Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 592-TTg

Hà Nội, ngày 09 tháng 12 năm 1957

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH SỰ PHỐI HỢP TRONG VIỆC PHÂN CẤP QUẢN LÝ CHỈ TIÊU KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC VÀ CHỈ TIÊU TÀI CHÍNH

Hiện nay, việc quản lý công tác có nhiều chỗ không ăn khớp với việc quản lý tài chính.

Khi lập dự án kế hoạch Nhà nước, Trung ương giao con số kiểm tra kế hoạch, nhưng chậm giao chỉ tiêu về tài chính nên địa phương hoặc lúng túng không lập được kế hoạch, hoặc lập kế hoạch không sát với khả năng tài chính của địa phương.

Trong qúa trình thực hiện kế hoạch, có Bộ giao thêm công tác không có dự trù trong dự toán của địa phương mà không bàn trước với Bộ Tài chính và Ủy ban hành chính địa phương; có trường hợp các Ủy ban hành chính dùng số kết dự của tổng dự toán địa phương để làm những công tác ngoài kế hoạch không thông qua Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Tài chính, hoặc không thực hiện chỉ tiêu vì thiếu khả năng tài chính mà không báo cáo kịp thời.

Vì tình trạng trên nên dự án kế hoạch công tác và dự án kế hoạch tài chính địa phương phải đi làm lại nhiều lần, việc thực hiện kế hoạch gặp nhiều trở ngại.

Nguyên nhân là do việc quản lý công tác và quản lý tài chính chưa kết hợp chặt chẽ và việc phân cấp quản lý kế hoạch giữa Trung ương và địa phương chưa được quy định rành mạch.

Chế độ phân cấp quản lý chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước và chế độ phân cấp quản lý tài chính đã được quy định riêng, dưới đây chỉ quy định sự phối hợp trong việc phân cấp quản lý kế hoạch và phân cấp quản lý tài chính.

Muốn việc phân chia thu chi giữa tổng dự toán Trung ương và các tổng dự toán địa phương được rành mạch, các Bộ cần căn cứ vào phương châm phân cấp quản lý kế hoạch mà phân định thật cụ thể những công tác nào của ngành mình do Trung ương phụ trách, những công tác nào do địa phương phụ trách, và thống nhất ý kiến với Bộ Tài chính để phân chia dự toán giữa Trung ương và địa phương.

Đối với những công tác do các Bộ, các ngành ở trung ương quản lý, Bộ Tài chính cấp kinh phí và các bộ, các ngành chủ quản chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc thực hiện.

Đối với những công tác do các địa phương quản lý, Ủy ban hành chính địa phương (địa phương nói đây là các địa phương thuộc cấp tổng dự toán như các Khu tự trị, các tỉnh, thành phố) cấp kinh phí và chịu trách nhiệm trước Chính phủ. Bộ chủ quản có nhiệm vụ đôn đốc, kiểm tra các Ủy ban hành chính địa phương trong việc thực hiện chỉ tiêu công tác thuộc ngành mình.

Việc kết hợp quản lý kế hoạch và quản lý tài chính sẽ theo trình tự sau đây:

1. Căn cứ vào phương châm và nhiệm vụ công tác của Chính phủ đề ra, Bộ Tài chính lập con số kiểm tra về tài chính, trên cơ sở con số kiểm tra của kế hoạch kinh tế quốc dân.

Căn cứ vào con số kiểm tra về tài chính thuộc từng ngành và chung cho toàn quốc, Bộ chủ quản đề nghị phân chia dự toán cho từng địa phương trên cơ sở con số kiểm tra về kế hoạch công tác của địa phương.

Căn cứ vào đề nghị của các Bộ và khả năng tài chính toàn quốc, Bộ Tài chính tính tỷ lệ điều tiết của các khoản thu và giao tỷ lệ điều tiết đó kịp thời với việc ban bố con số kiểm tra về kế hoạch công tác cho từng địa phương.

2. Các tỉnh căn cứ vào con số kiểm tra của kế hoạch Nhà nước và tỷ lệ điều tiết về tài chính, nhiệm vụ cụ thể và khả năng tài chính của địa phương mà lập dự toán thu, chi, kết hợp với việc lập dự án kế hoạch công tác trên tinh thần phát huy sáng kiến, khai thác khả năng tinh thần phát huy sáng kiến, khai thác khả năng tiềm tàng của địa phương.

Trong qúa trình lập dự án kế hoạch, các Bộ, thông qua các Ủy ban hành chính địa phương, hướng dẫn các cơ quan chuyên môn địa phương chi tiết hóa chỉ tiêu công tác, nhưng không giao chỉ tiêu về tài chính. Bộ Tài chính hướng dẫn và đôn đốc các địa phương lập tổng dự toán địa phương.

Các Khu, Sở, Ty tài chính kết hợp với các Khu, Sở, Ty chuyên môn lập tổng dự toán trình Ủy ban hành chính địa phương theo nguyên tắc kế hoạch công tác phải dựa trên khả năng tài chính, tài chính phải bảo đảm chỉ tiêu công tác.

Khi gửi dự án kế hoạch cho Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và tổng dự toán địa phương cho Bộ Tài chính (đồng gửi bản sao dự án kế hoạch cho Bộ Tài chính) các Ủy ban hành chính phải trích gửi cho các Bộ chủ quản phần dự án công tác và phần tổng dự án địa phương có liên quan.

3. Bộ Tài chính tổng hợp tổng dự toán các địa phương và tổng dự toán Trung ương, để lập tổng dự toán quốc gia trên cơ sở dự án kế hoạch kinh tế quốc dân.

4. Sau khi tổng dự toán quốc gia đã được Hội đồng Chính phủ thông qua, Bộ Tài chính thống tri mức thu và mức chi kịp thời với việc ban bố các chỉ tiêu công tác cho các địa phương, Ủy ban hành chính địa phương, khi giao chỉ tiêu công tác cho các ngành chuyên môn, phải giao cả chỉ tiêu về tài chính.

Các Bộ không giao về địa phương kinh phí của ngành mình thuộc tổng dự toán địa phương.

5. Trong qúa trình thực hiện kế hoạch, nếu Ủy ban hành chính địa phương hoặc Bộ chủ quản thấy không thực hiện được kế hoạch do thiếu khả năng tài chính, thì cần phát hiện vấn đề kịp thời. Cách giải quyết chủ yếu là các Ủy ban hành chính sắp xếp các công tác, điều hòa các khoản thu, chi trong phạm vi khả năng tài chính của địa phương. Nếu địa phương không giải quyết được thì báo cáo với Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Tài chính yêu cầu giải quyết.

6. Khi cần giao thêm chỉ tiêu công tác hoặc điều động thêm cho địa phương, các Bộ cần phải thảo luận trước với Bộ Tài chính để giải quyết vấn đề về kinh phí.

Thông tư này chủ yếu quy định lề lối phối hợp giữa Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, các Bộ và Bộ Tài chính, cơ quan tài chính và các cơ quan chuyên môn địa phương.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phạm Văn Đồng