Hệ thống pháp luật

BỘ TƯ PHÁP
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 69-TC

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 1958

THÔNG TƯ

SỬA ĐỔI THẨM QUYỀN CỦA CÁC TÒA ÁN NHÂN DÂN VÀ THỦ TỤC VỀ LY HÔN

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP - CHÁNH ÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Kính gửi: Các ông Chánh án Tòa án nhân dân các khu, tỉnh, thành phố, huyện

Để bảo đảm việc giải quyết sát, nhanh chóng, đồng thời thận trọng và đúng chính sách những vụ ly hôn, nhằm củng cố và tăng cường khối đoàn kết toàn dân, tạo điều kiện tốt cho việc hướng dẫn nhân dân lao động đi vào con đường làm ăn tập thể, căn cứ vào kết quả thảo luận tại Hội nghị Tư pháp toàn quốc họp ngày 27-11-1958 ở Hà Đông, Liên Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân Tối cao tạm thời(1)quy định về thẩm quyền của Tòa án nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân huyện, Ủy ban Hành chính xã và về thủ tục giải quyết những việc ly hôn như sau để các Tòa án nhân dân thi hành cho được thống nhất.

Thông tư này quy định cho những việc ly hôn mới thụ lý, đồng thời cũng đề ra biện pháp thanh toán những việc ly hôn còn ứ đọng từ trước đến nay.

A. – Đối với những việc ly hôn mới thụ lý

I) Trường hợp cả hai vợ chồng xin thuận tình ly hôn.

Điều 4 sắc lệnh số 159 ngày 18-11-1950 quy định về thẩm quyền và thủ tục ly hôn như sau: "... Trong trường hợp hai vợ chồng thuận tình ly hôn, nếu Tòa án nhân dân huyện hay thị xã hòa giải không thành và nếu sao đó 1 tháng, hai vợ chồng vẫn giữ ý kiến xin ly hôn, thì Tòa án nhân dân huyện hay thị xã sẽ chính thức công nhận sự ly hôn".

Căn cứ vào tinh thần của sắc lệnh nói trên và để cho thích hợp với tình hình hiện nay, việc công nhận thuận tình ly hôn nên làm như sau:

"Giao cho Ủy ban Hành chính xã hòa giải nếu hòa giải không thành thì sau đó 1 tháng nếu xét thấy hai vợ chồng vẫn giữ ý kiến xin ly hôn, thì Ủy ban Hành chính xã lập biên bản ghi lời khai của hai vợ chồng xin thuận tình ly hôn, rồi chuyển biên bản ấy với hồ sơ (đơn của đương sự, báo cáo của xóm, đoàn thể nếu có...) và ý kiến của Ủy ban Hành chính xã lên Tòa án nhân dân công nhận cho chính thức ly hôn".

Trong khi tiến hành công nhận thuận tình ly hôn, cần chú ý đến những điểm sau đây:

1) Đối với tất cả các việc xin thuận tình ly hôn không phân biệt là loại nào (nguyên nhân phong kiến hay nguyên nhân khác, có con hay không có con...), sau khi xét thấy đôi bên vợ chồng đều tự nguyện kiên quyết xin ly hôn thì Ủy ban Hành chính xã có thể lập biên bản ghi lời khai xin thuận tình ly hôn. Nhưng khi gửi biên bản này lên Tòa án nhân dân huyện thì Ủy ban Hành chính xã gần ghi rõ là từ đầu cả hai vợ chồng đều xin thuận tình ly hôn hay là lúc đầu chỉ có một bên vợ hoặc chồng xin ly hôn, rồi sau khi Ủy ban Hành chính xã hòa giải cả hai vợ chồng mới cùng nhau thuận tình ly hôn.

2) Khi đôi bên vợ chồng xin thuận tình ly hôn thì Ủy ban Hành chính xã tiến hành hòa giải và đề nghị đôi bên suy nghĩ kỹ. Nếu sau khi hòa giải ít nhất một tháng, cả hai vợ chồng vẫn tự nguyện và kiên quyết xin ly hôn thì Ủy ban Hành chính xã lập biên bản ghi lời khai xin thuận tình ly hôn. Trường hợp một bên hoặc cả đôi bên trai đã lấy vợ, gái đã lấy chồng khác rồi thì Ủy ban Hành chính xã lập ngay biên bản gửi lên Tòa án nhân dân huyện không cần chờ đợi một tháng.

Thời hạn một tháng để đôi bên vợ chồng suy nghĩ bắt đầu từ khi Ủy ban Hành chính xã thử hòa giải lần đầu. Việc thử hòa giải này có thể là tiến hành sau khi Ủy ban Hành chính xã nhận được đơn xin thuận tình ly hôn, hoặc trước khi có đơn gửi đến Ủy ban Hành chính xã, Ủy ban Hành chính xã đã từng đứng ra thử hòa giải khi việc còn ở trong nội bộ đoàn thể, hoặc đơn vị sản xuất.

3) Khi Ủy ban Hành chính xã lập biên bản thuận tình ly hôn thì đôi bên vợ chồng đều phải có mặt và cùng ký vào biên bản. Ủy ban Hành chính xã giải thích cho đôi bên vợ chồng rõ là khi nào Tòa án nhân dân huyện duyện công nhận thì biên bản này mới được thi hành.

Biên bản gồm có những điểm sau đây:

- Tên, họ, tuổi, sinh trú quán của chồng và vợ.

- Dân tộc, tôn giáo thành phần xã hội của chồng và vợ.

- Ngày, tháng, năm, nơi lấy nhau. Có đăng ký giá thú hay không?

- Vì sao nay xin thuận tình ly hôn?

- Có con cái và tài sản gì chung không? Nay giải quyết về con cái và tài sản chung như thế nào?

- Ở dưới biên bản ghi rõ: đương sự chỉ được bỏ nhau sau khi được Tòa án nhân dân huyện duyệt công nhận.

4) Khi nhận được biên bản này, Tòa án nhân dân huyện sẽ nghiên cứu ngay hồ sơ, nếu thấy cần thiết thì trực tiếp hỏi lại Ủy ban Hành chính xã để rõ thêm sự việc. Sau khi đã nắm vững sự việc, Tòa án nhân dân huyện sẽ gặp đương sự để trực tiếp nghe đôi bên vợ chồng trình bày ý kiến. Trường hợp một bên hoặc cả hai bên vợ chồng đã lập gia đình khác rồi thì Tòa án nhân dân huyện không cần gặp mặt nữa. Trường hợp vì ốm hoặc vì bận công tác ở xa không thể về được thì phải nói rõ lý do không thể về được, đồng thời cũng phải nói rõ có còn giữ ý kiến xin ly hôn hay không (1). Nếu nhận thấy cả hai đều tự nguyện và kiên quyết xin ly hôn thì Tòa án nhân dân huyện sẽ chính thức công nhận ngay việc thuận tình ly hôn, không cần phải có một thời hạn nào nữa (vì ở xã đã có một thời gian một tháng để hai vợ chồng suy nghĩ rồi).

5) Trường hợp hai vợ chồng xin thuận tình ly hôn không thỏa thuận với nhau về con cái và về tài sản chung thì Tòa án nhân dân huyện cứ công nhận việc thuận tình ly hôn, còn về con cái và tài sản chung thì Tòa án nhân dân huyện sẽ chuyển hồ sơ lên Tòa án nhân dân tỉnh để giải quyết. Tòa án nhân dân tỉnh có thể, tùy tính chất phức tạp hay đơn giản của vụ kiện mà giữ lấy để giải quyết hoặc giao lại cho Tòa án nhân dân huyện xử sơ thẩm về vấn đề con cái và tài sản chung. Nếu có chống án thì Tòa án nhân dân tỉnh sẽ xử phúc thẩm.

6) Khi duyệt công nhận thuận tình ly hôn thì Thẩm phán huyện giải quyết một mình, không cần có hai Hội thẩm nhân dân.

Về hình thức duyệt công nhận thì Tòa án nhân dân huyện có thể phê duyệt ngay trên biên bản thuận tình ly hôn của xã, hoặc lập biên bản khác công nhận thuận tình ly hôn.

7) Trường hợp lúc đầu chỉ có một bên vợ hoặc chồng xin ly hôn, nhưng sau đó Ủy ban Hành chính xã hoặc Tòa án nhân dân huyện xét thấy không còn khả năng đoàn tụ và đã hòa giải đôi bên vợ chồng thuận tình ly hôn thì:

- Nếu việc còn ở xã thì Ủy ban Hành chính xã lập ngay biên bản thuận tình ly hôn gửi lên Tòa án nhân dân huyện duyệt công nhận, không cần phải chờ đợi một thời gian một tháng ở xã để suy nghĩ như đã nói ở điểm 2 trên.

- Nếu việc đã lên đến huyện thì tòa án nhân dân huyện cũng chính thức công nhận ngay sự thuận tình ly hôn, không cần phải gửi trả hồ sơ về xã để Ủy ban Hành chính xã có ý kiến nữa.

8) Đối với những nơi có Tòa án nhân dân thị xã thì Ban hành chính khu phố lập biên bản thuận tình ly hôn, Tòa án nhân dân thị xã duyệt công nhận.

Đối với các thành phố Hà Nội và Hải Phòng thì:

- Ngoại thành: Ủy ban Hành chính xã lập biên bản, Ủy ban Hành chính quận kiêm Tòa án nhân dân quận duyệt công nhận.

- Nội thành: Ban hành chính khu phố lập biên bản, Tòa án nhân dân thành phố duyệt công nhận.

II. – Trường hợp chỉ có một bên chồng hoặc vợ xin ly hôn.

Trước đây những việc do một bên chồng hoặc vợ xin ly hôn đều do Tòa án nhân dân tỉnh xử sơ thẩm và tòa án nhân dân khu xử phúc thẩm nếu có chống án.

Nay quy định là Tòa án nhân dân tỉnh tùy theo khả năng cán bộ có thể giao từng vụ cho Tòa án nhân dân huyện xử sơ thẩm những vụ ly hôn không phức tạp. Nếu có chống án thì Tòa án nhân dân tỉnh xử phúc thẩm.

Trước khi giao cho Tòa án nhân dân huyện xử sơ thẩm, đương nhiên là Tòa án nhân dân tỉnh phải nghiên cứu kỹ từng hồ sơ. Khi giao, cần hướng dẫn cụ thể về hướng giải quyết.

Đối với những vụ ly hôn có liên quan đến:

- Ngoại kiều

- Cán bộ cao cấp

- Đại biểu quốc hội, Hội đồng nhân dân tỉnh

- Thân sĩ

- Tầng lớp trên của các dân tộc thiểu số

- Cán bộ tập kết có vợ hoặc chồng ở miền Nam thì Tòa án nhân dân tỉnh không nên giao cho Tòa án nhân dân huyện xử sơ thẩm.

Về việc giao cho Tòa án nhân dân huyện xử sơ thẩm từng loại việc ly hôn (như có nơi đã làm) Liên Bộ còn đang nghiên cứu. Trong khi chờ đợi Liên Bộ đề nghị các Tòa án nhân dân tỉnh không nên tự động giao như thế nữa.

B. – Đối với những việc ly hôn hiện còn ứ đọng

Đối với những việc ly hôn mới thụ lý thì về mặt thẩm quyền và thủ tục sẽ giải quyết như trên.

Đối với những việc ly hôn hiện còn ứ động, Ủy ban hành chính xã và Tòa án nhân dân huyện đã nắm vững sự việc, cần phải mạnh dạn giao cho Tòa án nhân dân huyện và Ủy ban Hành chính xã giải quyết với thủ tục đơn giản để kịp thời phục vụ cho kế hoạch sản xuất Đông Xuân. Mặt khác cũng cần phải chú ý bồi dưỡng cho Tòa án nhân dân huyện và Ủy ban Hành chính xã về mặt chủ trương đường lối và kinh nghiệm để bảo đảm việc giải quyết cho tốt.

Những việc ly hôn (và thuận tình ly hôn) hiện còn ứ động là những việc đã thụ lý ở Ủy ban Hành chính xã, ở Tòa án nhân dân huyện hoặc ở Tòa án nhân dân tỉnh mà Ủy ban Hành chính xã, Tòa án nhân dân huyện hoặc Tòa án nhân dân tỉnh đã thực sự hòa giải và điều tra rồi nhưng chưa giải quyết xong. Còn những việc ly hôn (và thuận tình ly hôn) tuy đã thụ lý ở Ủy ban Hành chính xã, Tòa án nhân dân huyện hoặc Tòa án nhân dân tỉnh, nhưng chưa được hòa giải và điều tra thì coi như những việc mới và giải quyết theo như phần A trong thông tư này.

Đối với những việc ly hôn và thuận tình ly hôn hiện còn ứ động như thế, sẽ thanh toán như sau:

1) Thuận tình ly hôn. Tòa án nhân dân huyện sẽ khai hội với tất cả các Ủy ban Hành chính xã trong huyện đã kiểm điểm xem những việc xin thuận tình ly hôn còn ứ động trong toàn huyện là bao nhiêu. Các Ủy ban Hành chính xã báo cáo sơ qua về nội dung những việc đó và về nhận định của mình. Tòa án nhân dân huyện góp ý kiến và đặt kế hoạch giải quyết mau chóng nhưng đồng thời thận trọng cho các Ủy ban Hành chính xã. Tòa án nhân dân huyện sẽ phổ biến chính sách đối với những việc ly hôn và giải thích cho các Ủy ban Hành chính xã biết là trong việc xin thuận tình ly hôn, nếu xét thấy đúng thật cả hai vợ chồng đều tự nguyện kiên quyết cùng xin ly hôn thì việc thuận tình ly hôn sẽ được công nhận. Sau khi đã phổ biến chính sách và giải thích rõ, Tòa án nhân dân huyện sẽ giao cho các Ủy ban Hành chính xã tất cả hoặc một số (tùy khả năng cán bộ) những việc thuận tình ly hôn còn ứ động để các Ủy ban Hành chính xã về triệu tập đương sự lên hỏi lại một lần nữa, nếu đôi bên vợ chồng còn giữ ý kiến xin ly hôn thì Ủy ban Hành chính xã lập ngay biên bản thuận tình ly hôn (không cần chờ đợi một tháng để suy nghĩ) và gửi biên bản đó lên Tòa án nhân dân huyện duyệt công nhận. Khi nhận được biên bản này; Tòa án nhân dân huyện sẽ duyệt công nhận ngay, vào biên bản và gửi về xã thi hành (không cần gặp mặt đương sự để hỏi lại nữa). Trừ trường hợp xét thấy có nghi vấn thì Tòa án nhân dân huyện mới gặp mặt đương sự để hỏi lại.

Như vậy là đối với những việc xin thuận tình ly hôn còn ứ đọng:

- Không cần phải có một thời gian một tháng để suy nghĩ ở xã.

- Tòa án nhân dân huyện duyệt công nhận trên hồ sơ không cần gặp mặt đương sự.

Vì những việc thuận tình ly hôn này đã kéo dài lâu và Tòa án nhân dân huyện đã nắm chắc sự việc rồi.

2) Về việc ly hôn do một bên chồng hoặc vợ xin.

Tòa án nhân dân tỉnh sẽ khai hội với các Tòa án nhân dân huyện trong tỉnh để kiểm điểm xem những việc ly hôn do một bên xin còn ứ động ở tỉnh và huyện là bao nhiêu. Các Tòa án nhân dân huyện sẽ báo cáo sơ qua về nội dung những việc đó và có nhận định về từng việc một. Tòa án nhân dân tỉnh sau khi nghe các Tòa án nhân dân tỉnh sau khi nghe các Tòa án nhân dân huyện báo cáo, sẽ phổ biến chính sách đối với những việc ly hôn, sau đó sẽ chọn những vụ ly hôn không phức tạp giao cho Tòa án nhân dân huyện xử sơ thẩm với ý kiến của Tòa án nhân dân tỉnh về hướng giải quyết cụ thể từng vụ một nếu có chống án thì Tòa án nhân dân tỉnh xử phúc thẩm. Khi Tòa án nhân dân huyện mở phiên tòa xét xử thì sẽ báo trước cho Tòa án nhân dân tỉnh biết để nếu có thể thì Tòa án nhân dân tỉnh về dự và rút kinh nghiệm. Trong bước đầu Tòa án nhân dân tỉnh nên trực tiếp chỉ đạo một Tòa án nhân dân huyện để kịp thời rút kinh nghiệm phổ biến đi các nơi.

Cần chú ý là chỉ đối với những việc ly hôn và thuận tình ly hôn còn ứ đọng mới giải quyết như đã nói ở phần B. Một khi đã thanh toán xong những việc ứ đọng rồi thì đối với những việc ly hôn và thuận tình ly hôn mới thụ lý thì phải giải quyết như đã nói ở phần A.

* * *

Một vài vấn đề khác về thủ tục xét xử ly hôn

1) Một bên vợ hoặc chồng cố tình vắng mặt.

Nên giải quyết như sau:

a) Trường hợp một bên vợ hoặc chồng không chịu đến Tòa án nhân dân khai trong quá trình lập hồ sơ thì Tòa án nhân dân huyện sẽ về tận xã để lấy lời khai hoặc ủy nhiệm cho Ủy ban Hành chính xã lấy lời khai. Hồ sơ chưa có lời khai của cả đôi bên vợ chồng thì xem như chưa hoàn thành và không được đưa ra xét xử (trừ trường hợp thất tung hay một bên hiện ở miền Nam).

b) Trường hợp trong hồ sơ đã có lời khai của đôi bên vợ chồng rồi, nhưng khi đưa ra phiên tòa công khai thì tuy đã có giấy báo thị hợp lệ rồi, một bên vợ hoặc chồng lại cố tình vắng mặt vì ác ý thì Tòa án nhân dân sẽ hoãn xử, đồng thời cho làm giấy báo thị lại lần thứ hai trong đó có ghi rõ là nếu lần nào còn vắng mặt không có lý do chính đáng được Tòa án nhân dân công nhận thì Tòa án nhân dân sẽ coi như là người vắng mặt không muốn khai thêm điều gì khác hơn là lời khai đã có trong hồ sơ. Trường hợp này Tòa án nhân dân sẽ xem như là đương sự có mặt và xử ngay. Nếu là án sơ thẩm thì đương sự (vắng mặt) chỉ có quyền chống án lên Tòa án nhân dân phúc thẩm, không có quyền kháng án vắng mặt. Nếu là án phúc thẩm thì coi như là nhất định.

2) Đối với những vụ án ly hôn bị kháng cáo không phức tạp, Tòa án nhân dân phúc thẩm có thể xử bút lục được không?

Nên xử công khai có mặt đôi bên đương sự, không nên xử bút lục vì việc ly hôn là thuộc tình cảm của hai vợ chồng cần phải nghe đôi bên trực tiếp trình bày ý kiến của mình, dù là trình bày lại, thì Tòa án nhân dân phúc thẩm mới đủ tài liệu để quyết định.

3) Đối với những phạm nhân thành án là bị cáo trong một vụ ly hôn, bị giam giữ ở trại cải tạo xa trụ sở Tòa án nhân dân, xa nơi trú quân của vợ hoặc chồng, đứng xin ly hôn, có thể xử vắng mặt bị cáo được không?

Khi lập hồ sơ nếu Tòa án nhân dân không trực tiếp lấy lời khai cung được thì ủy nhiệm cho Ban giám thị Trại cải tạo lấy lời khai cung và hỏi người phạm nhân bị cáo có đồng ý ly hôn hay không. Sau khi đã có lời khai rồi, Tòa án nhân dân có thể đưa vụ ly hôn ra xử vắng mặt người phạm nhân bị cáo, nhưng sau khi tuyên án thì Tòa án nhân dân sẽ báo thị cho biết là có hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được giấy báo thị để kháng cáo lên Tòa án nhân dân phúc thẩm. Trong trường hợp này Tòa án nhân dân phúc thẩm cũng có thể xử vắng mặt người phạm nhân bị cáo được. Án của Tòa án nhân dân phúc thẩm xử trong trường hợp này sẽ là án nhất định không kháng án được, bản án sẽ tống đạt cho người phạm nhân bị báo biết. Đương nhiên là ở Tòa án nhân dân sơ thẩm hay ở Tòa án nhân dân phúc thẩm, người vợ hoặc chồng đứng nguyên cáo trong vụ ly hôn phải có mặt ở phiên tòa.

TM. TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
THẨM PHÁN




Trần Cung

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP




Vũ Đình Hòe



(1) Vấn đề tăng thẩm quyền cho huyện và xã đang được nghiên cứu ở nơi thí điểm kiện toàn tổ chức của Trung ương

(1) Trường hợp sau này Tòa án nhân dân huyện cũng không cần gặp mặt đương sự nữa.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 69-TC năm 1958 sửa đổi thẩm quyền Tòa án nhân dân và thủ tục về ly hôn do Bộ Tư pháp và Toà án nhân dân tối cao ban hành.

  • Số hiệu: 69-TC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 31/12/1958
  • Nơi ban hành: Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao
  • Người ký: Vũ Đình Hoè, Trần Cung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 3
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản