc mua bán tàu hoặc hoạt động mua, bán khác trong ngành hàng hải. Được xác định là môi giới hàng hải trong trường hợp làm môi giới thể hiện rõ giữa 3 bên: bên bán, bên mua và bên môi giới.

- Sửa chữa cơ khí hàng hải cho các phương tiện vận tải nội địa.

d. Dịch vụ xuất khẩu thuyền viên.

2- Đối tượng không thuộc diện chịu thuế GTGT:

a. Vận tải biển quốc tế: Vận tải biển quốc tế được hiểu là tàu biển của nước ngoài hoặc của các đơn vị trong nước tham gia vận tải hàng hoá từ cảng Việt Nam ra cảng nước ngoài hoặc ngược lại, vận tải hàng hoá giữa các cảng nước ngoài.

b. Dịch vụ trực tiếp bốc xếp hàng hoá xuất nhập khẩu của các cảng lên, xuống tàu vận tải biển quốc tế mà cước phí bốc xếp này nằm trong cước vận tải biển quốc tế do Ban Vật giá Chính phủ quy định thu bằng ngoại tệ (USD) theo các tác nghiệp:

- Xếp dỡ hàng hoá hầm tàu - toa xe, ô tô, sà lan hoặc ngược lại; xếp dỡ hàng hoá, hầm tàu - sà lan, kho bãi cảng hoặc ngược lại.

- Xếp dỡ container hầm tàu - toa xe, ôtô, sà lan hoặc ngược lại; xếp dỡ container hầm tàu, sà lan, kho bãi cảng hoặc ngược lại.

(Hoạt động bốc xếp trên không bao gồm bốc xếp container không có hàng và bốc xếp hàng hoá đến các cảng cạn).

c. Dịch vụ cho nước ngoài thuê tàu định hạn hoặc tàu trần.

d. Thuê tàu của nước ngoài sau đó cho các đơn vị nước ngoài thuê lại.

e. Hoạt động trực tiếp cung cấp nước ngọt, thực phẩm, nhiên liệu cho tầu biển tham gia vận tải biển quốc tế. Trong trường hợp này phải cụ thể chứng từ cung cấp trực tiếp cho từng con tầu, tên chủ tầu, lịch trình ngày khởi hành, đi nước nào. Trong trường hợp lịch trình của con tầu đã xác định được cụ thể là đi từ một cảng Việt Nam, sau đó qua một cảng Việt Nam khác đi ra một cảng cụ thể ngoài lãnh thổ Việt Nam thì các hoạt động cung cấp nói trên cho con tầu này cũng thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Khái niệm trực tiếp cung cấp trên được hiểu là trực tiếp xuất hoá đơn cho chủ tầu của con tầu tham gia vận tải biển quốc tế.

Ví dụ 1: Cảng A trực tiếp cung cấp xăng dầu và nước ngọt con tầu B, lịch trình của con tầu này trước khi rời cảng A đã biết được là vận tải hàng hoá theo lộ trình cảng A đến TOKYO hoặc cảng A - Hải phòng - TOKYO thì các hoạt động cung cấp này của cảng A không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT và cảng A xuất hoá đơn thông thường cho chủ tầu.

Ví dụ 2: Cảng A cung cấp xăng dầu và nước ngọt cho đại lý C, sau đó đại lý này cung cấp cho con tầu B tham gia vận tải quốc tế, trường hợp lịch trình của con tầu này cũng đã xác định được như ví dụ 1 trên đây thì dịch vụ cung cấp trên của cảng A cho đại lý C vẫn thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, cảng A xuất hoá đơn cho đại lý C vẫn dùng hoá đơn GTGT. Dịch vụ cung cấp nước ngọt, xăng dầu của đại lý C cho con tầu B không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, khi đại lý C xuất hoá đơn cho chủ tầu dùng hoá đơn bán hàng thông thường.

Ví dụ 3: Cảng A trực tiếp cung cấp nước ngọt, xăng dầu cho chủ tầu B nhưng con tầu B không có đầy đủ lịch trinh, cụ thể nêu trên để chứng minh hoạt động vận tải biển quốc tế thì dịch vụ cung cấp này của cảng A vẫn thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, khi xuất hoá đơn phải dùng hoá đơn GTGT.

g. Sửa chữa phương tiện vận tải có tham gia vận tải biển quốc tế (bao gồm cả các phụ tùng thay thế do đơn vị sửa chữa cung cấp). Trường hợp đơn vị vận tải trong nước có tham gia vận tải biển quốc tế nhưng không thể tách riêng được doanh thu cho từng con tàu và từng chuyến tầu tham gia vận tải biển quốc tế thì căn cứ vào tỷ trọng giữa doanh thu vận tải biển quốc tế và doanh thu vận tải biển nội địa của năm trước để xác định. Nếu năm trước tỷ trọng vận tải biển quốc tế chiếm trên 50% tổng doanh thu vận tải (có kiểm tra xác nhận của cơ quan thuế trực tiếp quản lý đơn vị) thì trong năm sau nếu đơn vị có phương tiện mang đi sửa chữa thì đơn vị sửa chữa không phải nộp thuế GTGT đối với hoạt động sửa chữa này và ngược lại.

Ví dụ: Công ty vận tải A tại thành phố Hải Phòng năm 1998 có doanh số vận tải biển quốc tế chiếm 51% tổng doanh số vận tải, tỷ trọng doanh số vận tải này có xác nhận bằng văn bản của Cục thuế Hải Phòng. Năm 1999 Công ty mang con tàu X đi sửa chữa, việc sửa tàu này do Công ty B thực hiện. Hoạt động sửa con tàu X của Công ty B sẽ không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT.

3- Đối tượng nộp thuế GTGT:

Đối tượng nộp thuế GTGT là các đơn vị có thực hiện các dịch vụ thuộc diện chịu thuế GTGT và các dịch vụ được quy định tại điểm 1 mục 1 của Thông tư này, bao gồm:

- Công ty hạch toán kinh tế độc lập;

- Chi nhánh các Công ty đóng tại địa phương khác địa phương Công ty đóng trụ sở chính;

- Văn phòng Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.

II. PHƯƠNG PHÁP TÍNH THUẾ

Thuế GTGT phải nộp đối với Công ty hạch toán kinh tế độc lập và các chi nhánh phụ thuộc, văn phòng Tổng công ty được tính theo phương pháp khấu trừ thuế :

Thuế GTGT phải nộp

=

Thuế GTGT đầu ra

-

Thuế GTGT
đầu vào được khấu trừ

1- Thuế GTGT đầu ra :

Thuế GTGT đầu ra được xác định trên cơ sở giá tính thuế GTGT nhân (x) thuế suất. Đối với các khoản cước, phí cảng biển thu theo biểu giá cước theo quyết định của Ban Vật giá Chính phủ, giá tính thuế GTGT là giá chưa có thuế GTGT được tính như sau:

Giá theo mức giá quy định

của Ban Vật giá Chính phủ

Giá chưa có thuế GTGT =

1 + Thuế suất

Thuế GTGT đầu ra = Giá chưa có thuế GTGT x Thuế suất

Các cơ sở kinh doanh xuất hoá đơn thu tiền cung ứng dịch vụ là hoá đơn GTGT. Cách xác định giá chưa có thuế và thuế GTGT theo công thức nêu trên. Riêng trường hợp xuất hoá đơn GTGT cho chủ tàu nước ngoài thu trực tiếp cước, phí cảng biển theo biểu cước, phí Ban Vật giá Chính phủ quy định thì khi viết hoá đơn GTGT chỉ ghi dòng tổng số tiền thanh toán, không tách riêng giá chưa có thuế GTGT và thuế GTGT trên hoá đơn. Đơn vị xuất hoá đơn trong trường hợp này khi kê khai thuế được tính lại theo công thức trên để xác định thuế GTGT đầu ra.

Giá tính thuế và thuế suất thuế GTGT đầu ra đối với từng hoạt động quy định như sau:

- Đối với dịch vụ vận tải là giá cước vận tải chưa có thuế GTGT. Thuế suất thuế GTGT đối với dịch vụ này là 10%.

- Đối với dịch vụ khai thác cảng biển giá tính thuế được tính theo công thức nêu trên, thuế suất tính riêng theo từng dịch vụ cụ thể. Giá dịch vụ khai thác cảng biển chưa có thuế GTGT căn cứ vào biểu các loại giá cước, phí, lệ phí theo quy định của Ban Vật giá Chính phủ.

- Đối với dịch vụ môi giới hàng hải, giá tính thuế là số tiền thu được từ dịch vụ môi giới chưa có thuế GTGT, nếu doanh thu đã có thuế GTGT thì phải quy đổi theo công thức nêu trên để xác định giá chưa có thuế GTGT, thuế suất thuế GTGT của hoạt động này là 20%.

- Đối với dịch vụ đại lý tàu biển, giá tính thuế căn cứ theo biểu giá quy định của Ban Vật giá Chính phủ và tính đổi theo công thức nêu trên, thuế suất thuế GTGT của hoạt động này là 20%. Các đơn vị làm đại lý tàu biển có các hoạt động dịch vụ khác nếu đủ cơ sở pháp lý tách riêng từng dịch vụ thì thuế suất thuế GTGT tính riêng cho từng dịch vụ cụ thể, trường hợp không tách riêng được thì áp dụng chung theo mức thuế suất của hoạt động đại lý tàu biển là 20%.

- Các cơ sở kinh doanh làm đại lý vận tải, đại lý giao nhận hàng hoá có các khoản thu hộ cho khách hàng, thuế GTGT đầu ra được xác định trên nguyên tắc bao gồm toàn bộ các khoản thu của khách hàng. Doanh thu tính thuế là tổng thu trừ (-) cước vận tải quốc tế (nếu có) và các khoản chi phí phát sinh ngoài Việt Nam có chứng từ của nước ngoài. Doanh thu này là căn cứ để xuất hoá đơn GTGT và tính thuế GTGT đầu ra. Doanh thu thu hộ khách hàng chỉ là doanh thu để tính thuế GTGT, không được coi là doanh thu để tính các khoản khác như thu nhập chịu thuế thu nhập, tiền lương... Phần cước vận tải quốc tế (căn cứ vào thực tế cước vận tải quốc tế phải trả hoặc theo hợp đồng, thoả thuận giữa đơn vị đại lý và khách hàng) và các khoản chi phí phát sinh ngoài Việt Nam có chứng từ của nước ngoài là căn cứ để đơn vị đại lý xuất hoá đơn bán hàng cho khách hàng. Trong trường hợp chủ hàng chấp nhận, đại lý có thể xuất hoá đơn bán hàng thông thường thu hộ chủ tàu toàn bộ khoản cước vận tải chủ hàng phải trả, sau đó đơn vị đại lý xuất một hoá đơn GTGT cho chủ tàu theo số tiền thực hưởng, và căn cứ hoá đơn này xác định thuế GTGT đầu ra của đơn vị đại lý.

Ví dụ 1: Công ty A làm đại lý vận tải biển, nhận đại lý trọn gói cho Công ty B vận chuyển 1 tấn hàng từ Hà Nội đi Singapore, giá đại lý trọn gói là 1000USD.

Trường hợp 1: Công ty A đi thuê Công ty C chuyên chở 1 tấn hàng này từ Cảng Hải Phòng đi Singapore, giá cước vận tải biển quốc tế trả cho Công ty vận tải biển C là 600 USD. Vận tải biển quốc tế là đối tượng không chịu thuế GTGT, vì vậy Công ty A xuất hoá đơn cho Công ty B như sau:

+ Một hoá đơn bán hàng bình thường ghi giá thanh toán 600 USD là khoản vận tải biển quốc tế chi hộ Công ty B.

+ Một hoá đơn GTGT ghi số tiền còn lại là 400 USD (đã có thuế GTGT). Thuế GTGT xác định phải nộp ghi trên hoá đơn là:

400USD

x 10%

= 36.36 USD

1 + 10%

- Trường hợp 2: Do Công ty A chưa xác định rõ giá cước vận tải biển quốc tế phải trả cho Công ty vận tải biển C, trong trường hợp này cước vận tải quốc tế được xác định theo hợp đồng hoặc thoả thuận giữa Công ty Avà Công ty B. Ví dụ trong trường hợp này thoả thuận là 800 USD, do đó Công ty A xuất hoá đơn cho Công ty B như sau:

+ Một hoá đơn bán hàng ghi cước vận tải quốc tế không tính thuế GTGT 800 USD.

+ Một hoá đơn GTGT ghi số tiền còn lại 200 USD (giá có thuế GTGT), thuế GTGT Công ty A xác định phải nộp là:

200 USD

x 10%

= 18,18 USD

1 + 10%

Ví dụ 2: Công ty A làm dịch vụ đại lý vận tải 1 lô hàng cho Công ty B từ Nhật Bản về Việt Nam, Tổng số tiền Công ty B phải trả cho Công ty A là 100 triệu đồng (bao gồm cả cước vận chuyển người mua phải chịu và các chi phí khác tại Nhật Bản). Giá cước vận chuyển bằng đường biển từ nước ngoài căn cứ vận đơn vận chuyển của hãng tàu nước ngoài X sau khi qui đổi ra tiền Việt Nam là 80 triệu đồng. Các chi phí khác tại Nhật Bản có chứng từ là 5 triệu đồng. Công ty A xuất 2 hoá đơn cho Công ty B như sau: 1 hoá đơn bán hàng không có thuế giá trị gia tăng là 85 triệu đồng (bao gồm cước vận tải biển quốc tế và các khoản chi phí phát sinh tại Nhật Bản có đầy đủ chứng từ), 1 hoá đơn giá trị gia tăng cho Công ty B bằng số tiền còn lại là 15 triệu đồng, số thuế giá trị gia tăng đầu ra Công ty A được xác định là:

15 triệu đồng

x 10%

= 1,363 triệu đồng

1 + 10%

Ví dụ 3: Công ty A làm đại lý cho chủ hàng B chuyên chở 1 tấn hàng từ Hà Nội đi Đài Loan. Toàn bộ số tiền chủ hàng B phải trả là 50 triệu đồng (bao gồm cả thuế GTGT). Chủ tàu C là người chuyên chở uỷ quyền cho Công ty A thu toàn bộ số tiền cước phí vận chuyển trọn gói là 50 triệu đồng. Công ty A xuất 1 hoá đơn bán hàng thông thường cho chủ hàng B thu hộ chủ tàu C là 50 triệu đồng. Căn cứ theo hợp đồng hoặc thoả thuận giữa Công ty A và chủ tàu C, cước tàu chủ tàu C thực tế được hưởng là 40 triệu đồng, số tiền Công ty A được hưởng là 10 triệu đồng, Công ty A xuất 1 hoá đơn GTGT cho chủ tàu ghi số tiền là 10 triệu đồng, thuế GTGT đầu ra của Công ty A ghi trên hoá đơn là:

10 triệu đồng

x 10%

= 0,909 triệu đồng

1 + 10%

- Các hoạt động khác như sửa chữa phương tiện vận tải nội địa, thuê tàu của nước ngoài sau đó cho đơn vị trong nước thuê (kể cả đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam), mua bán thiết bị phụ tùng, đại lý cho thuê vỏ container, tư vấn hàng hải... và các hoạt động dịch vụ khác (trừ đại lý tàu biển, môi giới hàng hải: thuế suất thuế GTGT là 20%) trong ngành hàng hải, doanh thu tính thuế GTGT là các khoản doanh thu thu được từ các dịch vụ trên chưa có thuế GTGT, thuế suất thuế GTGT là 10%.

Để thống nhất quy định về đồng tiền ghi trong hoá đơn, trường hợp các dịch vụ hàng hoá nếu thu theo biểu cước là ngoại tệ thì trên hoá đơn ghi bằng đồng nguyên tệ, nhưng trên hoá đơn phải ghi rõ tỷ giá qui đổi ra đồng tiền Việt Nam để xác định thuế GTGT đầu ra. Tỷ giá qui đổi ra tiền Việt Nam căn cứ tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên Ngân hàng tại thời điểm xuất hoá đơn.

2- Thuế GTGT đầu vào:

Các đối tượng nộp thuế như quy định tại điểm 3 mục 1 Thông tư này có trách nhiệm kê khai xác định thuế GTGT đầu vào theo nguyên tắc: thuế GTGT đầu vào của hàng hoá dịch vụ mua vào dùng cho hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ chịu thuế GTGT phát sinh trong tháng nào thì được tổng hợp kê khai tính khấu trừ ngay trong tháng; trường hợp trong tháng kê khai nộp thuế có thuế GTGT đầu vào được khấu trừ lớn hơn thuế GTGT đầu ra thì được tính khấu trừ tiếp vào tháng kê khai thuế tiếp theo.

Đối với các cơ sở kinh doanh có doanh thu hàng hoá, dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế GTGT phải hạch toán riêng thuế GTGT đầu vào (bao gồm cả thuế GTGT của các khoản chi hộ của các đơn vị làm đại lý) của hàng hoá dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế GTGT để xác định thuế đầu vào được khấu trừ và không được khấu trừ, thuế GTGT phải nộp. Trường hợp cơ sở kinh doanh không hạch toán riêng được thì áp dụng phương pháp tính phân bổ theo tỷ lệ (%) doanh thu chịu thuế GTGT so với tổng doanh thu để xác định thuế GTGT đầu vào được khấu trừ.

III. KÊ KHAI, NỘP THUẾ GTGT

1. Đối với các Công ty hạch toán độc lập kê khai nộp thuế GTGT tại địa phương nơi Công ty đóng trụ sở. Nếu Công ty và các đơn vị này có các chi nhánh, cửa hàng... hạch toán phụ thuộc cùng hoạt động kinh doanh tại địa phương nơi Công ty, đơn vị đóng trụ sở thì thuế GTGT do Công ty, đơn vị kê khai nộp tập trung thay cho các chi nhánh, cửa hàng trực thuộc và các chi nhánh, cửa hàng này hàng tháng phải lập bảng kê thuế GTGT và gửi về Công ty, đơn vị thực hiện tổng hợp kê khai nộp thuế vào NSNN.

Các chi nhánh, cửa hàng trực thuộc hoạt động kinh doanh ở địa phương khác nơi Công ty đóng trụ sở thì chi nhánh, cửa hàng phải kê khai nộp thuế GTGT tại địa phương nơi kinh doanh (địa phương nêu tại Thông tư này được xác định là tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).

2. Hoàn thuế GTGT: Các Công ty, đơn vị kinh doanh dịch vụ chịu thuế GTGT thuộc đối tượng phải kê khai nộp thuế GTGT, nếu phát sinh thuế đầu vào được khấu trừ lớn hơn thuế đầu ra thuộc trường hợp được hoàn thuế GTGT thì Công ty, đơn vị kinh doanh phải lập hồ sơ đề nghị hoàn thuế theo chế độ gửi cơ quan thuế xét giải quyết hoàn thuế cho Công ty, đơn vị.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, Sở Giao thông vận tải, Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc TW hướng dẫn các đơn vị thực hiện việc kê khai, tính thuế, nộp thuế GTGT theo hướng dẫn tại Thông tư này.

2. Về hoá đơn chứng từ: thực hiện theo quy định hiện hành của Pháp luật về hoá đơn, chứng từ, đối với các khoản thu không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT thì phát hành hoá đơn bán hàng thông thường, các khoản thu thuộc đối tượng chịu thuế GTGT thì phát hành hoá đơn GTGT.

3. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ sau 15 ngày kể từ ngày ký. Các nội dung khác không hướng dẫn tại Thông tư này vẫn được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 89/1998/TT-BTC ngày 27/6/1998 và Thông tư số 175/1998/TT-BTC ngày 24/12/1998 của Bộ Tài chính. Các văn bản hướng dẫn thực hiện thuế GTGT đối với các đơn vị đã ban hành không phù hợp với hướng dẫn tại Thông tư này đều bãi bỏ.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết.

Phạm Văn Trọng

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 72/1999/TT-BTC hướng dẫn Luật thuế giá trị gia tăng đối với các hoạt động trong ngành hàng hải do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 72/1999/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 12/06/1999
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Phạm Văn Trọng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 33
  • Ngày hiệu lực: 27/06/1999
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2001
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản