Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ CÔNG NGHIỆP
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 05/2006/CT-BCN

Hà Nội, Ngày 20 tháng 03 năm 2006 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG ĐẢM BẢO AN TOÀN PHÒNG CHỐNG CHÁY NỔ TRONG KHAI THÁC THAN 

Trong năm 2005 Ngành Than đã có nhiều nỗ lực vượt bậc trong việc tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, mang lại hiệu quả cao trong hoạt động sản xuất và kinh doanh. Trong chỉ đạo sản xuất, lãnh đạo các đơn vị thành viên trong Tập đoàn Công nghiệp Than – khoáng sản Việt Nam (TKV) đã phát huy mạnh mẽ, tính tự chủ, tích cực, đổi mới công nghệ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, tăng cường kiểm tra, kiểm soát... nhằm mục đích cải thiện điều kiện làm việc và giảm thiểu sự cố, cháy nổ và tai nạn lao động.

Tuy nhiên, trong năm 2005, tại các cơ sở sản xuất của TKV đã để xảy ra 28 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) nghiêm trọng làm chết 37 người. Đặc biệt, chỉ từ 01/01/2006 đến 14/3/2006 đã có 07 vụ TNLĐ nghiêm trọng liên tiếp xảy ra làm chết 16 người, trong đó vụ nổ khí Mêtan xảy ra vào ngày 06/3/2006 làm chết 8 người tại Công ty Than thống Nhất, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự cố tai nạn lao động là do Lãnh đạo cơ sở, nhất là người trực tiếp lãnh đạo sản xuất chưa thực sự sâu sát, không kiên quyết chỉ đạo, triển khai các biện pháp an toàn theo quy định; Người lao động chủ quan, vi phạm các quy trình, quy phạm về an toàn.

Để hạn chế kịp thời các sự cố TNLĐ, đặc biệt là TNLĐ nghiêm trọng như cháy nổ khí, sập lò, bục nước v.v... Trong khai thác than hầm lò, Bộ Công nghiệp yêu cầu Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam cấp bách thực hiện một số nội dung sau đây:

1. Tổ chức rà xét, phân tích nguyên nhân, trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm tập thể liên quan đến các vụ TNLĐ, chết người trong năm 2005 và đầu năm 2006, đặc biệt đối với các vụ TNLĐ, chết 02 người trở lên là các vụ có tính chất tương tự lặp lại. Trên cơ sở đó tổ chức học tập, rút kinh nghiệm, chấn chỉnh trong quản lý, thực hiện các quy định về an toàn, cháy nổ đối với toàn bộ người lao động và sử dụng người lao động.

2. Chỉ đạo hướng dẫn kiểm tra các Công ty, phân xưởng, công trường... rà xét lại quy trình, thiết bị, biện pháp an toàn, cháy nổ trong sản xuất. Khắc phục ngay những điều chưa phù hợp, thiết sót và khu vực không đảm bảo an toàn để sản xuất.

3. Tăng cường công tác tự kiểm tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của quy phạm, quy trình kỹ thuật an toàn, chế độ bảo hộ lao động. Nâng cao trách nhiệm cá nhân của Phó giám đốc phụ trách an toàn, cán bộ chuyên trách an toàn và giám sát an toàn. Xây dựng quy trình kiểm tra, giám sát. Nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý, kiểm tra, giám sát, an toàn vệ sinh viên nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các thiếu sót, vi phạm quy định an toàn, cháy nổ.

4. Nghiêm túc kiểm điểm và xử lý cá nhân, tập thể để xảy ra TNLĐ. Với các vụ TNLĐ nghiêm trọng phải đề nghị truy tố trước pháp luật. Khen thưởng kịp thời các cá nhân và tập thể làm tốt công tác an toàn, phòng chống cháy nổ.

5. Phối hợp với đoàn công tác của Bộ (Cục KTATCN, Vụ NLDK, Công đoàn Công nghiệp Việt Nam) kiểm tra công tác đảm bảo AT, VSLĐ, PCCN tại một số khu vực có nguy cơ mất an toàn cao để có giải pháp chấn chỉnh, ngăn ngừa TNLĐ ngay trong Quý II/2006.

Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam có trách nhiệm thực hiện nghiêm các nội dung trên và báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Công nghiệp trước ngày 31/5/2006. Cục Kỹ thuật an toàn công nghiệp có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp tình hình và định kỳ báo cáo Bộ trưởng./.

 


Nơi nhận:
- Như trên,
- TT Đỗ Hữu Hào (để theo dõi và chỉ đạo),
- Lưu VP, KTAT.

BỘ TRƯỞNG



 
Hoàng Trung Hải