THANH TRA CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 68-TTR/XKT | Hà Nội, ngày 29 tháng 03 năm 1973 |
HƯỚNG DẪN VIỆC XÉT, GIẢI QUYẾT ĐƠN KHIẾU NẠI, TỐ CÁO Ở CẤP HUYỆN
Thi hành nghị quyết số 164-CP ngày 31-8-1970 của Hội đồng Chính phủ, nhiều tỉnh, thành phố đã tổ chức Ban thanh tra khiếu tố trực thuộc Ủy ban hành chính huyện, thị, khu phố (gọi chung là cấp huyện). Nhiều Ủy ban hành chính huyện đã cố gắng xét, giải quyết các đơn khiếu tố của nhân dân.
Tuy nhiên, hiện nay số đơn khiếu tố thuộc cấp huyện phải giải quyết rất lớn, số đơn này thường chiếm tỉ lệ trên 50% tổng số đơn trong toàn tỉnh, thành phố, nhưng việc quản lý đơn xét, giải quyết còn chưa tốt, đơn khiếu tố không được xét, giải quyết không đến nơi đến chốn còn quá nhiều.
Tình trạng đó có phần là do nhiều huyện bị các công tác khác dồn dập chi phối, nhưng phần quan trọng là chưa nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác xét khiếu tố, chưa thấy xét, giải quyết những việc khiếu nại, tố cáo của nhân dân là nghĩa vụ và trách nhiệm của mình, do đó chưa chọn lựa cán bộ có năng lực để giúp việc, chưa giao trách nhiệm cho các ngành các đơn vị trực thuộc làm công tác xét khiếu tố. Nhiều nơi còn nhận thức sai lầm rằng người khiếu tố ít nhiều đều có khuyết điểm, không xét ngay cũng không sao, hoặc giải quyết đơn khiếu tố sẽ không tránh khỏi bị phản ứng, bị gây khó khăn cho việc chỉ đạo sản xuất, công tác; nhiều người vì bản thân có liên quan đến sự việc khiếu tố hoặc vì cảm tình, nể nang, không chịu khẩn trương giải quyết đơn khiếu tố. Mặt khác, trình độ nghiệp vụ của cán bộ làm công tác xét khiếu tố còn yếu cũng làm cho nhiều đơn khiếu tố không giải quyết được dứt khoát.
Để khắc phục tình trạng trên; để chấp hành nghiêm chỉnh điều 43 chương III Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính các cấp và các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức, xét, giải quyết đơn khiếu tố; để phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân trong việc tham gia quản lý Nhà nước; để giải quyết những quyền lợi chính đáng của nhân dân đã được pháp luật quy định; để giúp đỡ cấp huyện đưa công tác xét khiếu tố vào nền nếp. Ủy ban thanh tra của Chính phủ ra thông tư này hướng dẫn việc xét, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo ở cấp huyện như sau:
I. VỀ VIỆCQUẢN LÝ ĐƠN KHIẾU TỐ VÀ NGHIÊN CỨU, PHÂN LOẠI ĐƠN KHIẾU TỐ
A. Quản lý đơn khiếu tố
Các đơn khiếu tố của nhân dân gửi đến trực tiếp hoặc do cấp trên chuyển về đều phải được coi trọng như các loại công văn quan trọng. Ban thanh tra khiếu tố phải giúp Ủy ban hành chính huyện thống nhất quản lý.
Các đơn khiếu tố khác không gửi qua Văn phòng Ủy ban hành chính huyện, do các ngành, các đơn vị trực thuộc trực tiếp nhận, các ngành, các đơn vị phải báo cáo Ủy ban hành chính huyện. Ban thanh tra khiếu tố phải giúp Ủy ban hành chính huyện thống kê, theo dõi và kiểm tra việc xét, giải quyết.
Những người trực tiếp đến khiếu tố với các ngành, các đơn vị mà không viết đơn, các ngành, các đơn vị phải hỏi rõ sự việc và hướng dẫn cho người khiếu tố làm đơn gửi đến đúng nơi có trách nhiệm xét, giải quyết.
B. Nghiên cứu, phân loại đơn khiếu tố
Cấp huyện là cấp phải trực tiếp nghiên cứu xét giải quyết và giao trách nhiệm cho thủ trưởng các ngành, các đơn vị trực thuộc xét, giải quyết tất cả các đơn khiếu tố gửi đến huyện. (Không làm việc chuyển đơn như ở cấp tỉnh, thành phố).
Chủ tịch Ủy ban hành chính huyện cần nghiên cứu những đơn khiếu tố của đương sự và của cấp trên gửi đích tên, hoặc chức vụ; những đơn khiếu tố thuộc trách nhiệm Ủy ban hành chính huyện xét, giải quyết (theo điểm a, b điều 2, mục II trong thông tư số 60-UBTTr ngày 22-5-1971 của Ủy Ban thanh tra của Chính phủ) và những đơn khiếu tố có tính chất nghiêm trọng, do Ban thanh tra khiếu tố báo cáo. Khi nghiên cứu, cần ghi rõ cách giải quyết những đơn này, và chuyển cho Ban thanh tra khiếu tố làm thủ tục giao đơn.
Ban thanh tra khiếu tố phải nghiên cứư tất cả những đơn khiếu tố gửi đến văn phòng Ủy ban hành chính huyện. Khi nghiên cứu phải phân loại và rút ra những điểm sau đây:
- Đơn thuộc loại khiếu nại hay tố cáo;
- Đơn thuộc trách nhiệm của tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân huyện giải quyết
- Những việc khiếu nại, tố cáo cần xem xét trong những việc đó, nếu có việc nào chưa rõ, cần gặp đương sự hỏi cho rõ, hoặc yêu cầu viết lại.
- Những việc thuộc loại nghiên trọng; thuộc diện ưu tiên giải quyết (theo điều 5, mục I trong thông tư số 60-UBTTr, ngày 25-5-1971 của Ủy Ban thanh tra của Chính phủ);
- Trách nhiệm xét, giải quyết đơn đó thuộc ngành, đơn vị nào. Có cần phải mở cuộc thanh tra, hoặc các ngành phải phối hợp để xét hay không;
- Thời hạn phải xét, giải quyết cần tối đa là bao lâu.
Sau khi nghiên cứu, phân loại xong, phải báo cáo với Ủy ban hành chính huyện và làm thủ tục ghi chép; chuẩn bị để Ủy ban hành chính huyện giao nhiệm vụ xét, giải quyết đơn khiếu tố cho các ngành, các đơn vị trực thuộc.
Thủ trưởng các ngành, các đơn vị trực thuộc Ủy ban hành chính huyện phải nghiên cứu những đơn khiếu tố của đương sự trực tiếp và những đơn khiếu tố của Ủy ban hành chính huyện giao; phải bắt đầu lập hồ sơ những đơn khiếu tố thuộc trách nhiệm phải xét, vào sổ đăng ký những đơn trực tiếp nhận được (do Ban thanh tra khiếu tố hướng dẫn).
II. VỀ VIỆC QUẢN LÝ CÔNG TÁC XÉT KHIẾU TỐ VÀ GIAO NHIỆM VỤ XÉT GIẢI QUYẾT ĐƠN KHIẾU TỐ
Ủy ban hành chính cấp huyện cần đặt nhiệm vụ quản lý công tác xét khiếu tố như một nhiệm vụ quan trọng khác cần có chế độ làm việc chặt chẽ, đảm bảo việc xét, giải quyết đơn khiếu tố được nhanh chóng, nghiêm chỉnh.
Chủ tịch Ủy ban hành chính huyện chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc thi hành đúng những quy định của Nhà nước về công tác xét, giải quyết đơn khiếu tố, và đích thân chịu trách nhiệm giải quyết những đơn khiếu tố do Ủy ban hành chính huyện phải chủ trì xét xử.
Thủ tướng các ngành, các đơn vị trực thuộc Ủy ban hành chính huyện chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Ủy ban hành chính huyện và kết quả xét, giải quyết những đơn khiếu tố thuộc trách nhiệm.
Ủy ban hành chính huyện cần định kỳ nghe báo cáo về tình hình khiếu tố của nhân dân và kết quả xét, giải quyết; định kỳ giao nhiệm vụ xét, giải quyết đơn khiếu tố cho thủ trưởng các ngành , và chủ tịch Ủy ban hành chính các xã, như giao nhiệm vụ cho các công tác khác. Trường hợp xét thấy đơn khiếu tố có tính chất cấp bách (không thể giao theo định kỳ được, thì thường trực Ủy ban hành chính huyện xử lý).
Số đơn giao về cho các ngành, các đơn vị thuộc khối nào, khu vực nào, thường trực Ủy ban hành chính huyện cần thông báo cho đồng chí phụ trách khối, khu vực đó biết, để kiểm tra đôn đốc.
Sau khi đã giao đơn, Ban thanh tra khiếu tố phải báo cáo cho người khiếu tố biết, để họ liên hệ với ngành, đơn vị được Ủy ban hành chính huyện giao trách nhiệm xét, giải quyết đơn đó. Ngành, đơn vị được giao trách nhiệm xét, giải quyết đơn khiếu tố phải tiếp và trả lời đương sự. Không giao nguyên đơn tố cáo cho người bị tố cáo, hoặc cơ quan, đơn vị bị tố cáo xét, giải quyết. Người giữ đơn tố cáo để xét, giải quyết không được để lộ tên, địa chỉ của người tố cáo. Đơn tố cáo nặc danh, nếu nói rõ sự việc cũng phải xét, giải quyết chu đáo. Phải giao đơn cho trưởng, phó ngành, chủ tịch, phó chủ tịch Ủy ban hành chính xã, trưởng, phó Ban kiểm soát hợp tác xã, không giao đơn cho người không đủ thẩm quyền nhận.
Người nhận đơn để xét, giải quyết, nếu vì lý do nào đó mà chưa xét, giải quyết được đúng thời hạn, phải xin thêm thời hạn với Ủy ban hành chính huyện.
Trong hội nghị định kỳ giao đơn, cần kiểm điểm tình hình công tác giao đơn và phân tích về trách nhiệm giải quyết những đơn khiếu tố đã được giao.
Ban thanh tra khiếu tố có trách nhiệm giúp Ủy ban hành chính huyện tổ chức việc giao đơn đúng kỳ hạn, đúng nguyên tắc, thủ tục; chuẩn bị cho hội nghị kiểm điểm về công tác giao đơn báo cáo những nơi để đơn quá hạn, phân tích trách nhiệm những người để đơn quá hạn.
Chủ tịch Ủy ban hành chính huyện cần làm việc trực tiếp với Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân huyện, về việc phân định trách nhiệm xét, giải quyết những đơn thuộc hai cơ quan đó mà nhân dân gửi đến Ủy ban hành chính huyện.
III. MỘT SỐ THỦ TỤC TRONG KHI XÉT, GIẢI QUYẾT ĐƠN KHIẾU TỐ, VÀ LẬP HỒ SƠ KẾT THÚC MỘT ĐƠN KHIẾU TỐ
A. Xét, giải quyết đơn khiếu tố
Để việc xét, giải quyết đơn khiếu tố được nghiêm chỉnh, đúng đường lối, chính sách, phải tuân thủ những quy định sau đây:
1. Nghiên cứu kỹ đơn, xác định rõ nội dung sự việc cần xét, giải quyết;
2. Sưu tầm, nghiên cứu, nắm vững các chính sách chế độ có liên quan đến sự việc phải xét, giải quyết;
3. Lắng nghe ý kiến của người khiếu tố và bên bị khiếu tố, gặp gỡ các cơ quan hữu quan và quần chúng có liên quan;
4. Điều tra, xác minh những việc quan trọng, lấy tài liệu, chứng lý đầy đủ, tất cả những việc xác minh quan trọng đều phải có chữ ký xác nhận của người cung cấp.
5. Sau khi đã điều tra, xác minh, cán bộ đi điều tra phải làm báo cáo bằng văn bản về kết quả những việc đã điều tra, xác minh, có nhận xét, kết luận của từng sự việc và đề ra ý kiến giải quyết cụ thể của mình.
Nếu sự việc khiếu tố có liên quan đến công tác Đảng và các đoàn thể, chủ tịch Ủy ban hành chính huyện cần lấy ý kiến giải quyết của cấp ủy Đảng và các đoàn thể, để giải quyết dứt khoát đơn khiếu tố về mặt chính quyền, theo thời hạn quy định.
6. Trường hợp hai bên bên đương sự không nhất trí với dự kiến xét, giải quyết thì phải mở hội nghị xét giải quyết. Hội nghị này cần có hai bên đương sự và đại diện có thẩm quyền của các ngành, nhất là các ngành quản lý kinh tế, quản lý các chính sách có liên quan đến sự việc của đương sự tham dự, hoặc lấy ý kiến bằng văn bản của họ, để có cơ sở giải quyết vấn đề được khách quan, đúng chính sách, chế độ của Nhà nước. Kết thúc hội nghị phải có biên bản kết luận đúng sai từng sự việc, có chữ ký của người chủ trì hội nghị và của đương sự.
7. Căn cứ vào tài liệu đã được điều tra, xác minh và biên bản hội nghị xét xử, đề ra quyết định xử lý. Quyết định xử lý phải ghi rõ thời hạn thực hiện, và phải làm thành 4 bản, gửi cho hai bên đương sự, gửi cho cấp trên và lưu hồ sơ.
8. Trường hợp hai bên đương sự đều thỏa thuận với cách giải quyết của các ngành, các đơn vị được Ủy ban hành chính huyện giao trách nhiệm giải quyết đơn khiếu tố, thì các ngành, các đơn vị đó ký quyết định xử lý, và quyết định đó có hiệu lực thi hành ngay. Trường hợp hai bên đương sự chưa nhất trí, thì Ủy ban hành chính huyện phải chủ trì hội nghị xét, giải quyết, và ký quyết định xử lý. Những điểm nào đương sự chưa thông và còn khiếu nại phải ghi rõ vào quyết định xử lý.
Khi chưa thông, đương sự có quyền khiếu nại lên cấp tỉnh, thành phố và phải chờ ý kiến của cấp tỉnh, thành phố quyết định mới cơ hiệu lực thi hành. Cấp tỉnh và thành phố nếu xét thấy hồ sơ đã đầy đủ theo quy định, phải định rõ thời hạn xét, giải quyết cho đương sự, nếu hồ sơ chưa đầy đủ, thì yêu cầu Ủy ban hành chính huyện làm lại, và phải quy định rõ thời hạn làm lại.
B. Lập hồ sơ kết thúc một đơn khiếu tố.
Tất cả những đơn khiếu tố bắt đầu xét phải lập hồ sơ. Khi đã xét, giải quyết xong phải có hồ sơ hoàn chỉnh. Hồ sơ gồm có:
1. Đơn và những tài liệu, chứng lý của người khiếu tố cung cấp;
2. Các văn bản, tài liệu, chứng lý của người bị khiếu tố, hoặc cơ quan, đơn vị khiếu tố cung cấp.
3. Báo cáo kết quả điều tra, xác minh và những tài liệu của cán bộ đi điều tra thu nhập được;
4. Biên bản hội nghị xét xử và quyết định xử lý tài liệu trên, mới coi là một đơn khiếu tố được giải quyết xong về căn bản, khi nào quyết định xử lý được thực hiện mới coi là xong hoàn toàn, và phải ghi rõ ngày ngày thực hiện quyết định xử lý hồ sơ vào sổ theo dõi đơn.
A. Kiểm tra công tác xét khiếu tố.
Ban thanh tra khiếu tố có trách nhiệm giúp Ủy ban hành chính huyện về nội dung, kế hoạch kiểm tra, và chọn lựa đơn vị được kiểm tra.
Hàng quý, Ban thanh tra khiếu tố được sự ủy quyền của chủ tịch Ủy ban hành chính huyện đến kiểm tra một số ngành, đơn vị để:
- Nắm số lượng đơn khiếu tố phải xét, giải quyết và việc thực hiện công tác xét, giải quyết ở ngành, đơn vị đó;
- Xem xét điển hình một số đơn khiếu tố đã giải quyết xong, có đúng chính sách, chế độ và hồ sơ có đầy đủ như quy định không;
- Đôn đốc người có trách nhiệm xét, giải quyết đơn khiếu tố, quy rõ trách nhiệm người để đơn quá hạn, và không chấp nhận nghị quyết để xử lý.
Khi kiểm tra thấy ngành nào, đơn vị nào, người nào để đơn khiếu tố quá hạn, hoặc giải quyết sai, phải viết công văn kiến nghị ngành, đơn vị đó sữa chữa. Đồng thời phải báo cáo với chủ tịch Ủy ban hành chính huyện và Ủy ban thanh tra tỉnh, thành phố biết.
Các ngành, các đơn vị được kiểm tra phải báo cáo đầy đủ cho cán bộ được ủy quyền đến kiểm tra.
Trường hợp, khi đến kiểm tra gặp khó khăn, mắc mứu không thể tiến hành công tác được, cán bộ được ủy quyền phải đề nghị chủ tịch Ủy ban hành chính huyện giúp đỡ.
B. Báo cáo tình hình công tác xét khiếu tố.
Ủy ban hành chính huyện cần thực hiện đúng chế độ bảo cáo định kỳ 3 tháng, 1 năm (do Ủy ban thanh tra tỉnh, thành phố quy định).
Chủ tịch Ủy ban hành chính huyện phải ký báo cáo thống kê. Bản báo cáo thống kê đó làm cơ sở cho công tác kiểm tra của cấp trên.
Khi có yêu cầu đột xuất của cấp trên, Ủy ban hành chính huyện phải làm báo cáo bất thường.
Ủy ban hành chính huyện cần có kế hoạch thực hiện tốt thông tư này, và rút kinh nghiệm, báo cáo với Ủy ban thanh tra cấp trên, để bổ sung. Những quy định trong thông tư này thay thế cho những quy định trước đây ở các khu, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Thông tư 68-TTr/XKT-1973 hướng dẫn việc xét, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo ở cấp huyện do Uỷ ban Thanh tra Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 68-TTr/XKT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 29/03/1973
- Nơi ban hành: Thanh tra Chính phủ
- Người ký: ***
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 6
- Ngày hiệu lực: 29/03/1973
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định