TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ |
Số: 62LN-VC | Hà Nội, ngày 24 tháng 09 năm 1962 |
Kính gửi: | - Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh |
Trong lúc chờ đợi Chính phủ ban hành điều lệ phòng chống bão lụt, Tổng cục Lâm nghiệp căn cứ vào Thông tư của các Bộ có liên quan đến vấn đề này để vận dụng hướng dẫn thi hành chế độ khen thưởng, bồi dưỡng, trợ cấp tai nạn lao động đối với những người tham gia phòng chống lụt bão, bảo vệ bè mảng lâm sản.
1. Khen thưởng:
Để khuyến khích tinh thần dũng cảm bảo vệ của công trong lúc có lụt bão xảy ra, cần phải động viên khen thưởng kịp thời đối với cán bộ, bộ đội, nhân dân bằng tinh thần và có khuyến khích phần nào về vật chất; Tổng cục Lâm nghiệp vận dụng Chỉ thị số 70 ngày 03-8-1962 của Ban chỉ huy chống bão lụt trung ương về việc khen thưởng thành tích chống lụt bão, bảo vệ bè mảng lâm sản như sau. Chế độ khen thưởng lần này thay thế cho hình thức chuộc hàng hoá lâm sản bị lụt trôi trước đây.
a) Khen thưởng bằng tinh thần:
Những cán bộ công nhân viên chức Nhà nước, bộ đội, hoặc nhân dân có thành tích trong công tác phòng chống lụt bão, bảo vệ cứu vớt bè mảng lâm sản, các Sở, Ty, phòng Lâm nghiệp, Công ty, Phân cục lâm sản, Xí nghiệp vận chuyển, lâm trường xét đề nghị Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh, Tổng cục Lâm nghiệp cấp giấy khen, bằng khen. Nếu thành tích to lớn được Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh, Tổng cục Lâm nghiệp đề nghị Chính phủ cấp bằng khen, huy hiệu Hồ Chủ tịch, tặng thưởng huy chương dũng cảm, huân chương lao động.
b) Khen thưởng bằng vật chất:
- Đối với nhân dân vớt được nhiều bè mảng gỗ, tre, nứa, lá, củi… bị lụt trôi thì cơ quan có bè mảng ngoài việc trả công bốc vớt cho họ còn xét thưởng một số tiền từ 2 đồng đến 20 đồng. Trường hợp đặc biệt có thể thưởng đến 50 đồng nhưng phải được Tổng cục Lâm nghiệp đồng ý với đơn vị trực thuộc trung ương, Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh đồng ý với đơn vị trực thuộc địa phương.
Số tiền thưởng nhiều hay ít phải tuỳ theo ba điều kiện sau đây:
1. Công sức bỏ ra nhiều hay ít.
2. Khối lượng hàng hoá cứu vớt được nhiều hay ít.
3. Giá trị sử dụng còn lại của tài sản vớt được nhiều hay ít.
- Đối với cán bộ, công nhân viên chức Nhà nước (cả trong và ngoài ngành) bộ đội, có thành tích đột xuất trong công tác phòng chống bão lụt bảo vệ cứu vớt bè mảng lâm sản được cơ quan có bè mảng xét thưởng một tặng phẩm giá trị từ 2 đồng đến 10 đồng.
- Đối với các cửa hàng, trạm, kho, xí nghiệp, lâm trường (địa phương)… có nhiều thành tích trong công tác phòng chống lụt bão, bảo quản bè mảng tốt, ít hoặc không bị lụt trôi mất mát, qua tổng kết hàng năm do Sở, Ty, Phòng Lâm nghiệp, Công ty, Phân cục Lâm sản, xí nghiệp Lâm trường trung ương đề nghị Tổng cục xét thưởng một tặng phẩm có giá trị từ 5 đến 30 đồng.
- Đối với hợp tác xã có thành tích tổ chức động viên xã viên cứu vớt được nhiều bè mảng lâm sản thì ngoài tiền công bốc vớt, cơ quan có bè mảng xét thưởng một tặng phẩm giá trị từ 5 đến 50 đồng. Nếu hợp tác xã yêu cầu, cơ quan cần ưu tiên bán những hiện vật đó cho hợp tác xã làm nhà hoặc làm đồ dùng của tập thể.
- Đối với các Sở, Ty, Phòng Lâm nghiệp, Công ty, Phân cục Lâm sản, Xí nghiệp Lâm trường trung ương có nhiều thành tích chống bão lụt, bảo quản bè mảng tốt, không hoặc ít bị trôi vỡ, mất mát, hư hỏng qua các thời kỳ tổng kết hàng năm của Tổng cục sẽ quy định mức độ khen thưởng riêng.
a) Đối với cơ quan:
Các Sở, Ty, Phòng Lâm nghiệp, Công ty, Phân cục Lâm sản, Lâm trường xí nghiệp, trạm, cửa hàng, kho, đội, nếu thiếu trách nhiệm trong công tác phòng chống bão lụt để thiệt hại lớn đến tài sản của Nhà nước thì ban chỉ huy chống bão lụt các địa phương và Tổng cục đề nghị Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh hoặc Tổng cục Lâm nghiệp có hình thức kỷ luật thích đáng.
b) Đối với cán bộ, công nhân viên chức:
Cán bộ, công nhân viên chức ngành Lâm nghiệp đều có nghĩa vụ và trách nhiệm tham gia phòng chống lụt bão, bảo vệ bè mảng lâm sản lúc cần thiết. Nếu người nào, trong lúc thi hành nghĩa vụ đó, thiếu trách nhiệm, có ảnh hưởng đến công tác phòng chống lụt bão, làm thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, sẽ bị phê bình, cảnh cáo, hạ tầng công tác hoặc truy tố trước pháp luật. Các Sở, Ty, Phòng Lâm nghiệp, Công ty, Phân cục Lâm sản, Lâm trường, xí nghiệp có trách nhiệm báo cáo những khuyết điểm sai lầm của cán bộ, công nhân, viên chức trong đơn vị mình và đề nghị mức độ kỷ luật thích đáng để Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh hoặc Tổng cục Lâm nghiệp quyết định thi hành kỷ luật.
c) Đối với nhân dân:
Những người lợi dụng có lụt bão để xâm chiếm tài sản của Nhà nước hoặc bè mảng gỗ, củi, tre, nứa, lá của Nhà nước bị lụt trôi vớt được không chịu giao lại cho cơ quan Nhà nước thì các cơ quan đề nghị Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân các cấp tuy tố trước pháp luật.
Tham gia phòng chống lụt bão là nghĩa vụ của cán bộ, công nhân viên chức, bộ đội và nhân dân đối với tài sản của Nhà nước. Vì vậy trong lúc phòng chống lụt bão không đặt vấn đề trả công cho cán bộ, công nhân, viên chức, bộ đội. Song công tác phòng chống lụt bão đối với bè mảng lâm sản là một công tác nặng nhọc, phức tạp, khó khăn cho nên cần phải có chế độ bồi dưỡng kịp thời đề lực lượng phòng chống lụt bão đủ sức chống đỡ với thiên nhiên, tiếp tục làm tròn nhiệm vụ. Trong lúc chờ đợi chế độ bồi dưỡng chống bão lụt của Phủ Thủ tướng, vận dụng Thông tư số 05-LĐ-TT ngày 09-3-1955 của Bộ Lao động, Thông tư số 08-NT-TT-PQC ngày 18-01-1957 của Bộ Nội vụ về chế độ phụ cấp làm thêm giờ, Tổng cục Lâm nghiệp quy định mức độ bồi dưỡng thù lao phòng chống bão lụt cụ thể như sau:
1. Tham gia phòng chống bão lụt có tính chất gián tiếp:
Cán bộ, công nhân viên chức tham gia phòng chống bão lụt có tính chất gián tiếp như: thường trực chống bão lụt, gác điện thoại nghe tin bão lụt, gác bè mảng xem nước lên xuống… được bồi dưỡng theo tiêu chuẩn sau đây:
a) Ban đêm:
- Người gác từ 17g30 đến 20 giờ được bồi dưỡng 0đ40
- Người gác từ 20 giờ đến 22 giờ được bồi dưỡng 0đ40
- Người gác từ 22 giờ đến 24 giờ được bồi dưỡng 0đ40
- Người gác từ 24 giờ đến 2 giờ được bồi dưỡng 0đ50
- Người gác từ 2 giờ đến 4 giờ được bồi dưỡng 0đ50
- Người gác từ 4 giờ đến 6 giờ 30 được bồi dưỡng 0đ50
Trường hợp bình thường từ 22 giờ đến 8 giờ 30 ban chống bão lụt cơ quan xét thấy không cần thiết phải thức, chỉ cần một người ngủ chỗ có điện thoại thì giải quyết như sau:
- Các đêm thứ hai, ba, tư, năm, sáu không có bồi dưỡng.
- Các đêm thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ nghỉ được bồi dưỡng 0đ40.
b) Ban ngày:
Cán bộ, công nhân viên chức phân công gác ngày chủ nhật, ngày lễ nghỉ được bồi dưỡng theo tiêu chuẩn dưới đây:
- Người gác từ 2 giờ trở lên được bồi dưỡng 0đ40
- Người gác từ 5 giờ trở lên được bồi dưỡng 0đ80
c) Đối với cán bộ lãnh đạo được phân công thường trực ở cơ quan để giải quyết công việc cấp bách trong mùa bão lụt (ngoài cán bộ, công nhân viên canh gác) cũng được bồi dưỡng như cán bộ, công nhân viên chức.
2. Tham gia phòng chống lụt bão có tính chất trực tiếp:
Cán bộ, công nhân viên chức trực tiếp tham gia phòng chống lụt bão, cứu vớt bè mảng bị lụt trôi như: đóng cuộn, đấu khớp bè mảng, bốc dỡ hàng hoá lâm sản trọi bè, chẻ lạt, bắt song, cây bè, cứu vớt bè mảng bị trôi… được bồi dưỡng theo mức độ sau đây:
a) Tham gia trong giờ hành chính không có bồi dưỡng. Trường hợp đặc biệt vì huy động cấp bách, những người bị lỡ cơm phải ăn ngoài được phụ cấp mỗi bữa ăn 0đ60, xem như công tác phí.
b) Tham gia ngoài giờ hành chính được bồi dưỡng như sau:
- Làm dưới một giờ không có bồi dưỡng.
- Ban ngày làm từ một giờ trở lên được bồi dưỡng mỗi giờ 0đ25.
- Ban đêm làm từ 22 giờ đến năm giờ; mỗi giờ được bồi dưỡng 0đ30.
- Số giờ lẻ, dưới nửa giờ được tính nửa giờ, trên nửa giờ được tính cả giờ.
Tiêu chuẩn bồi dưỡng trên đây được áp dụng chung cho cả cán bộ, bộ đội tham gia phòng chống lụt bão, bảo vệ bè mảng lâm sản.
3. Đối với nhân dân tham gia phòng chống bão lụt, bảo vể bè mảng lâm sản:
a) Trường hợp lụt lũ bình thường (nhỏ), các đơn vị huy động một số nhân dân địa phương để củng cố và chống giữ bè mảng đựoc cơ quan trả công theo giá địa phương.
b) Trường hợp lụt bão lớn, hàng hoá nhiều đông đảo nhân dân tham gia phòng chống lụt bão hoặc bè mảng bị lụt trôi phải huy động nhiều người ra cứu vớt thì tuỳ trường hợp cụ thể để giải quyết như sau:
- Nếu quá đông người tham gia, không thể tính để trả công hoặc bồi dưỡng được thì cơ quan cần mua chè nước mời nhân dân uống và cảm ơn nhân dân.
Những người làm từ nửa ngày trở lên cũng được trả công như trường hợp trên.
Nếu địa phương nào có thể áp dụng chế độ bồi dưỡng như cán bộ thì không trả công, nếu trả công thì không bồi dưỡng.
Các đơn vị cần liên hệ với Ủy ban hành chính, cơ quan lương thực địa phương để chuẩn bị một ít lương thực và căn cứ những tiêu chuẩn trên, tổ chức nấu bồi dưỡng kịp thời trong lúc làm công tác phòng chống lụt bão không nên phát tiền cho anh chị em, trừ trường hợp những người gác lẻ tẻ.
Y tá, cấp dưỡng, người phục vụ trong lúc phòng chống lụt bão cũng được tính trong diện tham gia, để bồi dưỡng.
III. ĐỀ PHÒNG VÀ TRỢ CẤP TAI NẠN LAO ĐỘNG
Cán bộ lãnh đạo các đơn vị cần đặc biệt chú ý công tác bảo hộ lao động đối với những người tham gia phòng chống lụt bão. Trong lúc huy động nhiều người tham gia phòng chống lụt bão cần phải có kế hoạch phân công cụ thể, có người hướng dẫn về chuyên môn và tuyên truyền bảo hộ lao động để đề phòng tai nạn lao động, tăng năng suất lao động và chống lãng phí thời gian lao động. Nơi có điều kiện cần dùng loa phóng thanh để tuyên truyền công tác bảo hộ lao động.
Trong lúc chờ đợi Chính phủ ban hành chế độ trợ cấp tai nạn lao động đối với những người tham gia phòng chống lụt bão, căn cứ Thông tư số 943-NL ngày 01-12-1959 của Bộ Nông lâm về chế độ bảo hộ lao động đối với Sơn-tràng: Tổng cục quy định chi tiết thi hành như sau:
1. Các đơn vị có bè mảng, ngoài dụng cụ bảo hộ lao động trang bị thường xuyên cho công nhân cố định theo tiêu chuẩn phải dự trữ thêm một số cần thiết như: phao bơi, mũ lá áo mưa… để cho những người khác mượn dùng, lúc tham gia phòng chống lụt bão.
2. Những thứ dụng cụ bảo quản có liên quan đến công tác bảo hộ lao động như: đèn, đóm, thuyền, mảng…cần phải dự trữ đầy đủ để dùng lúc có lụt bão. Mỗi đơn vị phải có một hộp thuốc cấp cứu và cần phân công người phụ trách (nơi có Y tá phân công cho Y tá) mang ra tại hiện trường để cấp cứu lúc cần thiết. Trong mùa rét cần phải chú ý mua sắm củi, dầu, gừng để chống rét.
3. Trong thời gian phòng chống lụt bão mỗi ngày hoặc một đêm mỗi người tham gia được dự trù 0đ02 (hai xu) để mua nước uống.
4. Trường hợp nhân dân tham gia phòng chống lụt bão bị thương, cơ quan có trách nhiệm chở tới bệnh viện, đề nghị bệnh viện ưu đãi điều trị theo tiêu chuẩn của người bị tai nạn lao động và miễn hoặc giảm viện phí cho bệnh nhân (nếu là đồng bào miền núi được điều trị theo chế độ của đồng bào miền núi). Tiền viện phí còn lại (trừ số tiền bệnh viện đã giảm hoặc miễn), tiền tàu xe đi, về và tiền ăn trong thời gian nằm viện của bệnh nhân do cơ quan thanh toán.
Nếu sau khi ra viện, bệnh nhân bị thương tật, gia đình gặp khó khăn, cơ quan có thể xét trở cấp một số tiền dưới 50 đồng và đề nghị chính quyền, đoàn thể, hợp tác xã địa phương giúp đỡ về mọi mặt.
5. Trường hợp không may, trong lúc phòng chống lụt bão có người chết vì tai nạn lao động, cơ quan có trách nhiệm mai táng theo tiêu chuẩn trong điều lệ bảo hiểm xã hội.
Đối với gia đình có gặp khó khăn, cơ quan đề nghị Chính quyền đoàn thể địa phương giúp đỡ mọi mặt và kiếm công việc cho những người trong gia đình chưa có việc. Mặt khác đề nghị Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh xét hoàn cảnh gia đình dùng quỹ cứu tế địa phương giúp đỡ phần nào (Chỉ thị số 70 của Ban chỉ huy chống lụt trung ương có nói vấn đề này). Ngoài ra cơ quan có thể xét trợ cấp một số tiền dưới 100 đồng cho gia đình người bị nạn.
1. Những chi phí quy định trong thông tư này được ghi vào mục “phí tổn khác” “trong khoản” phí bảo quản thu mua tiêu thụ “thuộc phí” lưu thông hàng hoá đối với Xí nghiệp được chi vào khoản “quản lý phí xí nghiệp”. Nhưng nếu mỗi năm một đơn vị hạch toán kinh tế đã chi tiêu 1.200 đồng thì số dư từ 1.200 đồng trở lên sẽ tính vào khoản “lỗ lãi khác”.
2. Những khoản tiền quy định trên đây do các Sở, Ty, Phòng Lâm nghiệp, Công ty, phân cục Lâm sản, Lâm trường xí nghiệp trung ương duyệt cho trạm, cửa hàng, kho, đội, xí nghiệp, Lâm trường (địa phương)… chi tiêu, ta phải tổng kết báo cáo về Tổng cục biết để nắm tình hình chung.
Thông tư này thi hành kể từ ngày ban hành và chỉ có giá trị trong thời gian chờ đợi chế độ chung của Chính phủ đối với vấn đề này; những thông tư chỉ thị trước đây về chế độ khen thưởng thù lao chống bão lụt trái với thông tư này đều bãi bỏ.
Các đơn vị nghiên cứu thi hành, có gì mắc mớ thì báo cáo cho kịp thời về Tổng cục để Tổng cục rút kinh nghiệm bổ sung đầy đủ hơn.
K.T. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
Thông tư 62 LN-VC năm 1962 hướng dẫn chế độ khen thưởng, bồi dưỡng, trợ cấp tai nạn lao động đối với những người tham gia phòng chống bão lụt bảo vệ bè mảng lâm sản do Tổng cục lâm nghiệp ban hành
- Số hiệu: 62LN-VC
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 24/09/1962
- Nơi ban hành: Tổng cục Lâm nghiệp
- Người ký: Nguyễn Văn Phương
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 40
- Ngày hiệu lực: 24/09/1962
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định