Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 164-CP

Hà Nội, ngày 31 tháng 08 năm 1970 

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC THANH TRA VÀ CHẤN CHỈNH HỆ THỐNG CƠ QUAN THANH TRA CỦA NHÀ NƯỚC

I. MỤC ĐÍCH VÀ NHIỆM VỤ CỦA CÔNG TÁC THANH TRA

Thanh tra là một khâu công tác quan trọng trong toàn bộ công tác quản lý của bộ máy Nhà nước. Nó có mục đích giúp đỡ cơ quan lãnh đạo vừa kiểm tra sự đúng đắn của bản thân sự lãnh đạo của mình, vừa kiểm tra việc chấp hành của các cơ quan thuộc quyền, nhằm tìm ra những biện pháp chỉ đạo và quản lý tốt nhất, bảo đảm cho những chủ chương, chính sách của Đảng và Nhà nước, pháp luật của Nhà nước, nhất là về quản lý kinh tế, được chấp hành một cách đầy đủ và có hiệu lực.

Để đạt được mục đích trên, công tác thanh tra phải thực hiện tốt những nhiệm vụ sau đây:

1. Trước hết, phải đặt trọng tâm vào nhiệm vụ thanh tra kinh tế, nhất là thanh tra việc thực hiện kế hoạch Nhà nước, tìm ra những khâu yếu, giúp các cơ quan, đơn vị được thanh tra khắc phục những khâu yếu đó để hoàn thành tốt kế hoạch Nhà nước.

2. Kiểm tra việc chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, giúp các cơ quan, đơn vị hiểu và làm đúng những nguyên tắc, chế độ đã được quy định, ngăn chặn kịp thời những việc làm sai phạm, đồng thời phát hiện những điều quy định chưa sát hoặc không thích hợp và phản ánh cho cơ quan có trách nhiệm nghiên cứu để kịp thời sửa đổi hoặc bổ sung.

3. Giúp các cơ quan, đơn vị được thanh tra nâng cao tinh thần trách nhiệm và ý thức tổ chức, ý thức kỷ luật của cán bộ, công nhân, viên chức, thực hiện việc thưởng phạt nghiêm minh, vừa kịp thời biểu dương những người tốt, việc tốt, động viên quần chúng phát huy tinh thần làm chủ tập thể, vừa kịp thời giáo dục và xử lý đúng mức đối với những người mắc khuyết điểm, sai lầm.

4. Xét, giải quyết và đôn đốc việc xét, giải quyết đúng đắn, kịp thời các vụ khiếu nại, tố cáo của nhân dân, bảo đảm quyền làm chủ tập thể và những quyền lợi hợp pháp của công dân, động viên nhân dân hăng hái tham gia quản lý Nhà nước.

5. Đề ra những biện pháp để giải quyết kịp thời và tại chỗ những vấn đề cụ thể của cơ sở, đồng thời đề xuất với cơ quan có trách nhiệm để nghiên cứu và giải quyết những vấn đề có tính cách cơ bản, lâu dài về tổ chức, công tác, chính sách, chế độ.

II. PHƯƠNG CHÂM TIẾN HÀNH CÔNG TÁC THANH TRA

Để thực hiện những mục đích và nhiệm vụ trên đây công tác thanh tra phải được tiến hành theo phương châm: Phải kiểm tra một cách thường xuyên, kịp thời, chính xác, có trọng tâm, trọng điểm. Phải kết hợp kiểm tra từ trên xuống với kiểm tra từ dưới lên, kết hợp kiểm tra của cán bộ lãnh đạo, của quần chúng với việc thanh tra của các cơ quan thanh tra chuyên trách. Phải tiến hành công tác thanh tra dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ đồng thời phối hợp chặt chẽ với các tổ chức của Đảng, chính quyền và đoàn thể có liên quan.

1. Cán bộ lãnh đạo các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị phải thường xuyên kết hợp công tác chỉ đạo với kiểm tra.

Trong mỗi cơ quan, đơn vị từ trung ương đến cơ sở, ở mỗi ngành, mỗi cấp, đi đôi với việc kiểm tra đột xuất mỗi khi cần thiết, cán bộ lãnh đạo phải thường xuyên kết hợp công tác chỉ đạo với kiểm tra. Công tác kiểm tra phải đặt thành chế độ, ghi vào chương trình và lịch công tác hàng năm, hàng quý, hàng tháng. Thủ trưởng cơ quan phải gương mẫu tiến hành kiểm tra theo chế độ, đồng thời kiểm tra, đôn đốc các cán bộ phụ trách cấp dưới thực hiện nhiệm vụ kiểm tra theo chế độ đã định.

Việc kiểm tra phải làm thường xuyên, nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, xoay quanh việc thực hiện những nhiệm vụ lớn của kế hoạch Nhà nước và việc thực hiện những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong từng thời kỳ. Trong mỗi cuộc kiểm tra, phải xác định rõ phạm vi, đối tượng và yêu cầu cụ thể, không làm tràn lan.

2. Phải động viên quần chúng ở cơ sở và đông đảo nhân dân tham gia công tác kiểm tra.

Trong các xí nghiệp, cơ quan Nhà nước, trường học, bệnh viện, v.v… thủ trưởng phải phối hợp với các đoàn thể quần chúng ở cơ sở (công đoàn, đoàn Thanh niên lao động HỒ CHÍ MINH) để giáo dục, động viên công nhân, viên chức thi đua thực hiện kế hoạch Nhà nước, nghiêm chỉnh giữ gìn kỷ luật lao động và chấp hành chính sách, chế độ, kịp thời phát hiện và đấu tranh chống mọi hành động vô kỷ luật, thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm chính sách, chế độ, ngăn chặn tệ quan liêu, lãng phí và tham ô. Cần nghiên cứu đề ra những hình thức phong phú để động viên và thu hút quần chúng góp ý phê bình, xây dựng các xí nghiệp, cơ quan Nhà nước, trường học, bệnh viện v.v… hoạt động một cách có hiệu quả thiết thực.

Đối với khu vực tập thể, Ủy ban hành chính và các ngành quản lý ở trung ương cần tích cực giúp đỡ các hợp tác xã phát huy dân chủ nội bộ, tổ chức cho xã viên thảo luận điều lệ hợp tác xã và các chế độ, chính sách về sản xuất và phân phối ở hợp tác xã, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho quần chúng thực sự giám sát hoạt động của hợp tác xã và của các cơ quan Nhà nước có liên quan.

Đối với cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước, xã viên hợp tác xã và nhân dân nói chung, cần bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo của công dân, không được làm bất kỳ việc gì gây trở ngại cho việc thực hiện quyền ấy. Thủ trưởng các cơ quan Nhà nước phải hết sức coi trọng xét và giải quyết nhanh chóng, hợp tình, hợp lý đơn từ của nhân dân. Các cơ quan Nhà nước, nhất là các Ủy ban hành chính từ tỉnh đến huyện, và những cơ quan mà hoạt động có liên quan nhiều đến quyền lợi, nghĩa vụ và đời sống của nhân dân, đều phải có chế độ tiếp dân và có bộ phận chuyên trách xét khiếu tố. Ở những nơi đã thành lập cơ quan thanh tra, bộ phận này thuộc cơ quan thanh tra. Theo nguyên tắc ấy, Vụ Xét khiếu tố thuộc Phủ Thủ tướng, nay chuyển sang thuộc Ủy ban Thanh tra của Chính phủ.

III. CHẤN CHỈNH HỆ THỐNG CƠ QUAN THANH TRA CHUYÊN TRÁCH

Việc thành lập Ủy ban Thanh tra của Chính phủ theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Ban thanh tra tỉnh, thành phố theo nghị quyết của Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố nhằm đảm bảo cho Chính phủ trung ương và các cơ quan chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra thường xuyên việc thực hiện kế hoạch và những nhiệm vụ trọng tâm của Nhà nước trong từng thời kỳ, đồng thời lãnh đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện công tác thanh tra ở các ngành, các cấp.

Nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các Ban thanh tra tỉnh, thành phố sẽ do Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra của Chính phủ căn cứ vào tinh thần nghị quyết này và nghị định quy định nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Ủy ban Thanh tra của Chính phủ mà tạm thời quy định và hướng dẫn các Ủy ban hành chính địa phương thực hiện. Sau một thời gian rút kinh nghiệm, Ủy ban Thanh tra của Chính phủ sẽ trình Hội đồng Chính phủ ra nghị định quy định chính thức.

Đối với các ngành ở trung ương, Hội đồng Chính phủ đã quyết định thành lập Ban thanh tra chuyên trách ở những ngành quản lý tổng hợp, những ngành quản lý sản xuất, kinh doanh và quản lý sự nghiệp quan trọng. Hiện nay, ngành nào chưa có Ban thanh tra, và xét cần thành lập, thì phải khẩn trương nghiên cứu để thành lập; ngành nào đã có rồi thì phải gấp rút kiện toàn.

Tất cả các tổ chức thanh tra đều phải gọn nhẹ, có hiệu lực. Muốn vậy, điều cơ bản là phải có cán bộ năng lực. Cán bộ thanh tra ở mỗi ngành, mỗi cấp không cần nhiều, nhưng phải có năng lực và đạo đức, có trình độ chính trị và nghiệp vụ, nắm vững chính sách, pháp luật, chế độ, thể loại, có ý thức tổ chức kỷ luật, có tinh thần trách nhiệm và tinh thần đấu tranh bảo vệ nguyên tắc, bảo vệ chân lý. Thủ trưởng các ngành và các Ủy ban hành chính cần lựa chọn và điều động cán bộ theo tiêu chuẩn như vậy để kiện toàn tổ chức thanh tra. Chọn người được đến đâu, xây dựng tổ chức đến đó,  tiến hành công việc một cách thận trọng và vững chắc, không làm ồ ạt, tràn lan. Có kế hoạch bồi dưỡng cán bộ thanh tra, giúp họ không ngừng nâng cao trình độ công tác và khả năng hoàn thành nhiệm vụ. Trừ trường hợp đặc biệt, không được chuyển cán bộ thanh tra đi làm công tác khác. Thủ trưởng các cơ quan phải tăng cường lãnh đạo công tác thanh tra, và thường kỳ nghe báo cáo về công tác thanh tra. Trong tập thể lãnh đạo của các ngành và Ủy ban hành chính, phải phân công người phụ trách công tác thanh tra, luôn luôn đi sát chỉ đạo công tác thanh tra, lắng nghe ý kiến của cán bộ thanh tra, nghiên cứu giải quyết kịp thời những vấn đề do cán bộ thanh tra đề xuất.

Công tác thanh tra phải được tăng cường một cách thiết thực để phục vụ tốt hơn nữa công tác lãnh đạo và quản lý Nhà nước. Các ngành, các cấp, nhất là các đồng chí lãnh đạo và thủ trưởng cơ quan, cần có sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức đối với công tác thanh tra và nghiên cứu nghiêm túc nghị quyết này, để có kế hoạch thực hiện một cách chu đáo và thiết thực.

Ủy ban Thanh tra của Chính phủ có trách nhiệm giúp Hội đồng Chính phủ kiểm tra, đôn đốc và theo dõi thi hành nghị quyết này.

 

TM. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phạm Văn Đồng