Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 6582-TCCS

Hà Nội, ngày 15 tháng 09 năm 1958

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH THÔNG TƯ VỀ CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP THƯỜNG TRỰC VÀ LÀM THÊM GIỜ NÓI TRÊN

Kính gửi:

-Ủy ban hành chính các khu, thành phố và các tỉnh

-Khu, Sở Y tế và các Ty Y tế

-Các cơ quan trực thuộc và kế cận

Đồng kính gửi:

-Các Bộ, các ngành có bệnh viện, bệnh xá (trừ Bộ Quốc phòng).

Trong quá trình áp dụng Thông tư số 8027-BYT/CBTT ngày 28-9-1956 về chế độ thù lao thường trực và làm thêm giờ cho cán bộ, công nhân, viên chức ngành y tế làm công tác thường trực ở các bệnh viện, bệnh xá và viện điều dưỡng, Bộ nhận thấy Thông tư trên chưa quy định được đầy đủ hơn nữa các đơn vị ở nhiều nơi vận dụng tinh thần Thông tư đó đem áp dụng mỗi nơi một khác.

Nói riêng ở Hà nội thì bệnh viện Phủ doãn và Bạch mai vẫn áp dụng theo chế độ cũ (khi mới về tiếp thu, còn các bệnh viện khác cũng như các bệnh viện, bệnh xá và viện điều dưỡng ở các địa phương có nơi áp dụng Thông tư số 8027-BYT/CBTT của Bộ, có nơi áp dụng Thông tư số 08-NV ngày 18-01-1957 của Bộ Nội vụ về vấn đề làm thêm giờ quy định mức phụ cấp bồi dưỡng trên 2 giờ được trả 400đ, trên 5 giờ trả 800đ. Có nơi phối hợp cả hai Thông tư nói trên tự định ra mức phụ cấp riêng khác với các mức quy định trong hai Thông tư nói trên.

Tình hình nói trên đã gây ra thắc mắc của cán bộ, nhân viên giữa bệnh viện này với bệnh viện khác làm cho các cấp lãnh đạo cũng gặp nhiều khó khăn.

Để thống nhất một chế độ thường trực cho tất cả các bệnh viện, bệnh xá, viện điều dưỡng thuộc Bộ cũng như thuộc các Bộ khác sau khi đã thống nhất y kiến với các Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính, Bộ đã ban hành Thông tư số 1022 ngày 15-9-1958 quy định tạm thời chế độ phụ cấp thường trực và làm thêm giờ tại các bệnh viện, bệnh xá, viện điều dưỡng ở Trung ương và địa phương.

Bộ hướng dẫn thêm một số điểm để các đơn vị thi hành được đúng tinh thần Thông tư nói trên.

I - VỀ MỨC PHỤ CẤP

a) Chế độ phụ cấp thường trực quy định thống nhất cho các bệnh viện, bệnh xá,viện điều dưỡng ở Trung ương và ở địa phương chứ không phân biệt chế độ phụ cấp thường trực cho các bệnh viện chuyên khoa khác với các bệnh viện phổ thông vì ở bệnh viện chuyên khoa thì công tác thường trực có phần nặng nề hơn nhưng diện phụ trách thường trực lại ít hơn, trái lại ở các bệnh viện phổ thông, các viện điều dưỡng bệnh tình của bệnh nhân có phần nhẹ hơn nhưng diện phụ trách thường trực lại rộng hơn.

Thí dụ:

Viện điều dưỡng Lạch tray Hải-phòng có 310 giường bệnh nhân, mỗi phiên trực chỉ có một y sĩ phụ trách.

Khoa sản của bệnh viện C có 40 giường mỗi phiên trực có một y sĩ sản khoa phụ trách.

b) Phiên trực ngày thường được phụ cấp:

- 600đ đối với y tá, hộ sinh sơ cấp và hộ lý

- 800đ đối với bác sĩ, y sĩ trung, cao cấp và được nghỉ bù một ngày. Nguyên tắc là phải cố gắng đảm bảo nghỉ bù ngày thường trực để đảm bảo sức khỏe cho anh chị em. Việc này có thể thực hiện được tương đối dễ dàng hơn đối với y tá, hộ lý. Còn đối với y sĩ trung, cao cấp vì nhu cầu công tác không thể cho nghỉ bù cả ngày sau phiên trực thì có thể giải quyết nghỉ bù một buổi vào buổi chiều sau phiên trực còn một buổi nữa sẽ giải quyết một buổi trong tuần chứ không được tăng mức phụ cấp đã quy định ở điều a mục 1 của Thông tư. Các nữ hộ sinh là sage femme d’Etat cũ khi được phân công thường trực ở các phòng hộ sinh của bệnh viện thì cũng hưởng mức như các y sĩ trung cấp (y sĩ sản khoa).

c) Phiên trực ngày thứ bảy và ngày kề trước ngày lễ được hưởng mức phụ cấp nói ở điều a mục I của Thông tư và được nghỉ bù một ngày sau ngày chủ nhật hoặc sau ngày lễ (không kể ngày chủ nhật hoặc ngày lễ là ngày quyền lợi đương nhiên của anh chị em được nghỉ).

Thí dụ: Anh A là y tá thường trực ở phòng điều trị bệnh nhân thường trực ngày thứ bảy thì được hưởng mức phụ cấp 600đ được nghỉ bù một ngày vào tuần sau, có thể giải quyêt nghỉ hẳn một ngày, nếu vì nhu cầu công tác có thể nghỉ bù vào hai buổi chiều hoặc một buổi chiều với một buổi sáng cộng lại vẫn được nghỉ một ngày (không kể ngày nghỉ chủ nhật của anh em).Trường hợp thứ hai vì thiếu người mà chỉ có thể sắp xếp cho nghỉ một buổi (không kể ngày nghỉ là ngày chủ nhật hay ngày lễ) thì mới giải quyết mức phụ cấp:

- 800đ đối với y tá, hộ sinh sơ cấp và hộ lý

- 1.000đ đối với bác sĩ, y sĩ trung, cao cấp.

d) Phiên trực ngày chủ nhật và ngày lễ được phụ cấp:

- 1.000đ đối với y tá, hộ sinh sơ cấp, hộ lý

- 1.200đ đối với bác sĩ, Y sĩ trung, cao cấp

Trường hợp thiếu người không thể giải quyết cho y, bác sĩ trung, cao cấp và nữ hộ sinh là sage femme d’Etat cũ thì có thể giải quyết cho nghỉ bù một buổi vào ngày hôm sau khi trực còn một buổi nữa sẽ giải quyết nghỉ vào một buổi khác trong tuần.

e) Đối với cán bộ, công nhân viên ngành y tế ở các bệnh viện thường trực ở các bộ phận ngoài các phòng điều trị bệnh nhân và phòng mổ, phòng đẻ như đã quy định ở mục II của Thông tư thì được phụ cấp:

- Phiên trực ngày thường được phụ cấp 400 đồng và cho nghỉ bù một ngày.

- Phiên trực ngày thứ 7 và trước ngày lễ được phụ cấp theo điều a mục II của Thông tư.

Nếu vì thiếu người mà chỉ có thể sắp xếp nghỉ bù một buổi (không kể ngày nghỉ là ngày chủ nhật hoặc là ngày lễ là những ngày được nghỉ đương nhiên của anh chị em) thì phụ cấp theo mức 600đ cho mỗi phiên trực.

- Phiên trực ngày chủ nhật và ngày lễ thì dựa theo điều c mục II của Thông tư mà giải quyết, điều này đã quy định rõ ở Thông tư.

Được mời đến chữa các bệnh cấp cứu hoặc đẻ khó, hay xét nghiệm ngoài giờ quy định chung.

g) Đối với cán bộ,công nhân viên được mời đến bệnh viện, bệnh xá, viện điều dưỡng để chữa bệnh cấp cứu, làm phẩu thuật, đở đẻ khó hoặc xét nghiệm thì không được nghỉ bù, nhưng được tính phụ cấp làm thêm giờ:

- 500đ mỗi giờ đối với bác sĩ, dược sĩ, y sĩ cao cấp.

- 300đ mỗi giờ đối với y, dược sĩ trung cấp:

Nếu là nữ hộ sinh (sage femme d’Etat) được mời đến cũng được phụ cấp theo mức 300đ một giờ.

- 200đ một giờ đối với y, dược tá, nha tá, y tá, điện quang, hộ sinh sơ cấp, xét nghiệm viên, hộ lý, lái xe.

Đối với mức phụ cấp làm thêm giờ có quy định mức phụ cấp cho bác sĩ, dược sĩ, y sĩ cao cấp khác với y, dược sĩ trung cấp không tính cùng mức như phụ cấp thường trực với lý do:

Y sĩ cao cấp hay y sĩ trung cấp mà thường trực thì nhiệm vụ và trách nhiệm như nhau, nên không phân biệt mức phụ cấp khác nhau.

Nhưng đối với phụ cấp làm thêm giờ có trường hợp cấp cứu làm phẩu thuật đòi hỏi trình độ của từng loại cán bộ chuyên môn, có trường hợp y sĩ trung cấp không thể giải quyết được phải mời y sĩ cao cấp hoặc bác sĩ đến để giải quyết nên cần phải phân biệt mức để đãi ngộ cho thích đáng đối với sự cống hiến khả năng chuyên môn của anh em đó.

Trong mục III của Thông tư có quy định dưới một giờ được tính là một giờ, tối đa mỗi ngày không được tính quá bốn giờ. Ở đây Bộ nêu lên một vài ví dụ để các đơn vị sau này dựa vào đó mà tính phụ cấp cho anh em:

Ông Nguyễn văn A là y sĩ trung cấp được mời đến cấp cứu cho một bệnh nhân từ 17giờ đến 17 giờ 45 vào ngày chủ nhật. Số giờ được tính phụ cấp là 45 phút nhưng cũng kể là một giờ mà phụ cấp cho ông A với số tiền là 300đồng.

Cũng ngày hôm đó có hai trường hợp đẻ khó phải mời bà Nguyễn thị B là nữ hộ sinh (sage femme dEtat) đến để giải quyết:

- Trường hợp thứ nhất phải giải quyết trong ba giờ.

- Trường hợp thứ hai phải giải quyết trong một giờ 45 phút.

Tổng số giờ giải quyết hai trường hợp trên là 4giờ 45 phút. Nhưng cũng chỉ tính 4 giờ X mỗi giờ 300đ mà phụ cấp 1.200đ. Số tiền 1.200đ cũng đã bằng mức phụ cấp phiên trực ngày chủ nhật hay một ngày lễ cho y, bác sĩ trung, cao cấp. Nhưng trong phiên trực của y, bác sĩ trung, cao cấp mà gặp nhiều trường hợp giải quyết như trên cũng được chỉ được phụ cấp theo phiên trực ngày đó chứ không được hưởng thêm.

Ngày nghỉ của những nữ hộ sinh ở các phòng hộ sinh mà có những sản phụ nằm đẻ ở đó, những nữ hộ sinh phải đến làm thuốc, tiêm thuốc, tắm cho trẻ em thì cũng được tính phụ cấp làm thêm giờ coi như đỡ đẻ.

II - VỀ VIỆC THI HÀNH CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP

Thông tư số 1022 ngày 15-9-1958 chỉ áp dụng cho các bệnh viện, bệnh xá, viện điều dưỡng, phòng y tế và phòng hộ sinh làm công tác phục vụ săn sóc, cấp cứu bệnh nhân và đỡ đẻ.

Thông tư này không áp dụng cho các bộ phận hành chính như văn phòng Bộ, Khu, Sở Y tế và Ty Y tế.

Thông tư này ban hành kể từ ngày 1 tháng 10 năm 1958 nhưng cũng có nơi nhận được Thông tư bị chậm trễ thì cũng tính kể từ ngày nhận được Thông tư này chứ không đặt thành vấn đề truy lĩnh.

Trong khi áp dụng những quy định mới, nếu gặp khó khăn, trở ngại gì thì kịp thời phản ảnh lên Bộ và góp ý kiến nếu có, để Bộ nghiên cứu thêm, nếu xét cần.

TL. BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

PHÓ GIÁM ĐỐC VỤ TỔ CHỨC CÁN BỘ

Trần Trung Tam

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 6582-TCCS năm 1958 hướng dẫn thi hành Thông tư 8027-BYT/CBTT về chế độ thù lao thường trực và làm thêm giờ cho cán bộ do Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 6582-TCCS
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 15/09/1958
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Trần Trung Tam
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 37
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản