Hệ thống pháp luật

BỘ MỎ VÀ THAN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 7-MT/TT

Hà Nội, ngày 23 tháng 7 năm 1982

THÔNG TƯ

BỘ MỎ VÀ THAN SỐ 7 - MT/TT NGÀY 23 THÁNG 7 NĂM 1982 HƯỚNG DẪN THI HÀNH CHỈ THỊ SỐ 55-CT NGÀY 17-3-1982 CỦA CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH KHAI THÁC THAN ĐỊA PHƯƠNG

Thực hiện Chỉ thị số 55-CT ngày 17-3-1982 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc đẩy mạnh khai thác than địa phương, bộ mỏ và than hướng dẫn những điểm chủ yếu để thi hành như sau.

I. VỀ MỞ MỎ

1) Than là tài nguyên của Quốc gia, trữ lượng đã khai thác sẽ không được tái sinh. Vì vậy, cần khai thác và sử dụng than một cách hợp lý. Đồng thời trong khi khai thác phải bảo đảm các điều kiện an toàn sản xuất, an toàn lao động, và hạn chế các ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Do đó việc khai thác than chỉ được tiến hành sau khi các cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên, về kinh tế - kỹ thuật, về bảo vệ môi trường... cho phép.

2) Các tỉnh (thành phố, đặc khu gọi chung là tỉnh), các ngành, các đơn vị quân đội... cần khai thác than phục vụ các nhu cầu của mình cần làm việc với bộ mỏ và than để bộ hướng dẫn lập các tài liệu và làm các thủ tục cần thiết xin mở mỏ và khai thác than.

II. VỀ VỐN ĐẦU TƯ VÀ TRANG BỊ

1) Trước hết, tỉnh cần phát huy tiềm năng của nhân dân và các ngành trong tỉnh, huy động thiết bị, xe máy, vốn và lao động tại chỗ vào việc khai thác những mỏ than địa phương, đặc biệt là những mỏ than bùn, than đá lộ thiên nhỏ có hệ số bóc đất thấp mà trong thời gian ngắn có thể thu hồi vốn.

2. Trong những trường hợp sau đây ngân sách trung ương sẽ cấp một phần hay toàn bộ vốn đầu tư trong thời kỳ xây dựng cơ bản:

a) Những mỏ khai thác than đặc chủng cần cho nền kinh tế quốc dân hiện đang phải nhập khẩu, hoặc sản xuất không đủ sử dụng như than mỡ, than lửa dài, ...

b) Những mỏ có yêu cầu vốn đầu tư cơ bản lớn, ngân sách của tỉnh không tự cân đối được.

Trong những trường hợp trên, ủy ban nhân dân tỉnh (hay cơ quan được uỷ nhiệm) cần làm việc với Bộ Mỏ và than để lập luận chứng kinh tế - kỹ thuật, thiết kế, dự toán và dự kiến phương thức cấp vốn (ngân sách hay tín dụng) theo các quy định về xây dựng cơ bản của Nhà nước.

3. Hàng năm, các tỉnh lập kế hoạch xây dựng cơ bản năm sau của từng mỏ về các mặt vốn đầu tư cơ bản, thăm dò, khảo sát, thiết kế bổ sung, mua sắm trang thiết bị, vật tư và gửi về Bộ Mỏ và than vào quý II để tổng hợp và cân đối trong kế hoạch chung của toàn ngành.

Vốn đầu tư hàng năm được duyệt sẽ ghi riêng cho từng mỏ trong tổng số vốn đầu từ của tỉnh.

4. Những trang thiết bị chuyên dùng sẽ được Bộ Mỏ và than mua sắm giúp theo kế hoạch, còn những thiết bị thông dụng và vật tư (kể cả vật tư chuyên dùng) Bộ sẽ đề nghị uỷ ban Kế hoạch Nhà nước cấp.

5. Những thiết bị và vốn đầu tư được Nhà nước cấp để khai thác than chỉ được sử dụng cho mục đích này. Nếu tỉnh làm sai để ảnh hưởng xấu đến tiến độ thi công và sản lượng than, Bộ Mỏ và than sẽ để nghị uỷ ban Kế hoạch Nhà nước áp dụng điểm 3 của Chỉ thị số 55-CT như trường hợp tỉnh có điểm than đã được đầu tư mà không khai thác.

III. VỀ KHAI THÁC THAN

1. Để giúp các mỏ than địa phương phát triển, ngoài việc cung ứng thiết bị chuyên dùng, Bộ Mỏ và than sẽ giúp các tỉnh đào tạo cán bộ, công nhân kỹ thuật khai thác than và cử cán bộ giúp đỡ, hướng dẫn các tỉnh chế biến, sử dụng than có hiệu quả.

2. Trong thời kỳ sản xuất, hàng năm Bộ Mỏ và than sẽ cùng tỉnh xem xét việc thực hiện kế hoạch năm trước, bàn kế hoạch sản xuất năm sau của từng mỏ và sẽ thường xuyên phối hợp với tỉnh để:

-Kiểm tra kĩ thuật khai thác và an toàn lao động;

- Kiểm tra việc chế biến và sử dụng than.

- Kiểm tra việc sử dụng vốn và thiết bị vật tư do Nhà nước cung ứng cho tỉnh để khai thác than.

IV. VỀ TIÊU THỤ THAN DO CÁC TỈNH VÀ CÁC NGÀNH SẢN XUẤT RA

1. Các tỉnh sản xuất than, nếu không sử dụng hết (kể cả số than do Nhà nước cung ứng cho tỉnh) đều không tự trao đổi với các tỉnh và các ngành khác mà phải bán lại cho Bộ Mỏ và than để cân đối trong kế hoạch cung ứng than chun của Nhà nước.

2. Các ngành, các đơn vị quân đội khai thác được than ngoài số sản phẩm được bộ trưởng Bộ Mỏ và than đồng ý để lại sử dụng cho nhu cầu của ngành hay đơn vị khai thác, số còn lại cũng phải bán cho Bộ Mỏ và than.

3. Các tỉnh khai thác than mỡ và luyện được than cốc đều phải bán cho Bộ Mỏ và than để cân đối cung, cầu chung cho nền kinh tế quốc dân.

4. Đối với than lửa dài có đủ tiêu chuẩn chất lượng để sản xuất xi - măng, Bộ Mỏ và than sẽ bàn với tỉnh và cơ quan sử dụng, để thu mua hay đổi loại than khác theo sự thoả thuận giữa các bên.

5. Tổng Công ty và các công ty cung ứng than tại địa phương là các đơn vị được Bộ Mỏ và than giao nhiệm vụ quan hệ với các tỉnh, các ngành, các đơn vị quân đội khai thác than để thu mua các loại than nói trên.

6. Hàng năm, các tỉnh, ngành có những loại than được Bộ Mỏ và than thu mua như đã nêu trong điểm 1, 2, 3 và 4 (mục IV) ở trên, đều lập kế hoạch bán than cho Bộ và gửi về Bộ Mỏ và than và uỷ ban Kế hoạch Nhà nước vào quý III của năm trước. Trong kế hoạch cần ghi rõ số lượng, chủng loại và các chỉ tiêu chất lượng của than cần bán.

7. Bộ Mỏ và than tổng hợp các chỉ tiêu trên của các tỉnh, các ngành và đề nghị uỷ ban Kế hoạch Nhà nước đưa vào kế hoạch cung ứng tiêu thụ than chung của Nhà nước.

Sau khi kế hoạch trên được duyệt, Bộ Mỏ và than sẽ thông báo cho các tỉnh, các ngành có liên quan về số lượng than mỡ, than cốc, than lửa dài và các loại than khác Bộ sẽ thu mua.

V. ĐIỀU KIỆN THANH TOÁN VÀ GIÁ CẢ

1. Theo điểm 3, Chỉ thị số 55-CT, Bộ Mỏ và than sẽ thu mua than mỡ, than cốc của tỉnh theo giá trị nhập khẩu, trong đó trả một phần ba (1/3) bằng ngoại tệ, điều kiện thanh toán như sau:

a) Giá nhập một tấn than mỡ hay than cốc (theo tiêu chuẩn than nhập) gồm giá mua cộng với cước phí vận tải về tới cảng nhập (Hải Phòng). Nay Bộ Mỏ và than thu mua của các tỉnh cũng căn cứ vào chất lượng tương đương với than nhập và địa điểm trao đổi than cũng quy ước tại cảng Hải Phòng. Cước phí vận tải từ nơi sản xuất đến Hải Phòng được tính toán theo quy định hiện hành của nhà nước và do tỉnh bán than phải chịu.

Ví dụ: Tỉnh Sơn La bán cho Bộ Mỏ và than , số than mỡ có chất lượng tương đương với chất lương than mỡ nhập khẩu . giá nhập một tấn than mỡ về tới cảng Hải Phòng là 120A ( A là một đơn vị ngoại tệ nào đó) . Trong đó giá mua than là 80A và chi phí vận tải là 40A. Tỉnh nhận (1/3) số tiền trên bằng ngoại tệ:

120A

= 40A

3

Còn lại 80A được tính đổi sang tiền Việt Nam theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (chẳng hạn 1A bằng 12 đồng Việt Nam).

Như vậy 12đ/A x 80A = 960 đồng (Việt Nam ).

Sau khi trừ đi phí vận tải một tấn than từ mỏ về Hải Phòng, ví dụ hết 360 đồng, tỉnh còn nhận được 960 - 360 = 600 đồng Việt Nam .

Kết quả là bán một tấn than mỡ, tỉnh nhận được 40A và 600 đồng.

Số ngoại tệ trả cho tỉnh được trích từ số ngoại tệ thu được do xuất khâu than của Nhà nước. Số tiền Việt Nam sẽ do Bộ Mỏ và than trả bằng vốn của Bộ.

b) Nếu chất lượng than mỡ, than cốc của địa phương sản xuất khác với chất lượng than nhập cùng loại. Bộ Mỏ và than sẽ căn cứ vào chất lượng và giá than nhập để tính chuyển đổi thành giá thanh toán với địa phương.

2. Trường hợp tỉnh cần đổi than mỡ để lấy than antraxít, sẽ được tính đổi theo giá xuất và nhập khẩu của hai loại than trên, ví dụ:

- Giá nhập một tấn than mỡ 120A.

- Giá xuất một tấn than antraxít thuộc loại mà tỉnh muốn đổi là 80A. Như vậy một tấn than mỡ của tỉnh được đổi lấy 1,5 tấn than antraxít.

Địa điểm trao đổi than cũng qui ước tại Hải phòng.

3. Khi thực hiện điểm 1 và 2 (mục V ) nói trên, những tỉnh nằm trong khu vực III và IV ( theo bảng giá bán buôn vật tư than, ban hành theo quyết định số 9- VGNN/BB ngày 19-2-1982 của Uỷ ban vật giá Nhà nước) phải chịu khoản chi phí vận tải lớn từ nơi sản xuất đến địa điểm trao đổi quy ước (Hải Phòng). trong những trường hợp này, nếu có sự bất hợp lý thì Bộ Mỏ và than sẽ cùng tỉnh bàn bạc để thoả thuận khoản cước phí vận tải thấp hơn nhằm tạo điều kiện cho việc phát triển sản xuất than của địa phương.

4. Đối với các loại than khác ( không phải than mỡ, than cốc) của các tỉnh, các ngành, Bộ Mỏ và than sẽ thu mua theo những điều kiện sau:

a) Địa điểm thu mua do hai bên mua bán than thoả thuận .

b) Việc vận tải từ nơi thu mua đến nơi tiêu thụ do cơ quan thu mua đảm nhiệm.

c) Giá thu mua do Bộ Mỏ và than cùng với tỉnh căn cứ vào giá bán buôn vật tư than của khu vực , cước phí vận tải, tiêu chuẩn chất lượng, giá trị sử dụng của than và điều kiện khai thác để định, sao cho bù đắp được các chi phí sản xuất và có lợi nhuận thoả đáng cho cơ sở khai thác than

VI. VỀ XUẤT KHẨU THAN ĐỊA PHƯƠNG

1. Than đủ tiêu chuẩn xuất khẩu nói ở điểm 3 Chỉ thị số 55-CT là những loại than đã qua sàng tuyển đạt các chỉ tiêu chất lượng quy định trong tiêu chuẩn TCVN 1790 - 76 do Uỷ ban Khoa học và kỹ thật Nhà nước ban hành

2. Việc xuất khẩu than địa phương được thực hiện theo các bước:

a) Lập kế hoạch xuất khẩu than ( như điểm 6 mục IV). Sau khi được Bộ Mỏ và than thông báo về số lượng và chủng loại than được xuất khẩu, tỉnh cần thực hiện tiếp các công việc sau.

b) Ký hợp đồng bán số than xuất khẩu cho tổng công ty cung ứng than của bộ và lấy phiếu xác nhận đã bán than.

c) Tỉnh đem phiếu xác nhận đến kỳ hợp đồng mua than ( số than được xuất khẩu), đồng thời làm thủ tục uỷ thác xuất khẩu tại Công ty xuất nhập khẩu than và cung ứng vật tư (Coalimex) của Bộ Mỏ và than.

Giá bán than và giá mua nói ở hai điểm b và c áp dụng theo quy định hiện hành .

d) Sau khi than của tỉnh đã xuất khẩu và được thanh toán, Coalimex sẽ thông báo cho tỉnh đến nhận giấy chứng nhận Quyền sư dụng ngoại tệ tại ngân hàng Ngoại thương.

e) Các tỉnh xuất khẩu than phải trả khoản lệ phí cho cơ quan được uỷ thác xuất khẩu lệ phí cho cơ quan được uỷ thác xuất khẩu (Coalimex) tạm thời quy định là 1% giá trị xuất khẩu.

3. Vì than xuất khẩu còn phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ thế giới, nên tuy than địa phương sản xuât ra đủ tiêu chuẩn chất lượng, nhưng có thể loại than đó chưa ký được hợp đồng bán cho nước ngoài. Khi gặp trường hợp đó; Bộ Mỏ và than sẽ cùng tỉnh bàn bạc và giải quyết theo tinh thần chỉ thị của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng là khuyến khích phát triển than địa phương.

4. Tỉnh được sử dụng số ngoại tệ do xuất khẩu than theo quy định hiện hành của Nhà nước nhưng phải dành một phần đủ để nhập thiết bị chuyên dùng nhằm duy trì và mở rộng sản xuất than.

5. Việc xuất khẩu than cho các ngành, các đơn vị quân đội khai thác được than, chỉ thực hiện khi có nhu cầu mua sắm trang, thiết bị chuyên dùng để phục vụ việc xây dựng và mở rộng các mỏ than và cũng phải thực hiện theo đúng các điểm 1,2 mục VI của thông tư này.

Trong quá trình thực hiện thông tư này, nếu có điều gì chưa rõ hoặc chưa phù hợp, các tỉnh và các ngành cần kịp thời phản ánh cho Bộ Mỏ và than để nghiên cứu giải quyết.

Nguyễn Chân

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 7-MT/TT-1982 hướng dẫn thi hành Chỉ thị 55-CT-1982 về việc đẩy mạnh khai thác than địa phương do Bộ Mỏ và Than ban hành

  • Số hiệu: 7-MT/TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 23/07/1982
  • Nơi ban hành: Bộ Mỏ và Than
  • Người ký: Nguyễn Chân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 15
  • Ngày hiệu lực: 07/08/1982
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản