Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 7-LĐ/TT

Hà Nội, ngày 06 tháng 2 năm 1987

THÔNG TƯ

CỦA BỘ LAO ĐỘNG SỐ 7-LĐ/TT NGÀY 6-2-1987 HƯỚNG DẪN THI HÀNH CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP THU HÚT

Căn cứ vào điểm 10, điều 5 của Nghị định số 235-HĐBT ngày 18-9-1985 của Hội đồng Bộ trưởng về cải tiến chế độ tiền lương. Bộ Lao động hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp thu hút như sau:

I. MỤC ĐÍCH Ý NGHĨA

Phụ cấp thu hút nhằm khuyến khích công nhân, viên chức đến làm việc ở các cơ sở sản xuất và xây dựng có vị trí quan trọng đặc biệt đối với nền kinh tế quốc dân, đi đến các vùng xung yếu của đất nước để phát triển sản xuất, khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên, mà hiện nay ở những nơi đó việc tổ chức đời sống về ăn, ở, đị lại, tổ chức phúc lợi xã hội (bệnh viện, trường học, nhà trẻ, sinh hoạt văn hoá v.v...) còn khó khăn thiếu thốn, nên khó thu hút và ổn định lực lượng lao động.

II. ĐỐI TƯỢNG HƯỞNG PHỤ CẤP THU HÚT

Đối tượng hưởng phụ cấp thu hút là công nhân, viên chức thuộc lực lượng lao động thường xuyên của đơn vị cơ sở, kể cả lao động mới tuyển đang trong thời gian tập sự, thử việc, lao động hợp đồng (trừ lao động hợp đồng theo vụ, theo việc), quân nhân chuyển ngành chưa xếp lại lương, những người được biệt phái hoặc tăng cường có thời hạn đang làm việc ở cơ sở có phụ cấp thu hút.

III. PHẠM VI VÀ ĐIỀU KIỆN ÁP DỤNG

1. Phạm vi áp dụng. Các công trường xây dựng cơ bản (công nghiệp và dân dụng), các đơn vị cơ sở sản xuất, khai thác mỏ, khai thác lâm nghiệp (kể cả trồng rừng), thăm dò địa chất và đo đạc bản đồ.

2. Điều kiện áp dụng. Các công trường xây dựng và cơ sở sản xuất nói trên ở các nơi sau đây được áp dụng chế độ phụ cấp thu hút:

a) Ở các huyện biên giới phía Bắc và các hải đảo xa.

b) Ở miền núi nơi có phụ cấp khu vực từ 15% trở lên và các hải đảo nói chung.

c) Ở vùng đất hoang hoá thuộc ven biển và trung du.

IV. MỨC PHỤ CẤP VÀ THỜI GIAN HƯỞNG PHỤ CẤP

1. Mức phụ cấp.

a) Mức 15% áp dụng cho các công trường xây dựng (công nghiệp, dân dụng), các đơn vị cơ sở sản xuất, khai thác mỏ, khai thác lâm nghiệp (kể cảc trồng rừng), thăm dò địa chất và đo đạc bản đồ ở các huyện biên giới phía Bắc và các hải đảo xa.

b) Mức 10% áp dụng cho các công trường xây dựng (công nghiệp, dân dụng), các đơn vị cơ sở sản xuất, khai thác mỏ, khai thác lâm nghiệp (kể cả trồng rừng), thăm dò địa chất và đo đạc bản đồ ở miền núi nơi có phụ cấp khu vực từ 15% trở lên và các hải đảo nói chung.

c) Mức 5%, áp dụng cho các công trường xây dựng (công nghiệp, dân dụng), các đơn vị cơ sở khai thác mỏ, khai thác lâm nghiệp (kể cả trồng rừng), thăm dò địa chất và đo đạc bản đồ ở vùng đát hoang hoá ở ven biển và trung du.

2. Thời gian hưởng phụ cấp.

a) Đối với công trường xây dựng, thời gian hưởng phụ cấp bắt đầu tính từ khi khởi công xây dựng công trình đến khi kết thúc xây dựng công trình.

b) Đối với các đơn vị cơ sở sản xuất, khai thác mỏ, khai thác lâm nghiệp (kể cả trồng rừng), thăm dò địa chất và đo đạc bản đồ, thời gian được áp dụng phụ cấp cho đến khi các điều kiện sản xuất và sinh hoạt ở các đơn vị cơ sở đó được ổn định, thì các cơ quan có trách nhiệm của Nhà nước sẽ quyết định cho duy trì hoặc sửa đổi.

3. Nâng mức phụ cấp.

Đối với những công trình xây dựng trọng điểm của Nhà nước có tầm quan trọng đặc biệt đối với nền kinh tế quốc dân theo các điều kiện được hưởng mức phụ cấp thấp, cần được hưởng mức phụ cấp cao hơn, thì Bộ chủ quản và Uỷ ban Nhân dân các địa phương đề nghị về Bộ Lao động nghiên cứu giải quyết.

V. KHOẢN THI HÀNH

1. Cùng với việc áp dụng chế độ phụ cấp này các Bộ, các địa phương cần hết sức quan tâm, tạo mọi kiện thuận lợi để tổ chức tốt đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân viên chức và gia đình họ ở các công trình xây dựng và các đơn vị cơ sở sản xuất. Từ đó, tạo ra tinh thần phấn khởi, an tâm làm việc với năng suất cao, chất lượng tốt.

2. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1-1-1987. Căn cứ vào Thông tư này, các Bộ, các Uỷ ban Nhân dân địa phương ra quyết định và hướng dẫn cho các đơn vị thuộc quyền thực hiện và báo cáo về Bộ Lao động để tổng hợp.

Các sở Lao động có trách nhiệm giúp Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố hướng dẫn các đơn vị thuộc địa phương thực hiện, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện chế độ phụ cấp này ở các đơn vị trên địa bàn của địa phương mình.

Những đơn vị đã được Bộ Lao động thỏa thuận cho áp dụng phụ cấp thu hút trước đây, thì tiếp tục hưởng cho đến hết thời gian quy định, sau đó điều chỉnh lại theo đúng quy định của Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị các Bộ, các địa phương phản ánh về Bộ Lao động nghiên cứu giải quyết.

Đào Thiện Thi

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 7-LĐ/TT-1987 hướng dẫn thi hành chế độ phụ cấp thu hút do Bộ Lao động ban hành

  • Số hiệu: 7-LĐ/TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 06/02/1987
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động
  • Người ký: Đào Thiện Thi
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 3
  • Ngày hiệu lực: 01/01/1987
  • Ngày hết hiệu lực: 01/05/1999
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản