Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 69/2021/TT-BTC

Hà Nội, ngày 11 tháng 8 năm 2021

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ KINH PHÍ CHUẨN BỊ, TỔ CHỨC VÀ THAM DỰ CÁC KỲ THI ÁP DỤNG ĐỐI VỚI GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

Căn cứ Luật giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cầu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn quản lý kinh phí chuẩn bị, tổ chức và tham dự các kỳ thi áp dụng đối với giáo dục phổ thông.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này hướng dẫn việc quản lý kinh phí thực hiện các nhiệm vụ thuộc công tác chuẩn bị, tổ chức và tham dự các kỳ thi áp dụng đối với giáo dục phổ thông:

a) Các nhiệm vụ do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì thực hiện đối với các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông các môn văn hóa; kỳ thi chọn đội tuyển Olympic khu vực và quốc tế; chuẩn bị và tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế;

b) Các nhiệm vụ do các địa phương chủ trì thực hiện đối với các kỳ thi tuyển sinh đầu cấp; kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp huyện/tỉnh các môn văn hóa, chọn học sinh giỏi cấp quốc gia.

2. Nội dung chuyên môn của các nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều 1 Thông tư này thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo ở trung ương và địa phương, các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan được cơ quan có thẩm quyền giao tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều 1 Thông tư này.

Điều 3. Nguồn kinh phí thực hiện

Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Thông tư này gồm:

1. Nguồn ngân sách nhà nước (ngân sách chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề) theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước: ngân sách trung ương bảo đảm kinh phí thực hiện các nhiệm vụ do Bộ Giáo dục vả Đào tạo chủ trì thực hiện; ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí thực hiện các nhiệm vụ do địa phương chủ trì thực hiện.

2. Nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; các nguồn vốn xã hội hóa, nguồn vốn huy động hợp pháp, nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Nguyên tắc quản lý kinh phí

1. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí đúng mục đích, có hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng chế độ.

2. Việc lập dự toán, thanh quyết toán kinh phí chuẩn bị, tổ chức và tham dự các kỳ thi áp dụng đối với giáo dục phổ thông quy định tại Thông tư này thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, chế độ kế toán.

Điều 5. Nội dung chi cho công tác đề thi

1. Chi công tác ra đề thi

a) Chi thuê địa điểm làm việc cho Hội đồng/Ban ra đề thi (sau đây gọi chung là Hội đồng ra để thi) (nếu có);

b) Chi xây dựng và phê duyệt ma trận đề thi và bản đặc tả đề thi;

c) Chi ra đề đề xuất đối với đề thi tự luận (chỉ áp dụng cho các môn thi không có ngân hàng câu hỏi thi);

d) Chi ra đề thi chính thức và dự bị (soạn thảo, thẩm định, phản biện) có kèm theo đáp án, biểu điểm;

đ) Chi mua, thuê, vận chuyển, lắp đặt, kiểm tra các dụng cụ, hóa chất, nguyên vật liệu, trang thiết bị, mẫu vật thực hành, vật tư, văn phòng phẩm;

e) Chi tiền công cho thành viên Hội đồng ra đề thi; chi phí ăn, ở cho thành viên Hội đồng ra để thi và những người có liên quan (nếu có) trong những ngày tập trung cách ly đặc biệt với bên ngoài; chi phí phục vụ hoạt động của Hội đồng ra đề thi (in ấn, chuyển phát tài liệu);

2. Chi công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi thi

a) Chi tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho người tham gia soạn thảo, biên tập hoàn thiện câu trắc nghiệm;

b) Chi xây dựng và phê duyệt ma trận đề thi bản đặc tả đề thi;

c) Chi soạn thảo câu hỏi thô;

d) Chi rà soát, chọn lọc, thẩm định và biên tập câu hỏi;

đ) Chi thử nghiệm, phân tích, đánh giá câu hỏi;

e) Chi chỉnh sửa câu hỏi sau thử nghiệm;

g) Chi xây dựng đề thi thử nghiệm; tổ chức thử nghiệm và phân tích, đánh giá các đề thi sau thử nghiệm;

h) Chi chỉnh sửa lại các câu hỏi sau khi thử nghiệm đề thi;

i) Chi rà soát, lựa chọn và nhập các câu hỏi vào ngân hàng câu hỏi thi theo hướng chuẩn hóa (được quản lý trên phần mềm máy tính);

k) Chi phí đi lại, ăn ở cho thành viên làm công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi thi (nếu có); chi thuê địa điểm làm việc; chi thuê, mua, vận chuyển, lắp đặt, kiểm tra các trang thiết bị, dụng cụ, vật tư, văn phòng phẩm; chi in ấn, chuyển phát tài liệu.

3. Chi công tác in, sao đề thi

a) Chi tiền công cho Hội đồng/Ban In sao đề thi;

b) Chi thuê địa điểm làm việc cho Hội đồng/Ban In sao đề thi (nếu có);

c) Chi mua, thuê, vận chuyển, lắp đặt, kiểm tra các trang thiết bị, dụng cụ, vật tư, văn phòng phẩm.

d) Chi phí ăn, ở cho những người tham gia in, sao đề thi trong những ngày Hội đồng/Ban In sao đề thi tập trung cách ly đặc biệt với bên ngoài; chi phí phục vụ hoạt động của Hội đồng/Ban in sao đề thi (in ấn, chuyển phát tài liệu).

Điều 6. Nội dung chi cho công tác tổ chức thi và chấm thi (làm phách, chấm thi, phúc khảo, chấm thẩm định)

1. Chi thuê địa điểm thi; địa điểm tổ chức chấm thi (nếu có);

2. Chi thuê, mua trang thiết bị (nếu có), vật tư, văn phòng phẩm, chi in ấn các tài liệu, giấy chứng nhận, thẻ phục vụ công tác tổ chức thi, chấm thi;

3. Chi tiền công cho các thành viên của Ban Chỉ đạo thi, Hội đồng thi (Ban Thư ký, Ban Coi thi, Ban/Tổ vận chuyển đề thi, Ban làm phách, Ban chấm thi, Ban phúc khảo, Hội đồng chấm thẩm định);

4. Chi phí đi lại, ăn ở phục vụ công tác tổ chức thi, chấm thi (nếu có);

5. Chi cho công tác chấm thi (làm phách, chấm thi, phúc khảo, chấm thẩm định)

a) Chi thuê địa điểm làm việc (nếu có);

b) Chi ăn, ở cho những người tham gia làm phách tập trung và cách ly đặc biệt với bên ngoài;

c) Chi tiền công cho người làm phách/chấm thi/phúc khảo/chấm thẩm định bài thi tự luận, bài thi trắc nghiệm, bài thi thực hành, bài thi nói, bài thi tin học;

d) Chi phí đi lại, ăn ở của những người phục vụ công tác chấm thi/phúc khảo/chấm thẩm định/làm phách;

6. Chi cho công tác thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau khi thi (nếu có).

Điều 7. Nội dung chi cho công tác tập huấn và tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực

1. Chi cho công tác tập huấn các đội tuyển

a) Chi xây dựng đề cương chi tiết cho chương trình tập huấn;

b) Chi dịch tài liệu tham khảo (nếu có);

c) Chi tiền công người phụ trách lớp tập huấn;

d) Chi biên soạn và giảng dạy lý thuyết, dạy thực hành;

đ) Chi ăn ở, phương tiện đi lại, đưa đón học sinh và giáo viên;

e) Chi thuê, mua hóa chất, nguyên vật liệu, thiết bị phục vụ tập huấn (nếu có).

2. Chi cho công tác tham dự các kỳ thi

a) Chi phí cho các thành viên của đoàn và các học sinh tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực;

b) Chi tiền công soạn đề thi gửi Ban tổ chức các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực;

c) Chi thuê, mua hóa chất, nguyên vật liệu, thiết bị, vật tư, văn phòng phẩm phục vụ tham dự kỳ thi (nếu có);

d) Chi đồng phục cho đoàn tham dự kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực, mua tặng phẩm (nếu có).

Điều 8. Quy định về mức chi

1. Chi phí theo thực tế để chuẩn bị, tổ chức và tham dự các kỳ thi

a) Chi thuê địa điểm làm việc cho Hội đồng ra đề thi, Hội đồng in sao đề thi (nếu có);

b) Chi thuê địa điểm thi, địa điểm chấm thi (nếu có);

c) Chi thuê phòng học, phòng thí nghiệm; thuê phương tiện đi thực tế, thực hành cho việc tập huấn các dội dự tuyển quốc gia để tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế;

d) Chi mua, thuê, vận chuyển, lắp đặt, gia công, kiểm tra các dụng cụ, hóa chất, nguyên vật liệu, trang thiết bị, mẫu vật thực hành, vật tư, văn phòng phẩm phục vụ ra đề thi, in sao đề thi, tổ chức thi, chấm thi, tập huấn các đội tuyển và tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực; chi in ấn các tài liệu, giấy chứng nhận, thẻ phục vụ công tác tổ chức thi, chấm thi;

đ) Các khoản chi phục vụ hoạt động của các Hội đồng ra đề thi, Hội đồng in sao đề thi (nếu có);

Cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện các nhiệm vụ này tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật có liên quan về mua sắm, đấu thầu để tổ chức thực hiện; khi thanh toán phải có đầy đủ chứng từ, hóa đơn theo quy định. Trong trường hợp sử dụng cơ sở vật chất của các cơ quan, đơn vị khác (địa điểm, thiết bị, dụng cụ) để thực hiện nhưng vẫn phải thanh toán các khoản chi phí điện, nước, vệ sinh, an ninh, phục vụ, thì chứng từ thanh toán là bản hợp đồng và thanh lý hợp đồng công việc giữa hai bên kèm theo phiếu thu của cơ quan, đơn vị cho mượn cơ sở vật chất; bên cho mượn cơ sở vật chất hạch toán khoản thu này để giảm chi kinh phí hoạt động của đơn vị.

2. Chi dịch tài liệu tham khảo (nếu có): Áp dụng theo quy định tại Thông tư số 71/2018/TT-BTC ngày 10 tháng 8 năm 2018 của Bộ Tài chính quy định chế độ chi tiêu đón tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chế độ chi tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chế độ tiếp khách trong nước.

3. Chi tổ chức các cuộc họp, hội thảo, hội nghị; chi đi công tác để thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau khi thi; chi tiền ở, đi lại trong nước của những người tham gia công tác tổ chức thi và chấm thi (nếu có), giáo viên (nếu có) và học sinh các đội dự tuyển quốc gia trong quá trình tập huấn để tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị (sau đây gọi tắt là Thông tư số 40/2017/TT-BTC).

4. Chi tiền công cho các chức danh là thành viên của Hội đồng/Ban ra đề thi (Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên, Thư ký, bảo vệ vòng trong 24h/24h; Ủy viên, Thư ký, bảo vệ vòng ngoài); Hội đồng/Ban in sao đề thi (Trưởng ban, Phó Trưởng ban, Ủy viên, thư ký làm việc cách ly; nhân viên phục vụ, công an, bảo vệ làm việc cách ly; nhân viên phục vụ, công an, bảo vệ vòng ngoài) và thành viên bộ phận vận chuyển đề thi; Ban chỉ đạo thi (Trưởng ban; Phó Trưởng ban; Ủy viên; Thư ký; nhân viên phục vụ); Hội đồng thi (Chủ tịch; Phó Chủ tịch; Ủy viên); Ban Thư ký Hội đồng thi (Trưởng ban; Phó Trưởng ban; Ủy viên); Hội đồng/Ban coi thi (Trưởng ban; Phó Trưởng ban; Ủy viên, thư ký, giám thị; Công an, bảo vệ); Ban/Tổ làm phách (Trưởng ban, Phó Trưởng ban, Ủy viên, thư ký, nhân viên phục vụ, bảo vệ làm việc cách ly; nhân viên phục vụ, bảo vệ vòng ngoài); Hội đồng/Ban chấm thi tự luận, Hội đồng/Ban phúc khảo tự luận, Hội đồng/Ban chấm thẩm định bài thi (Trưởng ban; Phó Trưởng ban; Ủy viên, thư ký, kỹ thuật viên; nhân viên phục vụ, công an, bảo vệ): Áp dụng cách thức tính toán tiền công theo ngày cho từng chức danh nhưng không phân biệt trình độ đào tạo và thâm niên công tác theo mức lương quy định tại Điều 3, Điều 4 Thông tư số 02/2015/TT-BLĐTBXH ngày 12/01/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định mức lương đối với chuyên gia tư vấn trong nước làm cơ sở dự toán gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn áp dụng hình thức hợp đồng theo thời gian sử dụng vốn nhà nước (sau đây gọi tắt là Thông tư số 02/2015/TT-BLĐTBXH).

5. Chi tiền ăn, tiền giải khát giữa giờ cho thành viên Hội đồng/Ban ra đề thi, Hội đồng/Ban in sao đề thi, những người làm phách tập trung trong những ngày làm việc tập trung cách ly

a) Tiền ăn, tiền giải khát giữa giờ trong thời gian thực tế ra đề thi, in sao đề thi, làm phách: Mức chi bằng 150% mức chi quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC.

b) Tiền án, tiền giải khát giữa giờ trong thời gian cách ly còn lại (cách ly để chờ hết thời gian tổ chức kỳ thi mà không phải trực tiếp làm nhiệm vụ ra đề thi, in sao đề thi, làm phách): Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC.

6. Chi tiền ăn, tiền giải khát giữa giờ cho các thành viên tham gia công tác tổ chức thi và chấm thi (nếu có), giáo viên (nếu có) và học sinh các đội dự tuyển quốc gia trong quá trình tập huấn để tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC.

7. Chi đón tiếp, tiễn các đoàn học sinh tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 102/2012/TT-BTC ngày 21 tháng 6 năm 2012 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức Nhà nước đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài do ngân sách Nhà nước bảo đảm kinh phí.

8. Tiền công ra đề thi

a) Tiền công xây dựng và phê duyệt ma trận đề thi và bản đặc tả đề thi (Chủ trì; các thành viên): Áp dụng cách thức tính toán tiền công theo ngày cho từng chức danh nhưng không phân biệt trình độ đào tạo và thâm niên công tác theo mức lương quy định tại Điều 3, Điều 4 Thông tư số 02/2015/TT-BLĐTBXH.

b) Tiền công ra đề đề xuất đối với đề thi tự luận: Thi tốt nghiệp trung học phổ thông: tối đa 600.000 đồng/đề; Thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia: tối đa 1.000.000 đồng/đề theo phân môn; Thi chọn học sinh vào đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế: tối đa 1.500.000 đồng/đề theo phân môn.

c) Tiền công ra đề thi chính thức và dự bị có kèm theo đáp án, biểu điểm đối với thi tốt nghiệp trung học phổ thông; thi chọn học sinh giỏi quốc gia (Đề tự luận, đề trắc nghiệm, đề thi nói gồm 10 chủ đề); thi chọn đội tuyển dự thi Olympic khu vực và quốc tế (Đề tự luận, đề trắc nghiệm); đề thi thực hành kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, kỳ thi chọn đội tuyển dự thi Olympic khu vực và quốc tế: Áp dụng cách thức tính toán tiền công theo ngày cho người ra đề thi nhưng không phân biệt trình độ đào tạo và thâm niên công tác theo mức lương quy định tại Điều 3, Điều 4 Thông tư số 02/2015/TT-BLĐTBXH.

9. Tiền công xây dựng ngân hàng câu hỏi thi

a) Chi đào tạo, bồi dưỡng cho người tham gia soạn thảo, biên tập, hoàn thiện câu trắc nghiệm: Áp dụng theo quy định tại Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30 tháng 3 năm 2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

b) Tiền công xây dựng và phê duyệt ma trận đề thi và bản đặc tả đề thi (Chủ trì; các thành viên): Áp dụng cách thức tính toán tiền công theo ngày cho từng chức danh nhưng không phân biệt trình độ đào tạo và thâm niên công tác theo mức lương quy định tại Điều 3, Điều 4 Thông tư số 02/2015/TT-BLĐTBXH.

c) Tiền công soạn thảo câu hỏi thô: tối đa 70.000 đồng/câu; rà soát, chọn lọc, thẩm định và biên tập câu hỏi: tối đa 60.000 đồng/câu; chỉnh sửa câu hỏi sau thử nghiệm: tối đa 50.000 đồng/câu; chỉnh sửa lại các câu hỏi sau khi thử nghiệm đề thi: tối đa 35.000 đồng/câu; rà soát, lựa chọn và nhập các câu hỏi vào ngân hàng câu hỏi thi theo hướng chuẩn hóa: tối đa 10.000 đồng/câu.

d) Tiền công trong tổ chức thi thử nghiệm: Thực hiện như đối với thi chính thức.

đ) Tiền công phân tích kết quả thi thử nghiệm theo từng đề thi: 1.000.000 đồng/báo cáo/môn thi.

e) Tiền công thuê chuyên gia định cỡ câu trắc nghiệm (Chủ trì; các thành viên): Áp dụng cách thức tính toán tiền công theo ngày cho từng cá nhân nhưng không phân biệt trình độ đào tạo và thâm niên công tác theo mức lương quy định tại Điều 3, Điều 4 Thông tư số 02/2015/TT-BLĐTBXH.

10. Tiền công chấm bài thi tự luận, bài thi nói và bài thi thực hành, bài thi tin học đối với thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thi chọn học sinh giỏi quốc gia, thi chọn đội tuyển quốc gia; tiền công chấm thi, chấm phúc khảo bài thi trắc nghiệm; tiền công chấm phúc khảo bài thi tự luận tốt nghiệp trung học phổ thông, chấm thẩm định bài thi tự luận tốt nghiệp trung học phổ thông, chấm phúc khảo bài thi chọn học sinh giỏi quốc gia, chấm phúc khảo bài thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế và khu vực (nếu có); Áp dụng cách thức tính toán tiền công theo ngày cho người chấm thi nhưng không phân biệt trình độ đào tạo và thâm niên công tác theo mức lương quy định tại Điều 3, Điều 4 Thông tư số 02/2015/TT-BLĐTBXH. Số lượng bài thi mỗi cán bộ chấm thi phải chấm hoàn thành trong một ngày theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương.

11. Tiền công cho tổ trưởng, tổ phó các tổ chấm thi đối với thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thi chọn học sinh giỏi, thi chọn đội tuyển quốc gia (ngoài tiền công chấm thi); 300.000 đồng/người/đợt chấm thi.

12. Tiền công tập huấn các đội tuyển quốc gia; dự thi Olympic quốc tế và khu vực

a) Tiền công cho cán bộ phụ trách lớp tập huấn; tiền công biên soạn và giảng dạy lý thuyết, biên soạn và giảng dạy thực hành, trợ lý thí nghiệm, thực hành; Áp dụng cách thức tính toán tiền công theo ngày hoặc theo giờ theo mức lương quy định tại Điều 3, Điều 4 Thông tư số 02/2015/TT-BLĐTBXH. Bộ GD&ĐT, các địa phương quy định cụ thể về mức tiền công theo hoặc không theo trình độ đào tạo và thâm niên công tác, bảo đảm phù hợp thực tế nhiệm vụ chuyên môn.

b) Tiền công soạn đề thi gửi Ban tổ chức các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực: 500.000 đồng/câu.

c) Chi may đồng phục cho các đoàn tham dự kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực: 1.500.000 đồng/bộ/người.

13. Căn cứ vào khả năng kinh phí, vai trò thực tế của từng chức danh quy định tại khoản 4, khoản 8, điểm b, c, e khoản 9, khoản 10 và điểm a khoản 12 Điều 8 Thông tư này, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mức tiền công cụ thể cho từng chức danh là thành viên thực hiện các nhiệm vụ thi ở trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định mức tiền công cụ thể cho từng chức danh là thành viên thực hiện các nhiệm vụ thi ở địa phương.

Điều 9. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2021.

2. Thông tư liên tịch số 66/2012/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 26 tháng 4 năm 2012 của Liên Bộ Tài chính - Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn về nội dung, mức chi, công tác quản lý tài chính thực hiện xây dựng ngân hàng câu trắc nghiệm, tổ chức các kỳ thi phổ thông, chuẩn bị tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

3. Mức chi quy định tại Thông tư này là mức chi tối đa, được thực hiện cho những ngày thực tế làm việc trong thời gian chính thức tổ chức các nhiệm vụ quy định tại Điều 1 Thông tư này. Trường hợp một người làm nhiều nhiệm vụ khác nhau trong một ngày thì chỉ được hưởng một mức thù lao cao nhất.

4. Ngoài các nội dung và mức chi quy định tại Thông tư này, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định về nội dung, mức chi để tổ chức các kỳ thi, cuộc thi, hội thi trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo tại địa phương, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, nhiệm vụ chuyên môn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương và nguồn ngân sách địa phương.

5. Kinh phí chi cho cán bộ, giảng viên các cơ sở giáo dục - đào tạo ở trung ương hoặc địa phương được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ tham gia tổ chức thi, coi thi ở các địa phương do các cơ sở giáo dục - đào tạo được giao nhiệm vụ bảo đảm theo quy định của nhà nước và quy chế chi tiêu nội bộ của các cơ sở giáo dục - đào tạo.

6. Khi các văn bản dẫn chiếu để áp dụng tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản mới thì áp dụng theo các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

7. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các đơn vị kịp thời phản ánh về Bộ Tài chính nghiên cứu, giải quyết./.


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- TTCP và các Phó TTCP;
- VPTW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí Thư;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch Nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Cơ quan trung ương của các Hội, đoàn thể;
- HĐND, UBND, Sở Tài chính, KBNN các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Công báo;
- Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, HCSN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Võ Thành Hưng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 69/2021/TT-BTC hướng dẫn quản lý kinh phí chuẩn bị, tổ chức và tham dự các kỳ thi áp dụng đối với giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 69/2021/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 11/08/2021
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Võ Thành Hưng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 735 đến số 736
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản